Hỏi: Xin giải thích cho tôi hiểu câu “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”. Thế thì chẳng lẽ người không theo đạo Công Giáo thì không được vào Nước Trời à?
Trả lời:
Ơn cứu độ được ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới (x. Cv 4,12). Thánh Thần đã ban ơn cứu độ này qua Thân Thể của Người là Giáo Hội. “Ai nghe anh em là nghe Thầy và ai chối bỏ anh em là loại trừ Thầy, và ai chối bỏ Thầy thì cũng là chối bỏ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).
Trích dẫn từ nhiều văn kiện của Công Đồng Vatican II và của Đức Phaolô VI, sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 776 giải thích rằng:
“Xét như một bí tích, Giáo Hội là công cụ của Đức Kitô. Giáo Hội được Người sử dụng như công cụ để mang ơn cứu độ cho tất cả mọi loài, bí tích phổ quát của ơn cứu độ, mà qua đó Đức Kitô đã diễn tả và hiện thực hóa đầy đủ mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Giáo Hội là kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại vì Thiên Chúa muốn rằng toàn thể nhân loại trở thành một Dân của Chúa, làm nên một Nhiệm Thể của Đức Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”
Có hai vấn đề chính xảy đến liên quan đến giáo huấn “extra ecclesiam nulla salus” của Giáo Hội. Một vài người cho rằng giáo huấn này vừa sai lầm, vừa thể hiện sự kiêu ngạo. Những người khác thì giải thích phát biểu này theo kiểu kết án những ai minh nhiên chối bỏ việc hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Để có thể hiểu đúng giáo huấn này, chúng ta phải xem xét nó trong bối cảnh của mặc khải và lịch sử Giáo Hội. Việc xem xét này sẽ cho chúng ta biết rằng câu này không nhằm diễn tả việc ai được lên Thiên Đàng, ai phải xuống Hỏa Ngục, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xét điều này. Đúng hơn, câu này có ý diễn tả một sự hiểu biết về Giáo Hội trong tương quan giữa vai trò của Giáo Hội với ơn cứu độ của thế giới.
Dịch nghĩa
Nhiều người đã dịch câu Latin “extra ecclesiam nulla salus” thành “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.” Chuyển dịch như thế này dường như không diễn tả đúng ý nghĩa của câu Latin, có khi còn khiến cho người ta hiểu nhầm.
Từ “extra” trong tiếng Latin vừa là trạng từ vừa là giới từ. Tùy thuộc vào cách sử dụng trong câu mà từ đó có nghĩa khác nhau. Khi dùng để diễn tả tương quan về không gian giữa các đối tượng, từ này có nghĩa là “bên kia” hay “bên ngoài” (ví dụ: James ở bên ngoài căn phòng). Còn khi nó dùng để diễn tả những tương quan trừu tượng giữa các khái niệm hoặc những vật không thể cầm nắm được thì nó có nghĩa là “nếu không”, “mà không” (ví dụ: không có phương pháp, thật khó mà dạy). Trong câu Latin kia, từ “extra” là một giới từ diễn tả tương quan trừu tượng giữa Giáo Hội với ơn cứu độ, nên trong sắc thái Latin của từ này, cần phải hiểu là “không có Giáo Hội thì cũng không có ơn cứu độ”. Dịch như thế này thì phản ánh đúng hơn ý nghĩa của giáo huấn của Giáo Hội.
Nền tảng Kinh Thánh
Trong Tin Mừng theo thánh Maccô, sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra với mười một tông đồ và trao cho các ông sứ mạng “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và rao giảng Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án”(Mc 16,15-16).
Để có thể đón nhận hay chối bỏ Tin Mừng, thì trước hết, phải có việc người đó tiếp xúc với Tin Mừng. Nếu việc chối bỏ hay đón nhận chân lý được đặt nền trên những mặc khải tư dành cho cá nhân người này người kia thì chẳng cần Đức Kitô sai phái các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng. Đức Kitô muốn mặc khải chính mình thông qua Giáo Hội, là chính thân thể của mình. Đoạn Tin Mừng trên kết án những ai chối bỏ chân lý, chứ không kết án những ai vì lý do gì đó mà chưa được nghe đến Tin Mừng như Đức Kitô muốn.
