Một dàn nhạc giao hưởng trẻ em đã phụ họa cho ca sĩ trẻ Constanza Wilson. Sau bài hát, Đức Giáo Hoàng đã ôm cô và tặng một chuỗi tràng hạt.
Sau buổi lễ đơn sơ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời lễ đài để đích thân chào thăm một số người ra đón ngài. Sau đó, ngài lên xe đến giáo xứ San Luis Beltrán.
Tại đây hàng trăm cư dân của quận Pudahuel đã chờ đợi ngài từ buổi chiều, và chào đón Đức Thánh Cha với đầy cảm xúc. Cùng với Đức Hồng Y Ricardo Ezzati và Cha Julio Larrondo, Đức Giáo Hoàng đã đến cầu nguyện tại ngôi mộ của Đức Cha Enrique Alvear, người được gọi là “Giám mục của Người nghèo”, và tiến trình phong Chân Phước cho ngài đang được xúc tiến ở Vatican.
Sau buổi cầu nguyện và chào thăm anh chị em giáo dân tại Pudahuel, Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc hành trình về tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Khi đi đến ngã tư đường Brasil và đại lộ Libertador Bernardo O’Higgins, Đức Thánh Cha đã xuống xe và bước lên một chiếc xe mui trần và đi dọc theo các đại lộ chính của thành phố Santiago để chào thăm dân chúng cho đến khi vào đến bên trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở đường Providencia.
Đức Thánh Cha khởi hành sang Santiago, Chí Lợi. Điện tín đầu tiên của Đức Thánh Cha.
Đặng Tự Do
15/Jan/2018
Chuyến bay chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Mỹ để tông du Chí Lợi và Pêru đã rời Rôma vào lúc 8:55 sáng thứ Hai 15 tháng Giêng, trễ hơn dự trù ban đầu 55 phút.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu cuộc hành trình thứ 22 bên ngoài nước Ý hôm thứ Hai, khi chuyến bay của ngài rời sân bay Fiumicino của Rôma trong một cuộc hành trình hơn 15 giờ tới thủ đô Santiago của Chí Lợi.
Chuyến tông du Chí Lợi và Pêru của Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ngài đến sáu thành phố khác nhau trong khoảng thời gian gần một tuần. Hành trình của ngài bắt đầu ở thủ đô Santiago của Chí Lợi, ngoài các thánh lễ dành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha sẽ gặp các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo và thăm một nhà tù phụ nữ. Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha sẽ đến Temuco, một thành phố có đông người bản địa Mapuche, trước khi trở về Santiago để gặp gỡ những người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành ngày cuối cùng của mình tại Chí Lợi ở thành phố cảng Iquique miền bắc.
Từ Italia, Đức Thánh Cha sẽ bay ngang bầu trời Địa Trung Hải vào các nước Algeria, Marốc, Tây Sahara; trước khi băng ngang Đại Tây Dương để đến Ba Tây, Bolivia, Paraguay và Á Căn Đình rồi vào không phận Chí Lợi. Như thường lệ, Đức Thánh Cha sẽ gửi điện tín cho các quốc gia khác nhau trên đường đến Nam Mỹ. Điện tín đầu tiên của ngài, bằng tiếng Ý, là cho Tổng thống Ý Sergio Mattarella.
Đức Thánh Cha viết:
“Khi rời Rôma du hành đến Chilê và Peru để hỗ trợ sứ mệnh của Giáo hội địa phương và mang lại một thông điệp hy vọng, điều quan trọng là tôi phải gửi lời chào trân trọng đến ngài, thưa Tổng thống, và qua đó xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đối với phúc lợi tinh thần, dân sự và sự thịnh vượng xã hội cho người dân Ý, là những người tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh”
Trên chuyến bay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài rất sợ hiểm họa chiến tranh hạt nhân.
“Vâng, tôi thực sự rất sợ hãi. Chúng ta đã tới giới hạn rồi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho các ký giả thấy một bức ảnh về hậu quả của vụ nổ nguyên tử ở Nagasaki năm 1945. Đó chính là bức ảnh vào dịp cuối năm vừa qua, Đức Thánh Cha đã ký tên và truyền cho Vatican media công bố.
Bức ảnh cho thấy một cậu bé Nhật Bản đang cõng em trai của mình trên lưng. Đứa em đã chết, và cậu bé đang đứng xếp hàng chờ đợi trước một lò hoả thiêu.
Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O’Donnell sau khi một quả bom nguyên tử rơi vào Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết thêm một nhận xét ngắn gọn, “..il frutto della guera” (hoa trái của chiến tranh), tiếp theo là chữ ký của ngài.
