Sáng Thứ Bảy 16/4, cùng hiệp dâng thánh lễ vào lúc 7: 30 sáng. Dùng điểm tâm sau đó. Trước khi lên xe buýt hành trình tiếp, chúng tôi cùng nhau sinh hoạt tập thể 15’ trong bầu khí thân mật, vui nhộn trẻ già hài hoà chuẩn bị tâm hồn hoan hỉ, khoáng đạt khi thăm viếng Đền Thờ Đức Bà Cả.
Xuống xe, hai chị Mỹ Linh và Kim Ngọc thay phiên trình bày về lịch sử, cũng như đặc điểm của Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả. Mọi người nguyện kinh dọn mình, cùng dần tiến vào Cửa Thánh tại đây.
Theo truyền thuyết, đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 8 năm 352, Ðức Mẹ hiện ra với nhà quý tộc Giovanni và Ðức Giáo Hoàng Liberio, và truyền lệnh xây một đền thờ dâng kính Ðức Mẹ trên đồi Esquilino, ngay trên đỉnh đồi, chỗ có tuyết phủ. Hôm sau phép lạ xảy ra như vậy, tuyết rơi phủ đỉnh đồi Esquilino giữa mùa hè. Ðức Giáo Hoàng Liberio cho xây đền thờ và tài chánh do nhà quí tộc Giovanni dâng cúng.
Do đó cũng còn gọi là Ðền Thờ Liberiana, hay Ðền Thờ Ðức Bà Xuống Tuyết hoặc Ðền Thờ Máng Cỏ, vì tại đây còn giữ di tích máng cỏ của Chúa Giêsu, trong một hòm bằng bạc bên dưới chân bàn thờ chính. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng. Qua dòng thời gian, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Đức Bà Cả (Basilica of Saint Mary Major), vì đây là ngôi Đền thờ lớn nhất trong số 26 nhà thờ dâng kính Đức Mẹ ở Roma. Đối với Giám mục Roma, đây là nhà thờ chính tòa thứ hai.
Tại khu bàn thờ chính này có hòm giữ thánh tích của Thánh Mathêu Tông đồ và các vị tử đạo khác. Ở khu hậu cung Đền thờ, có bức tranh diễn tả cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ, có ca đoàn 18 Thiên thần và các Thánh bao quanh, đây là kiệt tác của Tu sĩ Jacopo Torriti Dòng Phanxicô năm 1295 thực hiện.
Ở bên trái Đền thờ có Nhà nguyện Paolina. Trong Nhà nguyện này có ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Phần Rỗi của dân Roma). Theo tương truyền, bức ảnh này do Thánh sử Luca vẽ dang dở sau đó được một Thiên thần hoàn tất, vì thế đây không phải là bức tranh do tay người phàm vẽ ra. Lưu truyền nói rằng ảnh tự động đến Roma từ Costantinople, tránh nạn phá ảnh tượng 3 thế kỷ trước đó và được đặt tại đây từ năm 1613. Ngôi Nhà nguyện này được coi như là ngôi Nhà nguyện phong phú và đẹp nhất Roma với những bức họa tuyệt đẹp để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Thánh Y Nhã đã dâng thánh lễ đầu tiên tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả. Thoạt đầu, Ngài ước muốn được dâng thánh lễ đầu tiên tại Israel, nhưng không được toại nguyện, vì vậy nên Ngài đã chờ đợi một năm, mới được dâng thánh lễ tại đây. Các Đức Giáo Hoàng sau mỗi chuyến công du, hành hương cũng đều về đây dâng thánh lễ Tạ Ơn.
Sau đó, chúng tôi đến thăm Đền Thánh Phaolô ngoại thành. Anh chị Hiếu Trang đọc cho đoàn nghe về lịch sử của Ngôi Vương Cung Thánh Đường này.
Được gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc bên ngoài tường thành Rôma, do Hoàng Ðế Aureliano xây cất năm 271, để bảo vệ thành chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng man di. Bức tường này dài 19 cây số bọc thành Roma, do hoàng đế Aureliano cho xây giữa các năm 270-275 để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân rợ.
