Phỏng vấn ĐC Nunzio Galantino, tổng thư ký HĐGM Italia
Trong thời gian qua, ĐC Nunzio Galantino, Tổng thư ký HĐGM Italia, đã đại diện các GM Italia, viếng thăm người tỵ nạn kitô bên Giordania. Các anh chị em này đã trốn chạy quê hương Iraq của họ cách đây một năm, vì bị các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo bách hại. ĐC Galantino đã đem theo sứ điệp của ĐTC Phanxicô chào thăm người tỵ nạn và bầy tỏ sự gần gũi và tình liên đới của Giáo Hội hoàn vũ đối với họ.
Như đã biết, kể từ khi các lực lưọng thánh chiến của Nhà nước Hồi đánh chiếm thành phố Mossul, họ đã đưa ra ba giải pháp cho các kitô hữu: thứ nhất, là theo Hồi giáo; thứ hai, là phải trả thuế tôn giáo nếu muốn ở lại trong thành phố; thứ ba, là chết, hay ra đi. Và thế là chỉ trong vài ngày, đã có 120.000 kitô hữu bị đuổi ra khỏi gia cư, ra đi với hai bàn tay trắng và manh áo trên người. Họ đã phải bồng bế nhau đi bộ tới thành phố Erbil trong vùng Kurdistan, hay chạy trốn sang Giordania. Và từ một năm qua, họ sống kiếp tỵ nạn thiếu thốn mọi sự. Người lớn không có công ăn việc làm. Các trẻ em và người trẻ suốt ngày quanh quẩn lang thang trong trại tỵ nạn, không được học hành và cũng không có sinh hoạt nào cho các em. Sự kiện các lực lưọng Hồi cuồng tín ngày càng đánh chiếm nhiều thành phố, làng mạc và kiểm soát các vùng rộng lớn, khiến cho hy vọng hồi hương của người tỵ nạn ngày càng mỏng manh hơn. Sự tàn ác của các dân quân Hồi sát hại chặt đầu tất cả những ai không theo họ, gây kinh hoàng cho các kitô hữu và cả những người Hồi thuộc các hệ phái khác như người Hồi Yazidi cũng bị bách hại và phải trốn chạy như các kitô hữu. Mặc dù Tòa Thánh và nhiều HĐGM trên thế giới đã không ngừng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các chính quyền giúp tìm giải pháp cho vấn đề Trung Đông, người ta đang chứng kiến sự bất lực và thờ ơ của thế giới trước tình hình chiến tranh và bạo lực gia tăng trong vùng.
Sau đây là bài phỏng vấn ĐC dành cho nữ phóng viên Antonella Palermo của chương trình Ý ngữ đài Vatican hôm mùng 10 tháng 8 vừa qua về chuyến viếng thăm người tỵ nạn mới đây của ĐC.
Hỏi: Thưa ĐC, tình hình của các anh chị em kitô Iraq tỵ nạn hiện ra sao?
Đáp:
Giáo Hội tại Kurdisstan bên Iraq đang tiếp đón các anh chị em kitô tỵ nạn tại thành phố Erbil ở miền bắc Iraq. Trong khi Giáo Hội bên Giordania thì tiếp đón các kitô hữu trong các trại tỵ nạn ngoài thủ đô Amman. Cả hai Giáo Hội đều cảm thấy sự gần gữi và tình liên đới của Giáo Hội Italia, qua sự chú ý, lời cầu nguyện, sự hiện diện, và nhất là qua các phẩm vật cụ thể, mà Giáo Hội Italia gửi tới cho hai Giáo Hội Iraq và Giordania. Tiền và phẩm vật đã được trích từ quỹ 8 phần ngàn của Giáo Hội Italia. Như quý vị biết đó, một phần khá lớn ngân khoản trích từ quỹ này được dành cho các cuộc cứu trợ cấp bách, nhưng cũng để tài trợ cho việc thăng tiến và hoạt động bác ái dài hạn. Để biểu lộ sự gần gũi của Giáo Hội Italia đối với Giáo Hội Iraq và Giáo Hội Giordania, HĐGM Italia đã cử tôi qua viếng thăm các người tỵ nạn. Tôi đã tham dự các buổi cử hành phụng vụ cùng với tất cả các Thượng Phụ, cũng như đại diện các Giáo Hội Kitô khác và 3.000 tín hữu tỵ nạn, để lắng nghe Lời Chúa và bầy tỏ lòng biết ơn ĐTC đã nghĩ tới họ và gửi sứ điệp khích lệ họ.
