Sáng 31/10, tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 5000 nhân viên và bệnh nhân của tổ chức Don Gnocchi.
5000 người đến Roma trên các chuyến xe lửa từ Milano, Torino, Brescia và Firenze và hơn 20 chuyến xe bus.
Tổ chức Gnocchi
Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 10 năm cha Carlo Gnocchi được phong chân phước. Vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai, cha Gnocchi đã thành lập tổ chức này trước tình trạng khẩn cấp của Ý sau chiến tranh: chăm sóc cho các trẻ mồ côi và các trẻ em bị tàn phế.
Ngày nay, Tổ chức Don Gnocchi có hơn 3700 chỗ giúp tái phục hồi, với 6000 nhân viên và hơn 50 cơ sở, trong đó có các bệnh viện và phòng khám địa phương rải rác trên khắp nước Ý. Tổ chức trợ giúp hơn 250 ngàn người tại Ý mỗi năm; tổ chức còn hoạt động với các dự án y tế và trợ giúp xã hộ như một tổ chức phi chính phủ ở Burundi, Ruanda, Bolivia, Ecuador, Bosnia Erzegovina, Ucraina, Myanmar và Campuchia.
Người tìm kiếm Thiên Chúa và con người
Trong bài nói chuyện với các nhân viên và bệnh nhân của tổ chức, Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Hồng y Tettamanzi của Milano trong lễ phong chân phước cho cha Gnocchi, gọi cha là “người tìm kiếm Thiên Chúa không ngừng nghỉ và người tìm kiếm con người cách can đảm, người đã tận hiến cuộc đời mình trong việc tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Kitô in sâu trên khuôn mặt của mỗi người”.
Thuốc của tâm hồn: sự an ủi và dịu dàng của Thiên Chúa
Tiếp đến Đức Thánh Cha cám ơn các thành viên của Tổ chức, từ các giám đốc và những người lãnh đạo của các trung tâm, các bác sĩ và nhân viên, các tình nguyện viên và bạn hữu, đã tiếp tục gia sản của cha Gnocchi với cùng lòng nhiệt thành tông đồ và trung thành với Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc phục vụ những người rốt cùng đang gặp khó khăn của bệnh tật và khuyết tật: cùng với các liệu pháp và kỹ thuật tiên tiến nhất cho cơ thể, hãy cung cấp cho những người tin tưởng vào cơ sở của anh chị em các loại thuốc của tâm hồn, đó là sự an ủi và dịu dàng của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha cũng mời gọi các thành viên hiện thực hóa việc phục vụ xã hội và y tế, đồng thời hoạt động Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là can đảm chiến đấu chống lại các nguyên nhân gây đau đớn và chăm sóc những người đang đau khổ và gặp khó khăn với tình yêu.
Năng lực và lòng trắc ẩn
Cuối cùng Đức Thánh Cha nhắc rằng ý nghĩa và giá trị của nghề y và của mọi phục vụ dành cho bệnh nhân được thể hiện đầy đủ trong khả năng kết hợp năng lực và lòng trắc ẩn. Năng lực cần để làm cho chứng tá của Kitô hữu trở nên đáng tin, ngay cả khi để bảo đảm cho anh chị em đi ngược dòng với nền văn hóa loại trừ những người yếu đuối. Lòng trắc ẩn để biết đau khổ với các bệnh nhân như Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nói: “Một xã hội không có khả năng chào đón, bảo vệ và mang lại hy vọng cho những người đau khổ, là một xã hội đã đánh mất sự thương cảm và ý nghĩa nhân đạo”. (REI 31/10/2019)
Hồng Thủy
(vaticannews 31.10.2019)