Hồi thế kỷ thứ 8 đền thờ bị cướp phá, sau đó đến lượt những người Hồi Giáo Sarrasins hồi thế kỷ thứ 9 cướp bóc, nhưng đền thờ được trùng tu ngay. Theo sách Giáo Chủ (Liber Pontificalis), chính hoàng đế Costantino đã khởi công xây dựng một thánh đường trên mộ của thánh Phaolô, tử đạo năm 67 dưới thời hoàng đế Neron.
Thánh đường được thánh hiến ngày 18- 11-324 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Silvestro I (314-335). Kích thước của thánh đường nguyên thủy này tương đối nhỏ bé. Thánh đường to lớn hơn được xây cất tại nơi đó vào năm 386, tức là nửa thế kỷ sau khi hoàng đế Costantino qua đời. Công trình bắt đầu năm 390 và được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio vào năm 395. Phía ngoài, cuối đền thờ, ở chính giữa sân là tượng thánh Phaolô cầm gươm lời Chúa bằng cẩm thạch Carrara, do Giuseppe Obici tạc.
Cuối cùng, xe buýt chở chúng tôi đến thăm Đại Học Gregoriana. Đây là Đại học lớn nhất trong số 16 Đại học và Học viện Giáo Hoàng ở Roma, được thánh Ignaxio Loyola vị sáng lập dòng Tên thành lập năm 1551, và được ĐGH Gregorio XIII khánh thành trụ sở mới tại địa điểm như hiện nay vào năm 1584.
Linh Mục Giáo Sư Ulrich Rhode – người Đức, tu sĩ dòng Tên, đang giảng dạy về Giáo Luật, đã niềm nở đón tiếp đoàn. Ngài dẫn chúng tôi vào trong một giảng đường nhỏ, nơi ngài thường giảng dạy. Cha Ulrich đã chuẩn bị chu đáo một chương trình trên powerpoint để giải thích cho chúng tôi về lịch sử, hệ thống và tiến trình giảng dạy của trường Đại Học Gregorianna. Qua đó, chỉ trong vòng khoảng 30 phút, chúng tôi đã có được một cái nhìn tổng quát về trường đại học Dòng Tên Gregorianna.
Hiện thời Đại học có khoảng 300 giáo sư với 3 ngàn sinh viên đến từ rất nhiều nước trên thế giới, trong đó cũng có hàng chục LM và nữ tu người Việt. Đại học này gồm các khoa thần học, triết học, giáo luật, sử học, truyền giáo học, và khoa học xã hội.
Sau đó chúng tôi thăm viếng Nhà thờ Chúa Giêsu, ở trung tâm Roma, là nơi có giữ hài cốt thánh Y Nhã cũng như một cánh tay của Thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền viễn đông, và cũng có mộ của nhiều Bề trên Tổng quyền của dòng. Kể từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ Chúa Giêsu 4 lần.
Năm 1551, thánh I-nhã uỷ nhiệm cho kiến trúc sư Nanni di Baccio Biggio thiết kế một nhà thờ cho Dòng Tên. Bản vẽ là một nhà thờ với một gian chính, các nhà nguyện ở hai gian phụ và cung thánh, dù được Michelangelo chỉnh lại năm 1554, nhưng mọi thứ chỉ nằm trên bản vẽ.
Cuối cùng, năm 1561, Hồng Y Alessandro Farnese, một trong những người am hiểu nghệ thuật thời đó, xúc tiến việc xây cất nhà thờ, uỷ nhiệm cho Jacopo Barozzi, vị kiến trúc sư mà ngài ưa thích, việc thiết kế, cùng với hai cộng sự Dòng tên là các kiến trúc sư Giovanni Tristano và Giovanni de Rosis, riêng mặt tiền nhà thờ được Giacomo della Porta thiết kế lại theo ý của Hồng Y Farnese.
