Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Trong tiếng Do-thái có nhiều từ được dịch là ‘hy vọng’, nhưng từ có nghĩa nổi bật nhất là תִּקְוָה /tiqvah (Hy-lạp: ἐλπίς, ἐλπίδος /elpis, elpidos; hope, espérance). Hy vọng được diễn tả như là sự khao khát, mong mỏi, đợi chờ, tự tin vào điều tốt lành sẽ xảy đến trong tương lai. Hy vọng của con người vừa mang tính cá nhân (personal hope), vừa mang tính cộng đoàn (communal hope), vừa mang tính hoàn vũ (universal hope). Hy vọng được xem là trung gian giữa hiện tại và tương lai, giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa sự chết và sự sống, giữa tội lỗi và thánh thiện, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Hy vọng là đặc tính chung của các tôn giáo trên thế giới. Đối với Ki-tô Giáo, hy vọng (đức cậy /ἐλπίς) cùng với đức tin (πίστις) và đức mến (ἀγάπη) là ba nhân đức nền tảng, cũng là ‘ba món quà’ vô giá mà Thiên Chúa ban tặng con người. Trong đó, đức cậy liên kết đức tin với đức mến, đồng thời, ba nhân đức định nghĩa, giải thích và diễn tả cho nhau.
Hy vọng giúp con người vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian cũng như các giới hạn khác của thế giới thụ tạo. Hy vọng thật bền bỉ, lâu dài, siêu việt và là thứ còn lại sau khi con người mất hết mọi sự trong thế giới này. Hy vọng tiếp tục hiện diện và hoạt động cho đến khi con người đạt được mục đích mong muốn. Hy vọng giúp con người vượt qua những bấp bênh của thời cuộc. Hy vọng như là ‘chiếc phao cuối cùng’ của con người trong cảnh cùng cực, lầm than, khốn khổ. Người ta có thể giết chết một con người, một gia đình, một dân tộc nhưng không thể giết chết hy vọng của con người, của gia đình hay của dân tộc đó. Hy vọng đích thật là động lực giúp con người sống và hành động xứng hợp với phẩm giá của mình, đồng thời, tạo điều kiện cho con người hiện tại hóa những điều mình mong mỏi đợi trông. Hy vọng thúc đẩy con người quan tâm hơn những gì cho phép mình đạt được mục đích tốt đẹp trong tương lai. Hy vọng cung cấp năng lượng để con người có thể hoàn thành những công việc mà với bản năng tự nhiên thì không thể thực hiện được. Đặc biệt, hy vọng giúp con người luôn lạc quan trong mọi biến cố của cuộc sống và sẵn sàng biến đổi sao cho gần gũi với điều mình hy vọng hay người mình hy vọng nhất.
Người sống trong hy vọng luôn bình an trước những nghịch cảnh hay thách đố của cuộc sống thường ngày. Người sống trong hy vọng không bao giờ cô đơn, ngay cả khi ở một mình. Kinh nghiệm của các thánh nhân cho chúng ta nhận thức rằng người sống trong hy vọng không phải là người nhu nhược, yếu thế, nhưng là người có cảm thức mãnh liệt về những điều cao cả, tốt đẹp, lành thánh cho dù mình không thể hiểu biết hay kinh nghiệm đầy đủ. Là con người, ai cũng hy vọng rằng mình sẽ có tương lai xán lạn hơn. Không hy vọng là không có gì, thiếu hy vọng là thiếu mọi thứ, mất hy vọng là mất tất cả. Cuộc sống của người không hy vọng thật chật chội, cô quạnh, nghèo nàn, vô nghĩa, không lối thoát. Chính hy vọng làm cho con người sống và hành động có ý nghĩa, đem lại lợi ích tốt đẹp cho bản thân, cũng như anh chị em đồng loại. Người sống không hy vọng hay hy vọng hão huyền cũng là người gây nên muôn vàn đau khổ cho bản thân, gia đình, xã hội. Ai gieo vãi hy vọng chân thành, người đó sẽ gặt hái được hoa thơm trái ngọt của sự thật và sự sống.
Hy vọng, đặt nền tảng trên đức tin, là chủ đề lớn trong Kinh Thánh. Từ ‘hy vọng’ xuất hiện đầu tiên trong sách Rút, là lời căn dặn của bà Na-o-mi với hai con dâu của bà (R 1,12). Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, trực tiếp hay gián tiếp, tất cả các sách Kinh Thánh đều quan tâm đặc biệt chủ đề này. Ngay những chương đầu tiên của sách Sáng Thế, chủ đề hy vọng đã được diễn tả. Chẳng hạn, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban sự giải thoát bằng việc cho con người hy vọng rằng dòng giống người phụ nữ sẽ đạp đầu con rắn, tác nhân gây nên tội lỗi (St 3,15). Những nhân vật đặc biệt trong Kinh Thánh như A-ben, Nô-ê, Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Đa-vít là những người hy vọng điển hình. Khi Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham rằng ‘Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn’, ông đã hy vọng vào lời của Thiên Chúa và từ đó ông hằng vâng phục thánh ý Người (St 12,1-9). Sau này chính thánh Phao-lô cũng đề cập hy vọng của Áp-ra-ham vào Thiên Chúa trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 4,18-25). Bà Giu-đi-tha là mẫu gương hy vọng cho dân Do-thái cũng như những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa: “Đến muôn đời muôn thuở, những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy bà đặt nơi Người” (Gđt 13,19). Hy vọng trong Cựu Ước mang nhiều sắc thái đa dạng, chẳng hạn như chỉ người sống mới hy vọng: “Chỉ những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hy vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết” (Gv 9,4); hy vọng của người ngay và kẻ gian: “Khát vọng của chính nhân ắt sẽ được thành tựu, hy vọng của kẻ ác đáng chịu thịnh nộ thôi” (Cn 11,23); tránh hy vọng vào người tự kiêu: “Nếu con gặp một kẻ tự cho mình là khôn, thì thà hy vọng vào đứa ngu còn hơn” (Cn 26,12).
Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa là nguồn gốc cũng như nền tảng của các hình thức hy vọng chân thành trong thế giới thụ tạo. Đồng thời, hy vọng cũng là sự diễn tả lòng thành của con người đối với Thiên Chúa, chẳng hạn như: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che: Tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,6-7); “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở lời Ngài” (Tv 119,114). Hy vọng là chủ đề lớn nơi các sách ngôn sứ, chẳng hạn như: “Lạy Đức Chúa, Ngài là niềm hy vọng của Ít-ra-en, là Đấng cứu thoát trong cơn khốn quẫn” (Gr 14,8); “Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng” (Hs 2,17). Hy vọng vào sự sống vĩnh cửu được đề cập khá nhiều trong những sách được viết vào những thế kỷ gần với biến cố Giáng Sinh của Đức Giê-su, chẳng hạn như ông Gióp nói: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,26-27); “Vì vậy, các con hãy tâm niệm rằng: Từ đời này qua đời khác, hết những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa sẽ không bị suy tàn” (1 Mcb 2,61); “Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (Kn 3,4).
Kinh Thánh Cựu Ước nhấn mạnh chiều kích tập thể của hy vọng hơn là chiều kích cá nhân. Chẳng hạn, khi Thiên Chúa mặc khải danh Người là ‘Đấng Hiện Hữu’, Người truyền cho Mô-sê nói với dân Do-thái: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em” (Xh 3,15). Dân Do-thái luôn đặt hy vọng vào giao ước cũng như lời hứa của Thiên Chúa đối với cha ông họ. Trong khi Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín với giao ước và lời hứa của Người thì dân Do-thái lại phản loạn, bất tuân. Dưới ách nô lệ Ai-cập, Mô-sê đã dẫn dắt dân Do-thái trong hành trình 40 năm vượt qua sa mạc để đạt được hy vọng là về Đất Hứa. Đây cũng là hành trình đầy gian nan, thử thách về hy vọng của dân này. Dưới thời Đa-vít và sau đó là Sa-lô-môn, dân Do-thái hy vọng rằng vương quốc của họ sẽ trường tồn vạn kỷ, nhưng hy vọng đó đã không trở thành hiện thực bởi vì vương quốc Do-thái hùng mạnh đã suy tàn. Trong thời lưu đày Ba-by-lon, dân Do-thái luôn hy vọng trở về quê cha đất tổ: “Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn” (Tv 137,1-2). Sau đó, dân Do-thái được hồi hương và xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Hy vọng về sự phục hồi vương quốc của dân này lại được diễn tả cách mãnh liệt.
Một trong những hy vọng lớn lao nhất của dân Do-thái thời Cựu Ước là sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Những tiên báo về Người được đề cập cách đặc biệt trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2). Trong Tân Ước, với lăng kính ‘hy vọng’, thánh Phao-lô gợi lại trích đoạn này như sau: “Từ gốc tổ Gie-sê sẽ xuất hiện một mầm non, một Đấng sẽ đứng lên lãnh đạo chư dân. Chư dân sẽ hy vọng nơi Người” (Rm 15,12). Khi Đức Giê-su xuất hiện, tâm tình hy vọng của dân Do-thái về Đấng Mê-si-a vẫn còn cháy bỏng. Chẳng hạn, trong biến cố tiến dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa, thánh Lu-ca trình thuật rằng: “Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông” (Lc 2,25). Thánh Lu-ca cũng trình thuật sự gặp gỡ giữa bà An-na và Hài Nhi Giê-su trong dịp này: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Lc 2,38). Với biến cố nhập thể, Đức Giê-su trở thành ‘Chiếc Cầu Hy Vọng’ nối kết vĩnh cửu với thời gian, bản tính Thiên Chúa với bản tính con người, môi trường thánh thiện với môi trường tội lỗi.
Trong buổi đầu loan báo Tin Mừng, khi thấy Đức Giê-su đi ngang qua, thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su với những người chung quanh: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Là dân Do-thái, ai cũng thấm nhuần biến cố vượt qua từ ách nô lệ Ai-cập về với Đất Hứa Ca-na-an. Đặc biệt, biến cố này khởi đầu với việc dân Do-thái vâng lệnh Thiên Chúa sát tế chiên con, lấy máu bôi lên cửa như là dấu hiệu để được thoát khỏi hành động của thần tru diệt (Xh 12,1-14). Đức Giê-su là ‘Chiên Thiên Chúa’, nghĩa là Chiên đem lại hy vọng cho dân Do-thái và cho mọi người. Chiên hiến tế của dân Do-thái qua muôn thế hệ là chiên được sử dụng để bày tỏ hy vọng. Còn Đức Giê-su là Chiên vẹn toàn, Đấng dẫn đưa mọi người trong gia đình nhân loại không phải thoát nô lệ Ai-cập hay bất cứ hình thức nô lệ nào trong xã hội loài người mà là nô lệ ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Đây là hình thức nô lệ đau khổ và đáng sợ hãi nhất.
