SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV P/S 2015
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH ( Ga 10, 11-18)
HÌNH ẢNH CON CHIÊN
Vâng, hình ảnh con chiên không quen thuộc với người Việt Nam, nhưng từ ngữ “ con chiên “thì không xa lạ với người Kitô hữu. Con chiên không được nuôi phổ biến ở Việt Nam, nhưng là con vật rất gần gũi, thân thiện với người dân Trung Đông, nhất là người Do-thai. Vì chiên là con vật hiền lành, được nuôi để lấy thịt, lông sữa. Thức ăn của chiên thường là cỏ, không cần chuồng như trâu bò ở Việt Nam. Chiên thường nghe tiếng chủ, tiếng nói, hoặc gọi của chủ là một thứ âm thanh quen thuộc, không lẫn lộn để chăn dắt chiên.
Vâng , chương 10 của Tin Mừng Gioan là một chương nói về hình ảnh “ người mục tử ”, tức người chăn chiên. Một hình ảnh mà chính Chúa Giêsu đã dùng để nói lên sứ vụ Thiên Sai của Người. Sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người.
Chúa Giêsu đã đồng hóa chính Người như là ” Vị Mục Tử nhân lành ” đã hiến mình vì đoàn chiên. Một đặc điểm thích hợp với “ vai trò “ mục tử nhân lành, mà chính Chúa Giêsu đã xác nhận, đối với đoàn chiên thật là chí lý. Bởi vì, chiên là một loài vật rất hiền lành, nhưng nếu người chăn dắt nó tức “ mục tử ” mà không nhân lành thì thật là “ đáng sợ ”. Bởi vì, thực tế theo nghĩa đen đã có không ít “ mục tử bất lương “, chỉ biết khai thác nơi con vật hiền lành , mà họ “ nuôi ” để khai thác.
Người mục tử, mà chính Chúa giêsu đã đề cập đến trong tin Mừng là “ Người Mục tử Nhân Lành ”, nghĩa là người mục tử ấy phải vì “chiên”, chứ không phải ” chiên “ vì người mục tử ấy.
Chúa Giêsu muốn mặc khải cho muôn thế hệ biết rằng :” Người là Vị Mục Tử nhân Lành”, vị mục tử đích thực, mà Chúa Cha sai đến để cho “ chiên được sống và sống dồi dào” ( Ga 10, 10).
Vâng, Tu là sống : Sống phải Tu : Đó là lý tưởng mà Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại. Người đã treo gương qua hình ảnh “ Vị Mục Tử Nhân lành”.
Thế nào là : “Mục Tử nhân lành” ? Thưa, chính Người đã giải đáp và định nghĩa : ”… hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên “ ( c 11) . Một định nghĩa lý tưởng , nhưng đã trở thành hiện thực bởi chính Chúa Giêsu. Người không nói suông, nhưng mạng sống của Người tự ý hy sinh và có quyền lấy lại. ( Ga 10, 18 b).
Một dẫn dụ chân thật và thực tế, dễ hiểu , đơn sơ, nhưng đầy nhân bản. Đó là sự sống đích thực, một sự sống hy sinh vì tha nhân. Sự sống đích thực là sự sống vì người khác. Nói cách khác, “ Tu ” là sống cho tha nhân, chứ không sống cho chính mình. Đây là ” phương pháp “ tu của Chúa Giêsu. Theo đó, “ tu “ là “ sự sống ” tốt nhất đối với những ai bước theo Chúa Giêsu.
Trải qua bao thế hệ, những Lời nói của Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, bởi vì Lời của Đấng ban sự sống cho con người qua “ sự hy sinh “ cao cả của Người.
Những ai đã bước theo và thực hành Lời Chúa Giêsu thì đó là bậc ” chân tu ”, dù là ở cấp bậc nào, Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam , nữ, giáo dân ( bậc tu sĩ không chức thánh cũng là giáo dân. ) ,(Giáo dân tận hiến) và giáo dân sống giữa đời. Tất cả , người Kitô hữu nói chúng là người làm chứng cho Chúa Kitô. Mỗi người có mỗi sứ vụ đặc thù riêng, nhưng , ai “sống hết mình “ vì đoàn chiên, thì người đó trở nên “ vị mục tử nhân lành” theo định nghĩa của Chúa Giêsu. Vì , “ Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi “ ( c 14). “ Như Tôi biết Chúa Cha và Chúa Cha biết Tôi “ ( c 15). Động từ “ biết “ ở đây có nhiều ý nghĩa, “ biết “ có nghĩa là : ” khăng khít, gắn bó, yêu mến “, theo ý nghĩa của tiếng Do-thai.
Chúa Giêsu đã định nghĩa bởi sự so sánh rõ ràng như thế, trong một “ tình yêu “ chân thật từ Thiên Chúa là Cha. Qua muôn thế hệ, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người cách lạ lùng, và cứu chuộc con người còn lạ lùng hơn nữa. Bởi vì, có một “Đấng chăn chiên nhân lành” là Chúa Giêsu- Kitô.
Một minh họa thật dễ hiểu, đó là : “ người chăn thuê không phải là mục tử, vì chiên không thuộc về anh ta . Khi thấy sói đến anh ta bỏ chiên mà chạy “ ( c 12).
Làm sao giữa con người với con người, mà lại sống vì nghười khác một cách chân tình được, nếu như không có “Lý tưởng tu ” của Chúa Giêsu. Người đến cho nhân loại được sống dồi dào và sung mãn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con bằng gương “sống” của Chúa qua gương “Vị Mục Tử Nhân Lành ”. Chúa Chiên Lành là trọn một cuộc đời của Đấng Cứu Thế Giêsu – Kitô, Chúa chúng con. Xin thương ban cho chúng con biết noi gương Chúa hằng ngày và mãi mãi biết trở nên “mục tử nhân lành” như Chúa dạy ./. Amen
26/04/2015
P.Trần Đình Phan Tiến