Khi trò chuyện với nhóm bạn trẻ, một bạn hỏi tôi rằng: “Thầy ơi, trong Kinh Thánh con thấy Đức Giêsu lên trời, vậy nơi ấy là chỗ nào?” Trước câu hỏi này, thực sự tôi cũng lúng túng để giải thích làm sao cho các bạn trẻ hiểu! Khi hỏi câu ấy, bạn này cũng như nhiều bạn hiểu rằng trời cao thuộc về vũ trụ vật chất này. Đó có thể là các tầng trời, là các hành tinh thuộc hệ mặt trời hoặc thuộc vào dải thiên hà hay ngân hà nào đó trong vũ trụ vô biên này. Phải chăng những nơi này là Thiên Đàng, là nơi Đức Giêsu được rước lên sau khi Ngài sống lại mà Tin Mừng viết: “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,20)?
Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì đúng là Nước Trời hoặc quê trời là một xứ sở, một vùng trời nào đó mà Thiên Chúa đang ngự trị. Theo cách hiểu của Giáo hội, Quê Trời không phải là một chỗ hữu hình cụ thể nào. Thay vào đó, Thiên Đàng nhằm chỉ thực tại thiêng liêng, siêu phàm, “nơi” đó có Thiên Chúa, có các thánh. Nơi đó là “nhà” của Thiên Chúa Cha. Đó cũng là quê hương đích thật mà mỗi người chúng ta hướng về. Chúng ta tin và ước mong rằng sau khi chết, Thiên Chúa cũng đón ta vào vương quốc tình yêu vĩnh hằng ấy.
Bài Tin Mừng lễ Thăng Thiên hôm nay, thánh sử Máccô mô tả lại quang cảnh Đức Giêsu được rước lên trời. Trước đó, Đức Giêsu của chúng ta đã ân cần căn dặn các môn đệ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Đó là lệnh truyền và là ước mơ của Thiên Chúa dành cho các môn đệ. Lệnh truyền ấy được các tông đồ và Giáo hội luôn thực thi một cách tốt đẹp. Nhờ vậy, số người theo và tin vào Chúa Giêsu mỗi lúc một đông. Là ước mơ, vì Thiên Chúa muốn mọi thế hệ nhận biết Thiên Chúa để họ được cứu độ. Trải qua hơn 20 thế kỷ, Giáo Hội đã hiện diện ở khắp tận cùng trái đất. Tin Mừng cũng được hầu hết các dân tộc đón nhận. Đó không chỉ là công việc của Giáo hội, nhưng đúng hơn, kết quả ấy là của Thiên Chúa, vì “Thầy Giêsu ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).
Sau khi căn dặn các môn đệ cẩn thận, Đức Giêsu được rước lên trời. Nếu đã xem đoạn phim về cảnh Chúa Giêsu lên trời, bạn cũng thấy Đức Giêsu được nhấc khỏi mặt đất và biến vào vùng trời của ánh sáng. Dĩ nhiên, chúng ta không biết chính xác sau đó Đức Giêsu đi đâu, ở chỗ nào, vì lúc này thân xác phục sinh của Ngài không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Từ khi giáng sinh cho tới phục sinh, Chúa Giêsu luôn là hiện thân của Nước Trời. Nước ấy đang diễn ra ngay giữa chúng ta, trong hiện tại (x. Mt 12,28). Nếu chúng ta nói Thiên Đàng là nơi hạnh phúc bình an, thì một khi ai đó cảm nghiệm được niềm vui, bình an và hạnh phúc trong Thánh Thần (x. Rm 14,17), người ấy cũng đang ở trong Thiên Đàng! Hoặc nói như thần học gia người Pháp, François Fénelon: “Muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng, đó là Nước Trời đang ở trong ta vậy.” (YouCat 283)
Có thể thấy hai điều trong biến cố Đức Giêsu về trời. Một mặt Ngài trở về với Chúa Cha sau sứ mạng nhập thể để cứu độ con người. Mặt khác, Chúa Giêsu phục sinh hiện diện với con người một cách đặc biệt. Ngài có thể đến gặp con người ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời. Lúc này, thời gian và không gian chẳng thể ngăn cản chúng ta đến gặp Ngài. Nếu muốn gặp Thiên Chúa, bạn và tôi thật dễ dàng để gặp Ngài ngay trong các bí tích, trong các nghi thức phụng vụ, trong tâm hồn mỗi người và ở mọi nơi, mọi lúc. Khi đó, trong Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng được liên kết với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.
Chắc chúng ta chẳng cần lên phi thuyền để truy tìm Thiên Đàng hoặc Vương Quốc của Thiên Chúa! Thật hạnh phúc cho con người là lúc này chúng ta cũng đang được ở trong Vương Quốc của Ngài với điều kiện: Đó là chỗ của sự thật, và sự sống, của sự thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hòa bình. Theo đó, Đức Giêsu lên trời, nghĩa là ngài cũng muốn đưa chúng ta về chốn hạnh phúc vô bờ ấy. Nơi đó, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được hưởng tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa (Rm 8,21).
Như vậy, để trả lời câu hỏi trên, hẳn nhiên Giáo hội không chỉ hướng đến trời cao là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng còn là nơi cụ thể tại trần gian. Nơi đó là Giáo hội, là trái đất chúng ta đang sống. Chính Thiên Chúa cũng đang tìm cách để gõ cửa, để vào từng nhà, từng tâm hồn của mỗi người. Ngài muốn đưa con người “lên trời” để hưởng hạnh phúc thiên thu. Nói theo cách của Đức Bênêđictô XVI: “Nước Trời không là một khái niệm trừu tượng, một học thuyết giáo lý hay một kế hoạch xa rời thực tế, nhưng trước hết và trên hết là một ngôi vị sống động với khuôn mặt và tên gọi là Giêsu Nazarét; đó là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.”
Ước gì mừng lễ Chúa Lên Trời hôm nay, mỗi người cũng xin Chúa Phục Sinh kéo mình lên với Chúa Cha. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng gặp được Thiên Chúa. Đó là khung cảnh thần linh, của “nhân – thần hội ngộ”. Như vậy khi Chúa lên trời cũng là lúc Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao ;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(Tác giả gửi bài cộng tác đến
Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam
tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)