Khi tiếp xúc với mọi người, Đức Giê-su đã thực thi nhiều phép lạ để chữa lành những kẻ bệnh tật, đau yếu, bị quỷ ám hay hồi sinh kẻ chết. Qua các phép lạ đó, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Thiên Chúa và sự hiện diện của Người đáp ứng hy vọng sâu thẳm nhất của con người. Đồng thời, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng họ cần có cái nhìn xa hơn những gì họ đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến. Lời nói và việc làm của Đức Giê-su vừa đáp ứng hy vọng hiện tại của con người, vừa mời gọi con người hướng về phía trước. Chẳng hạn, khi làm cho La-da-rô hồi sinh, Đức Giê-su mời gọi mọi người hướng về sự sống vĩnh cửu chứ không phải là sự sống thể xác được hồi sinh (bởi vì, với thời gian, ai cũng phải chết). Như vậy, sự chữa lành bệnh tật, trừ quỷ hay hồi sinh kẻ chết là những dấu chỉ hy vọng giúp con người hướng về sự ‘chữa lành toàn vẹn’ (tinh thần và thể xác) trong ngày sau hết. Qua việc hồi sinh kẻ chết, Đức Giê-su mời gọi mọi người đặt niềm tin và hy vọng vào sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Câu chuyện Đức Giê-su chữa người nô lệ của viên đại đội trưởng cho mọi người thấy sự liên kết giữa đức tin và hy vọng. Viên đại đội trưởng có người nô lệ bị bệnh nặng gần chết. Ông nhờ mấy kỳ mục Do-thái đến xin Đức Giê-su cứu chữa. Khi Người tới gần nhà ông thì ông sai bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7,6-7). Đức Giê-su nói với đám đông: “Tôi nói cho các ông hay: Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9). Khi người ta về tới nhà thì thấy người nô lệ đã lành bệnh. Câu chuyện cho mọi người bài học rằng đức tin và hy vọng đi đôi với nhau: Ai tin tưởng chân thành thì đạt được điều mình hy vọng. Đức tin và hy vọng là động lực giúp con người quan tâm đến hoàn cảnh hiện tại và biến đổi đời sống mình, hầu có thể diễn tả đức tin và hy vọng cách chân thành và xứng hợp nhất.
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với những ai đặt niềm hy vọng nơi Người. Câu chuyện ‘người cha nhân hậu’ cho mọi người biết điều đó (Lc 15,11-32). Người con thứ sau khi được chia gia tài đã tự ý ra đi với hy vọng được tự do và ăn nên làm ra. Tuy nhiên, anh ta đã trở thành nô lệ, mất tất cả, mất luôn phẩm giá của mình bởi vì muốn ăn đồ của heo mà người ta không cho. Anh ta nghĩ về người cha, nghĩ về gia đình mà anh đã từ bỏ ra đi với hy vọng rằng khi trở về thì ít ra anh ta cũng được ‘cơm no áo ấm’ như những người làm công cho cha mình. Anh hy vọng điều anh sẽ ‘có’ (to have) như những người làm công nơi nhà cha anh. Tuy nhiên, khi về tới nhà thì người cha đã cư xử với anh như ‘chưa hề có cuộc chia ly’ và còn hơn thế nữa. Cụ thể, người cha đối xử với anh như anh ‘là’ (to be). Quả thực, ‘là con người’ thì quan trọng hơn ‘con người có’ (‘to be’ quan trọng hơn ‘to have’). Hy vọng của người con thật nhỏ bé (đủ ăn đủ mặc) so với tình thương của người cha (áo đẹp, nhẫn sang, dép mới, thịt bê béo). Đặc biệt, mặc dù tội lỗi bất xứng của người con thật lớn, người cha vẫn trả lại phẩm giá cho người con vì ‘con là con của cha’. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng điều quan trọng không phải là những gì con người ‘có’ khi đặt hy vọng vào Thiên Chúa mà là nhờ Đức Giê-su, con người trở nên con cái Thiên Chúa, con người ‘là’ con cái Thiên Chúa. Câu chuyện này giúp mọi người nhận thức rằng những gì con người hy vọng thì quá nhỏ bé so với những gì Thiên Chúa ban tặng, như lời của thánh Phao-lô: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).
Là con người giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi, Đức Giê-su cũng sống trong hy vọng. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cùng các môn đệ ăn lễ Vượt Qua. Người nói: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15-16). Trên thập giá, Đức Giê-su vừa diễn tả hy vọng, vừa diễn tả sự vâng phục của Người đối với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Như mỗi người chúng ta, trước cái chết, Đức Giê-su cũng sợ hãi và xin Chúa Cha cho được thoát khỏi cảnh chết chóc. Tuy nhiên, Đức Giê-su luôn vâng phục, phó thác theo thánh ý Chúa Cha. Đây thật là điều quan trọng giúp chúng ta luôn biết hy vọng, đồng thời, mời gọi chúng ta hãy phó thác cho Thiên Chúa, vâng phục chương trình của Người hơn là chương trình chúng ta vạch ra cho bản thân mình.
Qua nhiều thế hệ, dân Do-thái hy vọng, chờ đợi Đấng Mê-si-a trần thế, Đấng Mê-si-a đem lại cho họ phú túc giàu sang, đánh bại quân thù, của cải đầy dư. Họ mong chờ Đấng Mê-si-a giải phóng họ khỏi ách nô lệ của các thế lực văn hóa, chính trị, xã hội như Đa-vít đã làm. Đức Giê-su đến để kiện toàn hy vọng của dân Do-thái cũng như mọi người trong gia đình nhân loại thì dân Do-thái lại không sẵn sàng đón nhận thực tế đó. Họ muốn Đấng Mê-si-a theo ý mình hơn là định dạng tâm trí mình theo thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, trong khi dân Do-thái đợi trông Đấng Mê-si-a trần thế, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Đấng Mê-si-a thiên quốc. Điều này đã được diễn tả trong Tin Mừng qua lời tuyên xưng của thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô [Mê-si-a], Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); “Thầy là Đấng Ki-tô [Mê-si-a] của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Đức Giê-su đến để giải phóng nhân loại khỏi ‘ách nô lệ tận căn’ là tội lỗi và sự chết. Đức Giê-su diễn tả Người là Đấng Mê-si-a không dành riêng cho một bộ tộc, dân tộc hay vương quốc đặc thù nào mà là cho mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Một mặt, Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đã được các ngôn sứ loan báo. Mặt khác, Người là Đấng Mê-si-a vượt quá kinh nghiệm của mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đến từ Thiên Chúa để nối kết Thiên Chúa với loài người, hầu biến cải con người theo chương trình của Thiên Chúa.
