Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 150 – Thánh lễ Chúa nhật

Hỏi: Tại sao nhiều bạn trẻ hiện nay coi việc đi lễ là một gánh nặng, đi vì bổn phận hoặc là bị gượng ép, rất miễn cưỡng vậy ạ?

Trả lời:

Mến chào bạn,

Thực ra vấn đề bạn nêu lên không chỉ đúng với người trẻ mà cả với những người “không còn trẻ” nữa. Trước khi tìm hiểu lý do tại sao giáo dân ngày nay thờ ơ với thánh lễ, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xét xem những yếu tố nào giúp làm nên một thánh lễ sống động hấp dẫn. Rất có thể vì thánh lễ chúng ta thường tham dự còn thiếu một trong những yếu tố đó nên đã bớt đi phần ý nghĩa, thậm chí gây nhàm chán.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về thánh lễ tùy theo hướng tiếp cận, ở đây tôi chỉ xin giới thiệu một cách hiểu: Thánh lễ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người. Nói như thế để hiểu rằng ngoài thánh lễ ra Thiên Chúa vẫn dùng nhiều cách khác để gặp gỡ và thông ban sự sống thiêng liêng cho con người. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người được thể hiện một cách rõ nét và trọn vẹn nhất trong thánh lễ. Trong thánh lễ, dân Chúa kết hợp với chính Chúa Giêsu trong hy tế thập giá để dâng tiến cho Thiên Chúa Cha nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Theo cách hiểu như thế, chúng ta thấy có ba yếu tố làm nên thánh lễ cần bàn đến ở đây: Thiên Chúa, dân Chúa, và cuộc gặp gỡ.

Trước hết, về Thiên Chúa, chúng ta biết rằng trọng tâm của đức tin Kitô giáo hay Thiên Chúa giáo nói chung chính là việc thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Đó là điều răn thứ nhất và cũng là quan trọng nhất mà chính Chúa Giêsu đã xác nhận. Một người có đức tin thực sự thì phải đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời mình. Kinh nghiệm đức tin cho chúng ta biết mọi sự đều bởi Chúa mà ra. Mối tương quan với Thiên Chúa đóng vai trò nền tảng và chi phối tất cả mọi giá trị khác trong đời sống người tín hữu. Như thế, cả cuộc đời chúng ta thuộc về Thiên Chúa và quy hướng về Người. Để bất cứ thứ gì khác thay thế vị trí tối thượng của Thiên Chúa đều mang tội thờ ngẫu tượng. Trong thực tế nhiều lần thay vì hướng về Chúa thì chúng ta lại chiều theo sự dữ hay khuynh hướng xấu nơi bản chất yếu đuối của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lòng khao khát của con người được gặp gỡ Thiên Chúa bị dập tắt. Nói như thánh Augustinô, “linh hồn con khao khát cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Agustinô, Tự thuật, số 1). 

Giáo hội hiểu rõ rằng nỗi khao khát này cần được đáp ứng một cách đặc biệt qua việc cử hành thánh lễ. Do đó, Giáo hội “hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động; họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là Trung Gian, họ được nên hoàn hảo trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (Công đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ, số 48).

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét yếu tố thứ hai, đó là “dân Chúa”. Trong Cựu ước, thuật ngữ “dân Chúa”, “dân riêng của Chúa” hay “dân thánh” là niềm tự hào của dân tộc Ít-ra-en, vì chính Chúa đã tuyển chọn dân này làm dân riêng của Người, ban lề luật và che chở bảo vệ họ qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Bước sang thời Tân ước, khái niệm “dân Chúa” được mở rộng cho tất cả mọi người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong thời Cựu ước, một trong những dấu hiệu xác định căn tính “dân Chúa” của dân tộc Ít-ra-en là việc giữ ngày Sa-bát, xét như là một thời gian nghỉ ngơi đặc biệt dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vậy, đối với “dân Chúa” trong Tân ước, yếu tố xác định căn tính của họ chính là việc tham dự thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ ngày Chúa nhật.

