Đức Phanxicô luôn tránh mọi can thiệp vào chính trị Mỹ, nhưng từ đầu triều giáo hoàng năm 2013, ngài trao đổi nhiều với hai tổng thống Barack Obama và Donald Trump, đôi khi có các bất đồng.
Bầu khí có phần căng thẳng trong cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và Tổng thống Trump
ngày 24 tháng 5 năm 2017 | © Keystone
Trong một xã hội mà tỷ lệ dân số người công giáo chiếm hơn 1/5 thì hình ảnh Đức Giáo hoàng là điều không thể tránh khỏi. Barack Obama, tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012, cũng như Donald Trump trong trách vụ của mình đã có các trao đổi ngoại giao với Tòa Thánh, đôi khi có các bất đồng quan trọng.
Năm 2013 khi Đức Phanxicô được bầu chọn, tổng thống Obama ở năm thứ sáu trong cương vị người lãnh đạo “quốc gia mạnh nhất thế giới.” Vào thời điểm đó, tổng thống Obama ca ngợi giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ: “Cuộc bầu chọn của ngài minh chứng cho sức mạnh và sức sống của một khu vực ngày càng định hình thế giới chúng ta”. Tràn đầy nhiệt tình, ông khẳng định sẵn sàng làm việc với ngài “để thúc đẩy hòa bình và phẩm giá của mọi người dù họ thuộc tín ngưỡng nào”.
Nếu các quan hệ giữa tổng thống Obama và Đức Phanxicô đặc biệt thân tình trong ba năm cuối nhiệm kỳ tổng thống, thì trước hết là do tổng thống Obama luôn nhấn mạnh sự ngưỡng mộ của mình với Đức Phanxicô. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, khi Đức Phanxicô tiếp ông tại Vatican, ông không ngớt lời ca ngợi ngài, người mà ông xem là “nhà lãnh đạo bằng lời và băng thái độ”.
Obama, người ngưỡng mộ giáo hoàng
Ông tuyên bố trong lần đầu tiên gặp ngài: “Một trong các đức tính tôi ngưỡng mộ ở Đức Giáo hoàng là lòng dũng cảm của ngài, ngài nói thẳng các thách thức kinh tế và xã hội lớn mà ngày nay chúng ta phải đối diện. Điều này không có nghĩa là chúng tôi đồng ý với ngài về mọi điểm, nhưng tôi tin tiếng nói của ngài phải được cả thế giới lắng nghe.”
Dù có bất đồng nhưng tổng thống đảng Dân chủ đặc biệt đồng ý với ngài trên một lãnh vực, điều này được ông nhắc đến trong chuyến Đức Phanxicô đi Mỹ năm 2015: đó là quyền sống. Vatican triệt để ủng hộ quyền từ chối vì trái lương tâm, để nhân viên y tế ở Mỹ có thể từ chối làm một số việc chẳng hạn như phá thai.
Đức Phanxicô gặp Tổng thống Barack Obama trong chuyến đi Mỹ năm 2015 | © Keystone
Dù vấn đề người tị nạn và người di cư không có giấy tờ – mà hai người dường như đồng ý – hay về việc nới lỏng quan hệ ngoại giao và các biện pháp trừng phạt kinh tế với các đối thủ lịch sử như Iran hay Cuba, Tòa Thánh gần như cùng một đường lối với Washington.
Còn với tổng thống Trump, mối quan hệ phức tạp ngay từ đầu
Mối quan hệ giữa tổng thống Donald Trump và Đức Phanxicô phức tạp hơn nhiều, vì mối quan hệ này đã không tốt ngay trước khi có cuộc bầu cử tổng thống. Ngày 17 tháng 2 năm 2016, trên máy bay từ Mexico về, Đức Phanxicô đã gián tiếp tấn công Donald Trump khi ông đang giữa chiến dịch tranh cử tổng thống. Trả lời câu hỏi của một nhà báo, ngài nói, một người không thể là tín hữu kitô và nghĩ rằng “chỉ xây tường […] chứ không xây cầu”. Rõ ràng ngài muốn ám chỉ lời hứa hẹn của Đảng Cộng hòa sẽ xây bức tường ngăn Hoa Kỳ và Mexico.