Không chỉ những người Do-thái ít tiếp cận với Đức Giê-su, các môn đệ thân tín của Người cũng không nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh đích thật của Người. Trong hành trình theo Đức Giê-su, các môn đệ đã chứng kiến nhiều điềm thiêng dấu lạ nhưng hy vọng của họ không khác lắm so với những người chung quanh. Chẳng hạn, trên đường tới Giê-ru-sa-lem, các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là Người lớn nhất. Đức Giê-su cho họ biết rằng người lớn nhất phải là người trở nên nhỏ nhất, sống đời khiêm hạ, phục vụ anh em mình (Mc 9,35). Các môn đệ hy vọng rằng với quyền năng siêu phàm, Đức Giê-su sẽ chiến thắng tất cả. Nhưng hy vọng của họ đã không trở thành hiện thực bởi vì Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, cái chết nhục nhã nhất mà con người đã thực hiện trong dòng lịch sử. Trước cái chết đó, các môn đệ đã thất vọng não nề vì sự lên ngôi của các thế lực sự dữ, của đêm tối, của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Tuy nhiên, cái chết Đức Giê-su trên thập giá không phải là chương cuối trong câu chuyện của Người, chương cuối là biến cố phục sinh. Quả thực, biến cố phục sinh của Đức Giê-su đem lại cho các môn đệ cũng như mọi người trong gia đình nhân loại niềm hy vọng khôn tả. Biến cố này là cốt lõi và cũng là đỉnh điểm trong chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại được Đức Giê-su thực hiện.
Khởi đầu thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô viết: “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta, gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin” (1 Tm 1,1-2). Thông thường chúng ta đặt hy vọng vào cái gì đó, trong khi thánh Phao-lô khẳng định Đức Giê-su là Hy Vọng của chúng ta. Như vậy, với thánh Phao-lô, hy vọng đích thật của chúng ta phải là hy vọng vào ai (who) chứ không phải là hy vọng vào cái gì (what). Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không chỉ cho chúng ta biết rằng Người là nguồn hy vọng hay đem lại hy vọng cho chúng ta mà chính là Hy Vọng. Tương tự như thánh Phao-lô, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Lề Luật đã chẳng làm cho cái gì nên hoàn hảo; đàng khác, một niềm hy vọng tốt đẹp hơn đã được đưa vào thay thế, nhờ đó chúng ta đến gần Thiên Chúa” (Dt 7,19). Niềm hy vọng tốt đẹp hơn ‘là ai’ vậy? Thưa, Đức Giê-su là người đó. Người là Thượng Tế vĩnh cửu, Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời mà đến với nhân loại (Dt 4,14). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái minh định rõ hơn về Người: “Chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,24-25). Thánh Phê-rô cũng diễn tả tương tự rằng, nhờ Đức Giê-su, “chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động” (1 Pr 1,3).
Chúng ta biết rằng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người là Đường. Đồng thời, Người cũng nói với họ rằng Người là Đường duy nhất dẫn họ đến Chúa Cha (Ga 14,6). Đường của Đức Giê-su là Đường gì vậy? Thưa, đó là Đường Hy Vọng, vì Đường này dẫn tới tương lai vĩnh cửu. Ai đi trên Đường này thì đến được với sự sống và sự thật vẹn toàn. Ai đi trên Đường này thì được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa luôn mãi. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đến với Đức Giê-su là Đấng Hy Vọng, theo Đức Giê-su là Đường Hy Vọng. Hãy để Đức Giê-su là Đấng Hy Vọng và là Đường Hy Vọng đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong hành trình trần thế đầy phong ba bão táp này. Hãy cộng tác với Đức Giê-su là Đấng Hy Vọng và là Đường Hy Vọng trong việc biến đổi bản thân và các hình thức cộng đoàn mà chúng ta tham dự. Hãy cùng với Đức Giê-su là Đấng Hy Vọng và là Đường Hy Vọng đến với những người yếu đuối, mọn hèn, những người đang phải đương đầu với muôn vàn đau khổ trong cuộc sống hằng ngày.
Trong gia đình nhân loại không ai có thể tưởng tượng được cách thức Thiên Chúa đáp ứng hy vọng của con người như vậy: Đức Giê-su, vị Thiên Chúa khiêm hạ, vị Thiên Chúa thiếu thốn, vị Thiên Chúa không có chỗ nương thân, vị Thiên Chúa khóc thương kẻ chết, vị Thiên Chúa đẫm ướt mồ hôi, vị Thiên Chúa sống trong hy vọng. Vị Thiên Chúa như vậy có đáng tin chăng? Ngay cả hôm nay, nhiều người vẫn khó chấp nhận thực tế này. Đau khổ của Đức Giê-su, hy vọng của Đức Giê-su thật lớn lao. Đức Giê-su chịu đau khổ lớn lao bởi vì Người mang toàn bộ tội lỗi và đau khổ của mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế mà đưa lên cây thập giá (1 Pr 2,24). Kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức rằng đau khổ càng nhiều thì hy vọng càng lớn. Do đó, hy vọng của Đức Giê-su là hy vọng thật lớn lao bởi vì Người mang toàn bộ hy vọng của con người trong chính bản thân Người. Đặc biệt, như đề cập ở trên, niềm hy vọng đạt tới đỉnh điểm trong biến cố phục sinh của Người.