Bên dưới có những dòng chữ tiếng Tây Ban Nha:
“Đứa bé trai đang xếp hàng tại một lòa hoả thiêu cõng đứa em mình đã chết. Ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O’Donnell sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki. Cảm giác buồn bã của cậu bé thể hiện nơi đôi môi căng mọng và rướm máu.”
Ngài nói với các ký giả: “Vì thế, điều cần thiết là phải phá hủy vũ khí, chúng ta hãy nỗ lực để giải trừ vũ khí hạt nhân.”
Đức Phanxicô họp báo trên đường tới Chile
Vũ Văn An
15/Jan/2018
Theo tin VaticanNews, trên chuyến bay tới Chile, Đức Phanxicô giải thích lý do tại sao ngài muốn chia sẻ tấm hình bé trai Nhật đứng chờ ở nhà hỏa thiêu ở Nagasaki để an tang đứa em bé thơ của em. Thực vậy, lúc lên máy bay để bay đi Chile hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập tới nỗi sợ hãi của ngài đối với sự đe dọa của chiến tranh hạch nhân. Nói với các nhà báo trên chuyến bay, ngài cũng nhận định về hình ảnh bé trai Nhật đìu xác đứa em bé thơ của em trên lưng khi đứng xếp hàng tại nhà hỏa thiêu ở thành phố Nagasaki.
Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh in thành “post cards” và phân phối cho các nhà báo tấm hình ấy ở một bên còn bên kia là hàng chữ “kết quả của chiến tranh”, cùng với chữ ký của ngài. Tấm hình này do nhiếp ảnh gia Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Joe O’Donnell chụp trong những ngày sau cuộc tấn công hạch nhân của Hoa Kỳ trên thành phố này hồi tháng Tám năm 1945.
“Hậu quả của chiến tranh”
Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất xúc động trước bức hình và muốn chia sẻ nó, vì ngài sợ rằng thế giới, một lần nữa, đang xích gần lại việc sử dụng các vũ khí hạch nhân.
Các nhận định của ngài được nói ra chỉ hai ngày sau khi cư dân Hawaii nhận được lệnh báo động sẽ có cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hạch nhân. Cuộc báo động lầm từ Cơ Quan Quản Trị Khẩn Trương của Hawaii này, một cuộc báo động cũng đã được phát đi trên truyền thanh và truyền hình, chỉ được rút lại 38 phút sau.
Đức Giáo Hoàng kết án việc sở hữu các vũ khí hạch nhân
Tháng Mười Một năm ngoái, Đức Phanxicô đã nói chuyện với một hội nghị ở Vatican về việc giải giới; ngài nói rằng việc sở hữu các vũ khí hạch nhân phải “bị cương quyết kết án” vì “chúng hiện hữu để phục vụ não trạng sợ sệt ảnh hưởng không những các bên tranh chấp, mà là cả nhân loại.”
Đức Giáo Hoàng nói với các tham dự viên, trong đó, có nhiều người nhận giải Nobel Hòa Bình, rằng “các liên hệ quốc tế không thể bị cầm tù bởi sức mạnh quân sự, dọa dẫm lẫn nhau, và biểu dương các kho vũ khí…” Ngài nói tiếp: các vũ khí giết người hàng loạt, nhất là các vũ khí hạch nhân, “không tạo nên gì khác ngoài một cảm thức an ninh giả tạo. Chúng không thể tạo nên nền tảng cho một cuộc chung sống hòa bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại”.
Tin ghi nhanh của Hãng A.P. : Đức Phanxicô đã đặt chân lên Chile
Vũ Văn An
15/Jan/2018
Sau đây là bản tin ghi nhanh của Hãng A.P. về ngày đầu tiên trong chuyến tông du hai nước Chile và Peru theo giờ địa phương ở Santiago, Thủ Đô Chile:
4:30 giờ chiều:
Mấy giờ trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Chile, các nhà tranh đấu về các vấn đề liên quan tới việc giáo sĩ lạm dụng tình dục lên tiếng kêu gọi phải cấm tất cả những người lạm dụng và bất cứ ai giúp che đậy các hành vi của họ.
Khoảng 200 người tham dự buổi đầu tiên trong một số buổi mít tinh và phản đối nhằm biến việc các linh mục lạm dụng thành tập chú chính trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Phanxicô tại đất nước này kể từ ngày lên ngôi Giáo Hoàng.
Việc các linh mục lạm dụng tại Chile là một vết thương công khai. Một phần cũng vì quyết định của Đức Phanxicô bổ nhiệm một vị giám mục có liên hệ mật thiết với người lạm dụng tai tiếng nhất nước là Cha Fernando Karadima.
