Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Lời Chúa: Mt 16,13-19

 

Giáo Hội mừng hai thánh Phêrô và Phaolô vì hai đấng là rường cột của Giáo Hội và là những gương sáng cho mọi tín hữu. Không ai trong chúng ta xa lạ với hai đấng thánh nầy và rất nhiều người chọn làm bổn mạng. Các thư của các ngài được đọc thường xuyên trong phụng vụ.

Thánh Phêrô đã theo Chúa ngay từ đầu và sống với Chúa Giêsu liên tục. Thánh Phaolô không biết Chúa trong đời thường, nhưng đã được Chúa kêu gọi một cách đặc biệt và đã diện kiến Chúa trên đường Đamát.

Hai đấng đã đi hai con đường khác nhau nhưng cùng đi đến một cùng đích duy nhất: Chúa Giêsu Kitô. Các ngài đã sống chết với Chúa, đem hết tâm lực rao giảng lời Chúa, phục vụ Chúa đến cùng và chấp nhận chết cho Chúa.

Hai người đã hoàn toàn khác nhau trong nhân cách, trong lối sống nhưng đã cùng nhau làm một việc duy nhất: loan báo Tin Mừng của Chúa. Mỗi người có một ơn gọi khác nhau: Thánh Phêrô được gọi ngay từ khi Chúa mới bước ra rao giảng và được Chúa đổi tên, trở nên môn đệ ruột của Chúa. Thánh Phaolô được gọi bất ngờ trên đường Đamát, đang lúc hầm hầm sát khí, hăng say tiêu diệt Hội Thánh Chúa.

Thánh Phêrô được mang danh là chối Thầy, thánh Phaolô mang tiếng là kẻ bách hại Hội Thánh Chúa. Hai đấng đều mang trên mình một vết không phai, nhưng đã trở thành những môn đệ hăng say nhất của Đấng mình đã chối bỏ hay bách hại.

Chúng ta có thể thấy, các thánh cả như Phêrô, Phaolô đâu phải là những người hoàn toàn tốt đẹp mà là những người yếu đuối, sai lầm, nhưng đã biết nhìn nhận sai lầm của mình và một khi trở lại, các ngài đã hết tâm yêu mến và phục vụ Chúa.

Điều nầy thật an ủi cho chúng ta là những kẻ yếu hèn, chúng ta cũng có thể trở về và bước vào con đường thánh thiện. Chúng ta có thánh thiện chưa? Sao chúng ta không nên thánh? Phải chăng chúng ta vẫn chưa cương quyết đủ để trung thành triệt để với Chúa?

Thánh Phêrô đã được Chúa đổi tên ngay từ lần đầu gặp gỡ, biến ngài thành tảng đá để xây Hội Thánh của Ngài sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con thiên Chúa hằng sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất, nhưng Chúa đã nói với ông:“Không phải do sự thông minh của anh mà anh biếtđược điều đó, mà là Cha trên trời đã mạc khải cho anh biết”. Chúng ta được hồng ân đức tin không phải do tài khéo của chúng ta, nhưng là do một ơn nhưng không của Chúa, như Thánh Phaolô đã nhiều lần nói như thế. Chính Cha trên trời đã thương kêu gọi chúng ta, cho chúng ta biết Con của Ngài. Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin, nhờ đó chúng ta được hy vọng chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Trên nền tảng đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh của Ngài: “Anh là Phêrô, là tảng đá, trên tảng đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi”. Một lời thật long trọng, đầy uy quyền! Phêrô được chọn làm nền cho Hội Thánh, mặc dù thế, Phêrô đã yếu đuối, đã chối Thầy ba lần.

Tảng Đá được chọn kia đã không đứng vững, đã đầu hàng trước áp lực của sợ hãi. Như thế, chúng ta thấy rằng, chúng ta chỉ có thể trung thành khi bám chặt vào Chúa mà thôi.

Sau nầy, Phêrô mới kinh nghiệm sự yếu đuối của mình và ơn tha thứ của Chúa: “Simon, Simon ơi ! Kìa Satan đã xin được sàng anh như sàng gạo. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh được vững mạnh”.

Vai trò của Phêrô thật quan trọng!

Chúa báo cho Phêrô biết những gì đón chờ ông, và ông phải củng cố đức tin của anh em mình. Nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Phêrô đã trung thành đến cùng.

Sau nầy, sau khi sống lại, Chúa Giêsu lại khẳng định vai trò của Phêrô khi trao đàn chiên của Ngài cho ông: “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy”.

