Hạt lúa trơ trọi (17.03.2024 – Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay, Năm B)

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai Cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

3) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do Thái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12,26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: HẠT LÚA TRƠ TRỌI

“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi
thì nó vẫn trơ trọi một mình.
Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.
Ðó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ,
nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình.
Tại sao tôi phải chết để người khác được sống?
Chết để sinh nhiều bông hạt ư?
Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ?
Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.
Tôi chấp nhận trơ trọi một mình.
Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn.
Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau,
nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là.

Tiếc thay, lúc giữ được tất cả
tôi lại thấy mình mất tất cả,
vì mất ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.
Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương,
tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt,
đó là buông ra và trao hiến.
Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất.
Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ
ngay lúc này, ngay ở đây, cho tôi.
Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ,
tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt
khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình,
ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình,
để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi:
“Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ,
đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu,
những điều đó đã làm chính Ðức Giêsu dao động.
“Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến
Thầy biết nói gì đây?
Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này chăng?
Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (c. 27)
Ðã có những giây phút giằng co, ngần ngại,
đã có những cuộc chiến Vườn Dầu ở trong tôi.
Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện,
tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát.
Sau nhiều lần dám liều mất tất cả
để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều,
tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt
như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng.

Xin Ðức Giêsu bị đóng đinh kéo tôi lên với Ngài,
kéo tôi lên khỏi đất, kéo tôi ra khỏi tôi.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hại giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Ðã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người,
chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Ðể chọn tha nhân và Thiên Chúa,
chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
đi từ cõi chết đến nguồn sống,
đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
trước Ðấng Tuyệt Ðối và tha nhân. Amen.

Suy niệm 2: GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH

Trong Tin Mừng Gioan, khi cuộc Khổ nạn gần kề,
Đức Giêsu nói về bình an như quà tặng cho các môn đệ.
“Thầy để lại bình an cho các con,
Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27; 16,33).
Khi phục sinh và hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa,
Chúa Giêsu cũng ba lần chúc họ bình an (Ga 20,19.21.26).
Bình an thì ngược với xao xuyến,
nên Đức Giêsu cũng hay căn dặn các môn đệ:
“Lòng anh em đừng xao xuyến hay sợ hãi!” (Ga 14,1.27).

Những lời trấn an trên đây của Đức Giêsu
dễ khiến ta tưởng Ngài suốt đời chẳng một lần xao xuyến.
Thật ra, Tin Mừng Gioan kể Đức Giêsu xao xuyến ba lần.
Ngài xao xuyến trước cái chết của Ladarô (Ga,11,33).
Ngài xao xuyến khi nói về sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21).
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng xao xuyến
trước cái chết sắp đến của chính mình (Ga 12,27).
Ngài biết Giờ của Ngài đã đến (Ga 12,23).
Giờ Ngài được Cha tôn vinh
cũng là giờ Ngài được giương cao trên thập giá.
Đức Giêsu linh cảm về cách chết sắp đến của mình (Ga 12,33).
Điều đó khiến Ngài xao xuyến, đến nỗi không biết phải nói gì.
Nhưng Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan có sự khác biệt.
Ngài không xin Cha cất chén đắng để tránh cho mình cái chết.
Ngài tự đặt câu hỏi và tự trả lời:
“Con mà xin Cha cứu con khỏi Giờ này ư? Không đâu!
Bởi lẽ vì mục đích này mà Con đến với Giờ này” (Ga 12,27).
Đức Giêsu đã nhiều lần nói Giờ chưa đến (Ga 2,4; 7,30; 8,20).
Ngài mong Giờ ấy đến, và nay Giờ ấy đã đến.
Xao xuyến và sợ hãi không làm Ngài thoái lui,
vì Ngài biết Cha là chủ của Giờ này.

Không để cái chết làm mình suy sụp, không để xao xuyến lấn át,
Đức Giêsu nhìn cuộc Khổ Nạn với cái nhìn đầy hy vọng.
Ngài ví mình như hạt lúa, rơi vào trong đất.
Cái chết của một hạt lúa là điều kiện để tạo ra muôn hạt khác.
Ngài chấp nhận cái chết và từ khước giữ sự toàn vẹn cho mình.
Hạt lúa giống biến đi để nhiều hạt khác xuất hiện.
Thật ra, cái chết không làm Ngài bị biến đi hay mất đi.
Trái lại, đó là cách Ngài giữ được mạng sống (Ga 12,24-25).
Ai coi thường mạng sống ở đời này, sẽ giữ được nó cho đời sau.
Đức Giêsu không coi cái chết là dấu chấm hết hay chấm than.
Ngài coi đó là cửa mở vào sự sống vĩnh cửu.

Đức Giêsu biết mình là Ánh sáng đến trong thế gian.
Có lúc Ánh sáng ấy như mất đi (Ga 12,35-36; 9,4-5).
Satan thủ lãnh thế gian và bóng tối có vẻ thắng thế,
kỳ thực nó “không làm gì được Thầy” (Ga 14,30).
Hơn nữa, đã đến lúc nó “sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12,31).
Cái chết nhục nhã trên thập giá là sự giương cao lên khỏi đất.
Cái chết này có sức hút mãnh liệt vì là cái chết của Ngôi Lời.
Cái chết của Con Một Thiên Chúa có sức nâng kỳ diệu,
kéo mọi người lên với Ngài chẳng trừ ai (Ga 12,32),
vì Ngài muốn những ai theo Ngài được ở bên Ngài mãi mãi.
“Thầy ở đâu, họ cũng ở đó” (Ga 12,26; 14,3; 17,24).
Đó là ước mơ lớn của Thầy Giêsu.
Thầy Giêsu không muốn hưởng hạnh phúc một mình.
Thầy muốn các môn đệ gắn bó keo sơn với Thầy:
phục vụ Thầy, theo Thầy, ở với Thầy (Ga 12,26)
và được Thầy kéo lên với Thầy (Ga 12,32).
Cái chết của Đức Giêsu cho ta được ở bên Ngài trong nhà Cha.

Cuộc sống người kitô hữu không tránh khỏi những cái chết,
chết mỗi ngày như hạt lúa mục nát, nằm sâu trong đất.
Cuộc sống người kitô hữu không tránh khỏi bị xao xuyến,
khi đứng trước thế lực của bóng tối, của bạo quyền.
Nhưng Đức Giêsu cho chúng ta sự kiên định, bất khuất,
để luôn hy vọng và không bao giờ bỏ cuộc vì sợ hãi.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã yêu mến con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa,
Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa,
Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi Chúa đòi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
chỉ vì hạnh phúc vĩnh cửu của con thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J