Linh mục Federico Lombardi, khi đó là giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh đã uyển chuyển lời tuyên bố này, cho rằng đây không phải là “tấn công cá nhân hay một dấu hiệu để bỏ phiếu”. Tuy nhiên, Donald Trump đã phản ứng gay gắt lại, ông chỉ trích lập trường “rất chính trị” của Đức Phanxicô và nói ngài là một giáo hoàng “không hiểu các vấn đề”” của nước Mỹ.
Một vài điểm thỏa thuận quan trọng
Sau khi Donald Trump đắc cử, ngày 13 tháng 5 năm 2017, Đức Phanxicô đã có một thiện chí ngoại giao, ngài nhắc lại “luôn có các cánh cửa không đóng” với Tổng thống và ngài không “đưa ra một phán xét ai mà không lắng nghe họ”.
Câu trả lời của Donald Trump là bổ nhiệm bà Callista Gingrich làm đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh ngày 22 tháng 12 năm 2017, một người công giáo giữ đạo và sau này đã dấn thân vào công việc đặc biệt quan trọng với Tòa Thánh: cuộc chiến chống nạn buôn người. Các điểm thỏa thuận khác cũng được ngoại giao Vatican hoan nghênh: quan điểm của chính quyền Trump ủng hộ “quyền được sống”, bảo vệ tự do tôn giáo và lương tâm, bảo vệ các tín hữu kitô phương Đông. Các “thỏa thuận Abraham” được ký ngày 15 tháng 9 năm 2020 giữa Israel và hai quốc gia Hồi giáo (Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) dưới sự bảo trợ của Mỹ cũng được hoan nghênh, cũng như cuộc gặp lịch sử tháng 6 năm 2018 của Tổng thống Mỹ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và với Bắc Triều Tiên Kim Jung Un.
Chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đa phương
Tuy nhiên, trước chủ nghĩa song phương ngày càng có hệ thống do chính quyền Mỹ thực hiện, Đức Phanxicô trong suốt triều giáo hoàng của ngài đã liên tục kêu gọi chủ nghĩa đa phương. Do đó, ngài đã phản đối tổng thống Donald Trump về phương pháp ông dùng để giải quyết xung đột Israel-Palestine (chính quyền Mỹ hầu như chỉ giải quyết với Nhà nước Israel).
Năm 2017, Vatican cũng đã chỉ trích Washington về việc họ bỏ thỏa thuận Paris về môi trường và năm 2018 khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung.
Khi tiếp tổng thống Donald Trump tại Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2017, các mối quan hệ giữa hai bên không được tốt. Đức Phanxicô ít cười khi tiếp tổng thống đã được các nhà quan sát xem là dấu hiệu của một sự bất đồng. Với Đức Phanxicô, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố câu nói khó hiểu: “Tôi sẽ không quên những gì ngài nói”.
Mỹ can thiệp?
Gần đây hơn, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã làm cho hồng y Quốc vụ khanh tức giận khi ông bàn đến cuộc đàm phán của Giáo hội với Trung Quốc. Một sự can thiệp không làm hồng y Pietro Parolin vừa lòng, đầu tháng 10 năm 2020, ngài nhấn mạnh, Vatican sẽ đi đến cùng trong quá trình này, dù Washington có nói gì.
Sau ngày bầu cử 3 tháng 11 năm 2020, Đức Phanxicô sẽ biết điều gì sẽ xảy ra. Cuộc bầu cử sẽ bầu một nhân vật mà ngài đã biết, dù đó là tổng thống đương nhiệm hay cựu phó tổng thống của Barack Obama mà ngài đã gặp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 04.11.2020/ cath.ch, I.Media, 2020-11-03)