Đức Giê-su phục sinh khơi nguồn hy vọng sống động cho con người qua mọi thời đại. Nói cách khác, với biến cố phục sinh, Đức Giê-su trở thành Hy Vọng không thể lay chuyển cho mọi người trong gia đình nhân loại bởi vì Người đã tiêu diệt sự chết và đem lại sự sống cho mọi người. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Phao-lô nói: “Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử” (Cv 23,6). Với thánh nhân, Đức Giê-su phục sinh cho con người lý do chính đáng nhất để hy vọng bởi vì nếu Đức Giê-su không phục sinh thì lời rao giảng của thánh nhân về Người thật trống rỗng và đức tin của người tín hữu cũng trống rỗng (1 Cr 15,14). Thánh Phao-lô cũng viết cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su” (1 Tx 4,13-14). Đức Giê-su phục sinh đem lại cho nhân loại nhận thức rằng Người là Nguồn Sống, là Sự Sống và là Đấng trao ban sự sống cho con người, sự sống trong hành trình trần thế và sự sống vĩnh cửu.
Trong thư gửi Ti-mô-thê, trước khi viết rằng Đức Giê-su là Hy Vọng của con người, thánh Phao-lô viết rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ con người, nghĩa là Đấng ban cho con người sự sống vĩnh cửu bởi vì hy vọng vào sự sống vĩnh cửu là hy vọng cao cả nhất trong tất cả các hình thức hy vọng của con người. Trong lời nguyện cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, có người giàu có đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Hy vọng cao cả nhất của con người là ơn cứu độ vĩnh cửu, là sự sống vĩnh cửu. Hy vọng này là ‘trung tâm’ và ‘đỉnh cao’ của đức cậy. Hy vọng này giúp con người biết định hướng tâm hồn và thể xác của mình về phía Thiên Chúa, Đấng mà con người hằng mong mỏi đợi trông. Nói cách khác, hy vọng lớn lao, hy vọng sâu thẳm, hy vọng đích thật của con người là hy vọng cánh chung. Nghĩa là, nhờ Đức Giê-su, con người được liên kết với Thiên Chúa luôn mãi. Thánh Phao-lô viết cho Ti-tô: “Một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,7).
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng chỉ trong Thần Khí của Đức Giê-su là Chúa Thánh Thần, con người mới có thể xây dựng và củng cố niềm hy vọng của mình cách xứng hợp. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng và như thế, “chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Cũng trong thư này, ngài viết: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13). Ngài viết cho tín hữu Ga-lát (khi trong cộng đoàn có nhiều người cho rằng con người được công chính nhờ tuân giữ lề luật): ”Chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng” (Gl 5,5). Ngài viết cho tín hữu Ê-phê-xô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4,4). Đối với thánh nhân, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, hy vọng của con người ngày càng được hoàn thiện hơn bởi vì, tự thân, con người không thể làm được gì, kể cả việc cầu nguyện (Rm 8,26). Chính Chúa Thánh Thần thôi thúc các tín hữu ý thức về Đức Giê-su, Món Quà Hy Vọng mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Nhờ Người và trong Chúa Thánh Thần, sự sống vĩnh cửu của chúng ta được trở nên hiện thực (Tt 3,6-7). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo diễn tả hy vọng hay đức cậy trong sự liên kết với Chúa Thánh Thần như sau: “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Ki-tô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLGHCG 1817).
Đặc điểm chung của mặc khải Thiên Chúa là giúp con người hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Lời Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a giúp chúng ta nhận thức điều này: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11). Niềm hy vọng vào tương lai được quan tâm cách đặc biệt trong các sách Tân Ước. Chẳng hạn, thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Tôi nghĩ rằng: Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Thánh nhân viết cho Ti-tô như sau: “Chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). Còn thánh Phê-rô khuyên dạy các tín hữu: “Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện” (1 Pr 1,13). Thông thường, con người sống cho tương lai hơn là quá khứ hay hiện tại. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng tương lai nhân loại lệ thuộc vào những người biết đặt hy vọng đúng chỗ và hy vọng đó không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người. Chính Đức Giê-su là người khơi dậy trong tâm hồn con người hy vọng sống động, trường cửu và mời gọi con người hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Trong hành trình rao giảng, kiên nhẫn thuộc trung tâm của giáo huấn Đức Giê-su (Mt 13,24-30; Mt 24,42; Lc 9,49-50). Mọi người được mời gọi kiên nhẫn trong đức tin, kiên nhẫn trong việc bác ái, kiên nhẫn với anh chị em đồng loại. Kiên nhẫn là điều kiện cần thiết cho những ai đặt hy vọng vào Đức Giê-su và chương trình cứu độ của Người. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái khuyên dạy: “Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10,36). Thánh Phao-lô viết thư cho tín hữu Rô-ma: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: Vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25). Đặc biệt, thánh nhân khuyên dạy họ: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Hy vọng được diễn tả qua đời sống cầu nguyện liên lỉ, đời sống kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su. Bao lâu con người còn kiên nhẫn cầu nguyện, bấy lâu con người còn hy vọng. Tương tự như vậy, bao lâu con người còn hy vọng, bấy lâu con người còn cầu nguyện. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, sự vĩ đại của con người không hệ tại ở việc lớn hay việc nhỏ nhưng hệ tại ở nồng độ đức tin, đức cậy và đức mến (πίστις, ἐλπίς, ἀγάπη) được diễn tả trong đời sống cầu nguyện, phụng tự, cũng như phục vụ anh chị em đồng loại cách kiên nhẫn nhất.