Với lối kiến trúc phục hưng pha lẫn baroc, nhà thờ Gesù được cho là nguồn cảm hứng và khuôn mẫu các nhà thờ kiểu baroc ở Ý và nhiều nơi khác trên thế giới, từ đó cũng xuất hiện biệt danh nhà thờ “kiểu Dòng Tên”.
Nhà thờ có hình thánh giá kiểu Latinh. Sảnh giữa rộng với trần hình vòm được trang trí bằng bức bích hoạ Sự vinh thắng của Danh Chúa Giê-su. Bức vẽ khổng lồ với những đường nét như đang chuyển động và tràn ngập ánh sáng được danh hoạ Giovan Battista Gaulli, biệt danh Baciccia thực hiện. Ngoài ra, Baciccia còn thực hiện hai bức vẽ khác: một bên trong mái vòm với hình ảnh các giáo phụ và tiến sỹ Giáo hội; tác phẩm còn lại là phía trên cung thánh có tựa đề Vinh quang của Con Chiên.
Bên cánh trái nhà thờ là bàn thờ thánh I-nhã với mộ thánh nhân dưới chân bàn thờ, công trình là một trong những tuyệt tác của thầy Andrea Pozzo. Ý tưởng chính của bàn thờ là vinh quang của thánh I-nhã. Lối kiến trúc baroc đặc trưng, phía trên bàn thờ là hình tượng Chúa Ba Ngôi, khởi đi từ tuần một sách Linh thao của thánh I-nhã, khi thao viên được mời gọi chiêm ngắm Thiên Chúa đang nhìn xuống thế gian. Phía trên mái vòm là bức vẽ vinh quang thánh I-nhã hay còn gọi thánh I-nhã vào thiên đàng. Bên trong bức vẽ trên bàn thờ, gợi hứng từ sách Linh thao trong bài cầu nguyện Hai cờ hiệu, là tượng thánh I-nhã bằng bạc tô điểm với nhiều đá quý. Như vậy, toàn bộ ý nghĩa của bàn thờ, từ phần mộ dưới chân bàn thờ đến vinh quang thiên quốc, tác phẩm là lời mời gọi sống động cho mọi Ki-tô hữu để chiêm ngắm, suy niệm và đem ra thực hành gương sống của thánh nhân.
Thầy Andrea Pozzo (1642-1709) đã thực hiện tuyệt tác trên trần hình vòm của nhà thờ kính thánh I-nhã ở Roma trong thời gian 1691-1694. Với kỹ thuật bậc thầy về hình ảnh ba chiều, tác giả đã “biến” trần nhà thờ thành không gian mở rộng đến vô cùng, đến nơi Thiên Chúa ngự, nơi vốn được cho là không còn khái niệm về không gian và thời gian.
Cùng với công cuộc truyền giáo nở rộ và thế kỷ XVI, bức vẽ thể hiện bốn châu lục đã được con người khám phá cho tới thời điểm ấy. Châu Âu được thể hiện bằng hình ảnh Nữ hoàng cầm vương trượng, biểu tượng cho quyền lực; châu Mỹ với hình ảnh người thổ dân và các phương tiện đi săn thú rừng; châu Phi với hình ảnh ngà voi và châu Á được mô tả qua hình ảnh bát hương. Ở trung tâm là hình ảnh thánh I-nhã vào trong vinh quang Thiên quốc với Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài là nơi khởi xuất nguồn ân sủng và gợi hứng cho công cuộc truyền giáo, để ngang qua thánh I-nhã, ân sủng đó được thông truyền tới mọi anh em Giê-su hữu mà người tiêu biểu là thánh bổn mạng các xứ truyền giáo: Phanxico Xavie với khuôn mặt luôn hướng về châu Á.
Đến nhà thờ I-nhã và ngước nhìn tuyệt tác này, người xem dường như bị cuốn vào không gian ảo của vô định nhưng cũng là dịp để nhìn lại lòng mình để hướng về Chúa, nơi đó không còn không gian và thời gian. (Lm Phanxico Xavie Nguyễn Mai Kha SJ, Nhà thờ Gesù ở Roma)
Rời nhà thờ Chúa Giêsu, chúng tôi được Cha Mai Kha dẫn đến phòng của Thánh I-nhã, nơi đây đoàn được thầy Phêrô Lê Hoàng Nam đón tiếp và giới thiệu về cuộc đời của Thánh nhân qua những bức ảnh được treo trên tường, từng bức ảnh một được Thầy diễn giải thật sâu sắc.