Như vậy, dù là thời nào đi nữa thì căn tính “dân Chúa” đều được đánh dấu bằng sự giải thoát con người tự do khỏi mọi bận rộn của cuộc sống để tập trung vào việc quan trọng nhất đó là thờ phượng Thiên Chúa. Khi cử hành thánh lễ, dân Chúa sống trọn vẹn căn tính “thuộc về Chúa” của mình. Không gian thánh lễ không giới hạn trong bốn bức tường của nơi cử hành nghi thức phụng vụ như nhà thờ hay nhà nguyện. Thật vậy, người tham dự thánh lễ được nối kết trong mối dây hiệp thông với các thiên thần và các thánh trên thiên quốc cũng như với các linh hồn trong luyện ngục nữa. Tương tự như thế, thời gian thánh lễ không chỉ gói gọn từ thời điểm bắt đầu đến khi kết thúc nghi thức phụng vụ. Hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá là hy tế đời đời, có giá trị xuyên thời gian, mọi người ở mọi nơi mọi thời đều được hưởng nhờ ân sủng được thông ban qua mỗi thánh lễ. Nói tóm lại, cả cuộc đời của chúng ta là một thánh lễ kéo dài bởi vì chúng ta là dân của Chúa, một dân chuyên lo việc tế tự bằng việc cử hành phụng vụ lẫn cử hành đời sống.

Yếu tố cuối cùng rất quan trọng giúp làm rõ ý nghĩa của thánh lễ chính là “cuộc gặp gỡ”. Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều về điều này bởi vì ai trong chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm gặp gỡ người này người kia. Thường trong mọi cuộc gặp gỡ đều có hai hoạt động chính đó là trò chuyện đối đáp qua lại và việc chia sẻ giá trị vật chất hay tinh thần giữa các bên. Hai hoạt động này được diễn tả rất rõ nét trong nghi thức thánh lễ. Cụ thể, Thiên Chúa nói với dân Người qua Lời Chúa trong các bài đọc. Dân Chúa cũng đáp lại lời của Chúa qua các lời thưa đáp hoặc các lời nguyện được vị chủ tế thay mặt cộng đoàn xướng lên. Trong thánh lễ, lễ vật con người dâng lên Chúa chỉ là chút bánh chút rượu nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu đó đã trở nên Mình và Máu Thánh của Đức Giêsu Kitô, là thương thực thiêng liêng nuôi sống con người. Ngoài ra, kinh nghiệm đời thường còn cho chúng ta thấy đôi khi có sự thay đổi lớn nào đó sau những lần gặp gỡ. Có người sẵn sàng trả rất nhiều tiền chỉ để được gặp gỡ hay dùng bữa với những nhân vật tài giỏi hay nổi tiếng là vì vậy. Nếu chúng ta thực sự gặp gỡ hay đụng chạm với chính Thiên Chúa trong thánh lễ, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được sự biến đổi sâu xa nơi tâm hồn mình.

Bạn thân mến, tôi đã cố gắng giúp bạn tìm hiểu về ý nghĩa của thánh lễ trước khi trả lời vấn đề bạn đặt ra, mục đích là để cho thấy sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tế liên quan đến việc cử hành thánh lễ. Người trẻ ngày nay thờ ơ với thánh lễ là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, làm cho những yếu tố mà chúng ta đã phân tích ở trên không thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của chúng.

Trước hết là tình trạng thờ ơ với Thiên Chúa hay còn có thể nói là sự suy giảm đức tin nơi thế hệ trẻ Công giáo. Thời đại phát triển công nghệ thông tin truyền thông làm cho năng lượng sống của người trẻ bị phân tán khá nhiều so với thế hệ cha mẹ hay ông bà của họ. Nhịp sống hiện đại khiến con người ta khó có thể tập trung thinh lặng cầu nguyện trong một giờ đồng hồ. Việc tham dự thánh lễ hàng ngày gần như là không thể bởi vì người ta cảm thấy quỹ thời gian quá eo hẹp, một ngày 24 giờ vẫn chưa đủ để giải quyết sự bận rộn. Giữa nhiều hoạt động giải trí rất phong phú đa dạng thì việc đến nhà thờ trở nên quá nhàm chán. Trong một thế giới tràn ngập nhiều thông tin hấp dẫn thì việc học hỏi tìm hiểu giáo lý để đào sâu đức tin trở thành thứ yếu, thậm chí không còn quan trọng nữa.

Nói tóm lại, nếu Chúa không còn ở vị trí số 1 trong đời sống của người trẻ thì làm sao mong họ tha thiết đến nhà thờ được. Đúng như bạn quan sát, người trẻ có đi lễ thì họ cũng cảm thấy đó là gánh nặng tâm lý hơn là niềm vui của sự ý thức hay tự nguyện. Đó là thách đố của thời đại mà các bạn trẻ Công giáo phải đối diện và cố gắng vượt qua. Các vị chủ chăn trong Giáo hội cũng phải hiểu rõ bối cảnh thời đại để có những sáng kiến mục vụ phù hợp nhằm đồng hành tốt hơn với người trẻ.

