Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không phải là đồ “trang sức”, nhưng nó mang lại sự biến đổi. Để nhận được ơn cứu độ, ta phải chân nhận mình là tội nhân – nghĩa là biết tự lên án chính mình, chứ không phải lên án người khác. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta, sáng ngày 06.09.2018.
Trong đoạn Tin Mừng thánh Luca (Lc, 5,1-11), Chúa Giê-su hỏi Phê-rô để Ngài có thể lên thuyền của ông và giảng dạy cho dân chúng. Sau đó, ngài mời gọi ông thả lưới và thu được một mẻ cá lạ lùng. Trình thuật này làm ta nhớ lại một mẻ cá lạ khác trong biến cố hậu Phục sinh. Khi ấy, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ xem họ có gì để ăn không. Trong cả hai trường hợp này, ta đều thấy Phê-rô được tấn phong: lúc đầu là kẻ đánh lưới người ta, và sau đó là một mục tử, một vị chủ chăn. Chúa Giê-su đã đổi tên của ông, từ Simon thành Phê-rô, và như là một người Israel tốt lành, Phê-rô hiểu rằng việc thay đổi tên nghĩa là thay đổi sứ vụ. Phê-rô “đã cảm thấy tự hào bởi vì ông thực sự yêu mến Chúa Giê-su” và mẻ lưới lạ lùng này cho thấy một bước tiến trong cuộc đời ông.
Hành trình thứ nhất: nhận ra chính mình là những tội nhân
Sau khi nhận thấy lưới sắp rách vì quá nhiều cá, ông đã quỳ xuống dưới chân Chúa Giê-su và nói rằng: Thưa Thầy, xin rời xa con, vì con là kẻ có tội.”
Việc thú nhận chính mình là kẻ có tội chính là một bước tiến quyết trên con đường trở thành môn đệ Chúa Giê-su của Phê-rô. Bước đầu tiên này của Phê-rô cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu ta muốn đi vào đời sống thiêng liêng, đi vào đời sống của Chúa Giê-su, để phục vụ Người, để theo Người. Tự thú nhận mình là điều cần thiết. Nếu không biết tự lên án mình, ta không thể bước vào đời sống của người Ki-tô hữu.
Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không phải là đồ trang sức nhưng mang lại sự biến đổi
Tuy nhiên, có một nguy cơ ở đây.Tất cả đều “nhận mình là kẻ có tội” nhưng “không dễ” thú nhận mình là những tội nhân cách cụ thể. “Chúng ta thường quen miệng nói rằng “con là kẻ có tội”, nhưng cũng cùng một cách như thế, ta nói rằng, “con là con người” hoặc “con là công dân Ý.” Tự thú nhận thì phải cảm nhận được sự đau xót nơi chính mình: cảm thấy sự đáng thương, nghèo nàn của mình trước mặt Thiên Chúa. Đó cũng chính là việc cảm thấy hổ thẹn. Và (đôi khi) điều này cần phải được thực hiện bằng con tim, chứ không phải bằng lời nói. Nghĩa là, ta cần phải kinh nghiệm cách cụ thể như Phê-rô: ông đã xin Chúa Giê-su tránh xa mình vì mình tội lỗi. Phê-rô thực sự nhận thấy mình là kẻ có tội” và rồi ông đã được cứu. Ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang lại cho ta cần một sự xưng thú chân thành vì “nó không phải là một thứ trang sức, thứ làm đẹp,” thứ chỉ làm thay đổi khuôn mặt với “hai cái quẹt;” nhưng ơn cứu độ biến đổi ta, vì khi bạn bước vào đó, bạn phải dành chỗ cho nó bằng sự xưng thú chân thành về chính những tội lỗi của mình. Và từ ấy, ta kinh nghiệm được sự ngạc nhiên như Phê-rô.
Đừng nói về những người khác
Tóm lại, hành trình đầu tiên trong cuộc hoán cải là tự lên án, tự thú nhận chính mình với sự xấu hổ và cảm thấy sự ngạc nhiên vì mình được cứu. “Ta cần phải hoán cải, ta cần phải sám hối. Có những người thường thích nói về người khác, lên án người khác, và không bao giờ suy nghĩ về chính họ. Rồi khi đến tòa giải tội, người ấy xưng tội thế nào? Như một con vẹt? “Bla, bla, bla … Con đã làm thế này, thế kia…” Nhưng liệu điều bạn đã làm có đụng chạm đến bạn, đến con tim? Và trong nhiều lần, thì không. Bạn đến đó để xức mỹ phẩm, để trang điểm, để trông đẹp hơn khi ra về. Nhưng việc này không hề đi vào con tim của bạn, vì bạn không cho nó không gian, vì bạn không để cho mình tự lên án chính mình.
Ân sủng của việc nhận thấy mình là tội nhân thực sự.
Vì vậy, hành trình đầu tiên là một ân sủng: đó là mỗi người hãy học cách tự lên án chính mình chứ không phải lên án người khác.
Một dấu chỉ cho thấy một người không biết, hay một Ki-tô hữu, không biết cách tự lên án chính mình là khi người ấy hay cố cáo người khác, xía mũi vào chuyện của người khác. Đó là một dấu hiệu xấu. Tôi có đang làm điều này không? Đó là một câu hỏi tốt và cần thiết để đi vào con tim của ta. Ngày hôm nay, chúng ta xin Chúa ân sủng, ân sủng để gặp gỡ chính mình trong ánh nhìn của Ngài, với sự ngạc nhiên rằng ngài đang hiện diện, và ân sủng để nhận thấy mình là những tội nhân, nhưng một cách cụ thể và để nói như Phê-rô: “xin tránh xa con vì con là kẻ có tội.”
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 06.09.2018)