Thánh Inhaxio, tổ phụ dòng Tên, tên thật là Inigo Lopez de Loyola, sinh năm 1491 tại xứ Basque, Tây Ban Nha. Vốn tính tình ương bướng và đầy tham vọng, ngay từ nhỏ, Inigo đã không từ khước bất cứ một thủ đoạn nào để mong sao có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trong triều đình. Thế nhưng, ngài luôn phải nhận lấy những thất bại dù ngài rất tài năng.
Trong một trận chiến diễn ra tại Pamplona năm 1521, ngài đã bị một viên đại bác bắn vào chân và bị thương rất nặng. Cũng chính từ đây, cuộc đời của ngài đã được biến đổi. Ngài được đưa về Loyola để dưỡng thương. Để bảo toàn tính mạng cho ngài, người ta đã phải thực hiện những cuộc phẫu thuật ở chân. Những cuộc phẫu thuật ấy diễn ra hết sức đau đớn đến độ anh của ngài khi chứng kiến cũng phải thừa nhận là bản thân không thể chịu được cơn đau như thế. Vậy mà chẳng ai nghe Inigo kêu la hay rên rỉ một lần nào. Ngay trên giường bệnh, đối diện với sự thất bại tràn trề, Inigo vẫn không từ bỏ tham vọng theo đuổi những vinh hoa thế gian của mình. Khi thấy vết thương đã làm cho chân mình trở nên xấu xí, hai đôi chân không còn bằng nhau, Inigo đã nhất quyết xin bác sĩ phẫu thuật “thẫm mỹ” lần nữa, vì ngài không thể chấp nhận một thân hình khập khiễng như thế này. Trước sự cương quyết của ngài, cả gia đình và các bác sĩ đành ưng thuận. Tuy nhiên, đôi chân ngài cũng không thể lành lặn như xưa. Do di chứng của vết thương này mà cả cuộc đời, ngài phải đi “cà nhắc”.
Inigo vẫn còn mơ tưởng rất nhiều đến một cuộc sống quyền lực và xa hoa. Trong thời gian dưỡng thương ở nhà, ngài lập ra rất nhiều kế hoạch cho mình. Nhưng chính trong giây phút ngài đang hăm hở theo đuổi con đường công danh thì Chúa đã can thiệp vào đời ngài một cách thật kỳ diệu. Do quá buồn chán, ngài đã xin chị dâu cho mình vài cuốn tiểu thuyết lãng mạn đọc để giết thời gian. Nhưng chẳng có cuốn sách nào trong toà lâu đài ngoại trừ cuốn Hạnh Các Thánh và Cuộc Đời Đức Giêsu. Bất đắc dĩ, ngài mới chịu cầm lấy để đọc vì nếu không đọc thì cũng không biết phải làm gì. Thiên Chúa đã theo những dòng chữ mà ngài đọc để đi vào trong tâm trí ngài. Đôi mắt Inigo như chợt bừng sáng vì ngài khám phá ra được những điều mà bấy lâu nay ngài không biết. Một cuộc chuyển biến nội tâm rất lớn xảy ra trong ngài. Ngài tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình, về những gì mình đang theo đuổi. Rồi ngài thấy có hai dòng cảm xúc đan xen xảy đến: một cái đến bất chợt, làm ngài thấy khoan khoái một chút rồi nhanh chóng bỏ đi; một cái đến rất nhẹ nhàng, êm đềm và lưu lại trong ngài rất lâu. Thiên Chúa đã giúp ngài nhận ra rằng cái thứ nhất đến từ ma quỷ còn cái thứ hai đến từ Thiên Chúa. Thế rồi, ngài quyết tâm từ bỏ con người cũ, sống theo một lý tưởng mới. Vào một đêm nọ, ngài đã thấy Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi hiện ra với mình. Thị kiến này hệt như một cuộc xác chuẩn cho đời sống mới mà Thiên Chúa dành cho Ngài.
