Đức Thánh Cha gặp 650 người dự Hội nghị về người khuyết tật

VATICAN. ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật hoàn toàn tham gia vào đời sống Giáo Hội một cách bình thường, đặc biệt là đời sống bí tích.

PopeFrancis-11Jun2016-01.jpg

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng ngày 11-6-2016, trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 650 tham dự viên hội nghị về người khuyết tật do HĐGM Italia tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập phân bộ Huấn giáo cho người khuyết tật thuộc Văn phòng Huấn giáo toàn quốc Italia. Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người khuyết tật về thể lý và tâm lý.

 

 ĐTC đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên, đặc biệt là một phụ nữ 25 tuổi ngồi trên xe lăn, hỏi ĐTC tại sao trong giáo xứ, cô không được tham gia nhiều sinh hoạt của giáo xứ, và bị kỳ thị. Cô cho biết là sẽ tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ cuối tháng 7 tới tại Cracovia Ba Lan.

 

 ĐTC nhận định rằng: ”Cho đến nay nhiều điều đã được thực hiện trong việc săn sóc mục vụ cho người khuyết tật, nhưng cần phải đi xa hơn nữa, ví dụ nhìn nhận khả năng của người khuyết tật làm tông đồ và thừa sai, và trước tiên là giá trị sự hiện diện của họ như những nhân vị, như những chi thể sinh động của Thân Mình Giáo Hội. Trong sự yếu đuối và mong manh có tiềm ẩn những kho tàng có khả năng canh tân các cộng đoàn Kitô của chúng ta”.

 

 ĐTC ghi nhận trong các cộng đoàn Công Giáo có sự quan tâm nhiều hơn tới những người khuyết tật, nhưng chưa thực hiện sự hội nhập đích thực, chưa có sự tham gia trọn vẹn và bình thường của những tín hữu khuyết tật. Điều này không những đòi các giải pháp kỹ thuật và những chương trình chuyên biệt nhưng trước tiên đòi phải có sự nhìn nhận và tiếp đón, xác tín kiên trì theo đó mỗi người là duy nhất, có một không hai và không thể lập lại, mỗi khuôn mặt bị loại trừ đều làm cho cộng đoàn nghèo nàn hơn”.

 

 Cũng trong chiều hướng trên đây, trong diễn văn soạn sẵn, ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật tham gia hoàn toàn vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Ngài nói: “Chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng những người khuyết tật được kêu gọi sống trọn vẹn đời sống bí tích, cả khi họ bị khuyết tật trầm trọng về tâm lý. Thật là buồn khi thấy trong một số trường hợp người ta vẫn còn tỏ ra nghi ngờ, chống lại hoặc từ khước. Nhiều khi người ta biện minh cho sự từ khước cho người khuyết tận lãnh nhận các bí tích và nói: ”Họ đâu có hiểu gì”, hoặc ”họ không cần”. Trong thực tế, thái độ như thế chứng tỏ những người ấy không hiểu ý nghĩa đích thực của chính các bí tích, và trong thực tế họ không cho những người khuyết tật được thực thi chức phận làm con Chúa và được tham gia trọn vẹn vào cộng đoàn Giáo Hội”.

 

 Thánh lễ chúa nhật

 

 Cũng liên quan đến những người khuyết tật, chúa nhật 12-6-2016, hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ, sẽ tham dự thánh lễ ĐTC cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày Năm Thánh dành cho họ.

 

 Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên ĐTC trong phần dâng lễ, cũng có những người bị hiệu chứng down, hay là bệnh khờ. Ngoài ra trong lúc bài Tin Mừng được công bố lần đầu tiên cũng có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí cũng có thể hiểu được.

 

 Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm 9-6 vừa qua ở Roma. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì sự gia tăng con số các tín hữu hành hương Năm Thánh:

 

 Trong 6 tháng đầu tiên của Năm Thánh, tức là từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, đã có 9 triệu 100 ngàn tín hữu hành hương đến Roma. Con số đáng kể này cho thấy nhiều tín hữu từ các nơi trên thế giới vẫn muốn cử hành Năm Thánh ở Roma, mặc dù Cửa Năm Thánh được mở ra ở các nơi trên thế giới.

 

 Trong dịp đại Năm Thánh 2000, có hơn 30 triệu tín hữu hành hương đến Roma. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã nhận định rằng sẽ không có một con số đông đảo như vậy cho Năm Thánh Lòng Thương Xót vì thời gian ngắn ngủi từ khi ấn định Năm Thánh cho đến lúc khởi sự biến cố này (SD 11-6-2016)

 

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 11.06.2016)