Chiều rơi, khoảng không dần lắng xuống, mọi thứ xung quanh trở nên mờ nhạt, những đàn chim kéo nhau về tổ. Tôi tản bộ về phía dãy nhà bên kia đường cho kịp bữa tối, rồi chợt nhớ ra đám bạn cùng phòng đã về quê hết, vậy là chỉ mỗi mình nhẩn nha gậm nhấm nỗi cô độc. Giữa xứ trời Âu này, giữa những khu phố ồn ào, nhộn nhịp nhưng sao lòng người lại thấy đơn côi, lạc lõng giữa dòng người xuôi ngược. Bất giác, tôi dấy lên nỗi nhớ nhà da diết, nhớ về quê hương nơi tôi lớn lên, về người ba và cũng là người bạn tri kỉ năm nào giờ đã ở mãi thế giới bên kia. Cuộc đời luôn có những khoảng lặng đủ để mình thương tưởng về một miền kí ức xa xăm. Tôi ngồi xuống hàng ghế đá ven đường, nghe thời gian miên viễn về những ngày rêu phong ấy.
Thời bao cấp khốn khó trăm bề, nhiều người chẳng có lấy đất hay ruộng để làm sinh kế. Giữa những túng quẫn ấy, lòng người nhiều khi dao động đến cả luôn niềm tin vào cuộc sống. Nhưng ba tôi, ngày ấy, vẫn không mất đi nghị lực của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ba cùng mấy anh em thân thiết, người bò, người cộ, người nhu yếu phẩm lên rừng xẻ gỗ trên mạn ngược. Cứ độ đầu tháng ba lại đi một lần, ba đi biệt cả hai tuần mới về. Vì thế, kí ức tuổi thơ của tôi về ba thật mờ nhạt, ba không có nhiều thời gian cho tôi, ba phải mưu sinh lo cho cuộc sống của cả gia đình. Tôi còn nhớ lần ba bị sốt rét khi đi rừng, lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được ba phải đau đớn với căn bệnh như thế nào, mẹ đã phải lao đao vất vả, chạy đôn chạy đáo để lo chữa trị cho ba. Tuổi thơ, tôi gắn liền với những viên đường phổi. Mỗi lần đi rừng về ba đều có quà cho tôi, dù chỉ là những viên đường phổi còn dư, ba cất lại để dành cho tôi, nhưng tôi nhảy lên vui sướng khi nhận từ tay ba những viên đường đó. Tuổi thơ, tôi vẫn mong ba về. Đứa trẻ nào cũng thích có quà, nhưng chẳng phải vì viên đường phổi mà tôi mang ba. Mãi sau này, tôi cũng chẳng nói cho ba nghe, thật ra, những năm tháng đó, ba về, đó đã là món quà mà tôi mong mỏi nhất cuộc đời.
Những bài học ba dạy tôi vẫn như còn văng vẳng trong đầu. Tôi vẫn còn nhớ năm đó tôi nằng nặc đòi mẹ mua xe máy. Tôi đưa ra đủ thứ lý dó: “con đã lớn rồi, bạn bè con ai cũng có xe máy, con cần xe để đi học, …”. Ba không trách móc tôi một lời. Ba ân cần giải thích cho tôi hiểu: “nhà mình còn nhiều thứ phải lo, đời sống gia đình mình cũng không khá giả gì, ba thấy việc mua xe máy cũng chưa thật sự cần thiết lúc này”. Với cái tuổi ngang bướng lúc đó, tôi chẳng nghe lọt tai được một lời nào của ba cả. Trong bữa cơm hôm đó tôi đã đập chén cơm còn lưng và bỏ đi tới nhà bạn. Ba không bao giờ mắng tôi dù là những điều nhỏ nhất, những gì ba dạy tôi thành người chỉ là hành động và cách sống của ba.
Tôi còn nhớ vào những dịp lễ tết, mọi người trong nhà ai cũng phấn khởi vì chuẩn bị sẽ có quần áo mới, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Riêng ba, ba không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Mẹ nói sẽ mua quần mới cho ba, ba nói quần còn mang được; mẹ nói mua giày mới, ba nói giày đâu có đứt quai, mới mang được mấy lần. Giờ đây ngẫm lại, hình ảnh ba tần tảo, gầy mòn làm tôi cảm thấy thật sự có lỗi với ba.
Tôi đọc đâu đó: “Sẽ rất đau đớn khi bạn yêu một người nào đó mà không được đáp lại. Nhưng càng đau đớn hơn khi bạn yêu thương một ai đó mà không đủ dũng cảm để nói cho người đó biết bạn yêu người đó đến nhường nào”. Tự dưng tôi cảm thấy lòng mình trống rỗng, tự dưng lục tìm trong kí ức rồi tự hỏi bản thân đã bao giờ nói lời yêu thương với ba chưa? Con thật ích kỉ phải không ba? Tôi đã quên mất rằng tôi chỉ biết nhận mà chưa bao giờ biết cho đi, chưa bao giờ quan tâm đến ba dù chỉ là một lời hỏi thăm lúc ba đau yếu.
Ngày tôi bước vào cổng trường Đại học cũng là ngày ba lìa xa tôi, xa lìa tổ ấm nhỏ. Tôi đã không ngăn nổi những giọt nước mắt khi nghe tin ba đột ngột qua đời. Khi tôi về đến nhà thì ba đã nằm im, gương mặt vẫn hanh hao nhưng đầy mãn nguyện. Một sự im lặng bao trùm căn phòng. Trong những lời nhắn gửi cuối cùng trước lúc ra đi, ba có nhắc đến tôi: “Ba không còn đủ thời gian để chờ ngày con thành công, nhưng ba tin con sẽ làm được, con sẽ đạt được ước mơ của mình, con hãy bước từng bước thật chắc, cố lên con trai”. Nghe mẹ kể lại những lời nói của ba, tôi không ngăn được cảm xúc của mình và cứ thế khóc nấc lên như một đứa trẻ ngày xưa, khi mất đi một món quà.
Thời gian thấm thoát trôi qua, thế là tôi cũng đã chập chững bước đi trên con đường mang tên “cuộc sống” của chính mình. Chặng đường ấy sẽ không xanh tươi, đẹp đẽ như vậy nếu không có công sinh thành dưỡng dục của ba. Lúc nào tôi cũng tự nhủ điều đó, nhưng vì một chút xấu hổ, e dè mà tôi chẳng bao giờ nói ra.
Những điều ba đã làm, đã hy sinh cho tôi tôi không thể đếm hết. Tôi chỉ có thể nói ngay lúc này lời cảm ơn với ba: “Con cảm ơn ba vì đã sinh ra con, cho con có mặt trên cõi đời này, cho con làm con của ba”. Tôi đang sống một cuộc sống riêng của tôi, đôi lúc tôi thấy buồn và trống trải. Tôi không biết liệu tôi có thể tự lập, có thể sống tốt như những gì ba dạy hay không? Nhưng có một điều tôi luôn chắc chắn rằng: tôi sẽ chẳng bao giờ cô đơn vì ở nơi nào đó ba sẽ luôn dõi theo tôi, soi sáng cho tôi trong suốt cuộc đời.
Tác giả: Đăng Vũ
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)