Giáo hội trở nên hiệp hành, phần 1: Lumen Gentium và chiếc kim tự tháp ngược

Đức Hồng y Michael Czerny SJ viết: “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến cách thế mà ‘tính hiệp hành’ đặt nền tảng, định hình và trao năng lực cho đời sống Giáo hội lẫn việc làm chứng và phục vụ, là điều mà Giáo hội được kêu gọi để thực thi cho gia đình nhân loại” – tuy nhiên đâu là ý nghĩa thật sự của thuật ngữ này? Trong phần đầu tiên của một diễn giải phong phú về Giáo hội hiệp hành, Đức Hồng y khám phá những cội rễ của tính hiệp hành nơi Công đồng Vatican II, và phương thế theo đó nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả những ai đã chịu phép rửa vào trong đời sống Giáo hội.

Khi thuật ngữ “tính hiệp hành” được áp dụng cho Giáo hội, nó không có mục tiêu định danh cho một tiến trình ra quyết định đơn thuần. Nó không liên hệ đến việc hợp tác ra quyết định nhằm duyệt xét lại các khả năng, đưa ra các lựa chọn, phân chia các trách nhiệm và tiến hành các chương trình. Đúng hơn, tính hiệp hành diễn tả đặc tính nền tảng về căn tính của Giáo hội: về chiều kích cộng đồng mang tính thiết yếu cũng như sứ vụ loan báo tin mừng từ trong bản chất của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Khi biểu thị sự hiệp thông bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo hội trình bày và hiện thực hóa chính mình qua việc quy tụ như là “Dân Thiên Chúa”, là những người bước đi cùng nhau. Chúng ta có thể nói rằng tính hiệp hành là mô mẫu để cho ơn gọi nguyên thủy và sứ vụ nội tại của Giáo hội được lịch sử hóa: quy tụ mọi dân nước, thuộc mọi thời đại, và đưa họ dự phần vào niềm vui và ơn cứu độ của Đức Kitô.

Vào một vài dịp, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến cách thế mà tính hiệp hành đặt nền tảng, định hình và trao năng lực cho đời sống Giáo hội lẫn việc làm chứng và phục vụ, là điều mà Giáo hội được kêu gọi để thực thi cho gia đình nhân loại:

Bước đi cùng nhau là cách thế cấu thành nên Giáo hội; là hình thái cho phép chúng ta hiểu được thực tại với đôi mắt và con tim của Thiên Chúa; là điều kiện cho việc bước theo Chúa Giêsu và trở nên những người phục vụ sự sống trong thời đại bị thương tổn này. Hơi thở và nhịp bước của Hội nghị cho thấy được điều chúng ta là, và năng động tính của mối hiệp thông sẽ làm cho những quyết định của chúng ta nên sống động.

Tính hiệp hành – “phương thế”, “con đường”, “hơi thở”, “điều kiện”, “chìa khóa” cho đời sống trong đức tin – là kiểu thức sống và hoạt động [modus vivendi et operandi] qua đó Giáo hội chuẩn bị cho tất cả thành viên cùng chia sẻ trách nhiệm, phát triển các đặc sủng và thừa tác vụ của họ, tăng cường những ràng buộc giữa họ bằng tình yêu huynh đệ.

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, việc cải cách Giáo hội bắt đầu từ bên trong, nghĩa là, dựa theo một tiến trình tâm linh để thay đổi các hình thái và canh tân các cấu trúc. Dựa vào di sản của linh đạo Ignatiô, Đức Phanxiô nhấn mạnh mối liên kết mật thiết giữa kinh nghiệm nội tâm, tức ngôn ngữ của đức tin và việc cải tổ các cơ cấu. Bởi vậy, việc phát khởi các tiến trình biến đổi là một hành động triệt để về quản trị để đưa ra một đảm bảo thực tế nhất giúp cho Giáo hội về mặt cơ cấu tổ chức có thể bắt đầu và theo đuổi thành công con đường cùng bước theo Đức Giêsu, tức một con đường mang tính hiệp hành. Đây là điều cần thấu triệt: Thần Khí không những muốn chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn mà còn trợ giúp chúng ta làm điều này thông qua tiến trình hiệp hành.