Khi đã lãnh nhận Thánh Thần, Phêrô đã trở nên Tảng Đá vững chắc như Chúa đã nói. Phêrô đã điều khiển Hội Thánh sơ khai với uy quyền của một vị lãnh đạo tài ba. Sách Tông Đồ Công Vụ đã cho thấy điều đó.

Phêrô đầu tiên đã đứng ra rao giảng ngay khi đã nhận lấy Thánh Thần ngày lễ Ngũ Tuần. Ngài làm nhiều phép lạ chữa lành nhiều bệnh nhân, làm cho người chết sống lại…

Quyền tối thượng của Phêrô được tất cả các tông đồ công nhận. Chúa đặt Phêrô làm nền tảng của Hội Thánh Ngài, Ngài cũng ban cho ông quyền tối thượng là chìa khóa Nước Trời:“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”. Quyền cầm buộc và tháo mở. Quyền nầy là quyền tuyệt đối vì “dưới đất cầm buộc trên trời cũng cầm buộc. Dưới đất cởi mở thì trên trời cũng cởi mở”.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân vô giá đó. Chúng ta hãy sử dụng hồng ân nầy để bước theo con đường của Chúa, để nên trọn lành như Cha trên trời.

Phaolô, đầu tiên là người bách hại Hội Thánh tiên khởi, đã trở thành một vị tông đồ mạnh mẽ phi thường. Ngài đã được chọn trên con đường Đamát. Từ ngày đó, ngài đã trở thành con người mới và Chúa Thánh Thần đã dành riêng ngài cho công việc của Chúa. Phaolô không bao giờ quên giây phút diện kiến Đấng ngài đã bách hại và cũng không bao giờ quên rằng ngài là người bách hại Hội Thánh Chúa. Ngài cũng ý thức rằng ân huệ quí báu đó của Chúa, ngài chỉ giữ trong một bình sành là thân phận yếu hèn của ngài.

Ngài xem cuộc đời của ngài như một của lễ, như một cuộc thi đấu cao đẹp cho vinh danh Chúa mà thôi. Và đúng thế, cuộc sống của ngài là một cuộc chiến đầy gian khổ chỉ vì tình yêu Chúa thúc bách ngài,vì Chúa vẫn ở bên cạnh tôi và ban sức mạnh cho tôi”.

Cuộc đời của hai thánh tông đồ vĩ đại chỉ có một nội dung duy nhất là Giêsu. Thánh Phaolô dám nói: “Sống đối với tôi là Giêsu Kitô, vì Ngài đã yêu tôi và đã liều mạng cho tôi”.

Đứng trước hai thánh tông đồ vĩ đại, chúng ta cảm thấy mình chẳng ra gì. Nhưng gương lành của các ngài vẫn là một khích lệ mạnh mẽ cho chúng ta vì chúng ta cũng là môn đệ.

Có lẽ chúng ta không bôn ba rao giảng Tin Mừng như các ngài, nhưng chúng ta cũng có thể bước theo các ngài trên con đường thánh thiện vì đó là lý tưởng của mọi kẻ tin. Cuộc sống của chúng ta cũng có cùng một nội dung như các ngài là Giêsu. Yêu mến Chúa hết lòng và nhờ đó chúng ta sẽ biết làm gì để Chúa được yêu thương hơn. Chúng ta cũng có thể nói như Phaolô: “Chúng tôi là những kẻ rốt hèn trong mọi người, nhưng Chúa đã thương chọn chúng tôi để sống cho Ngài, yêu mến Ngài và làm cho mọi người yêu mến Ngài như Ngài đáng được yêu thương”.

Chúng ta yếu đuối thật, nhưng chúng ta chỉ có thể trở nên mạnh mẽ là nhờ ơn Chúa thôi. Và đây, Chúa vẫn đến với chúng ta, vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài vẫn ở lại bằng Bí Tích Tình Yêu của Ngài. Ngài muốn sống hằng ngày trong chúng ta và dùng một phương tiện tầm thường nhưng hữu hiệu là tấm bánh mà Ngài biến đổi thành Thịt Máu Ngài. Chúng ta được mời vào bàn tiệc yêu thương của Ngài, ăn lấy Ngài, nên một với Ngài trong một tình yêu mà không có gì có thể tách chúng ta ra được. Và đây chính là hạnh phúc mà chúng ta đang ước mong.

Lm Trầm Phúc