Hỏi: ĐC đã cảm thấy các xúc động nào, khi gần gũi các người tỵ nạn và chứng kiến tình cảnh sống khó khăn của họ?
Đáp:
Tôi đã không ra đi với thái độ của người cho, nhưng với thái độ của người nhận. Tôi đã đến để nói lên lời cám ơn các anh chị em kitô này, nhân danh chính mình và nhân danh tất cả mọi người, cám ơn các người nam nữ, người trẻ, rất nhiều người trẻ, là những người để không phản bội Chúa Kitô. Để không phản bội Tin Mừng, đã từ bỏ tất cả, thật sự từ bỏ tất cả để sống đời tỵ nạn. Tôi đã đến để nói lên lời cám ơn họ: Cám ơn chứng tá của anh chị em, cám ơn bởi vì anh chị em đã làm cho tôi hiểu vài câu trong Phúc Âm, khi nói về những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Những lời này tôi đã nghe từ miệng của một người cha gia đình nói với tôi: “Chúng con đã bỏ tất cả để không phản bội Chúa Giêsu”. Và tôi nghĩ trong trí, có biết bao nhiêu lần kiểu diễn tả này bị tầm thường hóa; biết bao nhiêu lần chúng ta nói chúng ta đã bỏ mọi sự để làm linh mục, tu sĩ, để theo đuổi một ơn gọi đặc biệt, nhưng rồi từ từ, từng chút một, chúng ta lấy lại tất cả những gì chúng ta đã cho. Vì vậy trước tiên, tôi đến để nói lên lời cám ơn, cám ơn vì chứng tá nghiêm chỉnh, sâu xa và đau khổ này mà các anh chị em tỵ nạn đã cho chúng tôi. Thế rồi chắc chắn là tôi bị đánh động bởi sự nghiêm chỉnh của Giáo Hội bên Giordania trong việc sống lời mời gọi của Tin Mừng, tiếp đón các người di cư tỵ nạn, tiếp đón các anh chị em bị bách hại. Trong trường hợp này cũng như hồi năm ngoái, khi tôi tới thăm Erbil trong vùng Kurdistan, tôi đã chứng kiến các nỗ lực tiếp đón của các Giáo Hội địa phương với sự yểm trợ của các Giáo Hội khác. Ở đây, quý vị hãy coi, họ là những người bị bách hại. Hôm kia tôi đã tới thăm một trung tâm của tổ chức Caritas và lắng nghe chứng từ của một người cha với ba con gái bé. Ông đã phải bỏ mọi sự, nhưng nhất là đã phải nhìn thấy cảnh một dân quân Nhà nước Hồi giáo IS chĩa súng vào thái dương của một trong ba đứa con. Rất may là sau đó cô bé đã được tha, không bị giết, nhưng cảnh tượng này đã khiến cho người cha bị khủng hoảng tinh thần, cho tới nay vẫn chưa hoàn hồn.
Hỏi: Nước Giordania phản ứng ra sao trước làn sóng di cư ty nạn ồ ạt này, thưa Đức Cha?
