Ông Agostino Sferrazza đã nhắc lại điều bí ẩn về các đồng tiền mà người ta nghĩ rằng đã được nhận dạng ở vị trí đôi mắt của hình ảnh người – có thể là Chúa Kitô – trên tấm khăn liệm. Theo ông, các đồng tiền ấy có từ thời Phongxiô Philatô. Đây là dấu chỉ bổ sung tính chân thực của tấm vải liệm thành Turin.
Vào năm 1976 đã xuất hiện giả thuyết về sự hiện hữu các đồng tiền trên mắt người đàn ông trên khăn liệm. Thật thế, khi phóng to bức hình kỳ lạ bằng kỹ thuật 3D, các nhà khoa học ghi nhận các hốc mắt bị sưng tấy lên; điều này không phù hợp với đặc tính hình dạng (hình thái học). Lúc ấy, người ta nghĩ đến các cúc áo, hay đồng lepton: các đồng tiền nhỏ ít có giá trị ấy phổ biến khắp Palestin thời đế chế Rome.
CÁC HÌNH VẼ VÀ HÀNG CHỮ
Những quan sát đó được đẩy xa hơn. Khi sử dụng công nghệ tiên tiến, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể quan sát được các hình vẽ và những dòng chữ trên các đồng tiền được giả định như thế. Trên mắt phải, họ nghĩ thấy được một “lituus” hay cây trượng của nhà chiêm tinh học. Và trên mắt trái, một chén rượu dành cho việc hiến tế. Những ai bác bỏ tính chân thực của tấm vải liệm, cũng chối bỏ mạnh mẽ lập luận này. Họ nghĩ rằng những người bảo vệ lập luận đó, đã cố tình xem vị trí các sợi chỉ thô sơ đơn thuần đan xen vào nhau là vết tích của đồng tiền.
Tuy nhiên, việc bác bỏ này không quá đơn giản như thế. Bởi lẽ, ngoài các hình vẽ, người ta cũng nghĩ rằng có thể quan sát thấy các chữ UKAI, là một phần của từ “TIBERIOUCAIKAROS”, phiên bản Hy Lạp của từ Tiberius Cesar, tức hoàng đế Tibère. Đây là một dữ liệu quý giá tương ứng với các đồng tiền có thể đối chiếu vào thời Rome, và xác thực rằng các đồng tiền ấy chính xác được đúc một ít lâu trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
ĐÚC NĂM 29
Qua cuộc trao đổi với RCF Liège, ông Agostino Sferrazza bênh vực cho lập luận về tính chân thực của các đồng tiền, và ngày tháng thời Phongxiô Philatô. Đặc biệt, ông căn cứ vào các hình ảnh do ông Nello Balossino, nhà thông tin học, kiêm giáo sư trợ giảng, thuộc Phân khoa khoa học, Đại học Turin. Ông này đã làm nổi bật rất rõ nét chén rượu hiến tế được đúc trên đồng tiền bên mắt phải. Theo ông Agostino Sferrazza, không còn nghi ngờ gì nữa: các đồng tiền ấy đã được đúc năm 29 sau Công nguyên. Và như vậy, các chuyên gia có thêm một bằng chứng để xác định được tấm khăn liệm Turin tương ứng với thời mà Chúa Giêsu chịu khổ hình.
THIÊN LÂM
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc