Nhiều người vẫn ngạc nhiên về tính “tiên tri” của Công đồng Vaticanô II (1960-1965). Gọi là tiên tri, vì Công đồng đã mở ra một chân trời mới để con thuyền Giáo hội vươn ra mọi ngóc ngách của đời sống. Đừng quên khi Công đồng diễn ra, khoa học kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo đang còn là một “em bé trong nôi”. Tuy nhiên, các nghị phụ phải chăng đã nhận thức rằng em bé này sẽ lớn lên và có thể tác động đến rất nhiều người. Bởi thế mà trong Hiến Chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes (GS), nhắc đến một cụm từ quan trọng: “Temporal things and their meaning in human life – những điều tạm thời và ý nghĩa của chúng trong đời sống con người” (GS số 76). Cụ thể, Công Đồng viết rằng: “Các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau, và chính Giáo hội cũng sử dụng các thực tại trần thế trong mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi” (GS số 76). Dĩ nhiên, Giáo hội không để các thực tại trần thế “dắt mũi”, nhưng luôn “chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là tiếp tục công trình của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không để luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ” (GS số 3). Do đó, Giáo hội luôn nhắc chúng ta điều này: “Trong hoạt động mục vụ, phải hiểu một cách đầy đủ và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học trần thế, nhất là khoa tâm lý và xã hội học, sao cho các tín hữu được hướng dẫn để có đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn” (GS số 62).
1. Vài nguyên tắc hành xử của Giáo hội
Trước khi bước vào các tài liệu cụ thể, chúng ta thấy một số nguyên tắc chính có thể hướng dẫn cách tiếp cận của Giáo hội đối với trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) vốn dựa trên cơ sở Kinh Thánh, giáo lý và đức tin. Chẳng hạn:
– Cởi mở với thế giới và các phát triển của nó
Giáo hội nhận thức được giá trị của “những điều tạm thời và ý nghĩa của chúng trong đời sống con người”, mà ta vừa nêu ở trên. Điều này cho thấy sứ mạng của Giáo hội là can đảm giúp đỡ mọi người trong các vấn đề trần thế. Trước sự phát triển của công nghệ như AI, Giáo hội cũng khôn ngoan sử dụng miễn là chúng phục vụ tôn trọng phẩm giá con người và đưa nhân loại gần với Thiên Chúa.
– Thánh hóa mọi lĩnh vực của đời sống con người
Nếu Giáo hội là bí tích, là Thân thể Chúa Kitô, thì Giáo hội cần “thánh hóa con người và biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống con người” (x. GS 32, LG 9). Có thể nói Giáo hội cũng quan tâm đến nhiều khía cạnh khác, trong đó có AI. Giáo hội muốn hiểu hơn sự hưởng của nó đối với đời sống đạo đức và thiêng liêng của con người.
– Hướng dẫn bởi luật của Chúa và theo đuổi sự thánh thiện
Giáo Hội luôn mời gọi con người nên thánh trong hoàn cảnh của mình. Lý do là trong Giáo Hội “không phải mọi người đều cùng đi một con đường, nhưng tất cả đều được mời gọi nên thánh” (LG 32). Nên thánh nghĩa là biết dùng những tài năng Chúa cho, những cơ hội Chúa gửi đến để thêm lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người hơn. Theo đó, Giáo Hội đã và đang đánh giá AI liệu nó có giúp đỡ hay cản trở con người sống theo luật của Chúa và phát triển trong sự thánh thiện hay không?
Theo Giáo hội, mọi phát minh và tiến bộ công nghệ đều cần phải phục vụ cho lợi ích chung của nhân loại. Hoặc nói như lời của Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước: “Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của Con tim”. Thực ra, Đức cha đã diễn giải lại sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Truyền thông Xã hội lần thứ 58, vốn đề cập trực tiếp đến “trí tuệ nhân tạo”. Do vậy, Giáo hội mong AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm và công bằng. Cụ thể là gì?