Khi bình phục, bất chấp những phản đối của gia đình, ngài đã âm thầm trốn đi, mang trong mình ý hướng sẽ đi hành hương đất thánh và tìm một lý tưởng mới cho mình. Để khỏi bị phát hiện, ngài đã đổi quần áo sang trọng của mình với một người ăn xin. Ở Monserat, ngài đã thực hiện một cuộc canh thức thâu đêm rồi dâng thanh kiếm của mình trước ảnh Đức Mẹ ở đây để thể hiện ý muốn quyết tâm từ bỏ mọi sự. Giờ đây, ngài không còn muốn phục vụ vua trần gian nữa, nhưng chỉ tìm và thực thi ý của Vua Hằng Sống. Thanh kiếm bấy lâu nay gắn bó với ngài, là phương tiện ngài dùng để theo đuổi những gì thuộc về thế gian, nay được dâng cho Đức Mẹ. Ngài dâng thanh kiếm, nhưng thực ra là dâng cả con người mình, dâng cả ước nguyện, lý tưởng, kế hoạch, tương lai, dự tính. Nhiều lần sau đó, Inhaxio liên tục cầu nguyện với Mẹ để xin Mẹ phù trợ mình trên bước đường mình đi.
Inhaxio đã trải qua thời kỳ thanh luyện rất gian khổ ở Mansera. Tại đây, do không có kinh nghiệm gì về đời sống thiêng liêng, ngài đã phải tự mày mò để tìm cho mình một lối sống. Ngài đã cầu nguyện rất nhiều giờ, ăn chay, nhiệm nhặt, đánh tội, sống trong những cái hang như những nhà ẩn tu. Cứ tưởng rằng những điều này sẽ mang đến cho ngài niềm hạnh phúc! Nhưng không, càng lúc ngài càng cảm thấy cuộc sống mình thật bế tắc. Những cơn cám dỗ bảo ngài hãy bỏ cuộc lần lượt kéo tới. Ngài đã cầu nguyện, đi lễ, xưng tội, gặp các cha linh hướng nhiều lần để xin lời khuyên nhưng tất cả đều vô nghĩa. Ngài buồn bực đến độ đã có lúc nghĩ đến chuyện tự tử vì thấy mình mất đi hướng sống.
Chính trong cơn túng quẫn ấy, Thiên Chúa lại đến với ngài qua những thị kiến và dạy dỗ ngài như thầy giáo dạy một học trò nhỏ. Một trong những thị kiến nổi tiếng nhất là thị kiến Cardoner. Ngài kể lại rằng lúc ấy, khi ngài đang ngồi bên con sông Cardoner thì ngài thấy Thiên Chúa Ba Ngôi hiện ra với mình như ba phím đàn. Thị kiến diễn ra chỉ trong chớp nhoáng nhưng những gì mà ngài nhận được lúc ấy còn hơn tất cả những gì ngài đã học được trong suốt quãng đời còn lại.
Ngài bắt đầu thay đổi đời sống, từ bên ngoài đến bên trong. Ngài ăn uống đàng hoàng, râu tóc gọn gàng, tắm rửa sạch sẽ và bắt đầu thực thi những công việc tông đồ. Nhưng khó khăn vẫn cứ kéo đến! Vì không có bằng cấp gì nên việc giảng dạy giáo lý của ngài gặp phải sự chống đối của giáo quyền. Lời giảng dạy của ngài có sức thu hút người khác nên toà dị giáo sợ rằng ngài đang truyền bá những tư tưởng lạc đạo, dù họ không tìm thấy một sai phạm nào trong những lời dạy của ngài. Nhưng dù sao, họ vẫn bắt và bỏ tù ngài đến hai lần. Trong thời gian này, ngài cũng quy tụ hai nhóm bạn để cùng nhau làm việc tông đồ, nhưng cả hai lần đều thất bại. Nhóm bạn nhanh chóng tan rã. Nhận thấy rằng việc tông đồ của mình sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có bằng cấp được Giáo Hội công nhận, ngài đã quyết tâm sang Paris để học. Tại đây, ngài đã gặp và kết bạn với Phêrô Favre và Phanxico Savie. Hai sinh viên trẻ này đã sớm có ấn tượng về đời sống thiêng liêng của Inhaxio. Ba người giúp nhau trong học tập và nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau.
