Nữ tu Rani Maria bị đâm chết năm 1995 vì làm việc giúp người nghèo độc lập về kinh tế
Các nữ tu lớn tuổi dòng Phanxicô Clarist tôn kính thánh tích của Chân phước Rani Maria tại Madhya Pradesh
hôm 24-2, mừng ngày lễ đầu tiên kính nhớ nữ tu được tôn phong chân phước năm ngoái.
Ảnh: Saji Thomas/ucanews.com
Hàng ngàn người Công giáo tập trung tại phần mộ của chân phước nữ tu Ấn Độ tưởng niệm ngày ngài bị sát hại, và các lãnh đạo tuyên bố ngài là nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu bị ngược đãi trong nước này.
Sáu vị giám mục cùng khoảng 200 nữ tu và 1.500 người Công giáo tập trung tại phần mộ của Chân phước Rani Maria hôm 24-2 nhân ngày lễ đầu tiên kính nhớ ngài từ khi ngài được phong chân phước tử đạo tháng 11 năm ngoái, một bước chuẩn bị cho ngài được tôn phong thánh.
“Chân phước Rani Maria là nguồn cảm hứng cho người trong Giáo hội phục vụ người nghèo vào thời điểm khó khăn trong đất nước chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Abraham Viruthakulangara của Nagpur nói trong Thánh lễ tại mộ nữ tu ở Udainagar, một ngôi làng thuộc quận Dewas, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ.
Nữ tu dòng Phanxicô Clarist bị Samunder Singh sát hại ngày 25-2-1995. Singh được những kẻ cho vay tiền và địa chủ phản đối nữ tu làm việc giúp dân làng độc lập về kinh tế thuê sát hại nữ tu.
Singh, lúc đó 22 tuổi, đã dùng dao đâm nữ tu trên xe buýt đi đến thị xã Indore trên đường ngài trở về bang quê nhà Kerala. Sau đó tên này kéo nữ tu đang chảy máu dữ dội xuống xe và đâm tiếp cho đến khi ngài chết. Hành khách khiếp sợ không dám can thiệp. Nữ tu 41 tuổi bị đâm 54 nhát dao.
“Chân phước tử đạo Rani đã dạy cho chúng ta qua cuộc đời của ngài rằng không có trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta chu toàn bổn phận truyền giáo giữa cảnh ngược đãi”, Đức cha Viruthakulangara phát biểu.
Kitô hữu ở Madhya Pradesh, chưa được 1% trong số 73 triệu dân trong bang, chứng kiến một loạt các vụ chống Kitô hữu. Các lãnh đạo Kitô giáo cho biết bạo lực gia tăng sau khi đảng ủng hộ Ấn giáo Bharatiya Janata (BJP) lên nắm quyền tại New Delhi năm 2014.
Số vụ người Ấn giáo tấn công Kitô hữu tăng gấp đôi trong những năm gần đây, theo báo cáo mới nhất của Persecution Relief, diễn đàn đại kết ghi nhận tình trạng ngược đãi Kitô hữu ở Ấn Độ. Báo cáo cho biết Ấn Độ ghi nhận 736 vụ tấn công Kitô hữu trong năm 2017 so với 348 vụ trong năm 2016.
Riêng bang Madhya Pradesh chứng kiến 52 vụ tấn công Kitô hữu trong năm 2017 so với 28 vụ trong năm 2016, theo báo cáo.
Đức cha Chacko Thottumarickal của Indore, nơi nữ tu tử đạo làm việc trước đây, phát biểu với ucanews.com rằng các thừa sai trong giáo phận gặp “vô số vấn đề trong khi thực thi sứ vụ. Hình ảnh Chân phước Rani Maria như là dấu hiệu hy vọng và khích lệ. Ngài chết vì làm chứng cho đức tin. Có nhiều người hy sinh tính mạng vì đức tin ở các nước khác. Nhưng ngài sống trong hoàn cảnh của chúng ta. Điều đó làm cho ngài trở thành tấm gương và nguồn cảm hứng đặc biệt cho chúng ta”.
Đức cha Sebastian Vadakkel của Ujjain, cũng thuộc bang Madhya Pradesh, nói với ucanews.com “máu của Chân phước Rani Maria” chảy ra như một “nguồn năng lượng mới cung cấp cho các thừa sai trên khắp thế giới trong các tình huống khó khăn, đặc biệt là ở Ấn Độ”.
“Nguyên nhân ngài bị sát hại là do ngài làm việc giúp người nghèo tự lực, dẫn đến họ không còn vay tiền của những kẻ cho vay tiền có thế lực bóc lột họ nữa”, ngài nói.
Singh, kẻ sát hại ngài, cũng tham dự các giờ cầu nguyện đặc biệt và Thánh lễ phong chân phước cho ngài. Hiện nay ông sống bằng nghề nông sau khi mãn hạn tù. Ông đã công khai hối tội, và cầu xin gia đình nữ tu tha thứ.
“Didi [chị lớn nhất của nữ tu] đã dạy tôi rằng thù hận và bạo lực không có chỗ trong cuộc sống của chúng ta. Khi ngồi trước di hài ngài và cầu nguyện tại mộ ngài, tôi có một cảm giác thanh thản vốn không thể giải thích được”, ông chia sẻ với ucanews.com.
Đức cha Thottumarickal cho biết Thánh lễ kính nhớ chân phước nữ tu được tổ chức trước một ngày vì ngày 25-2 là ngày Chủ nhật và Giáo hội không cử hành các ngày lễ kính vào ngày Chủ nhật.
Chân phước Rani Maria thuộc dòng Phanxicô Clarist có trụ sở ở Kerala. Thánh nữ đầu tiên của Ấn Độ là nữ tu Alphonsa, được tôn phong thánh năm 2008, cũng thuộc dòng này.
(28.02.2018)