Trong một bức thư gửi đến La Croix hôm thứ Tư 12 tháng Bảy, Đức Thượng phụ Sako kêu gọi các Kitô hữu quê quán ở Mosul và các thành phố của cánh đồng Nineveh – mới được quân đội Iraq giải thoát khỏi ách của quân IS, “hãy nhanh chóng lấy lại đất đai của mình trước khi bị người khác chiếm mất”.
Dù vẫn thừa nhận rằng “vẫn còn một chặng đường dài trước khi loại bỏ được hoàn toàn quân IS ra khỏi khu vực này, để xây dựng lại tất cả những gì đã bị phá hủy và trở lại bầu khí hoà bình, an ninh và ổn định”, ngài thúc giục các tín hữu “đừng phí thời gian chờ đợi” mà hãy lấy lại “vùng đất của ông bà cha mẹ, khôi phục căn tính, di sản của mình”.
Tái khẳng định sự hiện diện của người Kitô hữu
Đức Thượng phụ nhắc nhở: “Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng chúng ta được coi là người “bản địa” của đất nước này với nền văn minh cổ xưa, và lịch sử của chúng ta được khắc ghi trong lòng Giáo hội Kitô cổ kính nhất trên thế giới”, đồng thời mời gọi các Kitô hữu “tiếp tục dấn thân trong nghĩa vụ luân lý và đạo đức, để khẳng định sự hiện diện của mình trên mảnh đất này, và đòi hỏi đền bù cho những thiệt hại mình đã gánh chịu”.
Vào lúc này, không ai biết được trong vòng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng nữa mới có đợt trở về đầu tiên của các Kitô hữu ở Mosul. “Thương tổn của họ là quá lớn, nhiều người vẫn lo ngại một số phần tử quân IS còn trốn tránh trong thành phố”, theo lời của Faraj Benoît Camurat, Chủ tịch Hiệp hội Huynh đệ ở Iraq, nói với La Croix trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai 10-07. Ông nói tiếp: “Không ai biết các gia đình này có lấy lại được đất hay nhà của họ đã bị chiếm đoạt hay không”.
Những công trường xây dựng khổng lồ ở Tây Mosul
Trong các khu dân cư ở Đông Mosul, cuộc sống đã hồi phục từ lâu. Hầu hết nhà cửa không bị ảnh hưởng bởi cuộc những cuộc đụng độ, các cửa hàng và nhà hàng đả mở cửa. Nhưng những công việc tái thiết đang chờ được thực hiện ở phía Tây Mosul –trước khi khu vực này lại có thể ở được– thì thật là mênh mông.
Ngoài những bãi mìn và chất nổ làm cho mặt đất tan hoang, và cần phải có các hoạt động rà phá bom mìn rộng lớn, đại đa số các cấu trúc hạ tầng cơ bản –cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điện nước… – cũng cần xây dựng lại. Đây là nỗ lực mà các Kitô hữu sẽ phải tham gia “để giúp những người tị nạn có thể trở về nhà mình”, và là điểm đầu tiên trong ba “đòi hỏi” hàng đầu được Đức Thượng phụ Sako nêu ra trong sứ điệp của ngài.
Để tiếng nói của người Kitô hữu được lắng nghe
Mặc dù gần đây “số Kitô hữu đã giảm sút”, nhưng Đức Thượng phụ Sako vẫn kêu gọi họ tham gia vào đời sống chính trị của Iraq, “lập một nhóm nhỏ từ bảy đến mười người khôn ngoan, cùng với các chính trị gia trung thực, có khả năng làm những người phát ngôn của Kitô giáo, và truyền thông (…) ở tầm mức quốc gia và quốc tế”. Để thực hiện điều này, cần phải từ bỏ “lợi ích cá nhân” và cổ võ “tinh thần đoàn kết, hợp tác” với các đại diện của Hồi giáo và các cộng đồng khác.
Điều cuối cùng, Đức Thượng phụ Sako kêu gọi “mở một Văn phòng Truyền thông Trung ương trong khu vực Nineveh, (…), để người ta nghe được tiếng nói của người Kitô hữu, bằng cách ghi nhận những đau khổ và những mong muốn của họ, hầu giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại và biến những điểm khác biệt của họ thành sự hợp nhất mang tính xây dựng”. Kết thúc bức thư, Đức Thượng phụ xin Chúa gìn giữ mọi người dân Iraq, và giúp đỡ các cộng đồng khác ở Irak cùng nhau xây dựng “một tương lai tốt đẹp hơn”, “dựa trên kinh nghiệm quá khứ và cùng tồn tại hoà bình trong lịch sử”.
(Theo La Croix)