Thuật ngữ “hiệp hành” vắng mặt trong các văn kiện của Công đồng Vatican II. Tại sao? Hạn từ này là một tân học thuyết, là hoa quả của suy tư thần học hậu Công đồng. Tuy nhiên, nó chuyển đạt và tóm gọn một cách chân xác khoa giáo hội học về sự hiệp thông được Công đồng trình bày. Trong thực tế, Giáo hội của những thế kỷ đầu thường phải đối mặt với những vấn đề quan trọng, trong tư cách là một cộng đoàn, Giáo hội giải quyết chúng bằng cách lắng nghe Thần Khí.

Vì lẽ đó, bước đầu tiên để hiểu được vị thế của tính hiệp hành là tìm lại những điển hình của giáo huấn công đồng về Giáo hội. Điều này sẽ cho thấy cách mà tính hiệp hành thể hiện việc trở về nguồn, một sự quay trở lại những nguồn cội, tức hình thái quản trị hiện diện trong Giáo hội từ thuở phát sinh.

Giáo hội học theo Lumen Gentium: tiền đề cho tính hiệp hành

Trước Công đồng, người ta thiên về mô hình mang tính xã hội của giáo hội học, xem Giáo hội là một xã hội hoàn hảo [societas perfecta]. Công đồng lại quay về với các phạm trù của Kinh thánh và Giáo phụ. Trong Hiến chế Lumen Gentium [Ánh sáng muôn dân] (LG), chúng ta nhận ra những tiền đề thần học đặt nền tảng cho việc hình thành khái niệm tính hiệp hành hậu công đồng. Giáo hội hoàn vũ được trình bày như là “bí tích” (LG, số 1) và là “Dân Thiên Chúa” (LG, số 4).

Theo chiều hướng này, một trong những khía cạnh mang tính đổi mới hơn hết của Lumen Gentium là khôi phục lại học thuyết về “chức tư tế cộng đồng của các tín hữu” (LG, số 10), theo đó người giáo dân một lần nữa được nhìn nhận là trung tâm của đời sống Giáo hội. Nhờ phép rửa, mọi thành viên của Giáo hội được trao “phẩm giá làm con cái Thiên Chúa” và sự tham dự tích cực vào sứ vụ của Giáo hội là điều cần thiết và bắt buộc. Với những khẳng định này, Công đồng triệt để chấm dứt thông lệ đã có hàng thế kỷ, là điều đưa đến một sự phân biệt cứ  sự [de facto] giữa hàng giáo phẩm có vai trò giáo huấn và hàng giáo dân có vai trò thụ giáo. Nhiều giáo dân hiện nay cảm thấy bị thôi thúc để suy nghĩ về ơn gọi của mình theo một cách thế hoàn toàn mới.

Được ban phẩm giá làm con cái cùng với ân huệ và trách nhiệm đối với việc loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo, người giáo dân được kêu gọi để tham dự vào việc quản trị của Giáo hội tùy theo bổn phận, vai trò và phạm vi hoạt động của chính họ. Thần Khí ban phát các đặc sủng và hồng ân đặc biệt, làm cho họ “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân và xây dựng Giáo hội” (LG, số 12). Trong thực tế, họ được “cho phép và đôi khi còn có bổn phận bày tỏ những ý kiến của mình về những điều liên quan đến lợi ích của Giáo hội” (LG, số 37).

Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất để đưa mọi thành phần của Giáo hội, với những ơn gọi, sứ vụ và thừa tác vụ khác nhau, qui tụ lại cùng nhau trong một chủ thể năng động duy nhất. Bởi nhiều hạt lúa trở nên một tấm bánh, Bí tích Thánh thể là “cội nguồn và chóp đỉnh” của cộng đoàn đức tin (LG, số 11; Sacrosanctum Concilium [SC], số 10). Vì lẽ đó, Công đồng Vatican II chỉ ra cội nguồn nguyên thủy để từ đó Giáo hội “chúng ta” nảy sinh và tuôn tràn, nhờ hoạt động của Thần Khí, Đấng tác sinh Giáo hội thông qua tích sủng, đặc biệt vào thời điểm cử hành của cộng đoàn Thánh Thể.

Có hai chi tiết sáng tỏ hơn cho phép chúng ta nắm bắt được ý nghĩa cách mạng của Lumen Gentium dẫn tới cách hiểu mang tính hệ luận xem tính hiệp hành như là “phong cách” của Giáo hội, một phong cách dành riêng cho Giáo hội của Đức Giêsu Kitô.

