GIÁO DỤC SINH THÁI TOÀN DIỆN TRONG LAUDATO SI’
Tác giả: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
WGPQN (26.10.2020) – Trong dịp lễ Hiện Xuống, ngày 24.5.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký ban hành thông điệp Laudato Si’- Ngợi Khen Chúa, kêu gọi mọi người hãy chăm sóc trái đất này là ngôi nhà chung mà Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Hóa đã tặng ban cho con người. Thông điệp “Laudato si’” gồm phần nhập đề, tiếp đến là sáu chương, và kết thúc bằng hai kinh nguyện. Tổng cộng, văn kiện được chia thành 246 đoạn, trong đó sáu chương của thông điệp được sắp đặt một cách khoa học. Không như nhiều văn kiện khác của các Đức Giáo Hoàng thường bắt đầu từ một tư tưởng của Thánh Kinh – Thánh truyền, thông điệp này được khởi đi từ việc lắng nghe “thực trạng những điều đang xảy ra cho ngôi nhà chung“ (chương 1) dựa trên những luận chứng khoa học.[1]
Sang đến chương 2 thông điệp mới nêu lên “Tin mừng về sáng tạo”, trong đó có đối chiếu với Kinh thánh và truyền thống Do thái – Kitô giáo, trước khi nêu rõ “nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái” (chương 3) trong thời đại ngày nay là do con người quá đề cao việc làm chủ công nghệ kỹ thuật với thái độ đặt con người là trung tâm – anthropocentrism. Chương 4 đề cập tới sinh thái học toàn diện, với nhiều chiều kích như về môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa và kể cả trong đời sống hàng ngày, trong đó các chiều kích phải gắn liền với vấn đề môi trường theo nguyên tắc thiện ích chung và công bằng.
Để tìm cách giải quyết những vấn đề về sinh thái, Đức Thánh Cha đã đề nghị một “đường hướng tiếp cận và hành động” (chương 5) bằng một cuộc đối thoại chân thành và minh bạch trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo, khoa học. Tiếp đến, theo Đức Thánh Cha điều quan trọng là làm sao con người ý thức được cội nguồn chung, tương giao nhân bản tốt đẹp giữa người với người và tương lai chia sẻ với mọi người. Điều này có thể đạt được nhờ giáo dục sinh thái toàn diện.[2] Vì vậy, Ngài đã dành trọn chương cuối để bàn về “Giáo dục và linh đạo sinh thái” (chương 6).
Có thể nói ngay từ tựa đề cũng cho thấy sự sâu sắc và đầy ý nghĩa của nội dung chương 6 với những hạn từ: giáo dục, linh đạo sinh thái. Nội dung của chương 6 rất phong phú và có tính thời sự rất cao cho nên sẽ vô cùng hữu ích nếu được đào sâu rồi áp dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay, đặc biệt tại các gia đình và giáo xứ.
- GIÁO DỤC và LINH ĐẠO SINH THÁI
1.1 Giáo dục – Educatio
Đứng trước những vấn đề được đặt ra liên quan đến sinh thái, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng «sự thay đổi là không khả thi nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục»[3]. Giáo dục được nói tới ở đây là theo quan điểm của Giáo Hội, vì trong thông điệp này Đức Thánh Cha xác định «sẽ đưa ra một số hướng dẫn có tính gợi mở cho sự phát triển nhân loại được tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm thiêng liêng Kitô giáo».[4]
Danh từ giáo dục (educatio) là một thuật ngữ có nhiều nghĩa. Về mặt từ nguyên học, thuật ngữ này được một số người cho là bắt nguồn từ tiếng latin educare, theo nghĩa riêng là “chăm sóc, nuôi nấng, cho ăn” và hiểu theo nghĩa rộng là “huấn luyện, hướng dẫn”; và tốt hơn, theo một số người khác, thuật ngữ này là do từ educere gồm có ducere (dẫn đưa,…) và ex (ra) trong latin mà ra, có nghĩa là “dẫn, đưa ra, kéo ra, lôi ra ánh sáng những gì ở bên trong, những gì tối tăm”. Do đó, thuật ngữ giáo dục theo khía cạnh thứ nhất nói đến sự can thiệp, thúc đẩy có tính cơ cấu bên ngoài: chăn nuôi, trông nom, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng; và theo khía cạnh thứ hai nói đến những yếu tố có tính nội tại: trí tưởng tượng, quan sát, trí tuệ, ý thức nhận định phê bình, tình cảm, mối quan hệ, sự biểu cảm, khả năng hoạt động.[5]
Ngoài ra, giáo dục còn là «nghệ thuật mà trong đó cá nhân con người trưởng thành (giáo viên, nhà giáo dục) thực hiện hành động của mình đối với một cá nhân vị thành niên hoặc thiếu niên (học sinh, học viên) bằng cách dùng tất cả năng lực của mình làm cho họ phát triển khả năng trí tuệ (khoa học) và khả năng thực tiễn (luân lý) nhất định nào đó để đạt đến mục đích đích thực và trọn vẹn của đời người».[6]
Theo quan điểm Kitô giáo, trong thông điệp Divini illius magistri, tài liệu chính về giáo dục trước Công đồng Vaticanô II, Đức Giáo hoàng Piô XI nhấn mạnh rằng «giáo dục hệ tại trong việc đào tạo con người thành con người phải như thế nào và phải ứng xử ra sao trong cuộc sống trần thế này để đạt được cùng đích tuyệt vời vốn đã được dành cho con người,… không thể có nền giáo dục nào là chân chính mà lại không nhằm đến cùng đích đời người,… không thể có nền giáo dục đầy đủ và hoàn hảo nếu không phải là nền giáo dục Kitô giáo».[7]
Tuyên ngôn về giáo dục của Công đồng Vaticanô II, Gravissimum Educationis, xác định rằng «mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành».[8]
Theo đó, giáo dục Kitô giáo không lấy con người làm trung tâm tức là không chỉ lo đề cao quyền lợi của con người mà còn nhấn mạnh nhân vị trong hoàn cảnh lịch sử – văn hóa cụ thể nữa.[9] Công đồng Vaticanô II khẳng định «giáo dục phải thích hợp với khả năng, giới tính, đồng thời vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác để có thể phát huy tiến trình hiệp nhất và hòa bình trên thế giới; cũng như đào tạo kỹ năng sống để có thể tích cực hội nhập vào cộng đồng nhân văn, cởi mở khi đối thoại với tha nhân và hăng say hoạt động để góp phần thực hiện công ích.[10]
Như vậy, có thể nói nền giáo dục theo theo quan điểm Kitô giáo là giáo dục toàn diện đã hàm chứa việc giáo dục về lĩnh vực sinh thái. Trong Laudato Sí hạn từ giáo dục cần được hiểu theo nhãn quan này.
1.2 Sinh thái toàn diện và linh đạo sinh thái
Theo ngữ cảnh, có thể thấy những hạn từ “giáo dục và linh đạo sinh thái” của tựa đề chương 6 không thể hiểu một cách riêng rẽ. Thật vậy, dù khái niệm giáo dục Kitô giáo có bao hàm giáo dục về sinh thái đi nữa, thì hạn từ giáo dục được cụ thể hóa trong chương này phải được hiểu là giáo dục sinh thái hay giáo dục liên quan vấn đề sinh thái chứ không phải là giáo dục chung chung. Nội dung của chương này cho ta thấy rõ điều đó.
