Các Ki-tô hữu không theo “tinh thần của thế gian,” nhưng sống “sự ngu dại và điên rồ của thập giá” “Là Ki-tô hữu không dễ dàng chút nào,” nhưng nó làm nên hạnh phúc: con đường mà Cha trên trời chỉ cho chúng ta là con đường của “lòng thương xót” và “của bình an nội tâm.” Đức Thánh Cha đã một lần nữa làm rõ đặc tính riêng biệt và nổi bật của “lối sống và phong cách Ki-tô hữu” trong bài giảng về đoạn Tin Mừng thánh Luca 6, 27-38.
Qua các Mối phúc và những Hành động của Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su luôn chỉ cho ta thấy “đời sống của người môn đệ” phải như thế.
Đi ngược lại cái luận lý của thế gian
Nói một cách cụ thể, phụng vụ hôm nay tập trung vào “bốn chi tiết để sống đời Ki-tô hữu” đó là: “yêu kẻ thù của mình, làm điều tốt cho người không thích mình, chúc phúc cho những ai nói xấu mình, cầu nguyện cho những ai đối xử tệ với mình.” Người Ki-tô hữu không bao giờ được tham gia vào “những cuộc bàn tán, nhiều chuyện” hay đi vào “cách lý luận kiểu lăng mạ.” Những điều ấy chỉ dẫn tới “chiến tranh.” Nhưng hãy luôn tìm giờ để cầu nguyện cho những người khiến mình khó chịu, bực mình.
Đây là một kiểu Ki-tô hữu, đây là một kiểu sống đời Ki-tô hữu. Nhưng nếu ta không làm bốn điều này: yêu kẻ thù, làm điều tốt cho ai không thích ta, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta, ta có là người Ki-tô hữu không? Có chứ, chúng ta là những người Ki-tô hữu bởi vì chúng ta đã lãnh nhận phép rửa tội nhưng ta lại không sống như một Ki-tô hữu. Ta sống như một người ngoại đạo, thờ phượng tà thần và đầy tinh thần thế gian.”
Sự ngu dại và điên rồ của thập giá
Chắc chắn “nói về những kẻ thù và về những người thuộc trường phái và đoàn thể khác” thì dễ dàng hơn nhiều, nhưng luận lý của Ki-tô hữu đi ngược dòng, đi ngược với xu hướng, và đi theo “sự ngu dại và điên rồ của thập giá.” Mục tiêu sau cùng là hành xử giống như con cái Cha trên trời.
Chỉ những ai sống lòng thương xót mới giống với Chúa Cha. “Các con hãy là những người sống lòng thương xót, như cha của các con là đấng thương xót.” Đây là một con đường, con đường đi ngược lại và nghĩ ngược lại với tinh thần thế gian, ngược lại với việc tố cáo và lên án người khác. Bởi vì, Kẻ Tố Cáo đang ở giữa chúng ta. Nó luôn tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa, nhằm tiêu diệt và làm chúng ta sụp đổ. Satan chính là Kẻ Tố Cáo. Và khi ta đi vào cách lý luận, cách suy nghĩ của lên án, của nói xấu, hay tìm cách làm hại người khác, thì ta đi vào luận lý của Kẻ Tố Cáo – kẻ huỷ diệt. Những ai không biết đến chữ “thương xót”, không biết, thì sẽ không bao giờ sống nó.
Lòng thương xót của người Ki-tô hữu
Vì thế, cuộc sống đung đưa và lưỡng lự giữa hai lời mời gọi: một của Chúa Cha, và một của Kẻ Tố Cáo, kẻ thôi thúc ta tố cáo người khác, và tiêu diệt người ấy.
Nhưng chính hắn đang tiêu diệt chúng ta! Bạn không thể làm điều đó với người khác. Bạn không thể đi vào cái luận lý của Kẻ Tố Cáo ấy. Nhưng, “cha ơi, con phải tố cáo.” Đúng rồi, hãy tố cáo chính con. Làm như thế sẽ tốt cho con. Lời tố cáo chính đáng và hợp lý duy nhất mà các Ki-tô hữu có thể làm là tự tố cáo và lên án chính mình. Còn với người khác, chỉ bằng lòng thương xót, bởi vì chúng ta là con cái của Chúa Cha, Đấng giàu lòng xót thương.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 13.09.2018)