I.Media for Aleteia
Là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghi dấu ấn “Khi hành động mạnh hơn lời nói” trong vai trò mục tử.
Dưới đây là một vài hình ảnh do I.Media for Aleteia chọn lọc, nhằm phác hoạ đôi nét về câu chuyện của vị giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
- Đức Phanxicô cúi chào các tín hữu trong đêm đắc cử (13. 03. 2013)
Hình: CNS /Paul Haring
Khi vừa xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thì phong cách của vị Tân Giáo hoàng đã rất nổi bật: Trong chiếc áo dòng trắng giản dị, ngài đã đưa ra một thỉnh cầu khác thường: “Xin anh chị em cầu nguyện với Chúa để Ngài chúc lành cho tôi”. Ngay sau đó, ngài cúi đầu trước đám đông tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô và đại lộ Via della Conciliazione, để nhận lời cầu nguyện chúc lành từ Thiên Chúa. Trong khoảng 15 giây, sự im lặng bao trùm buổi tối lịch sử này.
- Đức Phanxicô thả hoa xuống biển tưởng nhớ di dân ở Lampedusa(08. 07. 2013)
Hình: ©POOL-OR/CPP
Chỉ mới trên cương vị mục tử Giáo hội hoàn vũ được một thời gian ngắn, ngày 08. 07. 2013, Đức Phanxicô quyết định chuyến tông du đầu tiên đến thăm đảo Lampedusa, miền nam nước Ý để tiếc thương những người bị vùi mình trong đại dương và nâng đỡ tinh thần người tị nạn sống sót sau các vụ đắm tàu và các vụ vượt biên giới để đến châu Âu.
Hướng ra biển, sau một lúc thinh lặng, Đức Thánh Cha thả xuống nước một vòng hoa để tưởng nhớ hàng ngàn người di cư bị vùi mình tại Địa Trung Hải, một vùng biển đã trở thành một “nghĩa trang vĩ đại” do cuộc khủng hoảng của làn sóng di cư. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 20.000 người di dân đã chết ở Địa Trung Hải từ năm 2014 đến 2020.
- Đức Phanxicô công khaibước vào tòa giải tội (28. 3. 2014)\
Hình: ALESSANDRO BIANCHI / POOL / AFP
Chiều thứ Sáu ngày 28. 3. 2014, Đức Phanxicô được Đức ông Guido Marini, Trưởng ban Nghi lễ Phủ Giáo hoàng hướng dẫn bước vào tòa để giải tội cho tín hữu. Nhưng rõ ràng là không được lên kế hoạch trước, Đức Thánh Cha đã gây ngỡ ngàng khi ngài bất ngờ đi đến một tòa giải tội khác, nơi một linh mục đang chờ đợi, khiêm nhường quỳ xuống và xưng tội như một hối nhân. Cử chỉ này của Đức Thánh cha ngầm khuyến khích tín hữu Công giáo tái khám phá cảm nghiệm về bí tích Hoà giải, nơi Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Cũng trong viễn cảnh này, Đức Thánh Cha đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót vào năm 2015.
- Đức Phanxicô gặp Thượng phụ Chính thống Nga tại Cuba(12. 02. 2016)
Hình: Max Rossi/Pool/Gettyimages
Sau gần 1000 năm phân ly, kể từ cuộc ly giáo vĩ đại năm 1054, lần đầu tiên vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã gặp Thượng phụ Chính thống giáo Moscow. Vào ngày 12. 02. 2016, tại một phòng khách nhỏ ở phi trường, trước một cây thánh giá lớn theo phong cách Byzantine, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Kirill đã dành cho nhau một cái ôm rất lâu và nồng ấm, khởi đầu cho cuộc gặp gỡ lịch sử ở thủ đô La Havana, Cuba. Tại đây, các ngài đã cùng ký một bản tuyên ngôn chung.