Mặt khác, hạn từ “giáo dục” nối với “linh đạo sinh thái” bằng liên từ “và” nên có thể cho phép ta hiểu rằng hạn từ “sinh thái” được sử dụng chung cho giáo dục cũng như linh đạo xét vì có sự tương ứng logic của tính từ “sinh thái” với hai danh từ đi trước là “giáo dục” và “linh đạo”. Do đó, để diễn tả rõ ràng hơn nên dịch tựa đề chương 6 là: “Giáo dục sinh thái và linh đạo sinh thái” theo nghĩa là “việc giáo dục liên quan tới sinh thái và nền linh đạo về (hoặc có liên quan tới) sinh thái”.[11]
Tiếp đến, hạn từ linh đạo, nói chung, đó là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa qua Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa rộng hơn, có thể hiểu linh đạo như một kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự dấn thân trong thế giới. Linh đạo sinh thái được hiểu theo nghĩa rộng này.[12]
Theo ý nghĩa vừa nói thì linh đạo sinh thái được triển khai trong toàn bộ chương 2 khi bàn về «Tin Mừng về sáng tạo» (số 62-100) và ở chương 6: giáo dục và linh đạo sinh thái. Để hiểu rõ hơn cách nói linh đạo sinh thái, nên biết rằng linh đạo còn là «một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng. Chúng giống như những phương pháp và những kim chỉ nam để giúp các Kitô hữu đem hết tâm lực làm cho Giáo hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân».[13]
Khoa sinh thái học toàn diện được triển khai ở chương 4 của thông điệp có một giá trị nhất định và sẽ được kiện toàn khi được soi dẫn dưới ánh sáng của Tin Mừng được trình bày trong chương 2 và chương 6. Đức Thánh cha đề cập đến nền sinh thái học toàn diện vì cho rằng «mọi sự đều có liên hệ với nhau» nên cần «xem xét một số yếu tố sinh thái học với sự tôn trọng các chiều kích nhân bản và xã hội của nó».[14] Trong khi đó thì linh đạo sinh thái xét các chiều kích sinh thái học theo nhãn quan đức tin được được mạc khải trong Kinh Thánh. Sinh thái học toàn diện theo cái nhìn của Giáo hội không thể không đi liền với linh đạo sinh thái.
- NỀN GIÁO DỤC SINH THÁI TOÀN DIỆN
2.1 Thách đố về giáo dục sinh thái
Một cách tổng quát, thông điệp chỉ ra nguồn gốc của khủng hoảng sinh thái cũng như thách đố về giáo dục sinh thái là do con người tìm cách để hưởng thụ tối đa và lo tìm kiếm lợi ích riêng cho bản thân mình, gia đình mình, nhóm mình, kể cả bằng cách gây hại cho người nghèo và cho môi trường sống, cho trái đất và từ đó dần dần dẫn tới thảm họa “tình trạng ích kỷ tập thể”.[15] Nói chung đó là khuynh hướng “quy ngã”, vị kỷ, ích kỷ (egoism), tự cô lập mình đồng thời vô cảm, dửng dưng với tha nhân, và rồi sẽ dẫn đến “chủ nghĩa cá nhân” (individualism).[16] Nên nhớ rằng thông điệp đã lên án chủ thuyết hiện đại đặt con người làm trung tâm (anthropocentrism)[17] vì từ đó dễ dẫn con người đến lối sống lầm lạc như chủ nghĩa tương đối thực dụng (practical relativism) là một chủ nghĩa còn nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa tương đối lý thuyết (doctrinal relativism)[18], cũng như lên án việc áp dụng các công nghệ sinh học mới bất chấp các nguyên tắc đạo đức và tác gây hại đến con người và nhiều sinh vật khác.[19]
Một trong những thách đố nữa của giáo dục sinh thái đến từ thói quen tiêu thụ cực độ và sung túc. Nhiều người trẻ lớn lên trong bối cảnh xã hội như vậy nên thói quen tiêu thụ đã hình thành, họ đón nhận nhưng tiến bộ hiện đại, sự tích lũy vật chất và sự giải trí mà thị trường cung cấp như một điều đương nhiên không thể bỏ qua. Không dễ một sớm một chiều để thay đổi thói quen và não trạng tiêu thụ đó được.[20]
Thách đố giáo dục sinh thái còn là do thiếu những con người thực sự “có tâm và có tầm” về lĩnh vực này, chẳng hạn thiếu «những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn».[21]
Sau nữa, thách đố giáo dục nói ở đây một phần là do chính chương trình giáo dục sinh thái thường chỉ lo cung cấp những thông tin, kiến thức khoa học hay những cách giải quyết vấn đề sinh thái thuần túy kỹ thuật mà thiếu chiều kích đạo đức, tâm linh. Bên cạnh đó, nhiều người còn lạm dụng kẽ hở của pháp luật cũng như các tổ chức xã hội đặt ra những luật lệ chưa đủ tác động mạnh giúp làm thay đổi những thói quen và cách sống gây hại cho môi trường, cho người khác.[22]
Như đã nói, để giải quyết vấn đề đặt ra có tính căn bản hơn, Đức Thánh Cha đưa ra giải pháp: giáo dục sinh thái toàn diện phải đi đôi với linh đạo sinh thái. Trong bài này xin được nói rõ hơn về giáo dục sinh thái toàn diện nhằm hướng đến lối sống mới cũng như cần giáo dục giao ước giữa nhân loại và môi trường cho người tín hữu.
2.2 Chương trình giáo dục sinh thái toàn diện
Chương 4 của Laudato Si’, đề cập một nền sinh thái toàn diện sẽ xét các vấn đề trong mối liên hệ hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Nhờ đó con người có thể đưa ra các giải pháp toàn diện cho vấn đề khủng hoảng sinh thái hiện nay. Mục tiêu mà giáo dục sinh thái toàn diện và linh đạo sinh thái nhằm đến là giúp con người «ý thức về cội nguồn chung, sự thuộc về hỗ tương và tương lai chia sẻ với mọi người»[23] từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển những xác tín mới, thái độ mới và lối sống mới (số 203-208).
Khi nói đến sinh thái học nhiều người có khuynh hướng giản lược vấn đề chỉ thuần túy liên quan đến môi trường. Trong Laudato Sí, không chỉ bàn về vấn đề môi trường mà còn đề cập nhiều vấn đề toàn diện của cuộc sống mà nhờ đó người ta có thể xây dựng các chính sách, xác định chỉ số, quy trình nghiên cứu theo cách tốt nhất có thể và đầu tư, tiêu chí đánh giá, tránh các quan niệm sai lệch về phát triển và tăng trưởng.[24] Thật vậy «vì mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau, và các vấn đề ngày nay mời gọi một tầm nhìn chạm tới mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nên […] chúng ta sẽ xem xét một số yếu tố của sinh thái học toàn diện, với sự tôn trọng các chiều kích nhân bản và xã hội của nó».[25]
Trọn chương 4 của thông điệp triển khai về chủ đề “sinh thái học toàn diện” gồm nhiều nội dung căn bản của sinh thái học hiện đại. Do đó chương trình giáo dục sinh thái toàn diện trong chương 6 chính là theo nội dung đó. Cụ thể một số điểm chính như sau.