Sau đó, cũng có một số người khác được đời sống của Inhaxio cảm hoá. Họ trở thành một nhóm bạn thân thiết, có chung với nhau một lý tưởng là phục vụ Chúa bằng cả cuộc đời mình. Tại Monmatre, họ đã tuyên khấn khiết tịnh và khó nghèo để sống cho lý tưởng này. Tất cả họ đều muốn đến Giêrusalem để sống và chết cho Chúa. Nhưng vì lý do khách quan, họ đã không đi được. Họ không biết làm gì nên đành quay về Roma, với ý định sẽ đặt mình dưới quyền sai khiến của Đức Thánh Cha. (Đây chính là tiền thân của lời khấn thứ tư trong dòng Tên: vâng phục Đức Thánh Cha trong những gì liên quan đến sứ mạng). Họ chia ra thành những nhóm nhỏ để về.
Inhaxio đi cùng với hai người nữa. Đến một nhà nguyện nhỏ ở La storta, đang lúc cả ba đang cầu nguyện thì Inhaxio được ban cho một thị kiến nữa. Ngài thấy Chúa Cha, tay chỉ vào ngài, mắt nhìn Chúa Con đang vác thập giá và nói rằng: “Ta muốn con nhận người này là người phục vụ.” Chúa Con đã nhìn Inhaxio và nói rằng: “Ta muốn con phục vụ Chúng Ta.”
Đối với Inhaxio, thị kiến này chính là một sự xác chuẩn cho ý muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội của ngài. Đã từ lâu, ngài đã cầu xin Mẹ Maria đặt ngài với Con của Mẹ. Giờ đây, chính Ba Ngôi Thiên Chúa đến với ngài như một sự đồng ý. Với thị kiến này, Inhaxio tin tưởng hơn vào những gì ngài mà nhóm bạn đã hoạch định, rằng việc ngài đi về Roma là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Về tới Roma, nhóm bạn đã nhanh chóng gặp Đức Giáo Hoàng và trình bày ước nguyện. Đức Giáo Hoàng đã rất vui khi có một nhóm người vừa tri thức vừa thiêng liêng đồng tâm hiệp lực giúp đỡ mình. Thế rồi, Giáo Hoàng đã trao cho họ những sứ mạng quan trọng ở khắp nơi trên thế giới.
Trước nguy cơ nhóm có thể tan rã vì mỗi người một phương, chẳng biết có còn gặp lại nhau nữa không. Họ đã nảy sinh một ý tưởng: hãy thành lập một dòng tu. Trước đây, họ đã khấn hai lời khấn khiết tịnh và khó nghèo rồi. Giờ đây, chỉ cần chọn một người và khấn lời khấn vâng phục người đó nữa thôi là được. Qua hai lần bỏ phiếu, tất cả đều chọn Inhaxio làm bề trên. Inhaxio, dù không muốn, nhưng nhận thấy đó là ý Chúa nên cũng chấp nhận. Năm 1551, bản Định Thức Thể Chế của dòng Tên được Giáo Hoàng phê chuẩn. Từ đó, một dòng tu mới ra đời. Inhaxio đã sống tại Roma từ đó cho đến cuối đời. Ngài viết thư điều hành dòng, nâng đỡ anh em, soạn thảo Hiến Pháp. Ngài qua đời tại căn phòng nhỏ của mình vào năm 1556 và được phong thánh năm 1622. Hội dòng mang tên Giêsu (dòng Tên) không ngừng lớn mạnh từ đó và luôn theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và các linh hồn mà Đấng Tổ Phụ đã khơi lên.
