Có ai sinh ra trong cuộc đời lại không phải trải qua đau khổ? Người thì đau khổ do bệnh tật, người thì đau khổ do thất bại, người thì đau khổ do hiểu lầm, người thì đau khổ do phản bội… Khi nhập thể làm người, Đức Giêsu đã mang lấy mọi khổ đau của thân phận kiếp người. Có thể nói mọi nỗi thống khổ của nhân loại Đức Giêsu đều mang vào thân thể mà đem lên cây thập giá và biến thành phương thế cứu độ nhân loại.
Thật thế, Ngài phải chịu khổ đau nơi thân xác. Đọc hay nghe trình thuật thương khó của Đức Giêsu theo bất cứ Tin Mừng nào, chúng ta đều hiểu được điều đó. Ngài bị bắt, bị đánh đòn, chịu đội mạo gai, phải nhịn đói và vác thánh giá lên đồi Golgotha, phải uống dấm chua mật đắng và cuối cùng là chịu đóng đanh sống tất tưởi trên cây thập giá sau khi thân xác bị nát tan do đòn vọt. Chẳng có bất kỳ hình phạt dã man nào người Do Thái năm xưa có thể nghĩ ra mà Đức Giêsu đã không phải chịu. Ngài bị kết án như một tử tội và hình phạt cùng chịu đóng đinh với hai tên trộm cướp giết người.
Không những phải đau khổ nơi thân xác, Đức Giêsu còn phải đau khổ nơi tâm hồn. Mọi điều tốt đẹp Ngài thực hiện cho con người đã chẳng được nhìn nhận để rồi được đáp lại bằng sự phản bội. Những người đã được Ngài làm ơn, cả đám dân chúng được ăn bánh no nê, mới hôm trước tung hô Ngài làm vua “Chúc tụng con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” thì ngay hôm sau đã la lối “Đóng đinh nó vào thập giá”. Nhóm 12, những người thân tín nhất, được tuyển chọn cách đặc biệt, được cùng sống, cùng chia vui sẻ buồn, được trao cho sứ mạng và quyền năng, song vẫn phản bội. Kẻ thì nộp thầy, người thì bỏ trốn, người thì thẳng thắn chối từ…
Không chỉ phải chịu nỗi đau của kẻ bị phản bội, chịu sự sỉ nhục từ mọi hạng người, Đức Giêsu còn phải chịu nỗi đau tâm linh. Kế hoạch cứu độ của Ngài dường như vẫn còn dở dang nếu không muốn nói là thất bại. Bao nhiêu yêu thương dành cho con người, nhưng được đáp lại bằng sự lạnh nhạt vô tâm. Khao khát cho ngọn lửa yêu thương được bừng cháy lên trong lòng mọi người, nhưng kết cục là vẫn còn đó những hận thù ghét ghen. Không phải ai khác mà chính Ngài đang là nạn nhân của những điều ấy: vì ghanh ghét mà giời chức Do Thái đã tìm mọi cách thủ tiêu Ngài.
Có lẽ nỗi đau lớn nhất Ngài phải chịu chính là nỗi cô đơn trên thập giá. Cô đơn vì không được ủng hộ, bị nhân loại bỏ rơi, thậm chí những người thân cận nhất, được yêu thương nhiều nhất đã phản bội. Trên thập giá khi nỗi đau của Ngài được đẩy lên tột cùng, thay vì được Chúa Cha an ủi thì Ngài lại có cảm tưởng rằng chính Thiên Chúa, Cha của Ngài, Đấng Ngài hết lòng yêu mến và tuân phục cũng bỏ rơi Ngài. Vì thế mà Ngài đã phải tha thiết cầu xin “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”.
Suy gẫm về cuộc thương khó của Đức Giêsu, tôi tự hỏi: Ai đã làm cho Chúa ra nông nỗi này? Có phải người Do Thái năm xưa, đặc biệt là giới lãnh đạo của dân được tuyển chọn? Sách ngôn sứ Isaia đã trả lời cho tôi rằng chính Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân chỉ vì người mang lấy tội lỗi của muôn người và can thiệp cho những tội nhân (x.Is 52,13-53,12).
Như vậy, không phải ai khác mà chính mỗi người chúng ta đã gây ra đau khổ thập giá cho Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta làm cho thập giá của Chúa nặng hơn, làm cho những chiếc gai nhọn từ mão gai đâm sâu hơn vào đầu Chúa, tăng thêm đòn vọt cho Chúa, làm cho những chiếc đinh đóng vào chân tay Chúa trở nên xâu xé nhiều hơn, làm cho nỗi cô đơn của Chúa càng sâu đậm hơn…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu hết mọi nỗi đau của con người và đã biến chúng thành giá cứu chuộc nhân loại. Những nỗi đau của Chúa có phần đóng góp rất lớn của chúng con nếu không muốn nói là chính chúng con đã gây ra cho Chúa mỗi khi chúng con lỗi lầm. Xin Chúa cho chúng con hiểu rõ tầm mức nguy hiểm của tội lỗi để chúng con cương quyết tránh xa nó. Xin thêm sức để chúng con vượt qua mọi cám dỗ thử thách. Xin cho chúng con sống thánh thiện vì chỉ có thánh thiện mới làm cho những nỗi đau của Chúa được vơi đi. Amen!