Nền kinh tế này được khởi xướng cách đây 25 năm do chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào ”Focolare” (Tổ Ấm), đứng trước những chênh lệch quá lớn mà chị nhận thấy tại thành phố São Paolo, Brazil. Theo nền kinh tế này, các doanh nhân trở thành những tác nhân hiệp thông: doanh nghiệp không những có thể không phá hủy sự hiệp thông giữa con người với nhau, nhưng còn xây dựng và thăng tiến tình hiệp thông đó.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cập đến 3 đề tài là tiền bạc, nghèo đói và sau cùng là hiệp thông và doanh nghiệp.
– Ngài nhận xét rằng ”tiền bạc là quan trọng nhất là khi không có và lương thực, trường học, tương lai con cái tùy thuộc tiền bạc, nhưng nó trở thành thần tượng khi trở thành cứu cánh. Sự hà tiện là tội tôn thờ thần tượng tiền bạc, vì sự tích trữ tiền bạc cho mình trở thành mục tiêu hoạt động của mình. Khi chế độ tư bản biến việc tìm kiếm lợi tức thành mục tiêu duy nhất của nó, thì nó có nguy cơ trở thành một hình thức thờ phượng.”
Trong bối cảnh đó, ĐTC đề cao nền kinh tế hiệp thông đặt lợi tức làm của chung. Ngài nói: ”Cách thức tốt nhất và cụ thể nhất để không biến tiền bạc thành thần tượng là chia sẻ nó với tha nhân, nhất là với người nghèo, hoặc giúp người trẻ học hành và làm việc, vượt thắng cám dỗ thần tượng bằng tình hiệp thông. Khi anh chị em chia sẻ và trao tặng những lợi tức của mình, tức là anh chị em đang thực hiện một cử chỉ linh đạo cao độ, qua những cử chỉ anh chị em nói với tiền bạc rằng: mày không phải là Thiên Chúa”.
– ĐTC cũng ca ngợi nỗ lực vượt thắng nghèo đói như một đề tài trung tâm của Phong trào kinh tế hiệp thông. Ngài ghi nhận ngày nay có nhiều sáng kiến và phương thế để khắc phục nghèo đói, kể cả các thứ thuế được đề ra trong tinh thần liên đới. Tinh thần liên đới này bị phủ nhận bằng sự trốn thuế. Hành vi trốn thuế trước tiên là điều bất hợp pháp, và nó cũng là sự phủ nhận qui luật căn bản của cuộc sống, đó là tương trợ nhau.
ĐTC nhận xét rằng chế độ tư bản tiếp tục tạo nên những người bị gạt ra ngoài lề.. Vấn đề luân lý đạo đức chính của chế độ tư bản như thế là tạo ra những người bị gạt bỏ để rồi tìm cách giấu kín họ hoặc săn sóc họ để người ta không còn thấy họ nữa. Một hình thức nghèo trầm trọng của một nền văn minh là không còn nhìn thấy những người nghèo của mình nữa, trước đó người nghèo bị gạt bỏ và rồi bị giấu kín đi.
ĐTC kêu gọi ”không những giúp đỡ người nghèo, cứu chữa những người gặp nạn, nhưng còn phải làm sao để phòng ngừa để họ đừng trở thành nạn nhân. Nhất là cần hành động trước khi con người bị kẻ cướp tấn công và bóc lột, cần bài trừ những cơ cấu tội lỗi tạo ra những kẻ cướp và nạn nhân. Một doanh nhân chỉ là người samaritano nhân lành thì họ thi hành một nửa bổn nhận của mình: họ săn sóc các nạn nhân ngày nay, nhưng không giảm bớt các nạn nhân ngày mai”.
– Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Từ 25 năm nay, anh chị em nói: hiệp thông và doanh nghiệp có thể sống chung và cùng tăng trưởng. Kinh nghiệm của anh chị em hiện nay chỉ giới hạn vào một số nhỏ các doanh nghiệp, rất nhỏ bé, so với đại tư bản trên thế giới. Nhưng cuộc chiến thuộc lãnh vực tinh thần và trong lãnh vực đời cuộc sống không lệ thuộc số nhiều. Một đoàn chiên nhỏ, một đồng tiền, một con chiên, một hạt ngọc trai, muối, men, là những hình ảnh về Nước Trời chúng ta gặp trong các sách Phúc Âm… Không cần đông người để thay đổi cuộc sống chúng ta, chỉ cần muối và men không bị biến chất.. Mỗi khi cá nhân, dân tộc và thậm chí cả Giáo Hội nghĩ đến việc cứu độ trần thế bằng cách gia tăng số lượng, thì họ kiến tạo những cơ cấu quyền lực mà quên đi người nghèo. Chúng ta hãy cứu vãn nền kinh tế chúng ta, bằng cách tiếp tục là muối và men;.. Cần làm sao để không đánh mất nguyên lý tác động, là men của tình hiệp thông, bằng cách chia sẻ” (SD 4-2-2017)
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 04.02.2017)