Giáo Hội Philippines yêu cầu chính quyền thay đổi chiến thuật chống ma túy bằng cách giúp phục hồi và hội nhập người nghiện ma túy vào xã hội, thay vì tàn sát họ.
Các nữ tu Philippines tham gia vào chương trình chữa
lành thương tích xã hội (AFP or licensors)
Kể từ khi tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền cho tới nay, đã có 4.500 người bị tình nghi là nghiện ma túy bị giết. Nhưng có tới 23.500 người khác cũng bị tàn sát bởi các lực lượng an ninh cảnh sát Philippines. Đa số các người nghiện ma túy nghèo không có tiền để theo các chương trình cai nghiện tư.
Tuy nhiên, vào năm 2016 cha Luciano Airel Felloni, người Argentina, làm việc truyền giáo tại Philippines từ 20 năm qua, đã bắt đầu một chương trình giúp hồi phục người nghiện ma túy và trao ban lại cho họ một cuộc sống xứng đáng. Cha đã bắt đầu công tác này trong giáo xứ của cha thuộc giáo phận Novaliches gần Manila.
Nhận thấy số người nghiện ma túy bị giết lên cao trong giáo xứ, cha bắt đầu làm việc với giới lãnh đạo dân sự và phát động chương trình phục hồi lưu động ngay trong giáo xứ. Ban đầu chính các người nghiện ma túy cũng nghi ngờ khả năng và thiện chí của cha. Nhưng dần dần số người ghi danh tham dự lên tới 40 và sau khi đạt kết quả tốt, mọi người đều nhận ra sự thành công của cha.
Hiện nay nhiều linh mục tu sĩ trên khắp nước theo gương cha Felloni, đề ra các chương trình cai ma túy và giúp phục hồi các nạn nhân. Và hiện có cả một phong trào giúp phục hồi người nghiện ma túy và hội nhập họ vào xã hội, do nhiều giáo xứ, hiệp hội và tổ chức của Giáo Hội đảm trách. Các Giám Mục Phhilippines cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này và khẳng định rằng con đường đúng đắn nhất để chống nạn nghiện ngập ma túy không phải là giết họ nhưng là giúp họ phục hồi và tái hội nhập họ vào xã hội.
Linh Tiến Khải
(VaticanNews 13.08.2018)