Lời Chúa: Mc 6,1-6
Chúa Giêsu rao giảng khắp nơi, Ngài cũng không quên rao giảng cho đồng hương của mình ở Nadaret. Ngài trở về quê và theo thông lệ, ngày sabbat, Ngài vào hội đường.
Theo thói quen, những người có uy tín trong dân được mời đọc và giải thích Sách thánh. Chúa Giêsu đã từng rao giảng nhiều nơi và làm nhiều dấu lạ, nhất là ở Caphacnaum, là thành phố quan trọng của miền Galilê. Danh tiếng của Ngài đã lan rộng trong vùng và khắp nơi.
Về Nadaret, Ngài được mời đọc Sách Thánh. Đây là môi trường lý tưởng để rao giảng. Lời giảng của Ngài đã hấp dẫn mọi người, và người ta ngỡ ngàng trước sự thông minh lạ lùng của Ngài, và họ thắc mắc sao Ngài có thể giảng hấp dẫn như thế: “Bởi đâu ông ta khôn ngoan như thế? Ông ta làm những phép lạ như thế nghĩa là sao?”
Người ta ngạc nhiên về tài hùng biện và chiều sâu giáo thuyết của Ngài.
Nhưng một số người lại thắc mắc: “Ông ta chỉ là một anh thợ mộc, con bà Maria… Nghĩa là một người nghèo, kém văn hóa, một người làm mướn. Nhưng hôm nay lại trở nên khôn ngoan lạ thường, một nhà chú giải Kinh Thánh xuất sắc. Họ nhìn Ngài với cặp mắt không mấy thiện cảm và đầy ganh tị.
Con người là thế. Không muốn ai hơn mình. Ngài chẳng những khôn ngoan uyên bác mà lại làm được nhiều phép lạ: “Như thế nghĩa là sao?”. Họ nhìn về nguồn gốc của Ngài. Ngài là con bà Maria… Đối với người Việt Nam chúng ta, nói về cha hay mẹ không quan trọng. Nhưng đối với người Do Thái, họ chỉ nói đến tên người cha: con ông này, con ông kia. Nhưng khi nói rằng con bà Maria, nghĩa là ngụ ý khinh miệt. Thánh Giuse đã qua đời lâu rồi, Chúa Giêsu sống và lo cho mẹ. Người nữ trong xã hội Do Thái không được tôn trọng bao nhiêu. Trong gia phả dài của Chúa Giêsu, chỉ có ba người nữ được nhắc đến.
Con bà Maria nghĩa là không có thế giá gì. Họ cũng nhắc đến anh chị em của Chúa. Hạn từ anh chị em có nghĩa là anh chị em bà con chứ không là anh chị em ruột. Một thời gian dài, ở châu Âu người ta hiểu lầm vì tưởng là anh chị em ruột. Sau này, nhờ những chuyên viên Kinh Thánh, người ta mới hiểu đúng. Người dân Nadaret đã quá quen thuộc với anh thợ mộc Giêsu, vì thế, khi nghe Ngài giảng như một tiến sĩ uyên thâm, họ không thể tưởng tượng được. Thay vì lấy làm hãnh diện vì một người đồng hương của mình được danh giá, họ lại tìm cách hạ uy tín của Ngài. Chỉ vì ganh tị.
Trong các cộng đoàn giáo xứ, trong các hiệp hội, con sâu ganh tị cũng gây ra rất nhiều tai hại, làm băng hoại nhiều tâm hồn và gây trở ngại cho những hoạt động đạo đức, vô hiệu hóa nhiều thiện chí và lòng nhiệt thành của người khác. Nhiều người xem ra làm việc đạo đức, nhưng họ chỉ tìm vinh danh cho bản thân. Đó là loại Pharisêu thời đại mới.
Lòng đạo đức chân thật và khiêm tốn mới có thể sinh hoa trái tốt.
Đứng trước thái độ gần như nghịch thù của đồng hương mình, Chúa Giêsu cũng cho họ thấy rõ điều đó. Ngài dùng một câu cách ngôn quen thuộc: “Ngôn sứ có bị rẻ rùng thì cũng là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi”.
Số phận các tiên tri là luôn bị từ chối. Ngài cũng muốn cho dân Nadaret biết, Ngài cũng là một vị tiên tri ở giữa họ mà họ không nhận ra. Thánh Maccô cũng nhấn mạnh đến hậu quả của thái độ từ chối và thù nghịch đó: “Chúa Giêsu không làm phép lạ nào tại đó”. Làm như điều kiện để hưởng được những phép lạ là lòng tin.
Trong những trường hợp Chúa làm phép lạ, Chúa thường nói: “Lòng tin của con đã chữa lấy con”. Người phụ nữ bị băng huyết đã hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Anh mù ở Giêrikhô cũng được nghe nói một lời tương tự: “Anh tin thế nào thì được thế ấy”. Ông sĩ quan người Rôma có người đầy tớ đau nặng đã tin và đã được toại nguyện.
Ở những nơi hành hương như Tà Pao hay Tắc Sậy, chúng ta thấy nhiều người tôn giáo khác đến cầu xin và họ được như ý nguyện. Một người phụ nữ Phật giáo, đau bệnh lâu ngày, không còn hy vọng được chữa lành đã nói: “Lần này tôi sẽ đến Tà Pao, cầu Đức Mẹ cho tôi mạnh để tôi đi chùa”. Bà đã đến Tà Pao, khi về là khỏi bệnh. Và biết bao nhiêu người khác đã được như thế: “Niềm tin của con đã cứu lấy con”.