Điều đầu tiên liên hệ đến cảm thức đức tin [sensus fidei] của Dân Thiên Chúa (LG, số 12), nghĩa là một bản năng siêu nhiên về chân lý, điều tự tỏ lộ nơi toàn thể tín hữu và cho phép họ tự phán đoán tính xác thực đối với một đạo lý đức tin cũng như đồng qui trong việc tuân giữ hay biểu lộ nó trong thực hành Kitô giáo. Bởi vì sự đồng qui này (consensus fidelium [sự đồng thuận của các tín hữu]) cấu thành một tiêu chuẩn không thể thiếu của sự phân định đối với đời sống của Giáo hội, nó được xem là một nguồn lực vững chắc và quan trọng cho sứ mạng loan báo tin mừng của Giáo hội.

Yếu tố sáng tỏ thứ hai liên quan đến “tính cách bí tích của chức giám mục” (LG, số 21). Công đồng dạy rằng, cùng với việc được tấn phong giám mục, các ngài lãnh nhận sự trọn vẹn của bí tích Truyền chức; các nhiệm vụ thánh hóa, giảng dạy và quản trị (tính duy nhất của thánh quyền [potestas sacra]) cũng được trao ban. Tuy nhiên, tự chính bản chất, chúng chỉ có thể được thi hành trong sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và với các thành viên của Giám mục đoàn. Bởi đặc tính tập đoàn của hàng giám mục, sự hiệp nhất của các giám mục thiết lập nên một thực tại phổ quát, được xếp trước cả tác vụ [diakonia] dành cho các Giáo hội riêng lẻ – thực tế một giám mục là vị mục tử một giáo phận cụ thể.

Quyền bính tối cao của tập đoàn đối với toàn thể Giáo hội có thể được thực thi bởi các giám mục, cùng với Đức Giáo hoàng, cả trong hình thức trọng thể của một công đồng chung hoặc trong những hoạt động với các bối cảnh trải rộng khắp thế giới.

Tính hiệp hành và tính tập đoàn trong Giáo hội: chiếc kim tự tháp ngược

Ý thức mới mẽ của Giáo hội về tính bí tích của chức giám mục và tính tập đoàn vạch ra một tiền đề thần học nền tảng cho việc giải thích đầy đủ về tính hiệp hành dưới khía cạnh thần học. Thực vậy, có thể thấy khái niệm tính hiệp hành rộng hơn khái niệm tính tập đoàn: trong khi hiệp hành hàm ý về sự tham dự và dấn thân của toàn thể Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội, thì tập đoàn tính quy chiếu đến một thể thức đặc thù được xác định bởi sự thi hành tác vụ giám mục cùng với và dưới quyền thánh Phêrô [cum et sub Petro]

Tác vụ giám mục kết hợp cả chiều kích đặc thù – trong liên hệ với đoàn dân quy tụ tại một Giáo hội địa phương, lẫn chiều kích phổ quát – tức việc thi hành tác vụ trong sự hiệp thông với các giám mục khác và với Đức Giáo hoàng. Do vậy, bất kỳ biểu hiện nào của tính hiệp hành, để mang lại hiệu quả, đều đòi hỏi việc thực thi tác vụ theo tính cách tập đoàn của các giám mục.

Khi khai triển những hàm ý của mối tương quan loại suy giữa mầu nhiệm Ba Ngôi nội tại và mô thức Giáo hội [forma ecclesiae], được đề ra trong phần mở đầu của Lumen Gentium, thần học hậu công đồng nhấn mạnh đến cách thế mà thể thức tình yêu-Ba Ngôi điều chỉnh đời sống của Giáo hội. Tương quan năng động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nơi Thiên Chúa Ba Ngôi – perichoresis (Hy Lạp) hay circumincessio (Latinh) – được phản chiếu và biểu hiện trong cấu trúc và sức sống của Giáo hội, giúp Giáo hội làm sáng tỏ sự hiệp thông thiết yếu của mình qua “năng động tương tại”, điều cũng được gọi là “tính hiệp hành”.

