Đức Thánh Cha nói rằng giáo dục không chỉ nhét vào đầu các ý niệm nhưng cần suy nghĩ, cảm nghĩ và hành động hài hòa với nhau
Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Những biên giới mới đối với các nhà lãnh đạo đại học. Tương lai của sức khỏe và hệ sinh thái của đại học”. Trong số các đề tài được thảo luận, có các chủ đề như những thách thức mới nhất của khoa học về chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Diễn đàn cũng suy tư về tác động của biến đổi xã hội và biến đổi khí hậu đối với các trường đại học – các trung tâm tri thức.
Các thách đố chưa từng có
Trong bài nói chuyện trong buổi tiếp kiến, trước hết Đức Thánh Cha nhắc đến các thách thức chưa từng có đến từ sự phát triển khoa học, từ sự phát triển của các công nghệ mới và từ nhu cầu của xã hội thúc giục các tổ chức học thuật đưa ra những câu trả lời đầy đủ và cập nhật. Ngài nhận định: “Áp lực mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác nhau thách thức chính ơn gọi của trường đại học, đặc biệt là nhiệm vụ của giáo viên giảng dạy, nghiên cứu và không chỉ chuẩn bị cho thế hệ trẻ trở thành các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng cũng là nhân vật chính của thiện ích chung, các nhà lãnh đạo sáng tạo và lãnh đạo của đời sống xã hội và dân sự có một tầm nhìn đúng đắn về con người và thế giới. Theo nghĩa này, các trường đại học ngày nay phải tự đặt câu hỏi về sự đóng góp mà họ có thể và phải làm vì sức khỏe toàn diện của con người và vì một hệ sinh thái liên đới”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng các đại học Công giáo phải cảm thấy những thách thức này mạnh mẽ hơn.
Cần suy tư về nền tảng và mục đích của từng ngành
Vì sự phát triển của khoa học công nghệ có ảnh hưởng đến các phương pháp và quy trình của nghiên cứu học thuật, do đó cần nhớ rằng mọi việc giảng dạy bao hàm câu hỏi “tại sao”, nghĩa là cần suy tư về nền tảng và mục đích của từng ngành. Đức Thánh Cha nói: “Một nền giáo dục bị giảm thiểu thành một nền giáo dục kỹ thuật đơn thuần sẽ trở thành một sự ‘tha hóa’ của giáo dục; tin rằng chúng ta có thể truyền tải kiến thức bằng cách trừu tượng hóa khía cạnh đạo đức của nó thì sẽ giống như chối bỏ việc giáo dục”.
Đoàn kết liên đới vì đời sống văn hóa
Trách nhiệm của đại học không giới hạn ở các sinh viên nhưng mở rộng đến nhu cầu của toàn nhân loại. Đức Thánh Cha nhắc đến sứ vụ của Liên hiêp quốc tế các Đại học Công giáo là đảm nhận nhiệm vụ đạo đức, phấn đấu để đạt được một cộng đồng học thuật quốc tế đoàn kết hơn. Một mặt, bằng cách trung thành hơn với việc dựa trên bối cảnh Kitô giáo từ đó các trường đại học được khai sinh; và mặt khác, bằng cách củng cố mạng lưới giữa các trường đại học cũ và mới hơn, để phát triển một tinh thần phổ quát nhằm tăng chất lượng đời sống văn hóa của con người và của các dân tộc.
Phát triển không chỉ trí tuệ mà cả trái tim, lương tâm, và khả năng thực hành
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng các lãnh đạo đạt được mục đích khi các năm học nhắm đến không chỉ phát triển trí tuệ mà còn trái tim, lương tâm, cùng với các khả năng thực hành của sinh viên. Con đường mà Giáo hội và các học viện Công giáo phải theo được diễn tả bởi vị thánh quan thầy của Liên hiệp quốc tế các đại học Công giáo, thánh John Henry Newman: Giáo hội “không sợ kiến thức, nhưng thanh tẩy tất cả; Giáo hội không kìm nến yếu tố tự nhiên của chúng ta, nhưng nuôi dưỡng toàn bộ”. (REI 04/11/2019)
Hồng Thủy
(vaticannews 04.11.2019)