Như đề cập ở trên, nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta biết về sự gần gũi giữa đức tin và hy vọng. Một mặt, chúng ta có thể nhận thức rằng đức tin có nghĩa rộng hơn hy vọng bởi vì đức tin bao trùm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Còn theo thánh Phao-lô, “vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5,2). Đức tin cho phép chúng ta nhìn lại quá khứ, giúp chúng ta sống trong giây phút hiện tại và tiếp tục hướng dẫn chúng ta trong tương lai. Thông thường, chúng ta nói đến hy vọng là nói đến tương lai hay hy vọng được xem là đức tin ở thì tương lai. Tuy nhiên, chúng ta nhận thức rằng đức tin và hy vọng song đối nhau, hỗ tương cho nhau. Không ai có đức tin lại không có hy vọng và ngược lại. Đức tin đặt nền tảng cho hy vọng và hy vọng làm cho đức tin được tròn đầy hay đức tin chiếu soi hy vọng và hy vọng làm cho đức tin được triển nở và sinh hoa kết trái. Theo Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, đức tin và hy vọng có thể hoán chuyển cho nhau hay đức tin và hy vọng đồng nghĩa (Spe Salvi 2). Chẳng hạn, nói rằng ‘chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa’ cũng tương tự như nói rằng ‘chúng ta đặt tin tưởng vào Thiên Chúa’.
Hy vọng căn bản của Ki-tô Giáo là hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu có sức mạnh hơn mọi hình thức sức mạnh của thế giới thụ tạo. Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô viết: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Quả thực, hy vọng mà không có tình yêu là hy vọng phiến diện; tình yêu mà không có hy vọng là tình yêu không bền vững. Hy vọng và tình yêu định nghĩa nhau. Điều này có nghĩa rằng hy vọng và tình yêu không thể tách rời nhau. Hy vọng nâng đỡ tình yêu và tình yêu củng cố hy vọng. Người hy vọng đúng nghĩa cũng là người diễn tả tình yêu chân thành và ngược lại. Nói cách khác, hy vọng và tình yêu hòa quyện với nhau khăng khít đến nỗi chúng ta có thể hiểu hy vọng là tình yêu và tình yêu là hy vọng. Trong thông điệp ‘Bác Ái trong Sự Thật’, Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô XVI viết: “Tình yêu là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa cho nhân loại, là lời hứa của Người và hy vọng của chúng ta (Caritas in Veritate 2). Còn thánh Phao-lô diễn tả rất sâu sắc về tương quan giữa tình yêu (đức mến), đức tin và hy vọng (đức cậy) như sau: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).
Mặc khải Ki-tô Giáo mời gọi chúng ta nhìn nhận hy vọng theo nghĩa rộng hơn liên quan đến muôn vật muôn loài. Theo tác giả Thánh Vịnh 65, Thiên Chúa là “niềm hy vọng của toàn cõi đất và hải đảo xa vời” (Tv 65,6). Còn ông Gióp thì lên tiếng: “Quả vậy, đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi, và không ngớt đâm chồi nảy lộc, dầu cho dưới đất rễ cây có già và gốc cây nằm chết trong cát bụi, chỉ cần một ít nước là đã vội đâm chồi, nhánh vươn dài như một cây non” (G 14,7-9). Trong Tân Ước, thánh Phao-lô viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22). Điều này có nghĩa rằng, nhờ Đức Giê-su là Đấng cứu độ nhân loại mà muôn vật muôn loài được ‘tham dự’ vào niềm hy vọng ‘được giải thoát khỏi cảnh hư ảo’, nghĩa là được ‘thông phần’ vào sự giải thoát của con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Điều này cũng được Công Đồng Vatican II minh định: “Vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình” (LG 48). Do đó, con người được mời gọi gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc thế giới thụ tạo theo thánh ý của Thiên Chúa cho đến khi tất cả được biến đổi trọn vẹn trong trời mới đất mới (Kh 21,1-6). Nói cách khác, hy vọng vào sự viên mãn cho con người cũng như muôn vật muôn loài không làm cho con người chỉ chú tâm vào thế giới mai hậu mà lãng quên thế giới hiện tại. Nhờ hy vọng chân thành mà con người ý thức hơn về bổn phận của mình đối với ngôi nhà chung của gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài.
Hơn ai hết, các thánh trong lịch sử Giáo Hội luôn là những mẫu gương cho tất cả những ai đặt niềm hy vọng vào Đức Giê-su và sự viên mãn của muôn vật muôn loài. Đặc điểm chung của các ngài là sống trong hy vọng vào sự vinh thắng của tình yêu Thiên Chúa trên mãnh lực của bóng tối, sự dữ. Chẳng hạn, các thánh tử đạo sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để diễn tả niềm hy vọng vào Đức Giê-su. Họ nhận ra Đức Giê-su là Hy Vọng của họ chứ không phải là ai đó hay điều gì đó trong thế giới thụ tạo này. Đối với họ, được thông phần vào những đau khổ của Đức Giê-su là hạnh phúc lớn lao. Dĩ nhiên, là con người, họ vẫn sợ hãi trước cái chết nhưng niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi lớn lao đó. Theo Công Đồng Vatican II: “Trong khi kính nhớ các thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang” (SC 8). Sở dĩ các thánh có thể chịu đựng được muôn vàn gian lao khốn khó là vì họ hy vọng vào lời hứa của Đức Giê-su được diễn tả qua hình ảnh hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi để trổ sinh nhiều bông hạt khác (Ga 12,24).
Một trong những câu đầu tiên trong tác phẩm Tự Thuật nổi tiếng của thánh Au-gút-ti-nô (354-430) là: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con cho Ngài và tâm hồn con xao xuyến cho đến khi nào được yên nghỉ trong Ngài” (The Confessions, Book I,1). Theo thánh nhân, những vinh hoa trong xã hội loài người không thể lấp đầy tâm hồn trống rỗng của ngài. Quá khứ cho ngài bài học rằng con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình chiếm hữu. Kinh nghiệm của ngài cũng tương tự như kinh nghiệm của nhiều người khác đã được diễn tả trong Cựu Ước: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,3); “Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến, hãy ăn cho no thỏa hoa trái của Ta” (Hc 24,19). Như thánh Au-gút-ti-nô, mọi người luôn sợ hãi, xao xuyến, trăn trở về chính bản thân mình, về những người thân thương, về mọi người, về thế giới thụ tạo. Con người luôn là nô lệ của ai đó hay thứ gì đó trong cuộc sống mình. Hy vọng hay khao khát của thánh Au-gút-ti-nô về Thiên Chúa cũng là hy vọng hay khao khát của mọi người trong gia đình nhân loại. Điều này có nghĩa rằng, bao lâu Thiên Chúa chưa trở nên ‘mọi sự trong mọi người’, bấy lâu con người vẫn còn khao khát và đợi chờ trong hy vọng (1 Cr 15,28).
