Sau kỳ hè, Đức Thánh Cha tiếp tục những bài giảng của mình trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Được gợi hứng từ bài đọc thứ nhất của thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Timôthê trong phụng vụ hôm nay, Đức Thánh Cha khuyến khích việc cầu nguyện cả cho các cấp chính quyền, cho những người cai trị đất nước. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt hỏi người dân Ý, những người đang phải sống trong cuộc khủng hoảng chính trị rằng họ đã cầu nguyện cho những ai được kêu gọi để lãnh đạo đất nước hay chưa. Cuối cùng ngài khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện cho các chính trị gia, những nhà cầm quyền, để họ có thể thực hiện ơn gọi phù hợp với phẩm giá của mình.
Cầu nguyện
Suy ngẫm về đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Ti-mô-thê, Đức Thánh Cha đề cập đến cách thánh Phaolô thúc giục tất cả dân Chúa cầu nguyện, một lời cầu nguyện mang tính phổ quát: đừng oán hờn và cạnh tranh, nhưng hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người, cả cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, những nhà cầm quyền để họ được sống bằng yên, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch, xứng hợp và sốt sắng.
Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến lời chuyển cầu khi ngài nói: “anh chị em hãy cầu nguyện cho mọi người, để chúng ta có thể sống một cuộc sống bình an, trong trang nghiêm và sốt sắng”. Cầu nguyện để điều này có thể xảy ra. Nhưng có một điều tôi muốn dừng lại thêm. Thánh Phaolô nói: “Lời cầu nguyện dành cho tất cả mọi người”, rồi ngài lại thêm vào: “cho cả các vị vua và cho tất cả những bậc vị vọng, những người nắm quyền”. Vì thế, đó là lời cầu nguyện cho những người cai trị, cho các chính trị gia, cho những người có trách nhiệm điều hành một thể chế chính trị, một quốc gia, hay một tỉnh thành.
Hãy cầu nguyện cho những người nghĩ khác mình
Có những chính trị gia nhưng cũng có các linh mục và giám mục, bị xúc phạm và lăng mạ, hay có người nói “họ đáng bị như vậy”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng điều ấy “đã trở thành một thói quen”. Khi ngài nhắc lại điều ngài gọi là “chuỗi tràng hạt của những lời lăng mạ và những lời chửi rủa”. Nhưng ai là người trong chính phủ “có trách nhiệm lãnh đạo đất nước, còn chúng ta, chúng ta để người ấy lẻ loi, và không khẩn cầu Thiên Chúa ban phúc lành cho người ấy?
“Tôi chắc chắn rằng chúng ta không cầu nguyện cho những người cai trị, mà ngược lại, dường như lời cầu nguyện cho họ được thay bằng những lời “xúc phạm”. Và đó là cách chúng ta tương quan với những nhà cầm quyền. Nhưng thánh Phaolô đã giải thích rất “rõ ràng” khi yêu cầu chúng ta phải “cầu nguyện cho mỗi người trong số họ để họ có thể tiếp tục một cuộc sống bình yên và xứng với phẩm giá giữa dân của mình”.
Dù rằng người Ý gần đây đã trải qua “một cuộc khủng hoảng chính trị”, nhưng ai trong chúng ta cầu nguyện cho những người cai trị? Ai trong chúng ta cầu nguyện cho các nghị sĩ? Ai cầu nguyện cho họ đi tới đồng thuận để tiếp tục dẫn dắt dân tộc mình tiến triển? Phải chăng tinh thần dân tộc không hướng tới lời cầu nguyện? Mà lại hướng tới sự thù hận và cãi vã, và tinh thần dân tộc sẽ kết thúc như thế. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: hãy cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.” Chúng ta phải thảo luận và đây là chức năng của quốc hội, chúng ta cần phải thảo luận nhưng đừng phá huỷ điều khác. Ngược lại, chúng ta phải cầu nguyện cho người khác, nhất là cho những người có ý kiến khác với mình.
Lời mời gọi hoán cải
Trước những ai nghĩ rằng chính trị gia này “tham nhũng” hoặc chính trị gia kia “quá cộng sản”, Đức Thánh Cha trích dẫn Tin mừng thánh Luca hôm nay. Ngài không đặt vấn đề về “việc thảo luận chính trị” nhưng ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc có những người nói rằng “chính trị là thứ bẩn thỉu”, nhưng sau đó ngài nhấn mạnh rằng chính Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI đã tin rằng chính trị là “hình thức cao nhất của đức ái”:
Chính trị có thể bẩn thỉu cũng như bất kỳ ngành nghề nào,… Chúng ta chính là những người làm một thứ nào đó trở nên bẩn chứ chính nó không phải là thứ bẩn thỉu. Tôi tin rằng chúng ta phải sám hối và cầu nguyện cho các chính trị gia, cho tất cả họ! Hãy cầu nguyện cho những người điều hành và cai trị. Đó là những gì thánh Phao-lô yêu cầu chúng ta.
Khi nghe Lời Chúa, tôi nghĩ đến một điều rất đẹp của Tin Mừng hôm nay, người cai trị cầu nguyện cho một người cấp dưới của mình, viên đại đội trưởng cầu nguyện cho một thuộc hạ của ông. Cũng thế, những người cai trị cũng phải cầu nguyện cho người dân của mình. Viên đại đội trưởng này đã khẩn cầu cho một đầy tớ, cũng có thể là người hầu của ông. “Đó là người hầu của tôi, tôi có trách nhiệm trên anh ta.” Những người cai trị chịu trách nhiệm cho cuộc sống của cả một đất nước, một dân tộc. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng nếu mọi người dân cầu nguyện cho những người cai trị mình, và những người cai trị cũng có thể cầu nguyện cho mọi người dân của mình, giống như viên đại đội trưởng này cầu nguyện cho người đầy tớ của mình vậy.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 16.09.2019)