Vừa bước đến Tu viện vào lúc 17g30, ĐTGM đã được Bề trên Giám tỉnh Maria Nguyễn Thị Thơm cùng một số nữ tu và các em thanh tuyển viện ra đón với bó hoa tươi thắm và những tràng pháo tay nồng nhiệt.
ĐTGM được mời vào nhà nguyện quỳ cầu nguyện trước Nhà Tạm, cùng cộng đoàn hát kinh Mangificat, đón nhận những lời chào mừng và lắng nghe Bề trên Giám tỉnh trình bày sơ lược về hoạt động của Hội dòng tại Việt Nam.
ĐTGM sau đó đã chuyển lời chào thăm đầy tình thương mến của Đức Thánh Cha đến các tu sĩ ở Việt Nam. Ngài chia sẻ về sứ vụ hiện tại của mình: thường trú ở Singapore, nhưng sẽ thường xuyên đến Việt Nam để làm công tác mục vụ, vì Giáo hội Singapore rất nhỏ bé – chỉ có khoảng 100 linh mục, 400 tu sĩ và rất ít dân Công giáo – trong khi tín hữu Công giáo ở Việt Nam lại đông hơn rất nhiều.
Ngài nói: “Đến thăm chủng viện ở Singapore, tôi thấy ở đó chỉ có 11 ơn gọi thôi; còn khi thăm các chủng viện ở Việt Nam, tôi chứng kiến mỗi nơi có đến 200 hoặc 300 ơn gọi, có nơi còn nhiều hơn nữa. Ơn gọi của nữ tu ở Việt Nam cũng rất dồi dào; đặc biệt trong nhà nguyện của chúng ta có rất đông các nữ tu trẻ với nụ cười thật rạng rỡ, đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: ‘Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui’. Có lẽ Tỉnh dòng này cũng nên gởi một số nữ tu đến phục vụ ở Singapore để đem lại sức sống và niềm vui cho Giáo hội nơi ấy.”
Một số câu hỏi sau đó đã được các nữ tu nêu lên như: kinh nghiệm của ĐTGM về sự quan phòng của Chúa, những đau khổ mà ĐTGM đã trải nghiệm…
ĐTGM đã chia sẻ cảm nghiệm về sự quan phòng của Chúa trong suốt hành trình ơn gọi và sứ vụ của ngài, từ khi còn là chủng sinh, đến khi trở thành linh mục, gặp Thánh Giáo Hoàng đồng hương Gioan Phaolô II nhiều lần, đến Rôma học thêm ngành ngoại giao để làm Khâm sứ Toà Thánh…
Về những đau khổ đã trải qua, ĐTGM nói: “Lúc đầu vào Chủng viện, tôi thấy bình an, nhẹ nhàng; nhưng sau đó lại thấy sợ hãi, lo âu, bèn trình bày với cha xứ; cha xứ lại nói với ba của tôi về những bất an của tôi… Sau, đó nhờ ơn Chúa, tôi đã vượt qua…”
ĐTGM nói tiếp: “Trong đời sống thánh hiến, đau khổ chắc chắn phải có. Nhưng đi theo Chúa thì phải có niềm vui của Chúa, và với niềm vui thánh thiêng này, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua các đau khổ. Hãy đón nhận đau khổ như là dấu chỉ tình thương của Chúa. Hãy sống niềm vui để người ngoài không thấy chúng ta có bộ mặt nghiêm nghị, không vui vẻ. Hãy nhìn đời sống thánh hiến một cách tích cực và vượt lên trên những cản trở. Phải trung thành với ơn gọi của mình và của Hội dòng, vượt qua những khó khăn, vui vẻ sống đời thánh hiến và nối kết sự phục vụ với đời thánh hiến. Trong xã hội, chúng ta động viên khuyến khích mọi người sống trong niềm vui, và đó chính là đời sống chứng nhân”.
ĐTGM lấy hình ảnh anh mù Batimê được Chúa chữa lành trong Tin mừng Chúa nhật 30 Thường niên năm B để khuyên các nữ tu học cách đưa người khác vào Giáo hội bằng việc giới thiệu lòng thương xót của Chúa. Ngài triển khai: Có ba nhân vật chính – Chúa Giêsu, dân chúng và Batimê. Chúa không trực tiếp gọi Batimê theo Ngài, nhưng Chúa nói dân chúng đến với anh ta và kêu anh ta đến gặp Ngài. Đó là cách rao giảng Tin Mừng, là tạo ra cuộc đối thoại theo kiểu mẫu: Chúa Giêsu – dân chúng – anh Batimê. Khi Chúa hỏi Batimê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh”, anh trả lời: “Tôi muốn thấy”; và Chúa nói với Batimê khi anh đã được Ngài chữa khỏi mù: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Cuộc đối thoại giữa Giáo hội và dân chúng cũng như thế, và đây chính là ơn gọi của Giáo hội: Gặp người anh em và đưa họ đến với Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu và họ đối thoại với nhau. Đó chính là hình thức truyền giáo của Giáo hội.
Sau cuộc gặp gỡ trao đổi với các nữ tu trong nguyện đường, ĐTGM đã được mời ra ngoài lan can, nhìn xuống quảng trường ‘Phaolô ngã ngựa’, ngắm xem các nữ tu diễn tả lịch sử và sinh hoạt của Hội dòng qua các cử điệu, ánh sáng và âm nhạc; rồi vào nhà cơm để chia sẻ bữa ăn chan hòa niềm vui.