Đáp:
Cả ở đây nữa, tôi nghĩ rằng người Italia chúng ta phải học phân biệt hơn một chút việc nhận thức từ thực tại. Tôi muốn nói cái gì? Chúng ta nghe nói và nghe người ta nói tới việc không thể chịu đựng nổi con số các người xin tỵ nạn. Quý vị hãy xem, theo tôi, đó là thái độ đến từ vài chính trị gia “khuấy động quảng trường” rẻ tiền để kiếm phiếu, bòn mót phiếu, họ nói những điều nhạt nhẽo một cách ngoại thường! Tôi hiểu, tôi biết. Tôi biết rằng việc tiếp đón người di cư tỵ nạn là vất vả. Tôi biết rằng thật là khó mở cửa nhà mình, mở con tim mình, mở các thực tại của mình cho việc tiếp đón. Nước Giordania có khoảng 6 triệu dân, và quý vị có biết là ở bên đó có tới 2,5 triệu người tỵ nạn được tiếp đón không? Vì vậy tôi nghĩ rằng điều phân biệt nước Giordania, vùng Kurdistan bên Iraq và các vùng khác đang tiếp đón người tỵ nạn trong lúc này bởi Italia, từ chúng ta, đó là điều này: không phải họ có nhiều phương tiện hơn chúng ta, nhưng chắc chắn là họ có cùng một con tim, một con tim lớn hơn một chút, chắc chắn là họ muốn để cuộc sống của họ cận kề với cuộc sống của các anh chị em tỵ nạn này. Và nhất là – tôi xin lập lại – rất tiếc chúng ta thiếu sự chú ý này, chú ý tới các anh chị em bị bách hại, các kitô hữu và các người Yazidi, các nhóm thiểu số, là những người đã làm nên lịch sử của vùng Trung Đông,
Hỏi: Thưa ĐC, ĐC có thể cho biết về sự kiện nhiều người di cư tỵ nạn Iraq trở lại trường học hay không?
Đáp:
Vâng, đây đã là một lựa chọn chính xác mà HĐGM Italia đã làm bằng cách tiếp nhận một lời xin được đưa ra trong các ngày này. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã không mất nhiều thời giờ. Chúng tôi đã quyết định trong vòng 24 giờ đồng hồ nhờ sự mau mắn, sự chú ý và nhậy cảm của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia. Tôi nhớ là đã điện thoại cho ngài trong khi tôi ở Tòa Sứ Thần họp với các vị hữu trách của tổ chức Caritas, cứu xét xem cần phải làm gì một cách cụ thể để tái trao ban hy vọng cho các anh chị em tỵ nạn trong thời điểm đặc biệt này. Tôi đã điện thoại cho ĐHY Chủ tịch và ngài đã không nghi ngờ gì nên nói “Đuợc, chúng ta nói chuyện ngay lập tức và khi có th, ĐC có thể loan báo điều này”. Và chiều hôm trước trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện với 3.000 người tỵ nạn, tôi đã muốn cho thấy sự hứng khởi và niềm vui của họ. Quý vị biết tại sao không? Bởi vì quý vị biết đó, các trẻ em này, các thanh thiếu niên và các người trẻ này, từ một năm nay đã không được đi học, chúng phải ở đó, bị đóng kín trong các trại tỵ nạn, tù túng trong 2-3 mét vuông dành cho cả gia đình chúng. Vì thế, quý vị có thể hiểu nỗi âu lo, tâm tình bị tước đoạt mà chúng cảm nhận đuợc và không có khả thể nhìn về tương lai. Nhưng Giáo Hội Italia đã thành công trong việc trợ giúp, qua ngân quỹ tám phần nghìn. Do đó, như tôi đã nói ngay từ đầu, đây không phải chỉ là các Giám Mục, hay không phải chỉ có các Giám Mục, mà là tất cả những ai đã ký dành tám phần nghìn lợi tức của họ cho Giáo Hội Công Giáo Italia. Chiều hôm trước, tất cả đã cũng hiện diện với tôi để nhìn vào các gia đình người tỵ nạn, để nhìn vào mặt của các trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ, và trợ giúp họ. Tôi nhớ có một thiếu nữ đã khóc vì phải qua hai bài thi nữa để có thể đậu tiến sĩ, nhưng đã phải bỏ dở tất cả… Buổi chiều hôm đó cùng với tôi, đã có tất cả quý vị, đã có tất cả những người đã ký giấy dâng cúng tám phần ngàn lợi tức của họ cho Giáo Hội để Giáo Hội Italia có thể trợ giúp các anh chị em khốn khổ hơn, và để nói rằng: “Chúng tôi gần gũi anh chị em”. Từ ngày mùng 1 tháng 9 tới đây, 1.400 trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ sẽ trở lại trường học của Toà Thượng Phụ, trong các trường công của nhà nước Giordania. Để trả lương cho các giáo chức và thuê các cơ cấu làm trường học, Giáo Hội Italia sẽ trích ngân khoản từ quỹ Tám Phần Nghìn của mình. (RG 10-8-2015)
(Vatican 26.8.2015)
Linh Tiến Khải