Những xung khắc trong tâm hồn con người luôn tiềm tàng. Nhiều lúc, con người muốn một đàng nhưng làm một nẻo, chẳng hạn như: Muốn sống đời thánh thiện nhưng lại làm điều xấu; muốn trở thành người quảng đại nhưng lại rất keo kiệt; muốn bình an nhưng lại là trung tâm rắc rối; muốn yêu thương mọi người nhưng lại là nguyên cớ của nhiều hình thức thù hận; muốn trở thành người công chính nhưng lại sống bất chính. Những mâu thuẫn như thế hoặc tương tự làm cho con người càng ngày càng xa với bản chất đích thực của mình. Nhờ Đức Giê-su là Đường Hy Vọng, con người mới có thể hiểu được nguyên do của những giằng co trong đời sống nội tâm của mình trên hành trình hướng về sự sung mãn của hy vọng nơi Thiên Chúa. Công Đồng Vatican II tóm lược tâm trạng chung của con người như sau: “Một đàng, là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương tiện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn” (GS 10). Quả thực, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì nhỏ hơn Thiên Chúa, với quyền năng nào kém hơn quyền năng của Thiên Chúa, với vẻ đẹp nào ít lộng lẫy hơn vẻ đẹp của Thiên Chúa, với sức sống nào yếu hơn sức sống của Thiên Chúa.
Thế giới hôm nay có quá nhiều ngẫu tượng để con người chọn lựa. ‘Thị trường ngẫu tượng’ làm cho con người lẫn lộn giữa thật và giả, tốt và xấu, chính danh và nặc danh. Xem ra, tỷ lệ những người thất vọng càng ngày càng gia tăng chứ không giảm đi. Con người thất vọng về chính mình, về anh chị em, về thế giới thụ tạo cũng như về nhiều chuyện khác nữa mà bản thân không thể lý giải được. Nhiều người cho rằng cuộc đời thật vô nghĩa khi đương đầu với muôn hình thức ngang trái do mình hay người khác gây nên. Họ dễ dàng hòa mình vào thế giới ngẫu tượng mà không màng quan tâm đến hậu quả của sự gắn bó với thế giới đó. Họ tưởng rằng ngẫu tượng là thật và có thể đem lại hạnh phúc, bình an cho mình cũng như những người thân thuộc. Lại nữa, có những người đặt hy vọng vào các hình thức sức mạnh khác, chẳng hạn như sức mạnh tri thức, sức mạnh súng đạn, sức mạnh quan hệ. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng các hình thức sức mạnh như thế hay tương tự chưa bao giờ đem lại bình an đích thật cho con người. Câu hỏi mà mỗi người cần đặt ra và trả lời là ‘mình đang đặt niềm hy vọng vào ai hay cái gì?’. Quả thực, ngẫu tượng trong thế giới quá nhiều và lắm khi làm cho con người đi từ lầm lẫn này đến lầm lẫn khác.
Một trong những khủng hoảng của con người thời đại hôm nay là khủng hoảng hy vọng. Theo thánh Phao-lô, dân ngoại là dân ‘không có giao ước’, ‘không có hy vọng’, ‘không có Đấng Ki-tô’, ‘không có Thiên Chúa trên đời’ (Ep 2,12). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng khi con người không quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống mình cũng như trong gia đình nhân loại, cũng là khi muôn hình thức căng thẳng, bất hòa, chiến tranh xảy đến. Biết bao người hay triết thuyết hứa hẹn đem lại hy vọng đích thật cho con người nhưng kết quả chỉ là thất vọng. Khi lương tâm sa đọa, con người không thể hướng về Thiên Chúa đích thật. Họ tự tạo thần thánh theo thị hiếu của mình. Trong sách Khôn Ngoan, chúng ta đọc được rằng: “Những ai làm ra, những ai ưa thích, những ai thờ lạy các ngẫu tượng kia, đều là người say mê sự dữ, hy vọng chuyện hão huyền” (Kn 15,6). Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất, quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều, nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,5-6). Thánh Phao-lô mời gọi mọi người luôn tỉnh thức và cộng tác với Thiên Chúa để khỏi ‘sa chước cám dỗ’ của thế giới bóng đêm, ma quỷ, sự dữ, là nguyên nhân dẫn đến các hình thức bất hạnh trong đời sống con người. Ngài viết cho các tín hữu Ê-phê-xô: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12).
Người sống trong hy vọng chân thành là người biết khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối của bản thân và không ngừng hướng về Đức Giê-su là Hy Vọng. Chúng ta được mời gọi không ngừng thanh tẩy, canh tân, đổi mới hy vọng của mình. Chúng ta không chỉ hy vọng vào Đức Giê-su một lần cho tất cả. Quả thực, chúng ta luôn sống trong môi trường tội lỗi, do đó, cần phải cộng tác với Đức Giê-su để không ngừng ‘làm mới hy vọng’ của mình, hầu có thể đương đầu với muôn hình thức thất vọng trong tâm hồn. Chúng ta có lý trí, ý chí và tự do để phân định nhưng chúng ta thường quay về hướng mặt trời lặn, về đêm tối, về sự dữ. Nhiều khi chúng ta tưởng mình đang nuôi dưỡng hy vọng chân thành nhưng thực ra lại là tham vọng bất chính. Người tham vọng bất chính không chỉ gây đau khổ, bất hạnh cho bản thân mà còn cho anh chị em đồng loại. Do đó, chúng ta được mời gọi luôn cộng tác với Đức Giê-su trong việc suy niệm, học hỏi để không ngừng biến đổi hy vọng của mình sao cho phù hợp với thánh ý Người, hầu được gần Người hơn. Nhờ vậy, chúng ta có thể vượt thắng mọi mưu mô chước độc của ác thần đang hoành hành trong môi trường nhân loại. Đặc biệt, chúng ta được mời gọi luôn có cảm thức về Giáo Hội và đóng góp phần mình làm cho Giáo Hội ngày càng được triển nở giữa muôn dân muôn nước.
Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Người trong việc mời gọi mọi người đi trên Đường Hy Vọng để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Đức Giê-su là Hy Vọng của con người cũng như muôn vật muôn loài. Giáo Hội là bí tích của Đức Giê-su. Do đó, Giáo Hội là bí tích của Hy Vọng và bảy bí tích (Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Hòa Giải, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối) diễn tả tính bí tích (sacramentality) của thực thể có tên là Giáo Hội. Con cái Giáo Hội luôn được mời gọi diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su giữa dòng đời. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1). Cũng theo Công Đồng Vatican II: “Giáo Hội đã biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người, khi Giáo Hội bênh vực thiên chức con người và do đó đem lại niềm hy vọng cho những ai đã thất vọng về vận mạng cao cả của mình” (GS 21). Điều này có nghĩa rằng sứ điệp của Giáo Hội giữa lòng thế giới chính là sứ điệp hy vọng. Sứ điệp này không loại trừ các hình thức hy vọng chân thành từ các tôn giáo, truyền thống hay nền văn hóa khác bởi vì hy vọng mà Giáo Hội đón nhận, sống và diễn tả vừa có tính quy tụ vừa luôn mở ra cho mọi người.
Là thành phần của Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi hướng tầm nhìn về phía trước với hy vọng rằng chung cuộc của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể là sự vinh thắng của sự thiện chứ không phải là sự lên ngôi của sự dữ. Mỗi người được mời gọi tham dự và đóng góp phần mình cho thế giới luôn được bình an, nhân phẩm con người được tôn trọng và các chiều kích trong đời sống con người được cải thiện. Chúng ta được mời gọi luôn cộng tác với Đức Giê-su để biến đổi bản thân cũng như biến đổi môi trường sống của mình luôn mãi. Như đề cập ở trên, hy vọng được Thiên Chúa khởi xướng và đạt đỉnh điểm trong Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, nhất là biến cố Người chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển. Trong hành trình trần thế, nếu chúng ta nhìn nhận con người, sự vật, hiện tượng theo nhãn quan của Đức Giê-su là Đường Hy Vọng, chúng ta sẽ nhận ra chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa đối với mọi người. Thánh Phê-rô khuyên dạy các tín hữu: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15).
Chúng ta biết rằng hy vọng vừa là món quà vừa là tác vụ của các môn đệ Đức Giê-su đối với anh chị em đồng loại. Chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng Hy Vọng của Đức Giê-su và trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Người giữa lòng thế giới. Theo Công Đồng Vatican II, các Ki-tô hữu “phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát” (LG 10). Kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức rằng nhiều khi chúng ta gặp khó khăn trong việc trình bày hay diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo nhưng chúng ta có thể diễn tả hy vọng của mình. Các Ki-tô hữu được mời gọi tham gia loan báo Tin Mừng cho mọi người biết Đức Giê-su là Đường Hy Vọng và biết đặt niềm hy vọng của mình vào sự sống viên mãn mà Người sẽ ban tặng cho những ai liên kết mật thiết với Người trong hành trình trần thế này. Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô viết: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phao-lô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng” (Cl 1,23). Ước gì lời của thánh Phao-lô xưa kia luôn vang vọng nơi tâm hồn các môn đệ Đức Giê-su trong thế giới hôm nay.
Chúng ta có thể kết luận rằng, là con người, ai cũng hy vọng và hy vọng của con người được diễn tả qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, vì tội lỗi, các hình thức hy vọng của con người thường sai lạc, phiến diện, hão huyền và tự thân, con người không thể thoát khỏi tình trạng đó. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải chương trình khôi phục hy vọng cho con người. Các lời hứa và lời giao ước của Thiên Chúa là lời hy vọng. Khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến trần gian để đồng hành với con người giữa muôn lầm than, khốn khổ. Sự hiện diện của Người là sự hiện diện của hy vọng cao cả nhất, đáp ứng mọi khát khao mong chờ của con người qua muôn thế hệ. Với Đức Giê-su, hy vọng của con người ‘có hình có dạng’ chứ không trừu tượng nữa bởi Người là Hy Vọng. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su vừa chia sẻ hy vọng với con người, vừa cho con người biết đâu là hy vọng đích thật. Người đã diễn tả quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa qua việc đem lại hy vọng cho những người đau yếu, bệnh tật hay bị ma quỷ cám dỗ. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết Người là Đường. Đường của Người là Đường Hy Vọng. Ai đi Đường này thì luôn thấy ánh sáng giữa biển đời bấp bênh, tăm tối, thất vọng. Ai đi Đường này thì được bình an trong hành trình về với sự thật và sự sống vĩnh cửu. Đường Hy Vọng của Đức Giê-su cho mọi người biết rằng tiếng nói cuối cùng của mỗi người, của gia đình nhân loại, của thế giới thụ tạo không phải là tiếng nói của thất vọng, của đau khổ, của chết chóc nhưng là tiếng nói của Chúa Ba Ngôi là Nguồn Gốc và Cùng Đích của con người cũng như muôn vật muôn loài.