Mỗi người sinh ra đều có một lịch sử, một câu chuyện và một sứ mạng. Câu chuyện cuộc đời của mỗi người không ai giống ai nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai có thể ngờ rằng một chàng thanh niên ham quyền lực và đầy tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn như Inigo lại có ngày trở thành một vị thánh, Đấng Sáng Lập một dòng tu nổi tiếng và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới như hiện nay? Từng bước đường Chúa dẫn Inhaxio đi, y hệt như một hành trình đầy huyền nhiệm, qua những khúc quanh co, đến những chỗ gập ghềnh, rồi sau khi để mình hoà tan vào bàn tay Chúa, Inhaxio tiến vào cung điện thánh, nơi ngập tràn vinh quang gấp tỷ tỷ lần những lâu đài xa hoa mà ngài thấy nơi trần thế. Vào những năm cuối đời, Inhaxio khẳng định rằng: “Ngài muốn gặp Chúa lúc nào cũng được!” Đây hẳn là điều mà mỗi người chúng ta đều ao ước, không chỉ riêng những tu sĩ dòng Tên con cái của Ngài, nhưng còn của hết thảy mọi tín hữu trong Giáo Hội. Dễ thôi: hãy cứ để lòng mình mềm ra, hãy cứ để Chúa thoải mái thực thi điều Chúa muốn trên cuộc đời mình, hãy cứ để Chúa dẫn mình đi, Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta những điều kì diệu như Ngài đã làm trên cuộc đời thánh Inhaxio. Ai biết được…! ( Thầy Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ )
Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, 17/4, chúng tôi dậy sớm, tập họp lúc sáng sớm 6:30, lên xe buýt khởi hành đến linh địa Cha Thánh Piô tại San Giovanni Rotondo, cách xa Roma hơn 380 cây số, mất khoảng hơn 5 giờ xe chạy.
Nguyện Kinh Sáng, cả đoàn dâng ngày hành hương cho Chúa và Đức Mẹ thánh hoá. Rồi cùng vui vẻ điểm tâm ngay trên xe. Suốt quãng đường dài, chúng tôi nhộn nhịp sinh hoạt, kể chuyện, đố vui, hát thánh ca, cho bớt háo hức và sốt ruột. Anh Giuse Nguyễn Phương Điệp cũng đọc cho đoàn nghe lịch sử của Cha Thánh Piô để mọi người hiểu được khái niệm khi đến thăm viếng nơi này.
Đến San Giovanni Rotondo lúc 11:30, chen chúc đông đảo khách hành hương. Trước tiên, chúng tôi đến viếng Nhà nguyện Đức Mẹ Ban Ơn. Cha GB cặn kẽ giải thích mục đích đến linh địa này, cùng mời gọi mọi người hiệp ý cầu xin.
– Xin Chúa cho chúng con biết sống ý thức hơn, biết đem Tin Mừng Lòng Thương Xót Chúa đến cho mọi người, như Cha Thánh Piô đã từng sống.
– Lạy Mẹ xin luôn luôn yên ủi chúng con, trong cuộc đời sống phù vân. Xin Mẹ luôn che chở, gìn giữ chúng con…
Rồi chúng tôi được hướng dẫn xuống hầm mộ Cha Thánh Piô được mai táng tại đó từ năm 1968 -2008. Sau đó được cải táng về nhà thờ mới.
Vì khách hành hương ngày càng đông, nhà thờ cũ không thể đáp ứng nổi, nên ngôi nhà thờ mới được xây dựng gần đó với lối kiến trúc thật độc đáo. Nhà thờ lớn ở phía trên đóng cửa, chúng tôi không thể vào thăm được. Nhà thờ đặt thi hài cha Pio ở dưới hầm thì mở cửa, chúng tôi được Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải hướng dẫn vào thăm viếng. Bước vào ai cũng ngạc nhiên về vẻ đẹp tuyệt mỹ của ngôi thánh đường này.
