Giá trị của sự hiền lành trong cuộc sống

Đặt vấn đề: Từ bao đời ngay, trong gia đình, ngoài xã hội, cũng như trong các tôn giáo, ta thường được nghe lời khuyên: mọi người hãy sống hiền lành.

Trong gia đình con cái mong cha mẹ hiền lành vì ông cha ta từng dạy:

 “Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Ngược lại ông bà, cha mẹ thì mong:

“Con hiền cháu thảo;

 Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ”.

Giữ gìn được mối tương quan như thế, gia đình được ấm êm hạnh phúc, góp phần cho sự phồn vinh của đất nước, vì chính gia đình là nền tảng của xã hội.

Ngoài xã hội, người dân mong người lãnh đạo phải hiền lành, đức độ, lấy đức mà trị nước để đất nước an bình thịnh vượng. Điều đó đã được Khổng Từ (551- 479 TCN) khởi sướng với luận điểm: “Chính trị là đạo đức”. Khổng Tử nói: “Trị dân mà dùng đức thì như sao Bắc Đẩu, ở mọi nơi các ngôi sao khác đều hướng về”. Trong khi đó, người dân cần sống hiền lành bằng cách: “Thượng tôn pháp luật”. Có như thế, đất nước mới phát triển thịnh vượng trong an bình.

Còn trong đạo Công giáo thì hiền lành là mối phúc thứ hai trong tám mối phúc, chính Chúa đã hứa: “Thứ hai: ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy”.

Vậy đức tính hiền lành là gì? Nó gây ảnh hưởng trên con người và xã hội ra sao, mà được cả xã hội và tôn giáo cùng quan tâm đến thế? Ta tìm hiểu.

Hiền lành là gì?

Theo tự điển Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam thì hiền lành là: “tỏ ra rất hiền trong quan hệ đối xử với người khác, không hề có những hành động trực tiếp gây hại cho bất kỳ ai.”

Còn Đức Thánh Cha Phanxicô sáng ngày 19-02-2020, ở phần suy niêm trước 8000 tín hữu hiện diện trong đại thính đường Phaolô VI, trong đó có một số người Việt Nam, Ngài cho biết: “Người hiền lành là người bình tĩnh, đơn giản, nhẹ nhàng, ngọt ngào, dịu dàng, lịch sự, không có bạo lực. Sự hiền dịu được thể hiện trong những khoảnh khắc xung đột, nó được nhìn thấy qua cách người ta phản ứng trước một tình huống thù nghịch, không cãi vã với ai, được người khác quí mến, và chiến thắng sự giận dữ”. Cũng trong phần suy niệm, Đức Thánh Cha còn cho biết thêm: “Người hiền lành không hèn nhát yếu đuối; hiền lành qui tụ, còn giận dữ chia cách; hiền lành xây dựng tình thân, chiếm được trái tim người khác”.

Hiền lành có ý nghĩa gì trong xã hội và trong tôn giáo.

Ý nghĩa của hiền lành trong xã hội.

Từ bao đời nay, nhân loại từ Đông sang Tây, người hiền ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi tầng lớp xã hội như mẹ hiền, cha hiền, con hiền, thầy hiền, trò hiền, chủ hiền, dân làng hiền, vua hiền luôn được tôn trọng, và yêu quí. Chính vì thế qua bao đời, ông cha ta đã tin rằng “ở hiền gặp lành”, và có chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ”. Vì “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém” (Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung 1442).  Một vài minh họa: vua Quang Trung phải 4 lần đến núi Thúy để cầu hiền tài Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người nổi tiếng khắp thế giới trong việc “chiêu hiền đãi sĩ” đã đưa Singapore trở thành con rồng châu Á. Ông nói “Muốn có hiền tài, thì người hoạch định chính sách phải là người hiền tài”. Ông còn cảnh báo: “Lãnh đạo dốt, sẽ ngáng chân người giỏi, hiền tài”.

Nhìn rộng và xa hơn: thời Tam Hoàng Ngũ Đế, thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc với các vị vua nổi tiếng hiền như Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn (2852 TCN-2205 TCN). Những tấm gương trị quốc hiền từ còn lưu danh kim cổ, trong đó nổi bật nhất là vua Nghiêu và vua Thuấn. Điều đó đã được Khổng Tử ngợi ca trong sách Luận Ngữ: “làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại thay! Thật là cao quí thay! Chỉ có Trời là cao quí nhất. Công đức của Nghiêu to lớn không cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi”. Ta còn thấy ngay bên trong Điện Thái Hòa ở Huế, Việt Nam, trên ngai vị có bài thơ ca ngợi các vị vua Nghiêu Thuấn:

“Văn hiến ngàn năm dựng

Núi sông vạn dăm xa

Hồng Bằng thưở lập quốc

Nghiêu Thuấn vững sơn hà”

Một chi tiết đáng lưu ý của Vua Nghiêu là ông không truyền ngôi cho con trai Đan Chu, mà lại truyền ngôi cho con rể hiền là Thuấn. Đúng là “Dâu hiền hơn con gái, rể hiền hơn con trai”.

Còn tại Việt Nam, Vua Lê Thánh Tông là vị vua hiền được mọi thời công nhận, và gần đây báo Nhân Dân ngày 06-12-2016 còn nhắc lại. Vua Lê Thánh Tông sinh năm1442, và mất năm 1497. Ông được tôn lên ngôi vua lúc 18 tuổi, trị vì 38 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 – 1469).