Đức Phanxicô sử dụng thuật ngữ “synod-synodality” theo nghĩa rộng, tức biến chính thống thần học thành chính hành mục vụ. “Synod” không chỉ quy chiếu đến một cơ cấu thuộc Giáo hội được lãnh đạo bởi sự điều hành của tập đoàn [giám mục] nói riêng, nhưng còn là một hình thái hữu hình của sự hiệp thông, là con đường mang tính huynh đệ của Giáo hội, nơi mà tất cả những ai chịu phép rửa đều tham dự và đóng góp trong tư cách cá nhân theo cách thế của riêng mỗi người. Trong nỗ lực hướng tới sự phổ quát, một khi muốn bảo vệ sự đa dạng của các bản sắc văn hóa, xem chúng như một giá trị không thể thiếu, Giáo hội không thể không thừa nhận tính hiệp hành như mối liên kết hoặc trung gian giữa tính duy nhất của thân thể và tính đa dạng của các thành viên.

Kế tục quan điểm giáo hội học của Vatican II và tiếp bước giáo huấn của Lumen Gentium, Đức Giáo hoàng Phanxicô xác nhận rằng “con đường hiệp hành này” chính xác là con đường mà “Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của ngàn năm thứ ba”. Ngài nhấn mạnh rằng tính hiệp hành “mang lại cho chúng ta khuôn khổ diễn giải phù hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật” và phác họa về hình ảnh của một Giáo hội – giống như “một chiếc kim tự tháp ngược” có đỉnh nằm dưới chân đế – kết hợp hài hòa mọi thành phần thuộc về mình: Dân Thiên Chúa, tập đoàn giám mục, Đấng kế vị Phêrô.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium [Niềm vui Tin mừng] (EG), Đức Phanxicô đưa ra một lực đẩy mới cho giáo thuyết về cảm thức đức tin của các tín hữu [sensus fidei fidelium] (EG, số 119), vạch rõ rằng con đường của tính hiệp hành chính là tiền đề bắt buộc để tuôn đổ cho Giáo hội một động lực truyền giáo mới mẽ: mọi thành viên Giáo hội là những chủ thể tích cực cho công cuộc Phúc âm hóa và là “những môn đệ truyền giáo” (EG, số 120).

Giáo dân đại diện cho đại đa số Dân Thiên Chúa, và có thật nhiều bài học rút ra từ sự tham dự của họ với những cách biểu hiện khác nhau trong cộng đoàn Giáo hội: lòng đạo đức bình dân, sự dấn thân vào việc chăm sóc mục vụ thông thường, năng lực hoạt động trong những lãnh vực khác nhau của đời sống văn hóa và xã hội (EG, số 126). Và nếu địa vị và kinh nghiệm của đời sống giáo sĩ tạo ra những thành kiến vô thức nhất định, chúng ta có thể đặt hy vọng vào một giáo dân nhiệt tâm đóng vai trò một nhà quan sát ân cần và từ ái, người sẽ giúp cho mọi người ý thức về họ. Khi được hỏi về vai trò của hàng giáo dân, thánh John Henry Newman trả lời rằng: “Giáo hội sẽ trông thật ngớ ngẩn nếu thiếu vắng họ”.

Như thế, cần phải khắc phục những trở ngại đến từ việc thiếu sót trong khâu đào tạo và những ảnh hưởng xấu bởi não trạng giáo sĩ khiến các tín hữu giáo dân bị đẩy xuống vai trò thứ yếu, bằng cách mở ra những không gian nơi các giáo dân có thể phát biểu ý kiến của chính mình và chia sẻ kinh nghiệm dồi dào của họ trong tư cách là những môn đệ của Chúa (EG, số 102).

Tính đồng trách nhiệm của toàn thể Dân Thiên Chúa đối với sứ vụ của Giáo hội đòi hỏi việc bắt đầu các tiến trình thỉnh ý, trong đó, giới giáo dân tham gia và phát biểu một cách tích cực hơn. Đây không phải là vấn đề thành lập một kiểu “nghị viện giáo dân”, bởi vì thẩm quyền của tập đoàn giám mục không dựa vào việc các tín hữu ủy nhiệm qua một tiến trình bầu chọn; nhưng đúng hơn, thẩm quyền ấy xuất hiện như một đặc sủng riêng mà Thần Khí ban cho thân thể Giáo hội. Điều này có nghĩa là cần tận dụng mọi nguồn lực và cơ cấu mà Giáo hội nắm giữ.