Khi viên sĩ quan đến gặp Đức Giêsu ở Caphacnaum và xin Người chữa lành bệnh cho tên đầy tớ của mình, Đức Giêsu đã đồng ý đến nhà ông, nhưng vị này đã nó rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin chỉ phán một lời thì đầy tớ của con sẽ được lành” (Mt 8,8). Đức Giêsu trả lời: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Apraham, Ixaac và Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ra sẽ phải khóc lóc nghiến răng.(Mt 8,10-13)
Đức Giêsu đã làm rõ sự khác biệt giữa những người là con cái của Nước Trời (những ai biết và đón nhận đức tin) và những người không phải là con cái Nước Trời. Người đã tính vào Nước Trời rất nhiều người tưởng chừng như không phải. Đức Giêsu đã ban ơn cho chúng ta qua việc nhập thể, và người ta nhận biết sự hiện diện của Người qua Giáo Hội. Giáo Hội gánh lấy công việc của Đức Kitô tại thế. Những ai mà Giáo Hội chưa thể mang Tin Mừng đến được thì Thiên Chúa sẽ xét xử theo cách mà chỉ có Chúa biết theo lòng nhân từ của Ngài. Như thánh Phaolô nói:
“Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê, nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng.” (Rm 2,10-13)
Thánh truyền
Những ai cho rằng Thiên Chúa giới hạn ơn cứu độ chỉ cho tín hữu Công Giáo thì trích dẫn lời của các Giáo Phụ để chứng minh cho lập trường của mình. Dù khoảng cách về không gian không cho phép chúng ta phân tích triệt để về các vị, nhưng cũng cần phải lưu ý đến vài điều. Thứ nhất, chúng ta phải hiểu các Giáo Phụ trong văn cảnh của họ, chứ không phải trong bối cảnh của người trích dẫn. Phần lớn các Giáo Phụ viết về đề tài này đều bận tâm đến những người đã tin hay đã nghe nói đến chân lý, nhưng lại chối bỏ nó. Nhiều người trong số họ tin rằng cả thế giới này đều đã nghe biết về Tin Mừng. Những lời của họ không có ý nói đến những ai, không phải do lỗi của mình, mà không biết đến Tin Mừng của Đức Kitô.
Các Giáo Phụ xác định mạnh mẽ mối nguy của việc quyết tâm loại trừ Giáo Hội. Chẳng hạn, thánh Inhaxio thành Antiokia đã viết vào khoảng thế kỷ thứ 2 rằng: “Anh em thân mến, đừng để bị lừa gạt, nếu có ai theo lạc giáo, người ấy sẽ không được thừa hưởng Nước Chúa” (Thư gửi cho các tín hữu ở Philadenphia 3,3). Vào thế kỷ thứ 3, thánh Cyprian thành Carthage viết rằng: “Bất cứ ai tách ra khỏi Giáo Hội và gia nhập lạc thuyết Tà Dâm, người ấy bị tách ra khỏi lời hứa của Giáo Hội và những ai từ bỏ Giáo Hội cũng sẽ không được hưởng phần thưởng của Đức Kitô. Anh ta là một kẻ xa lạ, một tên trần tục, một kẻ thù” (Hiệp Nhất Giáo Hội Công Giáo 6,1). Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Jerome viết: “Những kẻ lạc giáo thì mang bản án trên mình vì với chọn lựa của mình, họ đã tách ra khỏi Giáo Hội, và vì họ ý thức về điều đó, việc tách ra đó sẽ làm nên bản án kết tội họ” (Chú giải thư Titus 3,10-11).
Tuyên bố của Huấn Quyền
Qua lịch sử Giáo Hội, Huấn Quyền đã chấp nhận và tổng hợp lại giáo huấn này. Nhận thấy rằng Thiên Chúa sẽ phán xét con tim của chúng ta qua những ơn lành mà chúng ta nhận được trong sự suy xét đến tính vô tri của chúng ta – một sự-không-biết mà không phải do lỗi của mình. Tất cả những ai hiểu biết chân lý thì được giả định là sẽ đón nhận nó. Những ai không được ban cho ơn này thì sẽ được xét xử theo luật được khắc ghi trong con tim của họ. Hai ví dụ đáng lưu ý cho luận điểm này được tìm thấy trong Trọng Sắc Unam Sanctamcủa Đức Boniface VIII và Thông Điệp Quanto Conficiamur Moerore của Đức Piô IX.
Đức Boniface VIII đã viết về bản chất của Giáo Hội và quyền tối cao của Giáo Hoàng. Ngài không viết về việc kết án những ai chưa hề nghe biết về Tin Mừng. Sau khi nói về chân lý rằng chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa và một Giáo Hội, ngài giải thích rằng thẩm quyền tối cao của Giáo Hoàng nằm ở cả bình diện trần tục lẫn thiêng liêng. Thế rồi, ngài kết thúc rằng: “Chúng tôi làm rõ, nói, xác định và tuyên bố rằng để mọi người được ơn cứu độ, người ấy phải tuyệt đối phục quyền của Đức Giáo Hoàng.” Đây không phải là một phát biểu đòi người ta phải biết đến quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng để được cứu độ, nhưng đúng hơn, nó muốn nói đến một sự thật rằng Đức Giáo Hoàng nhận thẩm quyền từ Thiên Chúa như người kế vị hợp pháp của Thánh Phêrô, người mà Chúa chúng ta đã trao cho chìa khóa Nước Trời.
