Đức Phanxicô: “Chúng ta không được hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc”

Trong chuyến đi Nam Mỹ, Đức Phanxicô đã làm mọi người ngạc nhiên về những câu tuyên bố rất cứng rắn của mình về hệ thống kinh tế thế giới và đã xin các dân tộc người thổ dân thứ lỗi cho sự đô hộ thực dân trong quá khứ.

 PopeFrancis-1.jpg

 

Sau đây là một số lời tuyên bố đáng nhớ nhất trong chuyến đi ba nước Ecuador, Bôlivia và Paraguay của ngài.

 

Về kinh tế

 

Ecuador: “Ngày nay một người nghèo chết vì đói, vì lạnh sẽ không còn được xem như một tin tức nhưng nếu chỉ số Chứng khoán của các thị trường chính yếu trên thế giới sụt 2 – 3% thì sẽ được xem như một vụ tai tiếng thế giới.”

 

Bôlivia: “Chúng ta đừng sợ khi nói: Phải có một sự thay đổi thật sự, một thay đổi các cơ cấu.”

 

Paraguay: “Chắc chắn, đối với một đất nước, sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra của cải là thật sự cần thiết nhưng phải làm sao để sự tăng trưởng và giàu có này đến với tất cả mọi công dân, không một ai bị loại trừ, chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm thiểu số.”

 

Nói với các giám đốc hãng, các chính trị gia, các kinh tế gia, Đức Phanxicô xin họ “đừng theo gương mẫu của một nền kinh tế thờ ngẫu tượng, cần hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và trên lợi nhuận”.

 

Về chế độ thực dân hóa

 

Bôlivia: Đức Phanxicô đã “khiêm tốn xin được thứ lỗi không những chỉ các tấn công của chính Giáo hội nhưng cho cả những tội ác phạm đến các dân tộc thiểu số trong suốt thời gian gọi là chinh phục Châu Mỹ”.

 

Về nạn tham nhũng

 

Paraguay: Đức Phanxicô tố cáo nạn tham nhũng là “ung nhọt của một dân tộc”.

 

Về quan hệ giữa Giáo hội và dân chúng

 

Bôlivia: Đức Phanxicô xin Giáo hội đừng rơi vào tình trạng “lú lẫn thiêng liêng, (Alzheimer thiêng liêng), quên đi nguồn gốc khiêm tốn của mình, đừng đối xử có “giai cấp,” tách rời những người bần cùng nhất. Ngài kêu gọi một “cuộc cách mạng” để phúc âm hóa Châu Mỹ, một “tiếng kêu” để “chữa lành các vết thương và để xây dựng các cây cầu.”

 

Về bảo vệ môi sinh

 

Ecuador: “Một chuyện rõ ràng là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng với thực tế, với anh em chúng ta, với Mẹ Trái Đất mà để bị cướp phá, phỉ nhỗ, tàn phá mà không bị trừng phạt. (…) Đây không phải chỉ đơn thuần là lời dặn dò nhưng là một đòi hỏi sau bao nhiêu tổn hại do các lạm dụng và sử dụng vô trách nhiệm”.

 

Về phụ nữ

 

Paraguay: “Tôi xúc động và ngưỡng phục vai trò của phụ nữ Paraguay trong giây phút đau thương của Lịch sử”, ngài tuyên bố như trên khi muốn nói đến cuộc chiến tranh Đồng Minh Ba nước (Triple alliance, 1865-1870). Lúc đó quân đội ba nước Ba Tây, Argentina và Uruguay đã tàn sát hàng loạt nam công dân. Paraguay đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất Nam Mỹ. Trước chiến tranh dân số Paraguay có khoảng 525.000 người, sau 5 năm chiến tranh, năm 1871, dân số Paraguay chỉ còn 221.000 người, trong đó chỉ còn 28.000 nam và Paraguay cũng đã phải nhượng nhiều lãnh thổ rộng lớn cho Ba Tây và Argentina.

 

Về các ý thức hệ

 

Paraguay: “Các ý thức hệ luôn có một hồi kết xấu. Chúng không làm cho dân tộc đứng vững, hãy nhìn những gì xảy ra cho các ý thức hệ của thế kỷ vừa qua, nó luôn luôn kết thúc bằng chế độ độc tài (và ý thức hệ đã chấm dứt).

 

Về Trung Đông

 

Bôlivia: “Ngày hôm nay chúng ta khủng khiếp thấy ở Trung Đông và các nơi khác bao nhiêu anh em Kitô hữu bị bách hại, bị tra tấn,” Đức Phanxicô tuyên bố trong cuộc gặp với các Phong trào Bình dân ở Santa Cruz.

 

“Và chúng ta cũng phải tố cáo điều này: trong trận chiến tranh thế giới thứ ba từng phần mà chúng ta đang sống, có một loại diệt chủng phải được chấm dứt.”

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.07.2015/

Le Point.fr, 2015-07-13)