Ngày 22 tháng 5 năm 2024, Đức hồng y Victor Manuel Fernandez, Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã đến thăm Giáo hoàng Tawadros của Giáo hội Chính thống Coptic tại Ai Cập. Người quen theo dõi thời sự Hội Thánh Công giáo biết ngay lý do của chuyến viếng thăm này.
ĐHY Fernandez thăm Giáo hoàng Tawadros
Nhớ lại ngày 18/12/2023, Đức hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, ra Tuyên ngôn Fiducia supplicans về Ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành. Các hãng thông tấn ngoài đời lập tức loan báo là Hội Thánh Công giáo chấp nhận hôn nhân đồng tính. Kể cả đến nay, dù đã có những giải thích chính thức từ Tòa Thánh, họ vẫn hiểu như thế. Cụ thể là cách đây một tuần, chương trình 60 minutes phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây là chương trình truyền hình nổi tiếng tại Mỹ, lần đầu tiên phỏng vấn một vị Giáo hoàng Công giáo. Người phỏng vấn là Norah O’Donnell đã đặt nhiều câu hỏi, trong đó có câu liên quan đến Fiducia supplicans: “Năm ngoái, Ngài đã quyết định cho phép các linh mục Công giáo chúc lành cho các cặp đồng tính. Đây là một sự thay đổi lớn. Tại sao?” Cách đặt câu hỏi trên cho thấy rõ cách hiểu của các hãng truyền thông ngoài đời, họ nghĩ rằng với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, Công giáo đã cho phép hôn nhân đồng tính!
Cũng vì thế, có thể hiểu được tại sao Tuyên ngôn Fiducia supplicans đã gặp những phản ứng mạnh ngay từ giới Công giáo, cách riêng tại châu Phi. Đức Hồng y Ambongo, Tổng giám mục Kinshasa, Chủ tịch SECAM, đã gửi thư xin ý kiến của các Hội đồng giám mục tại châu lục này để có thể đưa ra một tuyên bố chung cho toàn thể Hội Thánh tại châu Phi. Sau đó ngài sang Rôma trình bày vấn đề với Đức Thánh Cha và với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, ngài làm việc với Hồng y Fernandez để soạn thảo một văn bản khác cho châu Phi.
Không những từ giới Công giáo, cả các Giáo hội Kitô khác cũng có những phản ứng mạnh. Trong Thông cáo báo chí ngày 07 tháng 3 năm 2024, Giáo Hội Chính thống Coptic tuyên bố: “Sau khi tham khảo các Giáo hội chị em thuộc gia đình Chính thống giáo Đông phương, Thượng Hội đồng quyết định ngưng đối thoại thần học với Giáo hội Công giáo, đánh giá lại những thành quả mà cuộc đối thoại đã đạt được kể từ lúc khởi đầu cách đây 20 năm, và thiết lập những chuẩn mực và vận hành mới cho việc đối thoại”.
Đây chính là lý do Đức hồng y Fernandez đi thăm Giáo hoàng Tawadros. Theo Vatican News, “Vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin đã giải thích cho Đức Tawadros II rằng Hội Thánh Công giáo chia sẻ giáo huấn trong Tuyên ngôn ngày 07 tháng 3 (của Chính Thống Coptic) và có cái nhìn tích cực về cách tiếp cận mục vụ của Tuyên ngôn.
Liên quan đến Fiducia supplicans, Hồng y Fernandez giải thích rằng – như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với Hội nghị toàn thể của Bộ Giáo lý đức tin – “những phép lành này không phải là phép lành cho sự kết hợp giữa các cá nhân. Nếu hai người cùng hiện diện, họ có thể được chúc lành bằng việc ghi dấu Thánh giá trên mỗi người cùng với lời cầu nguyện ngắn. Nhưng điều này phải được làm cách ngắn gọn, tự phát, không có bất cứ nghi thức nào, không mặc lễ phục phụng vụ, và không có bất kỳ sự thể hiện nào bên ngoài khiến người ta có thể lẫn lộn với lễ cưới”.
Đức hồng y Bộ trưởng cũng nói thêm là “phép lành có tính mục vụ này có thể được ban trên đường đi, trong cuộc hành hương và ai cũng có thể được đón nhận, dù họ ở trong hoàn cảnh nào. Đây không phải là “ơn thánh hóa” nhưng là sự trợ giúp của Thánh Thần mà người Công giáo gọi là “ơn hiện sủng” để thúc đẩy tội nhân hoán cải và trưởng thành trong đức tin”. Đức hồng y Bộ trưởng khẳng định với Đức Tawadros rằng “Cả Tuyên ngôn Fiducia supplicans lẫn Tuyên ngôn Dignitas infinita đều khẳng định hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ mở ra với việc thông truyền sự sống, và Hội Thánh Công giáo chống hôn nhân đồng tính”.
Cho đến nay, chúng ta chưa biết kết quả ra sao, tuy nhiên việc Đức hồng y Fernandez sang Ai Cập để trực tiếp gặp gỡ Giáo hoàng Tawadros, lắng nghe ngài và giải trình cho ngài về lập trường của Hội Thánh Công giáo, tất cả đã thể hiện rõ niềm tha thiết duy trì sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu tha thiết cầu xin với Chúa Cha, và càng cần thiết hơn nữa trong thế giới chia rẽ và phân cực ngày nay. Chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất ấy: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm