Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Sau nhiều ngày đợi chờ và đồn đoán, cuối cùng mọi người cũng biết ngày 01 tháng 07 vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm Đức cha Victor Manuel Fernandez, Tổng giám mục La Plata – Argentina, làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin.
Đức Tổng Giám mục Victor Manuel Fernandez
Sở dĩ việc bổ nhiệm bị trì hoãn vì Đức cha Fernandez đã từ chối lời đề nghị của Đức Thánh Cha. Trong lá thư gửi cho cộng đoàn giáo phận, ngài cho biết: “Trong Bộ Giáo lý đức tin có một bộ phận lo về các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên, và tôi thấy mình không có khả năng cũng như không được đào tạo về lãnh vực này; do đó cách đây 1 tháng tôi đã thưa với Đức giáo hoàng rằng tôi không nhận lời. Tôi trả lời mà lòng đau đớn vì Đức giáo hoàng nay đã già và ngài cần những người ngài tin tưởng ở gần bên”.
Dù vậy Đức giáo hoàng vẫn tiếp tục bày tỏ ý muốn đưa Đức cha Fernandez về Roma như Đức cha cho biết: “Cách đây ít ngày, khi Đức giáo hoàng phải nhập viện, ngài lại hỏi tôi về việc này. Làm sao tôi có thể khước từ? Nhưng ngài giúp tôi dễ dàng quyết định hơn khi cho tôi biết tôi không cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến chuyện lạm dụng trẻ vị thành niên, vì đã có một đội ngũ các chuyên viên lo việc này rất tốt và có thể làm việc hầu như độc lập. Điều ngài cần là một Bộ trưởng dành nhiều thời giờ hơn cho công việc chính của Bộ là Giáo thuyết đức tin”. Và Đức Tổng giám mục Fernandez đã nhận lời.
Trong dịp bổ nhiệm này, Đức giáo hoàng Phanxicô còn gửi thư riêng cho Đức TGM Fernandez, qua đó cho thấy quan điểm của ngài về vai trò của Bộ Giáo lý đức tin nói riêng và tầm nhìn về Giáo Hội nói chung.
Ngài mong muốn Bộ Giáo lý đức tin lo vun trồng lúa hơn là tập trung diệt cỏ lùng (x. Mt 13,24-30): “Nhiệm vụ chính của Bộ Giáo lý đức tin là bảo vệ giáo huấn phát xuất từ đức tin…trình bày những lý do của niềm hi vọng nơi chúng ta, chứ không như một đối thủ phê phán và lên án (Evangelii gaudium, 271). Trong những thời đại khác, Bộ này đã sử dụng những phương pháp thiếu đạo đức. Đó là những lúc người ta săn đuổi những lầm lạc có thể có về giáo thuyết hơn là thúc đẩy kiến thức thần học”; “Giáo Hội cần phát triển trong việc giải thích Lời mặc khải và sự hiểu biết đức tin (EG 40) mà không áp đặt cách diễn tả duy nhất. Bởi lẽ các trào lưu tư tưởng khác nhau về triết học, thần học và thực hành mục vụ, nếu biết mở ra để giao hòa nhờ Thánh Thần, trong sự tôn trọng và tình yêu, đều có thể làm cho Giáo Hội lớn lên” (EG 40). Sự phát triển hài hòa này giúp bảo vệ giáo thuyết Kitô cách hiệu quả hơn bất cứ nỗ lực kiểm soát nào”.
Đức giáo hoàng cũng quan tâm đến một thần học mang tính mục vụ nhiều hơn là thuần lý. Ngài cho rằng Đức cha Fernandez đã đảm nhận những nhiệm vụ về tư tưởng thần học như Khoa trưởng phân khoa thần học ở Buenos Aires; Chủ tịch Hiệp hội thần học Argentina; Chủ tịch Ủy ban Đức tin và Văn hóa của các Giám mục Argentina; Viện trưởng Giáo hoàng học viện Argentina; ngoài ra còn là Cha sở giáo xứ Santa Teresita và hiện nay là Giám mục Giáo phận La Plata. Đức giáo hoàng cho rằng qua những nhiệm vụ đó, Đức cha Fernandez “biết cách đưa kiến thức thần học đối thoại với đời sống của Dân Chúa”, thay vì thứ “thần học bàn giấy với lý luận lạnh lùng và khô khan nhằm thống trị mọi sự”. “Chúng ta cần những suy nghĩ về việc trình bày cách thuyết phục về Đấng Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và kêu gọi họ phục vụ trong tình huynh đệ”.
Nhiệm vụ chính của Bộ “làm gia tăng sự hiểu biết và thông truyền đức tin để phục vụ Phúc âm hóa, để ánh sáng Phúc Âm trở thành tiêu chuẩn trong việc tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, nhất là khi đối diện với những vấn đề mà tiến bộ của các ngành khoa học và sự phát triển xã hội đặt ra” (Fidem servare, số 2); nhờ đó Giáo hội “bước vào cuộc đối thoại với tình hình hiện nay, một tình hình chưa từng có trong lịch sử nhân loại”.
Việc bổ nhiệm này đã và đang gây nhiều ý kiến trái chiều, dù sao chăng nữa, cũng cho thấy sự cương quyết của Đức giáo hoàng Phanxicô trong việc vạch ra một hướng đi mới cho Bộ Giáo lý đức tin cũng như cho đời sống đức tin của toàn thể Dân Chúa.
Nguồn: giaophanmytho.net