Các giá trị đang bị thách thức trước nạn ô nhiễm gia tăng và môi trường xuống cấp
Một nông dân đang ngửi những hạt lúa vừa thu hoạch tại New Territories ở Hồng Kông năm 2014. Các đồng lúa bị biến mất do tốc độ nhanh chóng mở rộng thành phố ở thập niên 1970s sau nhiều năm quay lưng với các truyền thống nông thôn. Nhưng một làn sóng mới các nông dân đã bắt đầu canh tác lương thực trở lại – lần này họ chú trọng các phương pháp hữu cơ như một phần thúc đẩy thực phẩm được canh tác tự
nhiên. Ảnh: AFP
Có đông người trẻ ở Hồng Kông đang từ bỏ những cơ hội tìm công việc có lương cao để chọn những công việc lương thấp nhằm giúp bảo vệ môi trường, thường gây nhiều thất vọng cho các bậc cha mẹ truyền thống.
Những người đi theo con đường mà chẳng mấy ai đi này đang bảo vệ các chọn lựa sự nghiệp của mình nói rằng điều đó giúp xây dựng thành phố trở nên độc lập và đáng sống hơn.
Nhưng điều đó không phải là con đường dễ đi chút nào.
Nhân viên bảo vệ sinh thái Ma See (không phải tên thật của anh) tiếc nuối vì không được học các vấn đề về môi trường ở đặc khu hành chánh này. Hầu hết các bậc phụ huynh chỉ chuẩn bị cho con cái được thành công và giàu có vào một lúc nào đó, anh nói với ucanews.com. “Tâm trí của họ hiếm khi nghĩ tới thiên nhiên”, Ma See nói.
Ma See luôn yêu quý động vật và thiên nhiên. Sau khi anh tốt nghiệp vào những năm 1990, anh nhận làm huấn luyện động vật tại Ocean Park, một công viên biển ở Hồng Kông.
“Tôi rất may mắn”, Ma See nói. “Tôi đã tìm được một công việc liên quan đến động vật và bắt đầu học biết về lĩnh vực mà tôi thích thú”.
Sau đó, Ma See bắt đầu nghĩ đến việc anh có nên tìm việc có lương cao hơn hay chỉ tập trung vào việc bảo tồn môi trường thiên nhiên. Cuối cùng anh đã chọn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường. Công việc của anh hiện nay là phục hồi đất nông nghiệp và bảo tồn con đom đóm. Anh tin rằng bảo vệ đất nông nghiệp sẽ giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Là một người trẻ sinh ra ở thập niên 1970, anh và cha mẹ anh chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của Hồng Kông. “Cha mẹ tôi, cũng như hầu hết những người thời ấy, nghĩ rằng công việc bảo tồn thì cực nhọc, lương ít và sẽ khó mà dành dụm được tiền cưới vợ”, Ma See kể.
Godfrey Lau, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học môi trường tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, cũng cho biết thế hệ trước đó không hiểu được sự thú vị của công việc môi trường.
“Họ thường nghĩ người có bằng đại học nên tìm một việc làm có giá trị kinh tế cao”, Lau giải thích.
Tuy nhiên, một số cha mẹ trẻ hơn đã bắt đầu chấp nhận con cái họ có thể đi theo một con đường khác. Gladys Wong, bà mẹ có ba con ở tuổi 40, cho biết điều quan trọng nhất là hạnh phúc của các con chị.
“Tôi đọc tin tức và thấy rằng một người tốt nghiệp đại học đã trở thành một nông dân”, Wong nói. “Người đó trông rất hạnh phúc và năng động”.
“Tôi không muốn con mình làm ra nhiều tiền mà chúng lại không hạnh phúc. Dường như tốt hơn là chúng được làm những gì chúng thích”, Wong nói và thêm rằng chị sẽ tôn trọng sự chọn lựa của các con.
Tuy nhiên, việc chọn một công việc môi trường tạo ra các thách thức vẫn còn khiến nhiều người trẻ do dự. “Một trong những bạn bè của tôi đang ước muốn mở một công ty tái chế ở Hồng Kông”, Lau nói, anh đang được đào tạo tại một tổ chức phi chính phủ nhỏ về môi trường.
“Bạn tôi đã biết một số kỹ thuật và định nhập máy móc về làm việc. Tuy nhiên, tiền thuê chỗ làm giá cao quá và các chính sách về tái chế vẫn còn thiếu ở Hồng Kông vì thế anh ta không thể xúc tiến được”, Lau nói.
Ma See nghĩ rằng cuộc sống ở thành phố sẽ không bền vững cho thế hệ tiếp theo nếu Hồng Kông tiếp tục làm ngơ việc bảo tồn thiên nhiên. Nhưng một số người đang cố gắng tạo ra bước đột phá bởi vì họ cảm thấy sống ở Hồng Kông ngày càng khó khăn hơn, anh giải thích.
Nguồn cung thực phẩm chủ yếu của Hồng Kông dựa vào nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc đại lục. Do đó, giá cả cuộc sống rất cao và việc tự chủ còn thấp. “Người trẻ đã phản ánh về tình hình này và đang cố gắng tìm ra các cách khác”, Ma See nói.
Ma See cũng là thành viên của Nông trại cộng đồng Mapopo và “So IL” – một nông trại hữu cơ ở đông bắc Hồng Kông. Anh nghĩ rằng trước đây rất khó khăn để tạo ra các cơ hội sự nghiệp bất thường như thế.
“Nay thì rất tốt cho những người có học hành bài bản có thể sử dụng kiến thức của mình cho việc canh tác hữu cơ”, anh nói. Trong lúc nhiều người có cảm giác mơ hồ rằng Hồng Kông chỉ có rất ít đất nông nghiệp và còn lại một ít nông dân, nhưng Ma See không đồng ý điều này.
“Sự thật là nhiều đất canh tác đã bị bỏ hoang hoặc trở thành nơi chứa đồ cũ,” anh nói. “Nhưng tôi đã gặp một số chủ đất vẫn còn muốn đất của mình được canh tác”.
Khoảng 40% đất ở Hồng Kông được giữ lại như miền quê theo pháp luật. Tuy nhiên, một số người vẫn cố gắng phát triển các phần đất đó xây dựng nhà cửa.
“Nếu như bạn hạnh phúc ngủ trong một thành phố bị ô nhiễm không khí kinh khủng để đạt được phát triển kinh tế. Tôi nghĩ đây là điều đáng buồn cho người Hồng Kông”, Ma See nói.
“Ngày nay giá trị kinh tế chiếm ưu thế trên mọi thứ kể cả thiên nhiên”, anh nói tiếp. “Người Hồng Kông nên thay đổi suy nghĩ của mình”.
(UCAN 29.08.2016)