Các nhóm đặc thù sẽ chịu trách nhiệm đề cập một cách sâu xa nhiều chủ đề nảy sinh từ khóa họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái, và sẽ được điều phối bởi Ban Tổng thư ký Thượng hội đồng, với sự tham gia của các Bộ có thẩm quyền.
Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn định ngày diễn ra khóa họp thứ hai của Đại hội đồng thông thường lần thứ XVI sẽ được tổ chức từ Thứ Tư ngày 2 tháng 10 đến Chúa nhật ngày 27 tháng 10 năm 2024, để tiếp tục công việc của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành về chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Như vào tháng 10 năm 2023, khóa họp thứ hai này sẽ được diễn ra trước bằng hai ngày tĩnh tâm, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 1 tháng 10. Các tham dự viên sẽ có mặt tại Rôma từ ngày 29 tháng 9.
Cùng với thông cáo, một thủ bút chính thức đã được Đức Thánh Cha công bố, thiết lập việc thành lập các nhóm nghiên cứu để nghiên cứu sâu hơn một số chủ đề đã nổi lên trong khóa họp tháng 10 năm 2023. Các nhóm sẽ được thành lập giữa các Bộ liên hệ của Giáo triều Rôma và Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, cơ quan sẽ đảm bảo sự phối hợp.
Nguyên tắc lắng nghe nhau
Trong thủ bút chính thức dành riêng cho sự hợp tác giữa các Bộ của Giáo triều và Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô trích dẫn Hiến chế Lumen Gentium để nhắc nhở rằng Giáo hội thể hiện sự hiện hữu của mình “trong Đức Kitô, như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” và Giáo hội “thể hiện một cách rõ ràng và đáng tin cậy hơn đối với thế giới trong các nền văn hóa khác nhau như một mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo, một Thân Thể độc nhất, tham gia vào Thần Khí của nó, Đấng đổi mới và hướng dẫn Giáo hội trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc”. Trong nhãn quan này, Tông hiến Praedicate evangelium khẳng định rằng “đời sống hiệp thông này mang lại cho Giáo hội bộ mặt của tính hiệp hành”.
Đức Thánh Cha viết: “Đặc biệt, việc lắng nghe nhau và sự năng động của tính hỗ tương trong việc phục vụ sứ mạng của dân Chúa, xác định công việc hỗ trợ của Giáo triều Rôma trong thừa tác vụ của Giám mục Rôma, các giám mục và giám mục đoàn. Các thẩm quyền mục vụ mà nó thực hiện đều có mục đích và hiệu quả trong việc phục vụ tính hợp đoàn giám mục và sự hiệp thông trong Giáo hội trong sự hiệp nhất với Giám mục Rôma và dưới sự hướng dẫn của ngài”. Chính trong bối cảnh này mà sứ mạng của Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng được giao, phụ thuộc trực tiếp vào Đức Giáo Hoàng và “hỗ trợ và đồng hành với tiến trình hiệp hành được thiết lập trên cơ sở từng trường hợp”, bằng cách thúc đẩy, trong tinh thần hiệp hành, mối quan hệ của các giám mục và các Giáo hội địa phương với nhau và hiệp thông với Giám mục Rôma.
Sự cộng tác giữa các Bộ của Giáo triều
Thủ bút kết luận bằng cách dự kiến rằng “các Bộ của Giáo triều Rôma sẽ cộng tác, tùy theo thẩm quyền đặc thù tương ứng của họ, vào hoạt động của Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, bằng cách thành lập các nhóm nghiên cứu để khởi xướng, bằng phương pháp hiệp hành, việc đào sâu một số chủ đề nổi lên” trong khóa họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục. “Các nhóm nghiên cứu này sẽ được thành lập theo thỏa thuận chung giữa các Bộ có thẩm quyền của Giáo triều Rôma và Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, chịu trách nhiệm điều phối”.
Tài liệu “Hướng tới tháng 10 năm 2024” của Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, được công bố vào ngày 11 tháng 12 năm 2023, đã nhấn mạnh rằng đại hội tiếp theo sẽ tập trung vào chủ đề tham gia, liên quan đến việc thực thi quyền bính, như một biểu hiện của sự hiệp thông nhằm phục vụ sứ mạng. Nói cách khác, nó sẽ đào sâu cách sống hiệp hành ở mọi cấp độ của Giáo hội. Quyết định của Đức Thánh Cha chỉ ra rõ ràng rằng một số chủ đề quan trọng nhất nảy sinh từ việc lắng nghe các Giáo hội, đòi hỏi một thời gian đáng kể để đào sâu về thần học, giáo luật và mục vụ theo phương thức hiệp hành, bao hàm các chuyên gia từ tất cả các châu lục và các Bộ của Giáo triều Rôma theo các thẩm quyền của họ. Hiện tại, thành phần của các nhóm nghiên cứu và chủ đề đang được xác định. Báo cáo tổng hợp được biểu quyết vào cuối khóa họp tháng 10 năm ngoái đã chỉ ra một số vấn đề, chẳng hạn như việc cập nhật một số quy tắc giáo luật, đào tạo các thừa tác viên chức thánh, mối quan hệ giữa các giám mục và các dòng tu, nghiên cứu thần học và mục vụ về chức phó tế.
Những đóng góp của các nhóm nghiên cứu, theo những gì có thể được suy ra từ tài liệu của Ban Tổng thư ký được công bố vào tháng 12 và từ thủ bút chính thức ngày 17 tháng 2 này, sẽ là những công cụ hữu ích cho suy tư của Giáo hội nói chung, nhưng sẽ không trực tiếp cấu thành chủ đề thảo luận và phân định của khóa họp tiếp theo của Thượng Hội đồng, vốn sẽ tập trung vào tính hiệp hành, biểu hiện của sự hiệp thông trong đời sống Giáo hội. Cuối cùng, thật thú vị khi lưu ý đến vai trò được giao phó cho Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng, do Đức Hồng Y Mario Grech đứng đầu, người sẽ điều phối hoạt động với các Bộ. Ban Tổng thư ký Thượng Hội đồng không thuộc Giáo triều Rôma nhưng trực tiếp phụ thuộc vào Đức Giáo hoàng.
Bổ nhiệm các cố vấn mới
Cũng thứ Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm sáu cố vấn mới cho Ban Tổng thư ký Thượng hội đồng. Đó là Đức ông Alphonse Borras, đại diện Giám mục Giáo phận Liège (Bỉ); cha Gilles Routhier, giáo sư thần học tại Đại học Laval (Canada); cha Ormond Rush, giáo sư thần học tại Đại học Công giáo Australia; nữ tu Birgit Weiler, M.M.S., giáo sư thần học tại Đại học Pontificia Católica del Perú (Peru); Tricia C. Bruce, chủ tịch đắc cử của Hiệp hội Xã hội học Tôn giáo (Hoa Kỳ) và Maria Clara Lucchetti Bingemer, giáo sư thần học tại Pontificia Universidade Católica do Rio de Janeiro (Brazil). Sáu người này được thêm vào mười cố vấn hiện tại.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (17.02.2024)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (18.02.2024)