- Đức Phanxicôđưa 12 người tị nạn trên chuyến bay trở về từ Hy Lạp (16. 4. 2016)
AP/Associated Press/East News
“Tất cả chúng ta đều là những di dân”, vào tháng 4. 2016, Đức Phanxicô đã ghi dấu ấn trong lương tâm của người Châu Âu khi mà Địa Trung Hải vẫn còn là nơi diễn ra những thảm kịch của nhân loại và hàng ngàn người tị nạn đang ở trong các trung tâm mà Đức Thánh Cha gọi là “trại tập trung”. Trong chuyến tông du đến Hy Lạp và thăm một trại tị nạn ở Lesbos cùng với Thượng phụ Constantinople Bartholomew và Ieronymos, Tổng Giám mục Chính thống của Athens và Hy Lạp, khi trở về, ngài đã gây bất ngờ khi đưa 12 người tị nạn lên máy bay, trong đó có 6 trẻ em.
Trên chuyến bay đưa 3 gia đình Hồi giáo đến từ Syria về thủ đô nước Ý để bắt đầu một cuộc sống mới, Đức Thánh Cha nói rằng hành động này của ngài dù chỉ là ‘một giọt nước nhỏ vào đại dương’ nhưng ngài hy vọng rằng “đại dương đó sẽ không bao giờ như cũ nữa”.
- Đức Phanxicô ôm Đại Imam Đền thờ Hồi giáo Al Azhar (04. 02. 2019)
Hình: AP
Đây không phải là cái ôm đầu tiên của Đức Phanxicô và Đại Imam Al Azhar, nhưng cái ôm ở Abu Dhabi vào ngày 04. 02. 2019, tại Bán đảo Ả Rập, là một dấu ấn lịch sử. Tám trăm năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Sultan al-Malik al-Kamil, vào cuối Hội nghị liên tôn quốc tế tại Abu Dhabi, trước sự hiện diện của Thái Tử liên quốc Emirati và 700 vị lãnh đạo tôn giáo và văn hóa, Đức Phanxicô và Đại Imam Al Azhar đã ký “Tuyên ngôn về tinh thần huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự sống chung”, ủng hộ hòa bình và lên án bạo lực nhân danh Chúa.
- Đức Phanxicôhôn chân các nhà lãnh đạo của Nam Sudan(11. 04. 2019)
Hình: HANDOUT | AFP
Vào tháng 4. 2019, một bức ảnh hiếm có đã lan truyền khắp thế giới: Đức Phanxicô quỳ gối trước hai nhà lãnh đạo Nam Sudan, hôn chân họ để cầu xin họ ủng hộ lời cầu xin hòa bình của ngài. Với hành động này, Đức Phanxicô không chỉ gây ngạc nhiên với những người cộng tác thân cận nhất của ngài, mà còn làm nổi bật tình hình bi thảm của một đất nước không biết gì ngoài chiến tranh kể từ khi được thành lập vào năm 2011.
Sau cử chỉ này, Đức Thánh Cha đã có chuyến tông du đến Nam Sudan vào tháng 02. 2023 cùng với Tổng Giám mục Canterbury và vị lãnh đạo của Giáo hội Scotland để nhắc lại lời kêu gọi hòa bình.
- Đức Phanxicô cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô trong đại dịch Covid-19(27. 3. 2020)
Hình: YARA NARDI / POOL / AFP
Trong khi phần lớn thế giới bị hạn chế và tiếng chuông của các nhà thờ ở Roma đang ngân vang, thì Đức Phanxicô đứng một mình trước Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng và mưa tầm tã. Đây là hình ảnh của ngày 27. 3. 2020, mà có lẽ sẽ được lưu giữ mãi trong sử sách.
Hàng triệu người theo dõi trên màn hình Đức Thánh Cha ban phép lành Urbi et orbi, “cho thành Roma và thế giới” trong một bầu khí thật ảm đạm, nếu không muốn nói là kinh hoàng. Vài ngày trước đó, Đức Phanxicô đã giao phó thành Roma cho Đức Trinh Nữ Maria, trong khi nước Ý đang phải hứng chịu ảnh hưởng của một loại virus lúc đó chưa được biết đến và các dịch vụ y tế khẩn cấp ở phía bắc bán đảo đã bị quá tải.
