Ngày 13-3, Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa kỷ niệm ba năm ngài lãnh nhận ngai tòa Phêrô. Nhiều người ghi nhận sự kiện này, với những lời chúc mừng, cầu nguyện, và lời chúc tốt đẹp. Nhưng có mấy ai nghĩ, giờ này ba năm trước, một giờ trọng đại, cũng có thể là một giờ kinh hoàng nhất trong đời Đức Phanxicô.
Trong mật nghị 2005, có khả năng sẽ bầu chọn ngài, nhưng ngài đã phản đối và thúc giục mọi người nên bỏ phiếu cho hồng y Ratzinger, chỉ để rồi tám năm sau, trong mật nghị 2013, ngài vẫn phải nhận lấy chức trách này sau khi Đức Bênêđictô XVI bất ngờ thoái vị.
Gần ghư ngay lập tức, ngay khi hồng y Bergolio trả lời khẳng định với câu hỏi của hồng y trưởng, ‘Cha có chấp nhận không?’ một câu hỏi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ngài, và cả cuộc đời Giáo hội nữa, là chính ngài mang lấy một gánh nặng khủng khiếp trên vai.
Ai ai cũng tự hỏi sẽ ra làm sao nếu như bất ngờ được đặt làm người lãnh đạo tôn giáo lâu đời nhất thế giới, một vai trò thiêng liêng được chính Chúa Giêsu lập khi chọn thánh Phêrô làm ‘người giữ chìa khóa’ và là mục tử đầu tiên cho đàn chiên của Chúa. Đây là vị trí mà một con người không thể nào đón nhận mà không chấn động rụng rời, nhưng chỉ có thể làm được với một sự tin tưởng nhờ đức tin.
Trong bộ phim “Habemus Papam” trình chiếu từ năm 2011, đạo diễn Nanni Moretti và diễn viên Michel Piccoli đóng vai giáo hoàng không chỉ cho chúng ta thấy về cách bầu chọn giáo hoàng, nhưng còn là một cái nhìn rất đánh động vào tiếng chuông cảm xúc rung lên dồn dập khi một người thấy mình được bầu làm lãnh đạo thiêng liêng của giáo hội Công giáo. Đoạn phim xúc động nhất là khi hồng y Melville trong phim được bầu làm giáo hoàng, và chuẩn bị trình diện ở ban công vương cung thánh đường, thì một cơn hoang mang kinh hoàng ập đến. Hai tay đưa cao, giáo hoàng vừa được bầu chạy trong tiếng thét kinh hoàng thánh thiện ‘Không!’ tìm về phòng mật nghị, lòng đầy chấn động và giằng xé, hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy đến cho mình.
Khi thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô trên ban công ngày tháng 3 năm ấy, tôi lại nhớ đến bộ phim này. Nhưng mừng thay, Jorge Bergoglio không phải là Melville giả tưởng, nhưng chắc chắn, là một con người, ngài hẳn phải thấy vô vàn chấn động khi được đưa đến ‘Gian phòng Than khóc’ nơi thay trang phục cho tân giáo hoàng.
Chuyện kể rằng hồng y Pecci, về sau là giáo hoàng Leo XIII, lúc đó 65 tuổi, chỉ dự mật nghị 1878 khi người ta phải dùng gậy lôi ngài vào, và khi được bầu ngài đã khóc vì sợ rằng mình quá già cho cương vị này, sợ mình sẽ chết mất. Nhưng, hồng y Pecci được biến đổi thành Giáo hoàng Leo, sống đến tận 93 tuổi, viết những bài thơ dí dỏm bằng tiếng La Tinh, và các tông thư về quyền của công nhân.
Và trước khi vào ‘Gian phòng Than khóc’ hồng y Alnino Luciani hay Đức Gioan Phaolô I, đã nói với hồng y trưởng sau khi trả lời chấp nhận làm giáo hoàng rằng, ‘Nguyện xin Chúa tha thứ cho cha vì những gì cha đã làm cho tôi.’
Chúng ta không biết Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói hay nghĩ gì trong ‘Gian phòng Than khóc,’ nhưng chắc chúng ta cũng đoán được phần nào cảm giác của ngài.
Chắc hẳn, hồng y vừa mới đệ đơn xin về hưu này sẽ hoang mang khi lại được giao cho một trọng trách còn nặng nề vô vàn so với Tòa Tổng giám mục Buenos Aires. Chắc hẳn, con người thích ở chung với các đám đông, thích đi dạo trên các nẻo đường, sẽ thấy thật kinh khủng khi phải ở trong chế độ an ninh cao nhất. Chắc hẳn, con người từng tuyên khấn Dòng Tên, từ bỏ mọi địa vị cao hơn trong Giáo hội, sẽ thấy kinh khủng khi lại một lần nữa nhận lấy một vị trí cao hơn nữa, cao nhất trong Giáo hội.
Và chắc hẳn, con người đơn sơ này, con người khiêm nhượng này, run rẩy khi Chúa ban cho ngài những gì quá sức chịu đựng trong suy nghĩ của ngài.
Nhưng, ý Chúa là tất cả. Con người rụt rè của hồng y Bergolio cũng là con người cầu nguyện. Và ngày hôm đó trong Gian phòng Nước mắt, cũng như suốt ba năm vừa qua, ngài tin rằng có Chúa ở bên mình. Lòng Thương xót Chúa luôn luôn đủ cho mọi người, và tất nhiên là đủ cho ngài.
Một tâm tình xuyên suốt cuộc đời ngài, đã được thổ lộ trong những lời đầu tiên của ngài trên cương vị Giáo hoàng. Một lời vang lên cách đây ba năm, và vẫn được nhắc liên tục trên miệng ngài, một lời dội vọng đến mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi trái tim của những người dù có đức tin hay không.
‘Xin cầu nguyện cho tôi.’
(J.B. Thái Hòa, phanxico.vn 15.03.2016)