Đức Piô IX cũng diễn tả rõ ràng giáo huấn này một thế kỷ trước. Bài viết của ngài phân biệt giữa những ai tự bản chất không biết đến Tin Mừng và những ai cố ý muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội:
“Dĩ nhiên, có những người không biết đến tôn giáo thánh của chúng ta. Chân thành mà nói, khi tuân giữ luật tự nhiên và những đòi hỏi mà Thiên Chúa ghi khắc trong con tim và sẵn sàng vâng phục Thiên Chúa, họ sống một đời sống tốt lành và có thể thừa hưởng sự sống đời đời nhờ ánh sáng và ơn sủng của Chúa chiếu tỏa trên nhân đức của họ. Vì Thiên Chúa biết, tìm kiếm và hiểu rõ tâm trí, con tim, tư tưởng và bản chất của tất cả, sự tốt lành và khoan dung tối cao của Ngài không cho phép bất cứ ai không biết mà lại chịu hình phạt đời đời. Chúng ta cũng biết rõ là không ai có thể được cứu mà không qua Giáo Hội Công Giáo. Người ta sẽ không thể có ơn cứu độ đời đời khi chống lại thẩm quyền và giáo huấn của Giáo Hội và ngoan cố tách ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội và vị kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng, người được giao nhiệm vụ trông coi vườn nho mà Đấng Cứu Độ đã trao phó.”
Để diễn tả giáo huấn chân chính của Giáo Hội, Hội Đồng Giám Mục cũng đã giải thích học thuyết này trong bối cảnh của thần học bí tích quy Kitô của Vatican II. Với lời của thánh Phaolô, Công Đồng đã diễn tả Giáo Hội như là Hiền Thê và là Thân Thể của Đức Kitô (Lumen Gentium, các số 6 và 7). Đức Giêsu là một với Hiền Thê của mình là Giáo Hội (x. Ep 5,32). Cả hai cùng làm một Thân Xác hữu hình của Đức Kitô tại thế. Đức Kitô là đầu và Người thực thi chức năng qua Thân Xác, chính là bí tích cứu độ (Lumen Gentium, số 9). Ngài thực thi chức năng với ai? Cả thân thể của Ngài và những phần tách ra khỏi thân thể ấy, mà Ngài cố gắng lôi kéo về trong chính Ngài (ibid., số 13). Theo đó, Giáo Hội phân phát ơn cứu độ mà Đức Kitô đã chiến thắng được. Những ai biết mà từ chối ơn này thì sẽ mất. Những ai đón nhận thì được cứu. Những ai không có cơ hội để nhận ơn này thì có thể được cứu nhờ sự hiện diện của Giáo Hội trên thế giới này (x. 1Cor 7,12-16). Giả như họ có được cứu thì họ cũng được cứu nhờ Giáo Hội dù không nhận biết được ơn đó.
Tóm lại
Giáo huấn này về Đức Kitô và về Giáo Hội của Người không có ý đề cập đến sự dửng dưng hay loại trừ. Bí tích rửa tội và sự hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo là đảm bảo duy nhất về ơn cứu độ nhưng không phải là phương tiện duy nhất. “Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ trong Bí Tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài thì không bị ràng buộc bởi các bí tích” (GLHTCG, số 1257)
Thánh Ý của Thiên Chúa là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Để thực thi thánh ý này, Đức Giêsu đã sai các Tông Đồ đi truyền giảng Tin Mừng và rửa tội cho những ai muốn có ơn cứu độ ấy (Mc 16,16). Người ban cho chúng ta Bí Tích Rửa Tội và sự hiệp nhất với Giáo Hội như phương tiện thông thường của ơn cứu độ. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành người chia sẻ đời sống với Đức Kitô. Khi chúng ta thông dự vào sự sống tròn đầy trong Giáo Hội, chúng ta trở thành những người con ngoan của Cha trên trời, và của Mẹ là Giáo Hội. Để đảm bảo ơn cứu độ cho tất cả mọi người, chúng phải thực thi lệnh truyền của Đức Kitô là đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới và mang tất cả vào trong Thân Thể Người là Giáo Hội.
Vì Thiên Chúa không bị giới hạn trong các bí tích, nên Ngài có thể ban ơn cứu độ cho tất cả những ai Ngài muốn theo cách mà chúng ta không thể biết được. Đây chính là nền tảng của giáo huấn Giáo Hội về việc “rửa tội bằng ước muốn” (GLHTCG số, 1258 – 1260, 1281). Chẳng hạn, việc rửa tội theo cách này được thực thi khi một người muốn lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy nhưng đã chết trước khi chịu phép rửa thực sự, hay khi người ta chết mà không minh nhiên nhận biết Đức Kitô, nhưng đã sống theo chân lý. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể phán xét và quyết định vận mệnh đời đời của những linh hồn này.
PHILIP C. L. GRAY
(www.catholiceducation.org)
Chuyển ý: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