Juan Carlos Cruz, người bị cha Karadima lạm dụng lúc còn bé, cho hay nay là lúc để Đức Giáo Hoàng xin lỗi và đưa ra hành động.
6:45 giờ tối.
Các viên chức của chính phủ Chile nói rằng sẽ không có chủ đề nào bị cho ra rìa khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Tổng Thống Michelle Bachelet hôm thứ Hai.
Phát ngôn viên chính phủ Paula Narvaez nói rằng Bà Bachelet coi cuộc viếng thăm giống mọi cuộc viếng thăm của bất cứ vị quốc trưởng nào.
Trong mấy tuần qua, nhiều người Chile bầy tỏ lo ngại rằng Đức Phanxicô có thể công khai ủng hộ thúc đẩy của Bolivia muốn có một mảnh đất của Chile để nối liền quốc gia không có bờ biển của họ với Thái Bình Dương. Chủ đề này hết sức nhậy cảm đối với người Chile; họ cảm thấy rằng cho Bolivia một mảnh đất là xâm hại biên giới quốc gia của họ.
Cũng có lời bàn tán về việc liệu Đức Giáo Hoàng có đề cập tới các đề xuất hợp pháp hóa phá thai tại quốc gia này hay không. Hiện thời, phá thai chỉ hợp pháp nếu mạng sống người đàn bà bị đe dọa vì việc có thai hay nếu bào thai khó lòng sống sót lành mạnh.
Về chính trị, Giáo Hội Công Giáo vốn có một ảnh hưởng mạnh mẽ tại Chile, luôn cố gắng duy trì một số luật lệ về phá thai được coi là chặt chẽ nhất thế giới.
7.00 giờ tối
Đức Giáo Hoàng gửi lời chào mừng của ngài tới quê hương Á Căn Đình khi máy bay của ngài bay qua không phận nước này trên đường tới Chile.
Đức Phanxicô nói rằng ngài gửi “những lời chúc tốt nhất từ tấm lòng của ngài cho mọi người ở quê hương tôi.”
Thông điệp trên là một nhắc nhở nữa rằng Đức Phanxicô hết sức cố gắng tránh việc trở về Á Căn Đình suốt trong 5 năm làm giáo hoàng vừa qua.
Phần lớn các quan sát viên của Vatican gán việc tránh trở lại quê hương kia cho việc ngài ngán các phe phái chính trị ở Á Căn Đình lợi dụng chuyến đi, vì bất cứ cuộc viếng thăm nào cũng bao gồm những cuộc hội kiến theo nghi lễ ngoại giao, chụp hình lấy tiếng và cơ hội tuyên truyền cho bất cứ chính phủ nào đang cầm quyền.
7:15 giờ tối
Đức Giáo Hoàng đã đặt chân lên Chile, nơi người ta cho là sẽ có các cuộc biểu tình phản đối quyết định của ngài trong việc bổ nhiệm một giám mục có liên hệ đến vị linh mục lạm dụng tình dục tai tiếng nhất nước.
Đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô viếng Chile từ ngày lên ngôi giáo hoàng vào năm 2013.
Sau khi xuống máy bay, ngài đã gặp Tổng Thống Chile là Michelle Bachelet.
Trong ba ngày tới, Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ tại Santiago, tại thành phố phía nam là Temuco và tại thành phố phía bắc là Iquique. Hôm thứ Năm, ngài sẽ qua Peru.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô, theo A.P., nhằm làm nổi bật số phận của di dân và nhấn mạnh tới việc phải bảo tồn rừng già Amazon. Tuy nhiên, việc lạm dụng tình dục của một số linh mục đã chiếm một vị trí khá rõ trong chuyến đi này.
Nhưng nhìn cảnh ngài được đón tiếp dọc đường từ phi trường Santiago về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, nơi ngài nghỉ qua đêm, và thái độ cởi mở đáp ứng của ngài, tất cả các lo ngại trên, nhất là các lo ngại về chính trị quanh chuyến đi của ngài tự nhiên biến mất. Ngài đến đây không phải vì chúng mà vì những con người thực chất này. Họ có thể là những con người không ra gì về phương diện kinh tế, xã hội và cả tôn giáo theo nghĩa định chế nữa, nhưng họ cần ngài, cần người đại diện của Đấng Siêu Việt trên trần gian.
Hình ảnh bé trai trao đổi chiếc mũ chỏm đội đầu với ngài và sau đó giơ cao chiếc mũ lên, cả sau khi ngài đã rời chỗ em đứng, đủ nói lên cái khát vọng muốn tìm một điều gì đó để “sursum corda!” của dân tộc Chile trong lúc này.
Nguồn tin: Vietcatholic