Từ viễn tượng này, vào này 15/9/2018, bằng Tông hiến Episcopalis Communio [Tình hiệp thông Giám mục] (EC), Đức Thánh cha đã đưa ra tất cả các bước đặc thù hướng đến con đường mang tính quy chuẩn về một “Giáo hội hiệp hành từ nền tảng”. Ở đây, so với Vatican II, Tông hiến thể hiện một sự tiến triển được Thần Khí dẫn dắt: trong khi chúng ta tri ân Công đồng vì việc khôi phục lại các chủ thể của Giáo hội và bản chất thừa tác vụ của họ, thì văn kiện này đưa những lý luận mang tính lý thuyết trở thành thực tiễn Giáo hội. Viên đá đỉnh vòm là sự lắng nghe: mọi thực hành về tính hiệp hành “bắt đầu bằng việc lắng nghe Dân Thiên Chúa”, “tiếp tục bằng việc lắng nghe các Mục tử” và “đạt tột đỉnh với việc lắng nghe Giám mục Rôma, Đấng được kêu gọi để phát ngôn trong tư cách là “mục tử và thầy dạy của tất cả các Kitô hữu”.

Vì tính tập đoàn nhắm đến việc phục vụ cho tính hiệp hành, Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rằng “Thượng Hội đồng Giám mục phải càng trở nên phương tiện ưu tiên cho việc lắng nghe Dân Thiên Chúa… Dù về mặt cấu trúc, được định hình chủ yếu như một giám mục đoàn, điều này không có nghĩa rằng Thượng Hội đồng tồn tại tách biệt với các tín hữu còn lại. Ngược lại, đó chính là phương tiện thích hợp để đón nhận tiếng nói của toàn thể Dân Thiên Chúa” (EC, số 6). Bởi vậy, điều “tối quan trọng” trong việc chuẩn bị cho các Thượng Hội đồng là “việc thỉnh ý ở tất cả các Giáo hội địa phương cần được đặc biệt chú ý” (EC, số 7).

Việc thỉnh ý các tín hữu phải tuân theo “sự biện phân thuộc về các Giám mục”. Lưu tâm đến cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa, các ngài phải có khả năng nhận thức những dấu chỉ của Thần Khí và phân biệt chúng “khỏi những luồng dư luận mau qua chóng đổi” (EC, số 7).

Diễn trình này là một sự biện phân cộng đồng, một thực hành mà Đức Giáo hoàng Phanxicô rất thân thuộc và thường xuyên đề cập đến, được rút tỉa từ linh đạo Ignatiô của chính Ngài: việc chú tâm đến thánh ý Thiên Chúa trong lịch sử, trong đời sống, không là chuyện của một cá nhân nhưng của toàn thể dân Thiên Chúa. Mặc dù diễn ra bên trong trái tim, trong nội tâm, thứ nguyên liệu thô dành cho việc biện phân luôn luôn là thực tại, một thực tại vang vọng và dội lại nơi địa hạt tinh thần. Đó là một thái độ nội tâm thúc đẩy chúng ta mở lòng ra để đối thoại, để gặp gỡ, để tìm kiếm Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào Người có thể được tìm thấy, chứ không chỉ trong phạm vi của những tham chiếu được sắp đặt từ trước, xác định rõ ràng và khép kín (EG, số 231-233).

Episcopalis Communio  đặt ra kế hoạch thực hiện tính hiệp hành theo ba giai đoạn: chuẩn bị, thảo luận và thực thi; và mỗi Thượng Hội đồng trong triều đại giáo hoàng hiện tại – về gia đình (2014, 2015), về giới trẻ (2018), về Amazon (2019) – ngày càng hướng tới việc thực hiện những điều đó. Chính Đức Thánh cha nhận định rằng “Các thượng hội đồng được tổ chức hai hoặc ba năm một lần tại Rôma mang tính năng động và tự do hơn khi dành nhiều thời gian cho việc thảo luận và lắng nghe thật sự”.

Đối với Thượng Hội đồng tiếp theo vào tháng 10/2022, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Đức Hồng y Michael Czerny SJ là Phó Tổng thư ký phụ trách Phân bộ Di dân và Tị nạn thuộc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện [Tháng 12/2021, ngài được Đức Thánh cha bổ nhiệm làm Bộ trưởng lâm thời của Bộ này].

Tác giả: Michael Czerny, SJT

Gregorio Võ Trần Nhựt chuyển ngữ từ thinkingfaith.org