– Giáo dục về sinh thái môi trường.[26] «Không thể xem thiên nhiên như một thứ tách rời khỏi bản thân chúng ta hoặc như một bối cảnh thuần tuý để chúng ta sống trong đó. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, được hội nhập trong thiên nhiên và liên tục tương tác với thiên nhiên».[27]
– Giáo dục sinh thái kinh tế. «Sinh thái học kinh tế có khả năng thúc đẩy tầm nhìn rộng hơn về thực tại».[28] Chẳng hạn, bảo vệ môi trường là một phần thiết yếu của tiến trình phát triển kinh tế và không thể tách riêng khỏi tiến trình để xem xét.
– Giáo dục sinh thái xã hội.[29] Nên biết rằng «sự lành mạnh của các tổ chức xã hội cũng có những tác động đối với môi trường và phẩm chất cuộc sống con người». Các thể chế xã hội phát triển để điều tiết những mối tương quan của con người cho nên khi những tổ chức xã hội này yếu đi, thì có thể gây ra những tác động tiêu cực và đều gây hậu quả xấu cho môi trường.[30]
– Giáo dục sinh thái văn hóa.[31] «Sinh thái học cũng liên quan đến việc bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại theo nghĩa rộng nhất. Cụ thể hơn, nó đòi hỏi phải quan tâm hơn đến nền văn hoá địa phương khi nghiên cứu các vấn đề môi trường, cổ võ cuộc đối thoại giữa ngôn ngữ khoa học – kỹ thuật và ngôn ngữ của người dân. Văn hoá không chỉ là những gì chúng ta thừa hưởng từ quá khứ, nhưng trên hết là một thực tại sống động, năng động và thông phần trong hiện tại. Chúng ta không được loại trừ điều này khi nghĩ đến mối tương quan giữa con người và môi trường».[32]
– Giáo dục sinh thái đời sống hằng ngày.[33]
– Giáo dục về thiện ích chung[34] xét vì một nền sinh thái nhân văn không thể bị tách rời khỏi khái niệm về thiện ích chung vì đó là một nguyên tắc đạo đức trung tâm và thống nhất của đạo đức xã hội.[35]
– Giáo dục về công bằng giữa các thế hệ hiện tại với tương lai.[36] «Sự liên đới giữa các thế hệ không mang tính tùy chọn, nhưng nó là một vấn đề căn bản của công bằng, vì thế giới mà chúng ta đã lãnh nhận cũng thuộc về những người sẽ đến sau chúng ta».[37] Vậy «chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em của chúng ta hiện đang lớn lên?».[38]
Có thể nói, giáo dục về thiện ích chung và về công bằng «gắn liền với nhau và chiếm một vị trí then chốt trong chương trình giáo dục sinh thái kinh tế và xã hội. Nói theo ngôn ngữ của khoa thần học luân lý công giáo, việc giáo dục này phải nhắm xây dựng cho mỗi tín hữu một lương tâm ngay thẳng, trong sáng, bén nhạy, biết tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân và tôn trọng thiện ích chung».[39]
Trong chương 6 vấn đề sinh thái được trình bày theo quan điểm Giáo Hội trong ánh sáng đức tin. Nền giáo dục này phải đi liền với linh đạo sinh thái mới có thể làm cho nền giáo dục đó được hoàn thiện. «Chương trình giáo dục sinh thái toàn diện như sinh hoạt lành mạnh của lý trí cần được kiện toàn, hoàn thiện, và thăng hoa lên tầm cao nhất bởi linh đạo sinh thái Kitô giáo».[40]
2.3 Hướng đến một lối sống mới
Lối sống mới này được khởi đầu bằng việc chân thành nhận ra những mặt tối của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay cũng như những mặt tiêu cực của nó trong đời sống hàng ngày. Đó là một khía cạnh của giáo dục: chỉ ra, kéo ra ánh sáng những cái bên trong, những gì tối tăm nhằm giúp con người phát triển cái tốt, giảm bớt và loại bỏ cái xấu. Đức Thánh Cha mời gọi hãy «chân thành nhìn vào bản thân, để nhận biết sự bất mãn thẳm sâu của chúng ta, và để dấn thân trên những nẻo đường mới dẫn đến sự tự do đích thực. Không một hệ thống nào có thể hoàn toàn ngăn chặn sự mở lòng của chúng ta đối với điều thiện hảo, chân thật và tuyệt mỹ, hoặc ngăn chặn khả năng Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp trả ân sủng của Ngài đang hoạt động trong đáy sâu tâm hồn».[41]
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy ý thức trách nhiệm xã hội của mình trong việc mua sắm chi dùng, chẳng hạn sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm nào đó gây hại môi trường để làm áp lực lên những người có thẩm quyền phải thay đổi. Nhưng trên hết cần ý thức «việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý – chứ không thuần tuý là hành vi kinh tế»[42] và dấn thân «đánh thức lòng kính trọng đối với sự sống, quyết tâm mạnh mẽ để đạt được sự bền vững, tăng tốc đấu tranh cho công lý và hoà bình, hân hoan cử hành đời sống».[43]
Sau cùng quan trọng nhất vẫn là làm sao để con người «đi ra khỏi chính mình để đến với người khác… quan tâm vô vị lợi dành cho người khác».[44] Đây thực sự cũng là một vấn đề quan trọng trong giáo dục Kitô giáo. Trong một Hội Thánh “đi ra”, mỗi người đều được mời gọi ra khỏi chính mình, không bám víu vào sự an toàn và hưởng thụ của bản thân để đi đến với những người nghèo, những vùng ngoại biên xa xôi mà không ngại bị lấm lem hay thương tích.[45]
2.4 Giáo dục về giao ước giữa nhân loại và môi trường
Tương ứng với nội dung của chương 2, Tin Mừng về sáng tạo, trong chương 6 Đức thánh Cha đề nghị giáo dục về giao ước giữa nhân loại và môi trường[46], trong đó có sử dụng một từ ngữ đầy ý nghĩa là foedus – giao ước, mà không dùng từ contractus (khế ước, hợp đồng) hoặc những từ tương tự khác. Hạn từ foedus được sử dụng khá nhiều trong một số văn kiện Công đồng Vaticanô 2 và trong Giáo luật[47] là vì muốn nhắc đến giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Theo Kinh thánh foedus dùng để chỉ mối dây liên kết giữa Thiên Chúa với dân được Chúa tuyển chọn; trong đó vừa thể hiện tính cách bản vị lại vừa tính cách thánh thiêng; vừa có tính pháp lý lại vừa bao hàm ý chí chọn lựa, thề nguyền. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Chúa không chỉ là kết quả của sự thỏa thuận đôi bên với sự tương kính và trung tín mà đó còn là đặc ân nhưng không của Thiên Chúa.[48]
Trong việc giáo dục về giao ước giữa nhân loại và môi trường, thông điệp đưa ra những chỉ dẫn cần thiết để vượt qua những thách đố nói trên. Trước hết, việc giáo dục này không chỉ dừng lại cung cấp thông tin khoa học hay nâng cao ý thức phòng ngừa mà còn phải phải giúp con người có khả năng nhận định và phê bình “những huyền thoại” của cái gọi là hiện đại dựa trên não trạng thực dụng; đặc biệt phải giúp «khôi phục các cấp độ khác nhau của sự cân bằng sinh thái: trong nội tâm với chính mình, liên đới với người khác, với thiên nhiên và các loài sinh vật khác, và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa. Giáo dục môi trường cần thực hiện một bước nhảy vọt hướng đến Mầu nhiệm, trong đó đạo đức sinh thái tìm được ý nghĩa sâu xa nhất».[49]
Tiếp đến, «cần vun trồng các nhân đức vững chắc thì con người mới có thể quên mình cho dấn thân sinh thái… Giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với môi trường có thể khích lệ những hành động ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến thế giới xung quanh».[50]