2. Quan điểm về trí tuệ nhân tạo trong vài tài liệu quan trọng
a) Thông điệp Laudato Si’ (Khen Ngợi Chúa)
Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không trực tiếp đề cập đến chủ đề trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu đặt AI vào hệ sinh thái toàn diện của đời sống môi trường hoặc con người, chúng ta sẽ tìm thấy trong Thông điệp này. Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhắc đến ba điểm quan trọng:
– Một nền sinh thái toàn diện
Thông điệp nhấn mạnh sự liên kết của tất cả các tạo vật, khẳng định rằng “mọi thứ đều liên quan” và “mọi thứ đều hài hòa”. Quan điểm toàn diện này cho thấy thông điệp sẽ xem xét các tiến bộ công nghệ, AI và công nghệ thông tin, qua lăng kính ảnh hưởng của chúng lên hệ sinh thái. Tiếc rằng: “Sự thực dụng công nghệ kỹ thuật hướng đến việc thống trị kinh tế và chính trị”. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, nếu AI mang lại ích lợi cho con người, thì AI cần “xuất phát từ sự tôn trọng con người như là điều xuất phát từ các lề luật nền tảng và bất biến, nhằm vào sự phát triển toàn diện” (Laudato Si’ 157).
– Chủ nghĩa tiêu dùng và nông cạn
Trong Thông điệp này đôi lần nhắc đến sự “tham lam hoặc chiếm hữu” vốn đi với chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại. Đây là hệ quả của “quan niệm công nghệ”; nghĩa là: “Những nguồn tài nguyên của trái đất là đối tượng khai thác dựa theo quan niệm của công nghệ và hoạt động thương mại và sản xuất, đưa đến kết quả ngay trước mắt. Việc mất mát rừng rậm và thảo mộc đồng thời đưa đến việc đánh mất các giống loài, trong tương lai có thể là những nguồn quan trọng nhất, không những để nuôi dưỡng, nhưng còn để chữa lành bệnh tật và còn cho nhiều phục vụ đa dạng khác. Nhiều giống loài chứa các gen, là những nguồn tài nguyên cho các phận vụ chủ yếu, có thể giải quyết nhu cầu của nhân loại trong tương lai hay giúp giải quyết một vần đế môi trường nào đó” (Laudato Si’ số 32).
– Hoán cải sinh thái
Thông điệp khẳng định tầm quan trọng của “cầu nguyện” – dành thời gian cho sự yên lặng, cầu nguyện, và phục hồi sự hòa hợp giữa “trí, tâm và tay”. Thông điệp ghi rõ: “Nếu thực sự các sa mạc bên ngoài gia tăng, chỉ vì sa mạc nội tâm cũng lớn dần thì cơn khủng hoảng môi trường là một lời kêu gọi sự sám hối nội tâm sâu thẳm” (Laudato Si’ 127). Điều này cho thấy Thông điệp sẽ có khả năng kêu gọi sự phát triển và sử dụng trách nhiệm AI cần dựa trên tinh thần cầu nguyện và có lòng thương xót đối với toàn bộ tạo vật.
b) Các bài phát biểu và thảo luận của Vatican về AI
Giáo hội Công giáo đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận và phát biểu về những hệ quả đạo đức của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dựa trên các tài liệu trong những hội thảo về chủ đề này, chúng ta có thể tóm tắt các điểm chính như sau:
– Suy ngẫm đạo đức về AI (serious ethical reflection)
Có lẽ đây là một trong những điểm quan trọng thường được bàn đến khi nó đến AI. Giáo hội nhận ra nhu cầu cấp thiết cho việc suy ngẫm đạo đức nghiêm túc về việc sử dụng và tích hợp các hệ thống AI trong đời sống hàng ngày. Không chỉ Giáo hội, xã hội cũng e ngại việc làm dụng AI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những thành viên dễ bị tổn thương và bị loại trừ nhất trong xã hội. Đây là những lời nhận định của Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher (ngài đã thăm Việt Nam trong tháng 4 vừa qua).
Cụ thể ít là hai lần Đức Tổng Giám mục đã đề cập đến AI với lời gọi cảnh giác: (1) “Thách thức quan trọng khác mà chúng ta đang đối diện, vốn là dải ngân hà kỹ thuật số (digital galaxy) đang mở rộng, cụ thể là trí tuệ nhân tạo”. Sự đổi mới kỹ thuật số chạm đến mọi khía cạnh của đời sống và cộng đồng chúng ta, từ chính phủ đến xã hội và cá nhân. (2) Càng khó để hiểu rõ đối tượng của AI, dự đoán các hậu quả nó. Sau đó ngài cho biết thêm: “Tòa Thánh ủng hộ việc thành lập một Tổ chức Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo, nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin khoa học và công nghệ một cách toàn diện nhất có thể cho các mục đích hòa bình và để thúc đẩy lợi ích chung và sự phát triển toàn diện của con người”.
