Trong bài diễn văn trước các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha muốn gửi đến mọi người thông điệp: thế giới cần những nghệ sĩ. Điều này được chứng minh bởi vô số người thuộc mọi lứa tuổi thường xuyên đến các địa điểm và sự kiện nghệ thuật.
Ngài nói: Thú thật tôi không cảm thấy xa lạ khi ở đây với quý vị: Tôi cảm thấy như ở nhà. Và tôi nghĩ rằng, thực tế điều này áp dụng cho mỗi người, bởi vì, trong mọi khía cạnh, nghệ thuật có địa vị của một “thành trú ẩn”, một thực thể bất tuân đối với chế độ bạo lực và phân biệt đối xử, để tạo ra những hình thái thuộc về con người có khả năng nhìn nhận, hội nhập, bảo vệ, đón nhận mọi người. Mọi người, bắt đầu từ những người rốt hết.
Các thành trú ẩn là thể chế Kinh Thánh, đã được đề cập trong Đệ Nhị Luật (xem Đnl 4,41), nhằm ngăn chặn việc đổ máu người vô tội và làm dịu đi ước muốn trả thù mù quáng, bảo đảm việc bảo vệ quyền con người và tìm kiếm các hình thức hòa giải. Thật rất quan trọng nếu các hoạt động nghệ thuật khác nhau có thể được hình thành ở khắp mọi nơi như một mạng lưới các thành trú ẩn, hợp tác để giải phóng thế giới khỏi những mâu thuẫn vô nghĩa và hơn nữa còn trống rỗng, nhưng lại tìm cách giương oai về phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bất bình đẳng, mất cân bằng sinh thái và nỗi ám ảnh nghèo, từ mới khủng khiếp này có nghĩa là “nỗi ám ảnh người nghèo”. Đằng sau những mâu thuẫn này luôn có sự chối từ người khác. Có sự ích kỷ khiến chúng ta thấy mình như những hòn đảo đơn độc thay vì những quần đảo hợp tác. Tôi cầu xin quý vị, những người bạn nghệ sĩ, hãy tưởng tượng những thành phố chưa tồn tại trên bản đồ địa lý: những thành phố mà ở đó không có người nào bị coi là xa lạ. Và vì thế khi nào chúng ta nói “người xa lạ khắp nơi”, thì chúng ta đề xuất “anh chị em khắp nơi”.
Tên khu triển lãm nơi chúng ta đang đứng là “Với đôi mắt của tôi”. Tất cả chúng ta đều cần được nhìn và dám nhìn vào chính mình. Về điều này, Chúa Giêsu là Vị Thầy dày dạn: Người nhìn tất cả bằng tình yêu vĩ đại mà không phán xét, nhưng biết gần gũi và khích lệ. Và tôi muốn nói rằng nghệ thuật dạy chúng ta kiểu nhìn này, không chiếm hữu, không khách quan hóa, nhưng cũng không thờ ơ, hời hợt; nó dạy chúng ta một cái nhìn chiêm niệm. Các nghệ sĩ đang ở trong thế giới, nhưng họ được kêu gọi để vượt xa hơn. Ví dụ, ngày nay hơn bao giờ hết, điều cấp thiết là họ phải biết cách phân biệt rõ ràng nghệ thuật với thị trường. Tất nhiên, thị trường đề bạt và tán thưởng, nhưng luôn có nguy cơ là nó “ma cà rồng hóa” sự sáng tạo, đánh cắp sự hồn nhiên và cuối cùng là lạnh lùng dẫn dắt người ta đến chỗ phải làm gì.
Hôm nay tất cả chúng ta đã chọn gặp nhau ở đây, tại nhà tù nữ Giudecca. Đúng là không ai độc quyền về nỗi đau phận người. Nhưng có niềm vui và nỗi đau kết hợp với nhau theo một hình thức độc đáo của nữ tính và chúng ta phải đặt mình lắng nghe, bởi vì niềm vui và nỗi đau này có điều gì đó quan trọng để dạy chúng ta. Tôi nghĩ đến những nghệ sĩ như Frida Khalo, Corita Kent hay Louise Bourgeois và nhiều người khác. Tôi hết lòng hy vọng rằng nghệ thuật đương đại có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta, giúp chúng ta đánh giá cao thoả đáng sự đóng góp của phụ nữ, với tư cách là những người đồng vai chính trong cuộc phiêu lưu của con người.
Các nghệ sĩ thân mến, tôi nhớ câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho đám đông về Gioan Tẩy Giả: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? (Mt 11,7-8). Chúng ta hãy giữ câu hỏi này trong lòng. Nó sẽ đẩy chúng ta hướng đến tương lai.
Xin cảm ơn! Tôi nhớ quý vị trong lời cầu nguyện của tôi. Và xin quý vị cũng cầu nguyện cho tôi.
Cuối buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha di chuyển bằng ghe trên sông đến gặp các bạn trẻ tại Nhà thờ Đức Mẹ của Sức khoẻ.
Nguồn: vaticannews.va/vi