Tòa Thánh và Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào tháng 12 năm 2009, ở cấp độ Tòa Sứ Thần và Đại Sứ Quán.
Tổng thống Vladimir Putin đã hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày 10 tháng 6 năm 2015. Trước đó, ông cũng từng đến hội kiến Đức Gioan Phaolô II tại Vatican vào ngày 5 tháng 6 năm 2000 và Đức Bênêđictô XVI năm 2003 và 2007.
Vào ngày 16 tháng 6 năm 2015 và 10 tháng 12 năm 2016 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Giám mục đô trưởng Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Bộ Quan hệ với các Giáo Hội Ngoại vi của Tòa Thượng Phụ Moskva, và là một trong những cộng sự viên thân cận nhất của Thượng phụ Cyril Chính Thống giáo Nga.
Chuyến thăm Nga gần đây nhất mà một viên chức cấp cao của Vatican thực hiện là vào năm 1988, khi Đức Hồng Y Agostino Casaroli đến Moskva tham dự lễ kỷ niệm một nghìn năm nước Nga đón nhận phép rửa. Ngài đại diện cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và được Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev tiếp đón.
“Tôi trông cậy Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt tôi”, Đức Hồng Y Parolin phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình đặc biệt “Phanxicô, vị Giáo hoàng của Đối thoại” do truyền hình Rai Vatican thực hiện nhân chuyến tông du quốc tế lần 19 của Đức Giáo Hoàng.
“Trong trường hợp với nước Nga, việc xây dựng cầu nối bao gồm việc chia sẻ mối quan hệ song phương đã có, và liên quan đến hoạt động của Giáo Hội Công Giáo đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hoạt động quốc tế mà Nga có sự hiện diện tích cực, ví dụ như vấn đề Trung Đông, Syria hay Ukraina – quốc gia mà tôi đã viếng thăm hồi năm ngoái – thì không thể giải quyết được”, nhân vật “số 2” của Vatican giải thích.
Chuyến đi Nga của Đức Hồng Y Parolin tiếp nối cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Chính Thống giáo Nga Sergei Cyril hồi tháng 2 năm 2016 tại Cuba. Đó là một cuộc gặp lịch sử mà Đức Thánh Cha đã mô tả là một “hồng ân của Thiên Chúa” và “ngày của ân sủng”.
Trong cuộc phỏng vấn nói trên, Đức Hồng Y Parolin cũng đã phản ánh về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại. “Đối thoại là sự gặp gỡ, hiểu biết và cảm thông. Đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu quan điểm của họ. Để tìm ra những điểm chung và cộng tác”, ngài nói.
“Đức Thánh Cha đã tìm cách mở ra con đường mới của tình huynh đệ. Ngài chạm vào trái tim của người khác, nhấn mạnh đến việc hoán cải cá nhân và ý nghĩa của lòng thương xót, đó cũng có thể là một giải pháp ứng biến trong mối quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia”, Đức Hồng Y giải thích.
“Để phá dỡ đi các bức tường lạnh lùng”, Đức Giáo Hoàng hy vọng “tạo ra những nơi chốn mới để gặp gỡ và hợp tác phát triển, bắt đầu lại từ điểm đã kết thúc, từ những tình huống phàn nàn về vật chất và tinh thần”, Đức Hồng Y nhận định. (Zenit)
Chân Phương
Nguồn tin: Vietcatholic