Trong Kinh Thánh, dân Do Thái là một dân cứng cổ, dân phản nghịch. Họ không nhìn thấy những kỳ công của Chúa mà chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Các tiên tri đã nhiều lần cảnh báo, nhưng gần như vô hiệu. Chúa phải dùng đến biện pháp mạnh là cho họ bị lưu đày để họ biết thân phận mong manh của họ.
Chúng ta có hơn dân Do Thái không? Chúng ta có tin không? “Chúa Giêsu ngạc nhiên vì sự cứng tin của họ”. Chắc Chúa cũng ngạc nhiên vì lòng cứng tin của chúng ta.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự ngoan cố của dân Do Thái, nhưng cũng cho chúng ta thấy được gương lành của những kẻ tin.
Abraham là mẫu gương sáng chói của niềm tin, là tổ phụ của niềm tin. Ông đã tin ngay khi không còn một hy vọng nào. Ông tin đến mức độ dám hy sinh tế hiến đứa con duy nhất của ông cho Chúa. Các tiên tri như Samuen, Giêrêmia đã tin, đã vâng phục xuyên qua những cơn thử thách và bách hại. Đức tin đơn thành và can đảm nhất là nơi Maria và Giuse. Maria đã tin và hoàn toàn phó thác. Nhiều lúc các ngài không hiểu gì, nhưng vẫn tin. Bà Êlisabet, nhờ ơn Thánh Thần đã ca ngợi lòng tin của Maria: “Em thật có phúc vì đã tin những gì Chúa nói với em”. Nơi những người tin, Chúa đã làm những điều huyền diệu không thể tưởng được. Với lòng tin của Maria, Chúa đã ban Con Một Ngài cho thế gian. Các tông đồ đã phải trải qua nhiều giai đoạn mới đạt tới niềm tin vẹn toàn. Và một khi đã tin, họ dám làm mọi mọi việc Chúa muốn và đã hi sinh đến cùng.
Các thánh tử đạo trong suốt hơn hai mươi thế kỷ, và những gương tử đạo ngày nay cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của niềm tin. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã cho chúng ta nhiều gương lành trong sáng và can đảm để chúng ta dám tin. Chúng ta thấy việc truyền giáo gần như không hữu hiệu lắm có lẽ chỉ vì chúng ta kém tin. Lòng tin của chúng ta chưa đủ sức thuyết phục. Chúa Giêsu cũng đã nói: “Liệu khi Con Người trở lại, còn thấy được lòng tin trên trần gian này nữa không”.
Cầu xin cho chúng ta đủ can đảm để tỏa sáng niềm tin giữa một thế giới mịt mù gian ác và tàn bạo. Muốn như thế, chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta không tự mình trở nên thánh thiện. Chính Chúa Giêsu biến đổi chúng ta, hoạt động trong chúng ta, nếu chúng ta vâng theo những hướng dẫn của Ngài. Chính Đức Mẹ đã nói: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại…”.
Dân Nadaret đã tẩy chai Chúa Giêsu, chúng ta có tẩy chai Chúa không? Một số người không đến nỗi tẩy chai Chúa, nhưng đã không gắn bó với Ngài, xem Ngài như xa lạ. Đó là một điều đáng tiếc.
Thánh Phaolô luôn ý thức rằng Chúa Giêsu là tất cả. Ngài là yếu đuối, nhưng ngài đã quả quyết rằng: “Ơn Chúa không ra vô hiệu nơi tôi… Và tôi có thể làm được mọi sự nhờ sức mạnh của Đấng phù trợ tôi”.
Cuộc đời chúng ta có ích lợi gì không là do niềm tin của chúng ta. Nếu đức tin của chúng ta chỉ bằng hạt cải mà thôi nó cũng có thể chuyển núi dời non. Nhưng chúng ta chưa làm được gì, vì đức tin của chúng ta còn quá mong manh.
Mỗi ngày chúng ta luôn đứng trước một thử thách của đức tin khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đến với chúng ta qua một hình thức quá bé nhỏ và chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài không làm được gì như người dân Nadaret đã nghĩ. Nhưng trong hình thức nhỏ bé đó là cả một quyền năng không thể lường được. Nếu chúng ta tin, Chúa có thể làm được nhiều việc cả thể nhờ tấm bánh nhỏ đó. Ngài đã nuôi chị Marthe Robin suốt bao nhiêu năm mà không cần ăn uống gì. Ngài đã cho chị trở nên nhân chứng đau khổ của tình yêu Ngài và hôm nay, những Cộng Đoàn Bác Ái đã mang lại biết bao ơn lành cho các linh hồn. Đó chỉ là một ví dụ điển hình. Giáo hội hôm nay bền vững trong đức tin, cũng nhờ tấm bánh thần linh nhỏ bé đó. Chúng ta tin hay không tin. Xin Chúa cho chúng ta dám tin để Chúa dám làm những việc của Chúa nơi sự yếu hèn của chúng ta.
Lm Trầm Phúc