Giáo hoàng Phanxicô chăm đàn chiên của mình

Cương vị giáo hoàng là một trong những khía cạnh lịch sử phức tạp và lôi cuốn nhất của Giáo hội Công giáo. Như một cây với nhiều nhánh, Giáo hội vươn mình ra suốt 2000 năm lịch sử Kitô giáo. Cội rễ Giáo hội còn xa xưa hơn, trở về tận lịch sử và truyền thống của dân tộc Do Thái.

Pope-Francis.jpg
Ảnh: AP Photo/Gregorio Borgia

 

Cùng lúc đó, cương vị giáo hoàng là một phần động năng sống động của đời sống Công giáo. Trong khi lịch sử và truyền thống của cương vị giáo hoàng có từ xa xưa và phức tạp, nhưng những truyền thống này đang sống trong con người trên ngai tòa Phêrô ngày hôm nay. Giáo hoàng, như các bậc tiền nhiệm, đã đem cá tính và thiên tư của mình đến với cương vị này, nhưng ngài tạo hình cho cương vị của mình, thì chính cương vị đó cũng tạo hình giáo hoàng.

 

Một trong các thiên tư cao nhất của giáo hoàng Phanxicô là căn chất của một mục tử tốt lành. Cá tính nồng hậu, sự ân cần với trẻ thơ, lòng cảm thương cho người đau khổ, và lo lắng cho những người túng quẫn, tất cả thể hiện một trái tim mục tử. Nhìn vào thiên tư mục tử của ngài, chúng ta sẽ thấy được sâu hơn nữa, nếu hiểu được những cội rễ lịch sử của vai trò mục tử trong giáo hội.

 

Từ ‘mục tử’ bắt nguồn từ gốc tiếng La Tinh, nghĩa là người chăn chiên. Giáo hoàng, người kế vị thánh Phêrô, nhận lấy nhiệm vụ là người chăn chiên trực tiếp từ chính Chúa Kitô. Chúa Giêsu nhận mình là Mục tử Nhân lành (Ga 10, 11) và hình ảnh Chúa Kitô mục tử vang vọng khắp tin mừng. Ngài là người đi ra vùng hoang địa để tìm cho được con chiên lạc (Lc 15) và nói rằng Ngài là cửa cho ràn chiên, cho chúng ta thấy được hình ảnh người mục tử ngủ ngay trước cửa chuồng chiên, nơi đàn chiên đi ra đi vào. Chúa Giêsu dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh tốt, nhưng Ngài còn là Mục tử Nhân ành sẽ phán định chiên và dê ngày tận thế. (Mt 25.)

 

Hình ảnh Mục tử Nhân Lành là một hình ảnh mạnh mẽ đối với các Kitô hữu Do Thái tiên khởi, bởi trong nền văn hóa nông nghiệp, thú nuôi là nguồn sống chính. Mọi người đều biết rằng một mục tử tốt là một người quản lý tốt, một nô bộc trung thành, một con người mạnh mẽ, và một lao động đáng tin cậy. Hình ảnh đầy biểu cảm của một người ân cần trông nom chiên con chỉ là một phần nhỏ của người mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành phải cho chiên vào khuôn khổ, ra đi tìm khi chiên đi lạc, giải cứu chiên, chữa các vết thương và chiên, và chiến đấu chống lại thú rừng để bảo vệ đàn chiên.

 

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu trao trách vụ Mục tử Nhân lành cho thánh Phêrô. Trong Ga 21, Chúa Giêsu hỏi Phêrô 3 lần, ‘Con có mến Thầy không,’ rồi nói ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy.’ Khi làm như thế, Chúa Kitô Mục tử Nhân lành ủy nhiệm trách vụ này cho thánh Phêrô, và suốt 2000 năm cho mục tử trưởng của giáo hội, là các giáo hoàng kế vị. Khi nhìn vào Giáo hoàng Phanxicô, một mục tử ân cần, tốt lành và dịu dàng, chúng ta thấy được trách vụ từ Chúa Giêsu Kitô đang sống động trong thế giới ngày nay.