Phía ngoài, toạ lạc nhà nguyện Thánh Thể với cửa vào màu vàng sang trọng và linh thiêng, trang trí bằng những hình bằng Mosaic thật huy hoàng và ý nghĩa.
Bước vào bên trong thánh đường lớn hơn nơi đặt thi thể Cha Thánh Piô, chúng tôi thành kính cầu nguyện. Rồi lần lượt đến viếng xác Ngài trong lồng kiếng. Nguyện xin Ngài cầu bầu cho những ý nguyện âm thầm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng dành thời gian để chiêm ngắm công trình nghệ thuật Mosaic thật tuyệt vời của ngôi thánh đường này. Tất cả trần của thánh đường đều được trang trí bởi nghệ thuật ghép đá Mosaic. Tường xung quanh cũng thế, nhưng đặc sắc hơn, Linh Mục Marco Ivan Rupnik, người Slowenien, tu sĩ dòng Tên, (cũng tác giả của Logo năm thánh Lòng Thương Xót) đã thực hiện những bức hình Mosaic diễn tả các câu chuyện trong Thánh Kinh. Đây chính là một công trình tuyệt đẹp của nghệ thuật thánh thời hiện tại.
Sau đó, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hình ảnh thật rõ ràng về năm Dấu Thánh Chúa trên thân thể Cha Thánh Piô, cùng những thánh tích khác của ngài, như chiếc áo lễ cuối cùng ngài mặc ngày 22-6-1958, những chiếc khăn thấm máu từ các vết dấu đanh của ngài, toà giải tội ngài dành cho hối nhân, tủ thư từ của giáo dân kháp nơi gởi tới,…
Được Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải liên lạc ghi danh trước, đoàn được hiệp dânh thánh lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành ngay bên mộ phần cũ Cha Thánh vào hồi 15:30. Thật là một hồng ân cao cả và quý hoá cho chúng tôi, khi được chung hưởng diễm phúc này. Tạ ơn Chúa!
Trong bài giảng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, Cha GB thú thật rằng hết sức bất ngờ, khi thấy một hình ảnh rất trùng hợp trong nhà thờ mới, nơi đặt thi thể Cha Thánh Piô. Ngay phía trên bàn thờ gắn phù điêu Con Chiên và một đoàn người chung quanh cùng thờ lạy, đúng như trích đoạn Sách Khải Huyền hôm nay: “Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.”(Kh 7, 9, 14b-17)
Con Chiên Giêsu bị đem đi giết để cứu chuộc tội lỗi của chúng ta. Chiếc áo trắng chúng ta mặc trong ngày nhận lãnh bí tích rửa tội, lắm lúc bị hoen ố nhơ nhớp, vì những tội lỗi chúng ta đã phạm, những khi chúng ta làm mất lòng Chúa, xa lánh Chúa. Nhưng Ngài đã dùng tình yêu để xóa đi những tì vết đó, cho thấy LTX bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta vô bờ bến.
Hiện nay, lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt, xin Chúa ban cho chúng ta những Chủ Chăn Nhân Lành, đến an ủi, băng bó và chăm sóc bầy chiên đang bơ vơ, lạc lõng thiếu người chăn dắt. Cũng trong tâm tình này xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ơn gọi tu sĩ Linh Mục, để có thể bền vững hơn trong Đức Tin theo Chúa đến cùng.
Thánh lễ kết thúc, chúng tôi nhận phép lành và ra về trong bình an của Chúa, của Cha Thánh Piô. Một ngày thật dài nhưng cũng thật hạnh phúc. Trên đường trở về lại Foyer mọi ngưòi tiếp tục lần chuỗi Mân Côi cảm tạ. Khấn xin Mẹ cầu bầu cho cuộc hành hương gặt hái được nhiều thành quả Tin, Cậy, Mến. Trước khi xe về đến nhà nghỉ, Cha GB không quên dâng kinh tối với mọi người và ban phép lành cho tất cả được an giấc, hầu chuẩn bị chương trình cho ngày hôm sau. Chúng tôi về đến Foyer lúc 23:10.
(Còn tiếp)
Thérèse Huỳnh Thị Thúy Hằng