– Đảm bảo sự giám sát của con người
Giáo hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự giám sát đầy đủ, có ý nghĩa và nhất quán của con người đối với các hệ thống vũ khí dựa trên AI và các ứng dụng quan trọng khác. Chỉ có con người mới thực sự có khả năng đánh giá tác động đạo đức và trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng những công nghệ như vậy. Công Nghệ hay AI cần hướng đến hòa bình. Trong đó, Richard Gallagher trích lại lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Để hòa bình trở thành hiện thực, chúng ta phải thoát khỏi lô-gic chấp nhận chiến tranh: nếu điều này có thể chấp nhận được trong quá khứ, khi các cuộc chiến có phạm vi hạn chế hơn, thì ngày nay, với vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường đã trở nên gần như không giới hạn, và các hậu quả có thể là thảm khốc”. Điều này cũng được nhắc đến trong thông điệp Laudato Si’ (xem số 57, 104).
– Thúc đẩy lợi ích chung
Sự phát triển của AI phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc thúc đẩy lợi ích chung và phát triển con người toàn diện. Tiến bộ công nghệ cần phụ thuộc vào sự liêm chính đạo đức của nó, thay vì dần dần thay thế con người. Theo đó, Paul Richard Gallagher trích lại lời của Đức Phanxicô để nhấn mạnh rằng: “Chúng ta chịu trách nhiệm về sự mong manh của người khác bằng cách tìm kiếm một số phận chung” (Fratelli tutti, 115).
– Tiêu chuẩn đạo đức cho AI
Đây vẫn còn là điểm khó phân định. Tuy nhiên, Giáo hội quay về cái gốc nhân phẩm bẩm sinh của mỗi người. Gốc thứ hai là tình huynh đệ liên kết, như một gia đình nhân loại. Hai chuẩn mực này phải là nguyên tắc chỉ đạo để đánh giá và sử dụng các công nghệ AI. Những tiêu chuẩn đạo đức này nên đảm bảo rằng tiến bộ kỹ thuật số diễn ra với sự tôn trọng công bằng và đóng góp vào nguyên nhân hòa bình. “Rome Call for AI Ethics” là bản văn mời gọi của Vatican để giúp hướng đến một nền đạo đức cho AI. Ở đây chúng ta có thể liệt kê vài lưu ý:
+ Minh bạch: về nguyên tắc, các hệ thống AI phải có thể giải thích;
+ Bao gồm: nhu cầu của tất cả con người phải được xem xét để mọi người có thể được hưởng lợi và tất cả cá nhân có thể được cung cấp điều kiện tốt nhất để bày tỏ bản thân và phát triển;
+ Trách nhiệm: những người thiết kế và triển khai sử dụng AI phải tiến hành có trách nhiệm và minh bạch;
+ Không thiên vị: không tạo ra hoặc hành động theo định kiến, do đó bảo vệ công bằng và phẩm giá con người;
+ Đáng tin cậy: các hệ thống AI phải có khả năng hoạt động một cách đáng tin cậy;
+ An ninh và quyền riêng tư: các hệ thống AI phải hoạt động an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.
Tạm kết
Tương lai của trí tuệ nhân tạo vừa hứa hẹn vừa rủi ro. Cần đề phòng vì thuật toán có thể thao túng người dùng. Máy móc có khả năng tự “học”, hoặc học sâu (deep learning). Tuy vậy, Giáo hội vẫn tích cực mở ngỏ cho AI. Miễn là AI hoặc các phát triển công nghệ dẫn đến cải thiện chất lượng cuộc sống cho toàn nhân loại. Ủng hộ AI miễn là AI đừng làm trầm trọng sự bất bình đẳng và xung đột, những điều không thể được coi là tiến bộ thực sự. Ngoài ra, nó phải được phát triển và sử dụng một cách tôn trọng phẩm giá con người, thúc đẩy lợi ích chung và đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ thực sự phục vụ sự phát triển toàn diện của cá nhân và cộng đồng, đóng góp vào nguyên nhân hòa bình. Hoặc nói như lời đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước: “Hy vọng rằng mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp theo ý Chúa, khi chúng ta biết nghe theo sự khôn ngoan của trái tim”.