Sau nữa, phải làm cho người ta «không được nghĩ rằng những nỗ lực này không thể thay đổi thế giới. Chúng đang sinh lợi ích cho xã hội, dù chúng ta không biết, vì những điều tốt đẹp chắc chắn có xu hướng lan rộng, ngay cả khi chúng ta không thấy. Hơn nữa, những hành động như thế có thể khôi phục cảm thức về lòng tự trọng của chúng ta; dẫn chúng ta đến bản chất sâu xa của hữu thể, sống trọn vẹn hơn và cảm nhận sự sống trên trái đất có giá trị».[51]
Giáo dục sinh thái còn «nhằm mục đích tạo nên “quyền công dân sinh thái”»[52] (có lẽ chính xác hơn phải nói là tính cách công dân sinh thái) và giúp người tín hữu sống quân bình giữa ý thức tính cách công dân sinh thái và tính cách công dân Nước Trời của mình. Việc này đòi hỏi các nhà giáo dục phải đủ khả năng để phát triển một nền đạo đức sinh thái giúp cho người tín hữu trưởng thành thực sự về tinh thần liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn. Và cũng từ đó kéo theo mối bận tâm của các nhà giáo dục về nhiệm vụ khơi dậy và phát huy “tình yêu dân sự và chính trị” (x. số 228-232), thể hiện bằng việc sống chung và hiệp thông với nhau trong cùng một môi trường thiên nhiên, mà mọi người có bổn phận bảo vệ và chăm sóc (x. số 228).[53]
Cũng theo ý hướng vừa nói trên mà chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn chương 6 của thông điệp khi trình bày về một số đề tài như:
– Hoán cải sinh thái (số 216-221) trên bình diện cá nhân cũng như cộng đồng bởi vì khi «thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa»[54];
– Niềm vui và bình an (số 222-227).
– Các dấu chỉ Bí tích và thực hành sự nghỉ ngơi (số 233-237);
– Ba ngôi và mối tương quan giữa các thụ tạo (số 238-40).
– Nữ Vương của toàn thể vũ trụ (số 241-242).
– Bên kia mặt trời (số 243-246), nơi mà người tín hữu đang sống trên trái đất này hướng về thành «Giêrusalem mới, hướng về ngôi nhà chung của chúng ta trên thiên đàng».[55]
2.5. Môi trường giáo dục sinh thái
Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều nơi chốn khác nhau: nơi học đường (từ mầm non đến tiểu học, trung học, đại học…), tại các gia đình, trên các phương tiện truyền thông, trong các bài giáo lý và tại bất cứ nơi nào.[56]
Một trong những môi trường sống có tầm ảnh hưởng lớn lao đến giáo dục sinh thái đó là gia đình. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình vì đó là nơi sự sống, quà tặng của Thiên Chúa được đón nhận trọn vẹn, bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, được phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người.[57] Hơn nữa, «gia đình là tác nhân chính của một sinh thái toàn diện, vì nó là chủ thể xã hội hàng đầu chứa đựng trong mình hai nguyên tắc căn bản của nền văn minh nhân bản trên trái đất: nguyên tắc hiệp thông và nguyên tắc sinh hoa trái».[58]
Do đó, nơi gia đình, con người lãnh nhận nền giáo dục toàn diện, giúp con người lớn lên cách hài hòa với sự trưởng thành cá nhân, mà cụ thể là có nhiều bài học giáo dục liên quan đến sinh thái rất giá trị thực tế[59]:
– Học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống;
– Học biết sử dụng đúng mọi thứ, ngăn nắp và sạch sẽ;
– Học sự tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thụ tạo;
– Học cách xin mà không đòi hỏi;
– Học biết nói “cảm ơn” để diễn tả lòng biết ơn đích thực vì những điều được lãnh nhận;
– Học biết tự chủ tính nóng giận và lòng tham;
– Học biết xin lỗi khi làm điều sai trái;
– Học những nghĩa cử đơn giản của phép lịch sự chân thành tạo nên văn hoá của đời sống chung và tôn trọng môi trường xung quanh.
Bên cạnh gia đình, còn có các tổ chức xã hội khác nhau, cũng như các cộng đoàn Kitô hữu cũng đóng những vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Trong số đó Đức Thánh Cha đặc biệt chú ý đến vai trò quan trọng của các chủng viện và các cơ sở đào tạo tôn giáo trong việc giáo dục sinh thái. Đức Thánh Cha «hy vọng các chủng viện và các nhà đào luyện của chúng ta sẽ giáo dục một đời sống giản dị đầy trách nhiệm, sự chiêm niệm với lòng biết ơn về thế giới Chúa tặng ban, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường».[60]
Như vậy, việc giáo dục sinh thái không nên đóng khung trong những lớp học, trong những trang sách giáo khoa, trong những khóa trình đã định, nhưng để đạt hiệu quả cao thì cần tận dụng tất cả những phương tiện và những cơ hội dù lớn nhỏ để thực thi việc giáo dục sinh thái này, và nên bắt đầu từ khi còn trẻ vì nhờ đó sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời.[61]
- NHẬN XÉT VÀ ÁP DỤNG
3.1 Nhận xét
Dù đã ban hành hơn 5 năm qua, nhưng nội dung thông điệp Laudato Si’ có thể nói đã và đang làm thức tỉnh thế giới bởi những vấn đề của thông điệp đặt ra có tính thời sự và ngày càng được nhiều người quan tâm hơn trong thế kỷ 21 này. Thật vậy, «trong cơn bĩ cực và cảm giác lờ mờ về sự không chắc chắn của tương lai, người ta quay trở lại với truyền thống triết học và tôn giáo của nhân loại về sinh thái học không phải để làm trò chơi trí tuệ. Những truyền thống đó đang được tái tạo lại trong sự thay đổi và để đối phó với những thách thức sinh thái».[62]
Liên quan đến giáo dục sinh thái, có những tổ chức, những cuộc hội thảo, những chương trình hoặc các phong trào đã và đang đáp ứng với những lời mời gọi của thông điệp, chẳng hạn như «việc ký kết một bản tuyên bố của các lãnh đạo giáo dục Công giáo, gồm gần một trăm Hiệu trưởng đại học của Mỹ và những người khác có vị trí quan trọng trong các viện hàn lâm trên thế giới. Bản tuyên bố của các Lãnh đạo giáo dục cao Công giáo đã ca ngợi thông điệp là văn bản “đúng lúc, dễ hiểu và truyền cảm hứng”, đồng thời hân hoan chào đón “lời kêu gọi khẩn thiết phải hành động để giải quyết các cơn khủng hoảng khí hậu và công bằng đang đe dọa hành tinh”».[63]
Năm ngoái, từ 04-08/11/2019, tại Trung Tâm Tĩnh Huấn Salesian ở Hua Hin thuộc Giáo phận Surat Thani, Thái Lan, đã diễn ra hội thảo về sự biến đổi khí hậu dành cho các Giám mục và các Nhà đào tạo tại các Chủng viện Á châu, với 05 đề tài về sự biến đổi khí hậu: 1) Văn kiện “Định Hướng Căn Bản cho Việc Đào Tạo Linh Mục” đối với sự biến đổi khí hậu và việc đào tạo tại chủng viện; 2) Khoa học và lịch sử về sự biến đổi khí hậu; 3) Thông điệp Laudato Si’ và những áp dụng trong việc đào tạo tại chủng viện; 4) Sự biến đổi khí hậu: giáo dục và phương pháp luận trong việc đào tạo tại chủng viện, và 5) Phụ nữ và sự biến đổi khí hậu: vượt quá những quy định giới tính.[64]
Tại Việt Nam, khủng hoảng sinh thái cũng đã và đang gây những tác động không nhỏ cho đời sống cũng như các kế hoạch kinh tế – xã hội và vấn đề giáo dục sinh thái được đặt ra một cách cấp bách với sự đóng góp của các tôn giáo, trong đó có công giáo rất tích cực và khá hiệu quả.[65].