Liên quan đến căn tính “dân Chúa”, phải thừa nhận là người trẻ ngày nay không có kinh nghiệm thuộc về Thiên Chúa một cách sâu xa và rõ nét như các thế hệ đi trước. Là “dân Chúa”, chúng ta không chỉ thuộc về Chúa mà còn liên đới với người khác trong Chúa nữa. Sự liên đới này được thể hiện một cách hữu hình qua việc con người quy tụ với nhau trong không gian nhà thờ để cử hành thánh lễ. Một lần nữa, bối cảnh thời đại lại đặt ra thách đố cho người tín hữu, đặc biệt là người trẻ, sống căn tính “dân Chúa” của mình. Chưa cần phải nói đến sự liên đới trong cùng một đức tin, mối dây liên kết giữa người với người trong xã hội ngày nay cũng đang bị suy giảm trầm trọng khi người ta thường tương tác với nhau qua màn hình vi tính hay điện thoại hơn là gặp gỡ trực tiếp. Tâm hồn con người ngày càng trở nên khép kín hơn, ít quan tâm đến người khác hơn.

Hệ quả là có nhiều giáo dân thích ngồi ngoài hành lang hay gốc cây để tham dự thánh lễ dù trong nhà thờ còn nhiều chỗ trống. Người ta không có nhu cầu ngồi gần bên người khác trong nhà thờ bởi vì họ không cảm nhận được tình liên đới. Đó là chưa kể ngày nay thành phần tham dự thánh lễ không chỉ giới hạn trong một khu vực địa lý như làng xã ngày xưa nữa mà từ nhiều nơi khác đến. Họ tham dự thánh lễ chỉ để chu toàn luật buộc chứ không cần quen biết ai trong giáo xứ. Như vậy thánh lễ kém hấp dẫn là đúng rồi, vì người ta không cảm thấy mình thuộc về một dân riêng nào cả. Đối với những người như thế thì thánh lễ là của ai đó khác, là việc của các cha, các Sơ, của ca đoàn hay hội đồng giáo xứ, họ chỉ là khách tới dự lễ rồi ra về thôi. Thánh lễ chỉ trở nên hấp dẫn với bạn trẻ nếu các bạn thực sự sống kinh nghiệm thuộc về giáo xứ, thuộc về một cộng đoàn dân Chúa, nơi mà họ được đón nhận và trao cơ hội tham gia cộng tác trong công việc chung.

Cuối cùng, việc thiếu kiến thức nền tảng giáo lý và thói quen đạo đức hời hợt cũng làm cho người trẻ khó có được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua thánh lễ. Các bài đọc Lời Chúa thường không được chú tâm lắng nghe vì nội dung xa lạ, khó hiểu với các bạn. Có những nghi thức phụng vụ các bạn chỉ làm theo người ta vậy thôi chứ không hiểu ý nghĩa, không mang chút tâm tình nào. Các bài thánh ca chẳng mấy quen thuộc chỉ dành cho ca đoàn, các bạn chẳng cần để ý. Việc xướng đáp trong thánh lễ cũng vậy, không liên quan.

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc tham dự thánh lễ một cách ý thức, điều vốn tạo nên một bước ngoặc trong lịch sử phát triển của phụng vụ. Trước đó giáo dân chỉ “xem lễ” theo đúng nghĩa đen, bởi vì thánh lễ hoàn toàn bằng tiếng Latin, người ta có đối đáp được ít câu thì cũng chỉ là thuộc lòng chứ không hiểu ý nghĩa. Sau Vatican II thì khác, chúng ta “tham dự” chứ không còn là “xem lễ” nữa. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tham gia vào việc cử hành thánh lễ cách tích cực và sống động đúng theo vai trò của mình. Tiếc thay nhiều bạn trẻ hiện nay chưa sống đúng tinh thần đó, có thể một phần chưa được hướng dẫn kỹ càng hoặc một phần do thói quen. Vì không được đụng chạm Thiên Chúa nên các bạn chưa cảm nếm được hương vị đức tin ngọt ngào của thánh lễ.

Bạn thân mến, những gì chúng ta vừa trao đổi ở trên không làm cho chúng ta bi quan hay trách móc các bạn trẻ. Trái lại, khi hiểu rõ nguyên nhân cũng như thực trạng của việc các bạn trẻ Công giáo thờ ơ với thánh lễ, chúng ta càng thông cảm hơn cho các bạn và nhận ra những việc cần phải làm để giúp các bạn trẻ yêu thích đến gần với Chúa qua thánh lễ nhiều hơn. Giáo hội là cộng đồng dân Chúa, mà thánh lễ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người. Do đó tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chung tay xây dựng Giáo hội ngày một trẻ trung, năng động và hấp dẫn hơn nhờ việc làm tươi mới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn, được thể hiện một cách đặc biệt rõ nét qua thánh lễ.

WHĐ (14/01/2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*