 

Vai trò của Mục tử Nhân lành, còn hướng về xa hơn thời Chúa Giêsu Kitô và thánh Phêrô. Ý niệm về mục tử nhân lành vang vọng suốt Cựu Ước. Dân tộc du cư Do Thái là những mục tử nơi vùng hoang vu, rồi nơi đất hứa. Vua Đavid là một cậu bé mục tử, và các học giả tin rằng thánh vịnh 23 ‘Chúa là Mục tử tôi,’ chính do vua viết. Trong thánh vịnh này, lâ đầu tiên, hình ảnh mục tử được dùng để khắc họa Thiên Chúa. Ngài là Đấng sẽ dẫn dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh rì và dòng nước ngọt trong. Ngài là Đấng sẽ bảo vệ và dẫn đàn chiên tránh xa sự dữ. Ngài là Đấng dọn bàn tiệc cho chiên và xức dầu lên những thương tích của con chiên.

 

Người Do Thái biết rõ về việc canh giữ đàn chiên, và các kỹ năng cần có để làm người mục tử tốt, và điều này không chỉ là nguồn cho vua Đavid, nhưng còn cho các ngôn sứ Cựu Ước. Jeremiah nhìn nhận rằng các tư tế và vua Israel là những mục tử của dân, và được xức dầu tấn phong thiêng liêng. Micah nói lên khao khát của Chúa muốn quy tụ dân tản mác về, như người mục tử quy tụ đàn chiên của mình. Và Ezekiel dự báo chính Thiên Chúa sẽ là mục tử của dân tộc Israel. Do đó, khi Chúa Giêsu tuyên bố rằng ngài là ‘Mục tử Nhân lành’ thì những người lắng nghe Ngài, hiểu được Ngài đang thành toàn những lời ngôn sứ của Micah và Ezekiel.

 

Do đó, khi nhìn thấy Giáo hoàng Phanxicô ôm lấy những người nghèo, vươn ra với những người khuyết tật, chăm người bệnh, động viên người yếu đuối, và bảo vệ người vô lực, thì chúng ta không đơn giản là đang thấy một ông già ân cần trong chiếc áo chùng trắng đang cố tốt bụng với mọi người. Chúng ta đang thấy hình tượng lịch sử của Mục tử Nhân lành sống động trong thế giới ngày nay. Như Chúa đến với thế gian qua Chúa Giêsu Mục tử Nhân lành, thì thẩm quyền và thiên tư này cũng được ủy thác trong con người của giáo hoàng.

 

Cuối cùng, khi giáo hoàng thực thi vai trò mục tử nhân lành trong thế giới, ngài đang nhắc nhở các mục tử Kitô giáo thuộc mọi phái về vai trò của mình. Một trong những danh xưng của giáo hoàng là ‘Mục tử Trưởng’ và với giáo hoàng Phanxicô cũng vậy. Bằng lời nói và hành động, ngài đồng hưởng lời động viên của thánh Phêrô, giáo hoàng tiên khởi, ‘Tôi, một kẻ đồng hàng niên trưởng, một nhân chứng về những sự thống khổ của Ðức Kitô, và là kẻ sẽ được chung phần vinh quang hòng được mạc khải, tôi có lời khuyên này:   Hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa nơi anh em, [hãy coi sóc] không phải như thể miễn cưỡng, nhưng là sẵn lòng, thể theo ý Thiên Chúa, không hám trọc lợi, nhưng cách nhiệt thành. Ðừng như thể làm chúa trên phần cơ nghiệp đã lĩnh, nhưng là làm gương mẫu cho đàn chiên.  Và khi Ðấng chăn chiên tối cao tỏ hiện, anh em sẽ lĩnh triều thiên vinh quang bất diệt.’ (1Phr 5)

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 08.08.2015/ 
Aleteia – cha Dwight Longenecker – 06/8/15)