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu; ô nhiễm bụi ở mức độ trầm trọng. Còn «với người công giáo, Đức Giáo Hoàng kêu gọi phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống trong tương quan với môi trường thiên nhiên. Chính Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm trông coi trái đất (x. St 1,28), do đó không được tàn phá hoặc sử dụng để trục lợi, nhưng phải chăm sóc và gìn giữ, cho thế hệ hiện nay và cả tương lai. Ý thức đó thúc đẩy chúng ta thay đổi cách sống, biết tôn trọng thiên nhiên, chăm sóc môi trường sống, bắt đầu từ những việc nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày như tiết kiệm nước và năng lượng, giữ vệ sinh chung trong khu xóm… Ước gì các giáo xứ trở thành những mẫu gương điển hình trong việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh»[66]. Phải nhìn nhận rằng nhiều cộng đoàn tín hữu từ các Dòng tu đến các giáo xứ thực hiện khá tốt những lời mời gọi này và được xã hội nhìn nhận nét tích cực của các hoạt động và giáo dục bảo vệ môi trường.[67]
Trong những bối cảnh giáo dục sinh thái mà thông điệp nêu ra, nếu áp dụng đối với người công giáo Việt Nam hiện nay thì gia đình có ưu thế hàng đầu, rồi đến giáo xứ, các dòng tu, các chủng viện, các hội đoàn, các lớp giáo lý, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông.
Trong một số chương trình truyền hình tại Việt Nam hiện nay cũng đưa một số nội dung giáo dục sinh thái và môi trường qua những phim hoạt hình, hay những câu chuyện thực tế. Còn chương trình giáo dục phổ thông của Nhà Nước hiện nay thì đến lớp 12, các học sinh mới học về sinh thái học và môi trường với nội dung khá chi tiết và kỹ lưỡng.[68] Tuy nhiên yêu cầu của chương trình chủ yếu là trình bày kiến thức và khích lệ một số việc làm cụ thể hằng ngày. Còn đối với người Kitô hữu, giáo dục sinh thái toàn diện và đồng thời phải đi đôi với giáo dục về lương tâm và về “linh đạo sinh thái” thì mới hoàn thiện.
Những điều vừa nói càng thôi thúc những người mục tử có trách nhiệm phải tìm nhiều cách khác nhau để tăng cường và áp dụng giáo dục sinh thái toàn diện và linh đạo sinh thái; có lẽ nên bắt đầu từ nơi gia đình tín hữu rồi đến giáo xứ, các lớp giáo lý, các hội đoàn, các nhóm… Nên nhớ «trong phòng của chúng ta, nhà của chúng ta, nơi làm việc và láng giềng của chúng ta. Chúng ta cố gắng tạo nên môi trường sống của mình như một cách thể hiện căn tính của chúng ta, nhưng khi nó bị mất trật tự, hỗn loạn, hay bảo hoà với những tiếng ồn và vẻ xấu xí, bị kích thích quá mức như thế sẽ làm cho ta cảm thấy mình khó nguyên tuyền và hạnh phúc».[69]
3.2 Áp dụng
– Hoán cải sinh thái. Trước hết, có lẽ tìm cách cho người tín hữu ý thức việc “hoán cải sinh thái”. Xét mình là điều cần thiết để định hướng và thay đổi lối sống phù hợp với Tin mừng. Trong việc hoán cải sinh thái cần xét mình về phương diện sống tinh thần hiệp thông với Chúa, với tha nhân, với chính mình và đặc biệt một khía cạnh mới mà thông điệp đề nghị là xét mình với toàn thiên nhiên và các loại thụ tạo vì mọi sự đều có liên đới với nhau. «Cần thiết phải sám hối vì những cách thế chúng ta đã làm tổn hại đến hành tinh, vì cùng một cách thế chúng ta tạo ra sự nguy hại về mặt sinh thái… thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa».[70] «Điều mà tất cả họ cần là “sự hoán cải sinh thái”, nhờ đó hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh. Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình tay Chúadựng nên là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức; chứ không phải là một chọn lựa».[71]
– Cầu nguyện. Tiếp đến, trong việc cầu nguyện sinh thái, lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày 1 tháng 9 hàng năm để cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên. Ngày 03.03.2020 vaticannews.va đã loan tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các cộng đoàn Công giáo trên toàn thế giới cử hành Tuần lễ Laudato Sí từ ngày 16-24/05/2020, nhân kỷ niệm 5 năm thông điệp được ban hành. Dịp này Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã hưởng ứng lời mời gọi này và cho phát hành tập sách hướng dẫn cầu nguyện trong tuần Laudato Sí (Laudato Si’ Week Booklet) với những hướng dẫn cụ thể và thiết thực khá hay. Tài liệu có thể được dùng tham khảo và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của mình vào những dịp cầu nguyện khác nhau về môi trường.[72] Tài liệu này đề nghị cụ thể như: Tương tác với tạo vật: Làm thế nào chúng ta có thể đào sâu mối tương quan của chúng ta với thụ tạo? Bằng việc đi bộ, leo núi, cắm trại,… Cầu nguyện với thụ tạo: Thực hành cầu nguyện giữa thiên nhiên và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các tạo vật. Cầu nguyện cho thụ tạo: Cầu nguyện cho trái đất bị tổn thương, cho người nghèo, cho tất cả các sinh vật và cho những người đang đấu tranh cho sinh thái thay cho chúng ta. Tĩnh tâm: tham gia các khóa tĩnh tâm với các đề tài sinh thái.
– Đưa nội dung giáo dục sinh thái vào các chương trình. Bên cạnh việc hoán cải sinh thái và cầu nguyện nói trên, thiết nghĩ cũng tìm cách để đưa một số nội dung giáo dục sinh thái vừa tầm đối với đa số người giáo dân vào trong những bài giáo huấn, bài giảng, bài giáo lý,… hoặc tổ chức những cuộc hội thảo những nội dung có tính thực tế cao.