Về bản thân mình, vua hiền Lê Thánh Tông đã bày tỏ trong một bài thơ Nôm:

“Lòng vì thiên hạ lo âu

Thay việc trời dám trễ đâu

Trống rời canh còn đọc sách

Chiêng xế bóng chửa thôi chầu..”.

Cuộc đời của vua hiền Lê Thánh Tông được nhà nghiên cứu văn hóa An Chi nhận định như sau: “Lê Thánh Tông là nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt ta. Và có lẽ, trên hết cả, bao trùm tất cả, là tấm lòng ông, là ý thức trách nhiệm của ông trước dân tộc và đất nước. Ước vọng và hoài bão của thiên tài Lê Thánh Tông là Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại. Đó là câu thơ trong bài thơ khắc trên đá núi Bài Thơ, Quảng Ninh. Thơ viết hơn năm trăm năm trước chắc mãi còn rung động lòng người hậu thế, bởi thơ ấy mang khẩu khí của một bậc đế vương hiền tài và chan chứa xúc cảm nhân văn của một tâm hồn lớn!” (Báo Nhân Dân ngày 06-12-2016, nhà nghiên cứu văn hóa An Chi)

Một câu chuyện  khá thú vị khi tìm hiểu về vua Lê Thánh Tông.

Chuyện kể rằng: đêm 30 Tết, nhà vua giả là một thư sinh nghèo của trường Quốc Tử Giám, tìm đến tên trộm khét tiếng có tên là Quận Gió để xin tiền về quê thăm gia đình. Quận Gió thương tình muốn giúp đỡ, nhưng không có tiền để cho thư sinh nghèo. Thư sinh đề nghị ăn trộm của hai ba người, thì đều bị Quận Gió từ chối, vì cho rằng những người đó toàn làm ăn lương thiện, không nên lấy của họ. Cuối cùng Quận Gió nói: “Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén. Lão ấy hay ăn trộm bạc trong kho đem về nhà. Đó là những thứ không phải của hắn”. Nói rồi, ông ta lao vào màn đêm. Một lát sau, Quận Gió mang về hai nén bạc dúi vào tay cậu thư sinh nói: “Hy vọng sau này, cậu sẽ làm rạng danh tổ tiên”. Sáng mùng một Tết, trong buổi khai triều, vua Lê Thánh Tông đem câu chuyện vi hành kể cho các đại quan nghe. Hai nén bạc được truyền tới tay các quan để được xem tận mắt. Viên quan coi kho tối sầm mặt mũi, không thanh minh được lời nào. Ông ta bị cách chức, tịch thu gia sản và đày đi biên ải. Còn Quận Gió được nhận tấm biển vàng đề ba chữ vua ban: “Trộm quân sử”.

Ý nghĩa cùng quan điểm về hiền lành bên tôn giáo.

 

Đạo Công giáo:

Ta cùng tìm hiểu lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường.” (Mt 11, 29). Chúa Giêsu là Thiên Chúa, với quyền phép vô biên. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã sống hết mực hiền lành và khiêm nhưng. Chúa đã vâng lời Chúa Cha, xuống trần gian, mang thân phận con người, được sinh ra nơi hang đá Belem lạnh lẽo, giá rét, nghèo hèn. Chúa đã là người con thảo hiếu, hiền lành dưới sự che chở của Mẹ Maria, và thánh cả Giuse, vị cha nuôi khả kính, Đấng công chính, trong một gia đình thánh hiền lành tại Nazareth. Chúa đã chịu bao cực hình, và sau cùng chịu đóng đinh chết trên thấp giá. Điều đó, đã được thánh Phaolô viết như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl2, 6-6).

Quan điểm của Phật giáo về người hiền, người ác.

“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika, Thôn trưởng Canda đi đến.

 

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người được gọi là tàn bạo, có người được gọi là hiền lành?

 

– Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm cho phẫn nộ, nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là người tàn bạo.

 

Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là tàn bạo.

 

Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người thâm, sân, si được đoạn tận. Do tham, sân si được đoạn tận, người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm phẫn nộ, nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.

 

Này Thôn trưởng, đây là nhân là duyên có người được gọi là hiền lành” (Kiến thức Giáo hội Phật giáo Việt Nam 12-05-2020)

Tạm kết

Từ những tìm hiểu và phân tích về các giá trị của sự hiền lành nêu trên, ta có thể nói: hiền lành là một trong những đức tính cao quí có giá trị nhất được gia đình, xã hội cũng như tôn giáo luôn được trân trọng. Người hiền lành luôn được trọng dụng, và đem lại lợi ích cho gia đình cùng xã hội. Nhưng muốn trở nên hiền lành đòi hỏi mỗi người phải học hỏi điều ngay lẽ phải theo lương tâm và trí khôn mách bảo. Sau khi đã hiểu cặn kẽ, điều quan trọng là thực hành, sống hiền lành trong gia đình, gia tộc, làng xóm cùng xã hội. Đó, xem ra dễ về phương diện lý thuyết. Nhưng thực tế, để trở thành người hiền lành thật khó. Điều đó đòi hỏi chúng ta ngoài sự luôn học hỏi, còn cần phải quyết tâm từ bỏ tính tự cao tự đại, thói ích kỷ, vô cảm trước nỗi đau của tha nhân, chỉ nghĩ đến mình, và cho mình là số một.

Với người Công giáo thì cần cầu nguyện và luôn khắc ghi lời Chúa dạy:

“Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

Inhaxiô Đặng Phúc Minh