VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-5-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria giữ vững hy vọng trong những nghịch cảnh và đen tối của cuộc đời.
Tuy vé dự tiếp kiến ghi buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 10 giờ, nhưng lúc gần 9.30, ĐTC đã đi xe mui trần tiến vào quảng trường thánh Phêrô và dành 20 phút tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đặc biệt có một nhóm người Việt Nam cầm cờ vàng ba sọc đỏ nồng nhiệt vẫy chào ĐTC khi xe ngài đi qua gần khu vực của họ.
Lên tới lễ đài ĐTC bắt tay chào và cám ơn khoảng 10 LM thông dịch viên có nhiệm vụ diễn giải những gì ngài nói qua các sinh ngữ.
Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan đoạn 19, câu 25 tới 27, ghi lại lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá: Thưa bà, này là con bà! và với thánh Gioan: Này là Mẹ con!. Từ lúc đó môn đệ mang Mẹ về nhà mình.
Bài huấn dụ của ĐTC
Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài Mẹ Hy Vọng. Đây là bài thứ 21 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:
”Trong hành trình giáo lý của chúng ta về đức hy vọng Kitô giáo, hôm nay chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ hy vọng. Mẹ Maria đã trải qua hơn một đêm đen trong hành trình của Mẹ. Ngay từ khi mới xuất hiện trong lịch sử các Tin Mừng, hình ảnh của Mẹ nổi bật như thể Mẹ là một nhân vật trong một bi kịch. Không phải Mẹ chỉ thưa ”xin vâng” đối với lời mời của thiên thần; nhưng Mẹ còn là một phụ nữ, đang ở tuổi thanh xuân, can đảm đáp lại, dù không biết gì về vận mệnh đang chờ đợi Mẹ. Trong lúc ấy Mẹ Maria xuất hiện trước mặt chúng ta như một trong bao nhiêu bà mẹ của thế giới này, can đảm đến tột cùng khi đón nhận trong cung lòng mình lịch sử của một con người mới đang sinh ra.
Lời thưa ”xin vâng” ấy là bước đầu trong một danh sách dài những vâng phục tháp tùng hành trình của Mẹ. Vì thế Mẹ Maria xuất hiện trong các sách Tin Mừng như một phụ nữ thầm lặng, thường không hiểu tất cả những gì xảy ra quanh mình, nhưng Mẹ suy niệm mỗi lời và mỗi biến cố trong tâm hồn Mẹ.
Trong thái độ ấy, có một khía cạnh rất đẹp về tâm lý của Mẹ Maria: Mẹ không phải là một phụ nữ xuống tinh thần trước những bất trắc của cuộc đời, nhất là khi dường như không có gì tiến triển tốt đẹp. Mẹ cũng chẳng phải là một phụ nữ mạnh mẽ phản đối, than trách lăng mạ chống lại vận mệnh của cuộc đời nhiều khi có vẻ đố kỵ. Trái lại Mẹ là một phụ nữ lắng nghe, đón nhận cuộc sống như được ủy thác cho chúng ta, với những ngày hạnh phúc, nhưng cũng với cả những thảm kịch ma không bao giờ chúng ta muốn gặp. Cho đến đêm tột đỉnh của Mẹ Maria, khi Con của Mẹ bị đóng đinh vào thập giá.
Cho đến ngày ấy, Mẹ Maria hầu như biến mất khỏi những trang Tin Mừng: các tác giả sách thánh ngụ ý rằng sự hiện diện lu mờ từ từ của Mẹ, sự im lặng của Mẹ trước mầu nhiệm một người Con vâng phục Chúa Cha. Nhưng Mẹ Maria tái xuất hiện trong lúc nghiêm trọng: khi phần lớn các bạn hữu trốn mất vì sợ hãi. Các bà mẹ không phản bội, và trong lúc ấy, dưới chân thập giá, không ai trong chúng ta có thể nói đâu là hình khổ dữ dằn nhất: hình khổ của một người vô tội chết trên cây thập tự, hay sự hấp hối của một bà mẹ đồng hành những giờ phút cuối cùng của con. Các sách Tin Mừng vắn tắt và rất kín đáo. Các thánh sử chỉ ghi nhận sự hiện diện của Mẹ bằng một động từ đơn giản: Mẹ đứng đó (Ga 19,25). Các sách ấy không nói gì về phản ứng của Mẹ, và chẳng viết gì để mô tả nỗi đau khổ của Mẹ: về những chi tiết này các thi sĩ và các họa sĩ tưởng nghĩ ra và để lại cho chúng ta những hình ảnh đã đi vào lịch sử nghệ thuật và văn chương.
ĐTC nói tiếp:
”Mẹ Maria ”đứng đó”.. Này đây một thiếu nữ thành Nazareth, nay tóc đã hoa râm với năm tháng, vẫn còn liên hệ với một vị Thiên Chúa Đấng phải được đón nhậnlấy, và với một cuộc sống đã đi tới bờ vực thẳm đen tối nhất, Mẹ Maria đứng đó, trung thành hiện diện, mỗi lần cần cầm nến sáng trong một nơi u tối và mây mù. Cả Mẹ cũng không biết vận mệnh phục sinh mà Con của Mẹ trong lúc ấy đang mở ra cho tất cả loài người chúng ta: Mẹ đứng đó vì trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ xưng là tôi tớ Chúa trong ngày đầu tiên khi Mẹ được kêu gọi, nhưng cũng vì bản năng làm mẹ chịu đau khổ, mỗi khi một người con phải qua cực hình.