– Tập thói quen hành động sinh thái hàng ngày. Sau nữa cần tìm cách để nội dung giáo dục sinh thái toàn diện đi vào thực tế cuộc sống. Có thể nói rằng, một trong những nét đặc biệt trong nhiều văn kiện Đức Giáo Hoàng Phanxicô là bên cạnh những cách diễn tả thâm sâu về thần học, khoa học còn có những chỉ dẫn chi tiết gần gũi, dễ áp dụng với những ngôn từ đi vào lòng người. Thông điệp Laudato Si’ cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn cách nói giáo dục sinh thái hàng ngày được khai triển khá cụ thể từ số 147 đến 155, có tới 9 số – so với những đề tài khác chỉ có 1 đến 4 số. Điều này phần nào cho thấy việc giáo dục sinh thái hàng ngày khá quan trọng và đi vào thực tế. Hạn từ “hàng ngày” cho thấy rằng việc giáo dục này không nặng tính học thuật trừu tượng, khoa bảng hay đóng khung trong những tiết học ở trường lớp nhưng nó kéo dài thường xuyên và gần gũi với mọi cảnh huống trong đời sống mà không bị giới hạn bởi số “tín chỉ” phải đạt được hay thời khóa biểu phải theo. Giáo dục sinh thái hàng ngày cũng không nhất thiết cần đến những nhà chuyên viên về sinh thái, nhưng tất cả mọi người có trách nhiệm đều có thể góp phần vào việc giáo dục này. Một số những điều xem chừng rất nhỏ cũng cho ta thấy rõ điều này:
– Thay vì đốt lò sưởi, có thể chỉ mặc ấm thôi (số 211).
– Tránh sử dụng các vật có chất liệu nhựa hóa chất (số 211).
– Giảm việc sử dụng nước phung phí, vừa đủ thôi (số 211).
– Phân loại các rác thải (số 211).
– Nấu thức ăn vừa đủ (số 211)[73].
– Ưu tiên dùng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe nên có người đi cùng (số 211).
– Trồng cây (số 211).
– Tắt đèn điện khi không sử dụng (số 211).
– Tái sử dụng cái gì đó thay vì vứt bỏ đi (số 211).
– Trong gia đình: Biết xin phép, cám ơn, xin lỗi (số 213).
– Trong chủng viện, dòng tu: Giáo dục sự khắc khổ có trách nhiệm (số 214).
– Cảm tạ Chúa trước và sau bữa ăn (số 227).
– Nói lời dễ thương, nở một nụ cười (số 230).
– Bảo vệ nơi công cộng, di tích (số 232).
– Tạo vẻ đẹp môi trường phù hợp dân cư ở đó (số 150).
Ngoài ra tài liệu của FABC nói trên gợi cho ta một số hành động cụ thể nữa:
Hiệu quả năng lượng: Sử dụng máy nước nóng mặt trời và đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, dùng đèn LED… và sử dụng các thiết bị năng lượng hiệu quả và tiết kiệm.
Tiết kiệm nước: Thu lại nước, giảm lãng phí. Cố gắng giữ đất tự nhiên ở một số khu vực, giảm thiểu bê tông hoá.
Phân xanh: Sử dụng thùng hộp hoặc đào hố để biến rác hữu cơ thành phân xanh.
Lễ hội thân thiện với môi trường: Loại bỏ tất cả các hình thức sử dụng đồ dùng một lần duy nhất tại các sự kiện của giáo xứ và cộng đồng.
Dùng đồ bằng kim loại hoặc thủy tinh để sử dụng chung: Thay vì dùng hộp thức ăn hay đồ dùng một lần, hãy dùng khay, bình bằng kim loại, thủy tinh để có thể dùng chung nhiều lần tại dịp lễ kỷ niệm tại nhà hoặc trong cộng đồng.
Hạn chế rác thải: Bất cứ nơi nào có thể, hãy cắt giảm các tờ thánh ca, áp phích và đặc biệt là áp phích nhựa sử dụng một lần.
Vườn bếp: Nếu được thì nên trồng thêm rau quả, hoa.
Gom ve chai, thùng giấy: Có một điểm tập trung để mọi người có thể gom ve chai, thùng giấy carton… để tái chế.
Ngoài ra tùy hoàn cảnh có thể tìm những sáng kiến thích hợp khác để thực hiện giáo dục sinh thái, ví dụ, tổ chức các hội chợ đồ cũ trong giáo xứ để những người trong giáo xứ cho đi hay trao đổi cho nhau những đồ vật còn tương đối tốt không dùng đến. Trong những dịp lễ hay mỗi lần tổ chức sự kiện, nhắc nhở về việc không xả rác, xếp ghế bàn lại gọn gàng, lượm rác cho vào thùng, đậu xe gọn và theo trật tự…
KẾT LUẬN
Trước những vấn đề đặt ra do khủng hoảng sinh thái hiện nay, Đức Thánh Cha muốn đưa ra “đường hướng tiếp cận và hành động” nhất là bằng con đường đối thoại để xây dựng công lý, hòa bình nhằm làm tăng trưởng chất lượng cuộc sống cho con người (chương 5). Bên cạnh đó, thông điệp cho ta thấy rằng để giải quyết vấn đề sinh thái thì cần thiết con người phải thay đổi lối sống nhờ giáo dục. Thông điệp Laudato Sí dành trọn chương 6 đề bàn về giáo dục sinh thái toàn diện và linh đạo sinh thái.
Thông điệp Laudato Si’ xác nhận một điều rằng «khủng hoảng sinh thái về cơ bản là một vấn đề thuộc tinh thần»[74], do vậy cần thiết phải có một phản ứng tinh thần và đạo đức đối với cuộc khủng hoảng này. Nhà hoạt động môi trường Bill McKibben đã nhận xét rằng thông điệp này đã «mang theo toàn bộ sức nặng của tinh thần để đối phó với nguy cơ toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra».[75] Do vậy, «nghiên cứu về lương tâm và nhận thức về nhiều mối quan hệ mà qua đó cuộc sống của con người có thể thành công, cũng quan trọng đối với Đức Phanxicô, như giáo dục toàn diện vượt ra ngoài việc truyền đạt kiến thức hay “kỹ năng”… Giáo dục toàn diện bao gồm thu nhận kiến thức, khả năng đưa ra quan điểm của riêng mình (nếu cần thiết, cũng có thể chống lại “chính thống”) và trên hết là hình thành trái tim (sự đồng cảm với người khác và môi trường để nhận ra cấu trúc quan hệ đa phương)».[76]
Một nền giáo dục sinh thái toàn diện không thể thiếu linh đạo sinh thái Kitô giáo, trong đó việc giáo dục lương tâm lành mạnh cũng là một phần quan trọng trong giáo dục sinh thái toàn diện. Có thể nói giáo dục lương tâm thuộc lĩnh vực “chuyên môn” của tôn giáo, đối với chúng ta thì đặc biệt là chính là hàng linh mục, tu sĩ bởi vì đó còn là bổn phận thiêng liêng hết sức quan trọng.
Giáo Hội, trong đó các cộng đoàn có gia đình và có mỗi người chúng ta đều được ủy thác trách nhiệm và đóng vai trò quan trọng nhất định trong giáo dục sinh thái.
