Sau khi dùng bữa trưa tại Tòa TGM, vào lúc 13 giờ 30, ĐTC đến sân vận động bóng chày Nagasaki để cử hành Thánh lễ. Trước khi lên xe, ĐTC chào cách đặc biệt 16 nhân viên làm việc tại đây.
Sân vận động bóng chày Nagasaki, được làm bằng gạch đỏ và trắng, kết cấu như đấu trường thời cổ với một loạt các vòm. Công trình bốn tầng được hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 01 năm 1996 đến tháng 7 năm 1997, với chi phí 7,2 tỷ yên. Sân vận động có sức chứa hơn 25 nghìn chỗ ngồi; ngoài ra còn có khu liên hợp thể thao, bao gồm một sân tập trong nhà và một phòng triển lãm bóng chày địa phương.
Thánh lễ được cử hành theo phụng vụ Chúa nhật kính trọng thể Chúa Kitô Vua. Bài đọc thứ nhất được đọc bằng tiếng Nhật, bài đọc thứ hai tiếng Anh.
Mở đầu bài giảng, ĐTC trích dẫn một câu Tin Mừng Thánh Luca: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).
ĐTC mời gọi các tín hữu “chúng ta hãy để cho tiếng nói của chúng ta hợp với tiếng kêu của người làm điều ác, người bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, người đã nhận ra và tuyên bố Chúa là vua. Ở đó, trong giờ phút ít chiến thắng và vinh quang, giữa những tiếng kêu gào chế giễu và sỉ nhục, người phạm tội đã có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình. Đây là những lời cuối cùng mà Chúa Giêsu lắng nghe; và đến lượt mình, Chúa cũng đã có những lời cuối cùng trước khi phó mình cho Cha: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
ĐTC giải thích: “Ngay lập tức, quá khứ không ngay chính của người trộm mang một ý nghĩa mới: đồng hành với cuộc khổ nạn của Chúa. Núi Sọ, một nơi đang diễn ra sự bất công, nơi của sự thờ ơ, nhạo báng được biến đổi. Tất cả nhờ vào thái độ của người trộm lành, mang lại hy vọng cho cả nhân loại. Những trò đùa cợt và tiếng kêu réo “tự cứu mình” trước những đau khổ của người vô tội không phải là những lời cuối cùng”.
Áp dụng câu chuyện của người trộm lành vào chính cuộc sống của mỗi người, ĐTC nói: “Hôm nay, ở đây chúng ta muốn làm mới lại đức tin và dấn thân của chúng ta. Như người trộm lành, chúng ta biết rõ lịch sử của những thất bại, tội lỗi và giới hạn của chúng ta, nhưng chúng ta không muốn điều này quyết định hiện tại và tương lai của chúng ta”.
“Vì thế, giống như người trộm lành, hôm nay, chúng ta muốn sống giây phút mà chúng ta có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình, để bảo vệ và phục vụ Chúa, Người vô tội đau khổ. Chúng ta muốn đồng hành với nỗi thống khổ của Chúa, nâng đỡ Chúa trong lúc cô đơn và bị bỏ rơi. Và một lần nữa, chúng ta lắng nghe ơn cứu độ, đó là lời mà Chúa muốn ban cho mọi người: “Hôm nay anh sẽ ở cùng tôi trên thiên đường”.
Tiếp đến, ĐTC nhắc đến Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Chính vì ơn cứu độ mà các thánh đã can đảm làm chứng bằng chính cuộc sống mình. Theo mẫu gương của các ngài, chúng ta muốn tiếp tục bước đi như thế, chúng ta muốn ra đi, tuyên xưng với lòng can đảm rằng tình yêu được Chúa Kitô trao ban, hy sinh và tôn vinh trên thập giá có thể vượt qua mọi hận thù, ích kỷ, sỉ nhục; có thể vượt qua bất kỳ sự bi quan biếng nhác hoặc mê ngủ trong an hưởng. Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: Chúng ta là công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế, và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc m. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian” (Gaudium et spes, 43).
“Đức tin của chúng ta là tin vào Thiên Chúa của người sống. Chúa Kitô đang sống và đang hành động giữa chúng ta, hướng dẫn tất cả chúng ta đến cuộc sống viên mãn. Chúa Kitô đang sống và Người muốn chúng ta sống: đây là niềm hy vọng của chúng ta (Christus Vivit, 1). Mỗi ngày, chúng ta khẩn nài: Lạy Chúa, xin cho Nước Chúa trị đến. Và khi làm như vậy, chúng ta cũng muốn cuộc sống và hành động của chúng ta trở thành một lời khen ngợi. Nếu sứ mệnh của chúng ta là môn đệ truyền giáo, làm chứng và loan báo những gì sẽ đến, thì điều này không cho phép chúng ta cam chịu trước sự dữ, nhưng thôi thúc chúng ta trở thành men của Nước Chúa. Cho dù chúng ta ở đâu: trong gia đình, tại nơi làm việc, trong công ty, hãy là một lối mở nhỏ, trong đó Thánh Thần tiếp tục thổi bùng niềm hy vọng giữa các dân tộc”.
“Nước Trời là mục đích chung của chúng ta, một mục tiêu không chỉ cho tương lai, nhưng chúng ta khẩn nài và bắt đầu sống Nước Chúa ngay hôm nay. Chúng ta phải biết rằng, sự thờ ơ và im lặng đang bao quanh chúng ta, người già và người tàn tật, người bị bỏ rơi, người tị nạn và người lao động nước ngoài; tất cả đều là bí tích sống động của Chúa Kitô, Vua của chúng ta (Mt 25,31-46). Như thế, nếu chúng ta thực sự xuất phát lại từ việc suy ngẫm Chúa Kitô, chúng ta sẽ biết cách nhìn thấy trong khuôn mặt của những người này chính Chúa muốn đồng hóa với họ ( Novo millennio ineunte, 49). Trên Núi Sọ, nhiều tiếng nói im lặng, rất nhiều người nhạo báng; chỉ có tên gian phi biết cách đứng lên và bảo vệ người vô tội đau khổ: một hành động can đảm tuyên xưng đức tin. Tùy thuộc vào mỗi chúng ta quyết định giữ im lặng, chế giễu hoặc nói lời ngôn sứ”.
Kết thúc bài giảng ĐTC khuyến khích các tín hữu: “Anh chị em thân mến, Nagasaki đã để lại trong tâm hồn anh chị em một vết thương khó lành, một biểu hiện của đau khổ không thể giải thích được của rất nhiều người vô tội; nạn nhân của các cuộc chiến tranh trong quá khứ nhưng ngày nay vẫn phải chịu đựng. Tại đây, chúng ta lên tiếng, cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những người còn đang phải chịu đau khổ trong thân xác, tội này kêu thấu trời cao. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để cho ngày càng có nhiều người, giống như người trộm lành, không im lặng hoặc chế giễu, nhưng nói lời ngôn sứ bằng tiếng nói của chính mình cho một vương quốc của sự thật và công lý, của sự thánh thiện và ân sủng, của tình yêu và hòa bình”.
Thánh lễ được tiếp tục và phần lời nguyện tín hữu được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Tagalog, Nhật và Việt Nam. Cuối Thánh lễ Đức cha Joseph Mitsuaki Takami, TGM Nagasaki có lời cám ơn ĐTC.
Nguồn: Vatican News