Phiên bản quý giá
Hợp tác với các học giả chuyên về nghiên cứu Kinh Thánh ở Jerusalem, họ đã sử dụng máy tính để “bóc” từng hình ảnh kỹ thuật số của mẫu vật, được gọi là cuộn giấy En-Gedi. Hóa ra, tài liệu ghi lại nội dung tương tự như bản văn Masoretic trong Cựu Ước, và do có niên đại gần 2.000 năm, đây là văn bản cổ nhất thuộc loại này đã tìm được tính đến thời khắc hiện tại. Khác với vẻ bề ngoài như than củi của cuộn giấy, chữ viết được máy tính ghi nhận từ hình ảnh kỹ thuật số cho thấy nội dung rõ ràng và dễ đọc. Tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia Pnina Shor, người đứng đầu Dự án các cuộn giấy biển Chết thuộc Cơ quan Cổ vật Israel cho biết: “Chưa bao giờ tôi dám mơ được đọc những dòng chữ rành rọt như thế này”.
Nội dung của cuộn giấy ghi lại hai chương đầu của quyển Leviticus (sách Lêvi), quyển sách thứ ba trong Cựu Ước, theo sau quyển Sáng thế và Xuất hành. Nếu Xuất hành thuật lại chi tiết việc Thiên Chúa giải phóng dân tộc Israel khỏi Ai Cập, hành trình của họ nơi sa mạc khoảng 40 năm ròng để trở thành con dân của Chúa và việc lập giao ước giữa Chúa với họ thông qua mười điều răn, thì sách Lêvi viết tiếp rất cụ thể những lề luật Israel phải tuân giữ để cụ thể hóa việc làm con dân của Thiên Chúa. Trọng tâm của quyển sách cũng nói về vai trò của hàng tư tế (các thầy Lêvi) trong dân tộc Israel nên người ta đặt tên là Lêvi.
Văn bản trên cuộn giấy En-Gedi có các phụ âm tương đồng với những dòng chữ trên bản văn Masoretic, phiên bản chính thức của Cựu Ước. Những cuộn giấy biển Chết, được tìm thấy ở khu khảo cổ Qumran thuộc Bờ Tây hoặc xung quanh đó, chứa các phiên bản khá giống với Masoretic nhưng có những khác biệt nhỏ. Theo chuyên gia Emanuel Tov của Đại học Hebrew tại Jerusalem, đây là phiên bản cổ xưa nhất của Kinh Thánh. Niên đại thật sự của cuộn giấy En-Gedi vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một kết quả đo đồng vị carbon-14 cho thấy tài liệu này được sao chép vào khoảng năm 300. Tuy nhiên, lối viết trên văn bản lại đẩy thời gian sớm hơn 200 năm. Thậm chí, “chúng tôi có thể đúng khi đặt niên đại của nó vào khoảng từ năm 50 đến 100”, theo chuyên gia Ada Yardeni trình bày trên chuyên san Textus. Nếu dựa trên cổ tự học, cuộn giấy En-Gedi phải có niên đại vào thế kỷ thứ nhất.
Hành trình 13 năm
Nội dung còn sót lại trên cuộn giấy En-Gedi là một phần của bản danh sách ghi lại những cách thức hiến tế được thực hiện tại đền thờ ở Jerusalem. Dù một vài văn bản đã được xác định trong các cổ vật khác, “bản thảo En-Gedi có thể xem là cuộn giấy đầu tiên được viết bằng mực, bị hư hại nghiêm trọng, đã có thể mở ra và đọc được mà không gây hư hỏng”, theo chuyên san Science Adances dẫn lời nhà khoa học máy tính Brent Seales của Đại học Kentucky.
Trong suốt 13 năm, tiến sĩ Seales và đồng sự đã bắt tay vào công cuộc xây dựng phần mềm với hy vọng có thể đọc được khoảng 300 cuộn giấy bị cháy đen được tìm thấy ở thị trấn cổ Herculaneum, gần Pompeii của Ý, đã bị hủy hoại khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79. Các kỹ thuật như quét CT có thể bắt được các hình dạng vệt mực bên trong cuộn giấy bị cháy đen, nhưng không thể đọc được từng ký tự. Tiến sĩ Seales nhận ra rằng điều đầu tiên cần làm là tái dựng bề mặt ghi chữ viết, và kế đến các ký tự mới được nhận dạng sau.
Vào năm 2009, nhóm của ông đã thành công khi phân tích được cấu trúc vật lý của các lớp giấy cói trong một cuộn giấy ở Herculaneum. Kể từ đó, ông hoàn thiện phương pháp, được gọi là “mở cuộn ảo”, dựng lại bề mặt của một cuộn giấy cổ dựa trên các tổ hợp hình tam giác nhỏ. Mỗi hình tam giác có thể được máy tính thu nhỏ đến mức ráp vừa cấu trúc bên trong của cuộn giấy. Và từng vệt mực được đặt vào đúng chỗ của nó trên cấu trúc, trước khi máy tính trải toàn bộ cấu trúc 3D thành dạng miếng giấy 2D.
Tiến sĩ Shor đã nghe thông tin về công trình của tiến sĩ Seales và đề nghị chuyên gia người Mỹ này thử đọc cuộn giấy En-Gedi. Cả hai đều ngạc nhiên sau khi vài lần tu bổ, hình ảnh hiện ra với các chữ viết rõ ràng và đọc được. Học giả về Kinh Thánh Michael Segal thuộc Đại học Hebrew nhận định: “Chúng tôi vô cùng ấn tượng trước chất lượng của các hình ảnh đó, đa số nội dung đều có thể đọc được như những bản giấy cuộn Biển Chết không bị hư hại khác”.
Giới học giả tràn trề hy vọng khi cho rằng kỹ thuật mới đầy ấn tượng có thể mở ra một tương lai tươi sáng, giúp họ đọc được những cuộn giấy quá giòn hoặc hết sức mỏng manh. Những tài liệu quý giá nhưng “mỏng manh” vừa kể bao gồm một vài cuộn giấy Biển Chết khác và khoảng 300 văn bản đã bị carbon hóa từng thuộc về thị trấn Herculaneum.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc