Giáo hội giàu. Nhưng không như người ta nghĩ ban đầu. Đúng vậy, Ngày Thế giới Người nghèo nhắc chúng ta nhớ, “tài sản đích thực của Giáo hội không phải nơi các giáo đường, nhưng là nơi người nghèo”.
Tháng 11 năm 2016, trong thánh lễ kết thúc ngày thương xót cho người nghèo và người bị loại trừ ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã tuyên bố, tài sản đích thực của Giáo hội “không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi các người nghèo”. Vào dịp này, thay mặt tất cả các tín hữu kitô đã quay mặt đi khi gặp người nghèo, ngài đã xin lỗi họ. Bảy tháng sau, ngài công bố thành lập Ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên được ấn định vào ngày 19 tháng 11. Một dịp để chúng ta nhìn lại lời thách thức này, một thách thức có truyền thống từ Thánh phó tế Laurent, trước khi chịu tử đạo, ngài đã phân phát tất cả tài sản của Giáo hội cho người nghèo.
Thánh Laurent, lễ mừng ngày 10 tháng 8, sinh giữa những năm 210-220 ở thành phố Huesca, Tây Ban Nha trong một gia đình kitô sốt sắng. Từ nhỏ, Thánh Laurent được gởi đến Saragosse để học thần học, ở đây, ngài gặp giáo hoàng tương lai Sixte II, người đã phong chức phó tế cho Thánh Laurent khi vừa lên ngôi giáo hoàng năm 257. Với chức này, Thánh Laurent làm thủ quỹ đặc trách phân phối lợi tức của Giáo hội cho người nghèo. Nhưng vào thời này, tín hữu kitô bị cấm giữ đạo và họ bị bách hại. Giáo hoàng Sixte II bị lên án tử hình cùng với bốn phó tế nhưng Thánh Laurent sẽ được thoát với lý do duy nhất là phải chuyển giao tài sản Giáo hội qua Quốc gia.
Các góa phụ tận hiến cho Chúa là các hòn đá quý
Có điều là trước khi cái chết, giáo hoàng Sixte II biết trước tính tham lam của các người chống đối mình nên đã xin Thánh Laurent phân phát cho người nghèo tất cả tài sản của Giáo hội mà thầy giữ trong tay. Ngay lập tức, tiền bạc được cho người nghèo, còn các vật dụng quý giá thì bán và tiền bạc gom được cũng dành cho người nghèo. Sau đó thầy phó tế Laurent đi cùng với một nhóm người nghèo đến gặp quan thái thú, giới thiệu họ và nói: “Đây là tài sản duy nhất của Giáo hội và ngoài ra, Giáo hội còn có các hạt ngọc quý, các đá quý là các trinh nữ, các bà goá tận hiến đời mình cho Chúa”. Quan thái thú giận cành hông, hăm dọa sẽ dành cho thầy phó tế một cơn hấp hối khủng khiếp. Thánh Laurent đã chết sau khi bị nhục hình, bị lột trần để đánh, bị đặt lên giàn thiêu để than âm ỉ đốt cháy da thịt ngài.
Thánh Laurent chịu tử đạo mà không một lời than van, thầy cầu nguyện với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Ngày nay còn nhiều nhà thờ ở Pháp, Ý vẫn còn sốt sắng tôn kính Thánh phó tế Laurent. Chiều 18 tháng 11, Đức Phanxicô đến đền thánh Thánh Laurent Ngoại thành ở Rôma để chủ sự buổi canh thức dành cho các thiện nguyện viên, những người ngày này qua ngày khác đã mang niềm vui và niềm an ủi đến cho nghèo.
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)