Chúng ta lại thấy Mẹ trong ngày đầu tiên của Giáo Hội, Mẹ là Mẹ hy vọng, giữa cộng đoàn các môn đệ rất mong manh: một người đã chối Chúa, nhiều người khác bỏ chạy, tất cả đều sợ hãi (Xc Cv 1,14). Mẹ Maria chỉ đứng đó, trong tư thế bình thường nhất, như thể tất cả đều bình thường; trong Giáo Hội đầu tiên được bao phủ trong ánh sáng Phục Sinh, nhưng cả trong những rung động đầu tiên của những bước mà Giáo Hội phải thực hiện trong thế giới.
Vì thế, tất cả chúng ta đều yêu mến Mẹ như người Mẹ. Vì Mẹ dạy chúng ta nhân đức chờ đợi, cả khi tất cả dường như không có ý nghĩa: Mẹ luôn tín thác nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, cả khi Chúa dường như lu mờ vì sự ác trong trần thế. Trong những lúc khó khăn, Mẹ Maria, người Mẹ mà Chúa Giêsu ban tặng cho tất cả chúng ta, có thể luôn luôn nâng đỡ những bước đường của chúng ta!
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các LM thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC.
Bằng tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào các học sinh và tín hữu thuộc các giáo xứ ở Pháp và Bỉ, và nói rằng: Xin Mẹ Maria giúp chúng ta duy trì niềm tin nơi tình yêu Thiên Chúa, trong những ngày hạnh phúc cũng như trong những ngày đau khổ nhất.
Bằng tiếng Anh, ĐTC chào các tín hữu đến từ nhiều nước, từ Anh quốc, Ai Len, Phần Lan, Hoa Lục, Indonesia, Đài Loan, vân vân. Ngài nói: ‘Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi khẩn cầu tình yêu thương xót của Thiên Chúa là cha chúng ta trên tất cả anh chị em và gia đình anh chị em nữa.
Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC xin họ hiệp ý cầu nguyện cho cuộc hành hương của ngài nơi Đức Mẹ Fatima.
ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha: ”Hôm nay 10-5, chúng ta mừng lễ kính thánh Juan de Ávila, bổn mạng hàng giáo sĩ Tây Ban Nha và là một vị tôn sư về đời sống tu đức. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh mục, để các vị luôn luôn là hình ảnh trong sáng của Chúa Giêsu vị Mục Tử nhân lành, và xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ các giáo sĩ trong đời sống linh mục.
Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, ĐTC nói: ”Thứ sáu và thứ bẩy này, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến hành hương tại Fatima để phó thác cho Đức Mẹ vận mệnh trần thế và vĩnh cửu của nhân loại và khẩn cầu phúc lành của Trời Cao trên những nẻo đường của nhân loại. Tôi xin tất cả anh chị em hiệp với tôi, nhưng những người lữ hành hy vọng và hòa bình: ước gì những đôi tay nguyện cầu tiếp tục nâng đỡ những đôi tay của tôi. Ước gì người Mẹ cao cả và tốt lành nhất trong tất cả các bà mẹ canh giữ mỗi người trong anh chị em, trong suốt cuộc đời và cho đến vĩnh cửu.
Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC nói: ”Thứ hai vừa qua, anh chị em đã mừng lễ trọng kính thánh Stanislao, GM tử đạo, bổn mạng chính của Ba Lan. Theo hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, bảo vệ các giá trị Tin Mừng và trật tự luân lý, thanh Stanislao đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên và đổ máu đào tử đạo. Ước gì tấm gương của thánh nhân là một khích lệ cho tất cả chúng ta có khả năng trung thành với Chúa Kitô trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, trung thành với thập giá và Tin Mừng của Chúa.
ĐTC cũng chào thăm một phái đoàn các linh mục trẻ thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, khách của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tin hữu Kitô. Ngài nói: ”Xin Thiên Chúa Toàn Năng, qua lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, chúc lành cho đất nước của anh em, và sự dấn thân của Giáo Hội Chính Thống Nga trong viẹc đối thoại giữa các tôn giáo và cho công ích!
Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các tham dự viên tuần lễ đại kết do Phong trào Focolari, Tổ Ấm, đề xướng, và ngài nhắn nhủ họ tiếp tục hành trình chung tìm về hiệp nhất, đối thoại và thân hữu giữa các tôn giáo và các dân tộc.
ĐTC cũng nhắc nhở các bạn trẻ: thứ bẩy 13-5 tới đây là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra với 3 mục đồng. Các bạn trẻ thân mến, hãy học cách vun trồng lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Ngài cũng khuyến các anh chị em bệnh nhân hãy cảm thấy sự hiện diện của Mẹ Maria trong giờ khổ giá, và ngài nhắn nhủ các đôi vợ chồng mới cưới hãy cầu nguyện với Mẹ Maria để không bao giờ thiếu tình thương và sự tôn trọng nhau trong gia đình anh chị em.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 10.05.2017)