Thông điệp cũng lưu ý là đừng nghĩ rằng những việc nhỏ không thể thay đổi thế giới. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ tích cực vì những điều tốt đẹp có xu hướng lan rộng và giúp thay đổi xung quanh. Đặc biệt nếu vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân, con người đem lại những thay đổi đầy ý nghĩa trong xã hội hôm nay.
Giáo dục và linh đạo sinh thái Kitô giáo còn giúp người Kitô hữu ý thức «mình đang trên hành trình tiến về ngày Sabát vĩnh cửu, thành Giêrusalem mới, hướng về ngôi nhà chung của chúng ta trên thiên đàng».[77] Như thế một chương trình giáo dục sinh thái Kitô giáo, để mang tính toàn diện đúng nghĩa, cũng phải biết hướng con mắt tín hữu nhìn lên “ngôi nhà chung trên Thiên Đàng” đó nữa.[78]
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Theo James Martin (SJ), một trong những lý do Đức Giáo Hoàng đã không mở đầu thông điệp bằng tư tưởng từ Thánh Kinh hay thánh truyền là để những người dù không có đức tin Kitô giáo đi nữa có thể sẵn sàng hơn trong việc đón nhận thông điệp này. Chỉ khi bắt đầu chương hai, thông điệp mới đề cập đến “Tin mừng Sáng tạo”. Có thể nói đây là một sự lựa chọn đầy khôn ngoan và tế nhị. Xem James Martin (SJ), “Top Ten Takeaways from ‘Laudato Si’” , tại americamagazine.org. Bản dịch ra việt ngữ của Huy Hoàng, “Mười điểm rút ra từ Laudato Sí“, trong Hiệp Thông, Bản tin của HĐGMVN, số 89 (tháng 7&8 năm 2015), tr. 196.
[2] Xem Laudato Si’ 15
[3] Laudato Si’ 15.
[4] Laudato Si’ 15.
[5] Xem C. Nanni, «Educazione», in Dizionario di scienze dell’educazione, Torino 1997, 340.
[6] C. Testore, «Educazione», trong Enciclopedia cattolica, Città del Vaticano 1950, vol. V, col. 94. Theo tác giả, với định nghĩa vừa nói, giáo dục bao gồm nhiều yếu tố như tương quan giữa nhà giáo dục với học viên, quan niệm về khả năng và năng lực tinh thần của con người để phát triển và cùng với những phương tiện giúp con người đạt tới mục đích; quan niệm về hành động có phương pháp hoặc ảnh hưởng cụ thể một phương pháp nào đó, quan niệm về mục đích người ta nhằm đến cũng như cùng đích tối hậu của đời người. Xem Ibidem, col. 94.
[7] Pio xi, enc. Divini illius magistri, 31 dicembre 1929, AAS, 22 (1930) n. 7; e in P. Barberi, D. Tettamanzi, (a cura di), Matrimonio e famiglia nel magistero della Chiesa, i documenti dal Concilio di Firenze a Giovanni Paolo II, Milano 1986, 75.
[8] Gravissimum educationis, 1.
[9] G. Baldanza, «Appunti sulla storia della dichiarazione ‘Gravissimum educationis’: il concetto di educazione e di scuola cattolica: la sua evoluzione secondo i vari schemi», trong Seminarium 25 (1985) 49. (Ghi chú về lịch sử của tuyên ngôn Gravisssimum Educationis: khái niệm về giáo dục và trường học công giáo: sự phát triển của nó theo các lược đồ khác nhau).
[10] Xem Gravissimum Educationis, 1.
[11] Xem Vương Đình Khởi, “Một cố gắng đào sâu thông điệp của ĐGH Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” xem simonhoadalat.com. Sau khi so sánh trong các bản văn tiếng Latin, Ý, Pháp, Đức và Anh, tác giả thiên về cách hiểu của bản dịch tiếng Pháp: hiểu tính từ Latin “oecologica” theo “acácord logique” (sự tương hợp giữa tính từ với cả hai danh từ đi trước nó dưới góc độ logic), chứ không theo “acácord purement grammatical” (sự tương hợp giữa tính từ với duy nhất danh từ đi sát trước nó dưới góc độ thuần túy văn phạm), và như thế tính từ “oecologica” cần được kết hợp với cả hai danh từ đi kèm (trước hoặc sau tính từ, tùy ngôn ngữ). Bản Pháp minh bạch hóa ý tưởng ngầm chứa trong cụm từ Latin của ĐGH: “Educatio et spiritalitas oecologica”.
[12] Xem Hđgmvn – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin- Ban Từ Vựng Công Giáo, “linh đạo” (spiritualitas, spirituality, spiritualité); “Hòm bia, Giao ước” và “Giao ước Hôn nhân”, trong Từ điển công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2016, tr. 333-335.
[13] Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Dẫn vào lịch sử Linh đạo, simonhoadalat.com. Và xem thêm Lumen Genium, 46.
[14] Laudato Si’ 137.
[15] Xem Laudato Si’ 204.
[16] Xem Laudato Si’ 208.
[17] Xem Laudato Si’ 115-121.
[18] Xem Laudato Si’ 122 và xem Evangelii Gaudium 80.
[19] Xem Laudato Si’ 130-136.
[20] Xem Laudato Si’ 209.
[21] Laudato Si’ 210.
[22] Xem Laudato Si’ 211.
[23] Xem Laudato Si’, 202.
[24] Interdicasteriale Della Santa Sede, «In cammino per la cura della casa comune, a cinque anni dalla Laudato si’». Libreria Editrice Vaticana, 2020, trang 8. Văn kiện liên bộ Tòa thánh, “Trong hành trình chăm sóc căn nhà chung – năm năm sau thông điệp Laudato sí”. Văn kiện được công bố 18/6/2020 là kết quả của cuộc hội thảo liên bộ Tòa thánh và do “Nhóm liên Thánh Bộ của Tòa Thánh về sinh thái học toàn diện” soạn thảo. Nhóm này được thành lập năm 2015 để phân tích cách thức cổ võ và thực hiện nền sinh thái học toàn diện. Văn kiện có ba chương. Chương đầu nói về giáo dục và hoán cải sinh thái toàn diện, trong đó nhắc lại sự cần thiết hoán cải sinh thái, thay đổi não trạng để quan tâm đến sự sống và công trình sáng tạo, để đối thoại với người khác và nhận thức về mối liên hệ sâu sắc giữa các vấn đề của thế giới. Tầm quan trọng của giáo dục các cấp trong việc hoán cải sinh thái. Những cuộc đối thoại liên tôn, đại kết và hiệp thông trong vấn đề này. Chương 2 có tựa đề “Nền sinh thái toàn diện và phát triển con người toàn diện”. Chương cuối nói về sự dấn thân của Quốc gia thành Vatican. Các hướng dẫn của Thông điệp Laudato Si’ được áp dụng trong bốn lãnh vực: bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, chăm sóc các khu vực xanh và tiêu thụ tài nguyên năng lượng.
[25] Laudato Si’ 137.
[26] Xem Laudato Si’ 138-140.
[27] Laudato Si’ 139.
[28] Xem Laudato Si’ 141.
[29] Xem Laudato Si’ 142.
[30] Xem Laudato Si’ 142.
[31] Xem Laudato Si’ 143-146
[32] Laudato Si’ 143.
[33] Xem Laudato Si’ 147-155.
[34] Xem Laudato Si’ 156-158.
[35] Xem Laudato Si’ 156.
[36] Xem Laudato Si’ 159-162.
[37] Laudato Si’ 159.
[38] Laudato Si’ 160.
[39] Xem Vương Đình Khởi, “Một cố gắng đào sâu thông điệp của ĐGH Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”; xem simonhoadalat.com
[40] Vương Đình Khởi, “Một cố gắng đào sâu thông điệp của ĐGH Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”; xem simonhoadalat.com
[41] Laudato Si’ 205.
[42] Laudato Si’ 206.
[43] Laudato Si’ 207.
[44] Laudato Si’ 208. Niềm vui của Tin Mừng, số 46; 49; 87…). Đây cũng là một chiều kích thiết yếu của Giáo dục Kitô giáo.
[45] Xem Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (23.11.2013), Niềm vui Tin mừng, các số 20-24; 46; 49; 87; 179; …
[46] Tiểu mục số 2 của chương sáu, nguyên bản tiếng Latin là: “Educatio ad foedus inter homines et ambitum“; bản tiếng Ý: Educare all’alleanza tra l’umanità e l’ambiente và tiếng anh: Educating for the covenant between humanity and the environment.
[47] Ví dụ, Lumen Gentium 2 và 9; Dei Verbum 14 và 16; Gaudium et Spes 67; Ad Gentes 4. Giáo luật điều 1055; 1057.
[48] Xem Hđgmvn – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin- Ban Từ Vựng Công Giáo, “Giao Ước” (Foedus, Convernant, Alliance); “Hòm bia, Giao ước” và “Giao ước Hôn nhân”, trong Từ điển công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2016, tr. 333-335.
[49] Laudato Si’ 210.
[50] Laudato Si’ 211.
[51] Laudato Si’ 212.
[52] Laudato Si’ 211.
[53] Xem Vương Đình Khởi, “Một cố gắng đào sâu thông điệp của ĐGH Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” xem simonhoadalat.com. Tác giả cho rằng cụm từ “Ecological citizenship” (tiếng Anh) “cittadinanza ecologica” (tiếng Ý) không thể dịch là “quyền công dân sinh thái” mà đúng phải là “tính cách công dân sinh thái”. Cụm từ “tính cách công dân Trái Đất= citoyenneté terrestre” đã có từ lâu. ĐGH Phanxicô tạo ra cụm từ mới “citoyenneté écologique” =“tính cách công dân sinh thái”, vì khoa học sinh thái (écologie) là một khái niệm mới xuất hiện trong thế kỷ XX.
[54] Laudato Si’ 8.
[55] Laudato Si’ 243.
[56] Tham khảo chi tiết vấn đề này trong tài liệu của liên bộ Tòa Thánh Interdicasteriale Della Santa Sede, «In cammino per la cura della casa comune, a cinque anni dalla Laudato si’». Libreria Editrice Vaticana, 2020, được công bố 18/6/2020, Chương I, (từ trang 23 đến 114) đề cập đến giáo dục và hoán cải sinh thái (Educazione e Conversione Ecologica) có trình bày chi tiết và đưa ra một số chỉ dẫn thực hành việc giáo dục sinh thái trong những môi trường từ nhà trẻ, tiểu học, trung học, đại học cho đến những môi trường giáo dục không chính thức và văn hóa gặp gỡ, trong việc dạy giáo lý, giáo dục thường xuyên, trong những phương tiện truyền thông…
[57] Xem Laudato Si’ 213.
[58] Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, 19.3.2016, 277.
[59] Xem Laudato Si’ 213.
[60] Laudato Si’ 214
[61] Xem Laudato Si’ 213.
[62] Đỗ Lan Hiền, Tôn giáo học sinh thái – Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, tại lyluanchinhtri.vn
[63] Joshtrom Isaac Kureethadam, Ecological Education In Laudato Si’, trong Seminare, vol. 37, 2016, no. 4,pp. 83-96. Bản dịch việt ngữ của Phaolô Nguyễn Minh Chính, gpquinhon.org
[64] Các tham dự viên của khóa hội thảo này gồm 6 Giám mục, 26 Linh mục, 1 Tu sĩ và 8 giáo dân đến từ 10 quốc gia (Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam). Xem vietnamese.rvasia.org.
[65] Đỗ Lan Hiền, Tôn giáo học sinh thái – Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, tại lyluanchinhtri.vn, Tác giả đã trích dẫn Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng 0,70C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Dự báo, vào năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng thêm 30C, mực nước biển sẽ tăng thêm 1m. Khi đó, khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập, 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị mất trắng. Mỗi năm, rừng bị mất khoảng 200.000ha, trong đó 50.000ha do khai hoang để trồng trọt. Với tốc độ phá rừng như hiện nay, tính đến 2040, mỗi ngày sẽ có từ 20-70 loài động thực vật bị tuyệt chủng…
[66] Hđgmvn, Thư mục vụ 2015, Mở Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót, số 5.
[67] Xem Phương Liên, Tông thư về Bảo vệ môi trường “Laudato Si’” của Giáo hoàng Phanxicô tác động tới nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên hiện nay, btgcp.gov.vn.; Nguyễn Thị Thịnh, Tôn giáo trong việc giải quyết vấn đề môi trường sinh thái, Trong Hiệp Thông, bản tin của HĐGMVN Số 107 (tháng 7 & 8 năm 2018); hdgmvietnam.com
[68] Trong đó có nội dung hệ sinh thái, sinh thái nhân văn, xem data.moet.gov.vn
[69] Laudato Si’ 147.
[70] Laudato Si’ 8.
[71] Laudato Si’, 217
[72] Tài liệu này đã được Caritas Việt Nam chuyển ngữ từ FABC Laudato Si’ Week Booklet. Có thể download tài liệu này tại hdgmvietnam.com
[73] Tại Trung Quốc hiện nay đang hô hào cả nước hành động thông qua chiến dịch “vét sạch bát đĩa” vì lượng rác thải thực phẩm dư thừa quá phung phí. Theo một báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và khoa học địa lý, thuộc Học viện khoa học Trung Quốc, mỗi thực khách của ngành công nghiệp ăn uống đã lãng phí trung bình 11,7% bữa ăn của họ. Trong các cuộc tụ tập đông người, tỷ lệ này tăng lên con số 38%. Học sinh, sinh viên được cho là đã bỏ thừa 1/3 lượng thức ăn trong các bữa trưa ở trường, (báo cáo năm 2018)… các buổi họp mặt kinh doanh và tiệc tùng do các quan chức Trung Quốc tổ chức, sử dụng công quỹ, là nguyên nhân gây ra 80% lượng thực phẩm lãng phí trong các nhà hàng. “Mọi người đặc biệt hào phóng khi dùng công quỹ” soha.vn
[74] Metropolitan John Zizioulas, Laudato Si’ give Orthodox “great joy”. archivioradiovaticana.va
[75] Bill Mckibbenl, Pope Francis: The Cry of the Earth, New York Review of Books, NYDaily, nybooks.com.
[76] Dr. Johannes Wallacher, Các đề tài của Thông điệp Laudato Sí, Anrê Đoàn Văn Điểm chuyển ngữ từ nguồn www.hfpd.de. gpquinhon.org.
[77] Laudato Sí 243.
[78] Xem Vương Đình Khởi, “Một cố gắng đào sâu thông điệp của ĐGH Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”; simonhoadalat.com