- Đức Phanxicôđến Đại sứ quán Nga(25. 02. 2022)
Hình: Antoine Mekary | ALETEIA
Đức Thánh Cha đã thực hiện một cử chỉ chưa từng có ngay sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Vào ngày 25. 02. 2022, chỉ vài giờ sau cuộc xâm lược, ngài quyết định đích thân đến đại sứ quán Nga gần Tòa thánh để đối thoại với đại sứ Nga.
Sau đó, Đức Phanxicô cho biết “Đó là quyết định mà tôi đã đưa ra trong một đêm thức trắng, khi nghĩ về Ukraine,” ngài quyết tâm làm một điều gì đó “để không còn cảnh chết chóc nào nữa ở Ukraine”.
Vào ngày 06. 4. 2022, trong buổi tiếp kiến chung, ngài đã hôn lá cờ Ukraine vừa được gửi đến từ thị trấn Boutcha, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến.
Ngoài ra, Đức Thánh Cha vẫn luôn có nhiều hành động khác để đồng cảm với những đau khổ, mất mát của người dân và kêu gọi chấm dứt chiến tranh.
- Đức Phanxicô vĩnh biệt linh cữu của Đức Bênêđictô XVI(05. 01. 2023)
Hình: Vatican Media
Đây là hình ảnh duy nhất bởi vì trong lịch sử gần đây chưa có việc một giáo hoàng chôn cất vị tiền nhiệm của mình.
Tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi thánh lễ an táng vừa kết thúc, Đức Phanxicô tiến về Vương cung Thánh đường và quay lại chờ linh cữu của Đức Bênêđictô XVI. Trước hết, ngài chúc lành và sau đó đặt tay phải lên quan tài và cúi đầu.
Trước khi kết thúc bài giảng thánh lễ, Đức Phanxicô đã dâng lên lời cầu nguyện tha thiết này: “Đức Bênêđictô XVI, người bằng hữu trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn khi ngài nghe thấy tiếng nói của Chúa, bây giờ và cho đến mãi muôn đời”.
***
Chỉ với một vài tấm hình, chắc chắn chẳng thể ghi lại hết hành trình 10 năm, nhưng có lẽ, cũng phần nào giúp chúng ta nhớ lại những dấu ấn của vị Cha Chung Giáo hội:
– Một vị mục tử luôn thao thức để “mang mùi chiên”; để “đi trước”, “đi cùng”, “đi sau” đoàn chiên của mình; và hơn thế, còn quan tâm để có thể “đi với” những đoàn chiên khác trong cộng đồng nhân loại;
– Một vị mục tử luôn mở rộng con tim để đón lấy những người bé mọn, đau khổ; luôn dang rộng vòng tay để ôm lấy những người bị bỏ rơi bên lề; và rảo bước chân tới những vùng ngoại biên để gần gũi những vùng, những người bị xa lánh, lãng quên, coi thường;
– Một vị mục tử luôn muốn Giáo hội được trao phó cho mình là một Giáo hội thánh thiện, gần gũi, biết lắng nghe, biết bước đi cùng nhau;
– Một vị mục tử luôn thổn thức trước tiếng rên siết của thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tin tưởng, yêu thương trao cho con người chăm sóc, bảo tồn và thăng hoa;
– Và, trên tất cả, một vị mục tử luôn đặt sứ vụ của mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần mà Chúa Kitô phục sinh ban tặng.
Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con xin Chúa thương tiếp tục ban nhiều ơn phúc, nâng đỡ, đồng hành và hướng dẫn Đức giáo hoàng Phanxicô để ngài luôn là vị mục tử mà Giáo hội cần, nhân loại cần, và Chúa mong ước.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm