(Romereport, 22-08)Liên hiệp quốc đang đối diện với những thách đố trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập. Giữa những thách đố đó, Đức Giáo Hoàng ưu tư đặc biệt cho vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Vào ngày 25 tháng 9 tới đây, Ngài sẽ có một bài diễn thuyết trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Tại đó, Ngài sẽ có cơ hội để nói một cách trực tiếp với các đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới về những chủ đề mà Ngài đã viết trong thông điệp “Laudato Si”. Đó sẽ là một khoảnh khắc quyết định trong chuyến viếng thăm nước Mỹ của Đức Thánh Cha.
Jeffrey Sachs, làm việc tại Earth Institute thuộc đại học Columbia nước Mỹ, cho rằng: “Thật hồi hộp! Đó không chỉ là cơ hội để Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới mà còn là ngày để những mục tiêu phát triển bền vững có thể được thông qua. Đó là một thời cơ tuyệt vời để mọi người ý thức hơn về những điều Ngài đang nói và nhận ra rằng chúng ta cần thay đổi đến thế nào.”
Jeffrey Sachs là chuyên viên về môi trường, cố vấn cho Liên Hiệp Quốc và giám đốc của Earth Institute thuộc đại học Columbia. Ông là một trong 200 người đã giúp Đức Giáo Hoàng Phanxicô soạn thảo thông điệp nói trên. Ông ta hy vọng rằng sự can thiệp của Đức Thánh Cha tại New York sẽ đóng vai trò quyết định trong việc khơi lên nhận thức và thúc giục các nhà lãnh đạo hành động trong cuộc họp thượng đỉnh về môi trường tại Paris.
Jeffrey Sachs: “Laudato Si là một thông điệp tuyệt vời và truyền cảm hứng. Nó đã đụng chạm đến toàn thế giới. Nó là tiếng gọi cho một tư duy đổi mới tận căn, và tôi cho rằng nó sẽ đem đến một hiệu quả sâu sắc và có tính biến đổi.”
Đức Thánh Cha nói rằng Laudato Si không chỉ là một thông điệp về môi trường mà còn là một thông điệp xã hội, bởi lẽ các vấn đề về môi trường và con người thì luôn liên hệ với nhau. Đó chính là chủ đề mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong bài diễn thuyết trước Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) vào tháng 11 năm 2014.
Ngày 25 tháng 11 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, con người đôi khi thứ tha nhưng trái đất thì không bao giờ tha thứ.”
Trước Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha sẽ không chỉ diễn thuyết về biến đổi khí hậu mà còn về hòa bình, công bằng và phát triển xã hội. Đó sẽ là cơ hội then chốt để thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới hành động.
Chuyển ngữ: Huy Trần, S.J.