LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ
LỜI CHÚA: Mt 4,1-11
- Bạn thấy chuyện Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả ở Mt 3,16-17 có gì liên quan với chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ ở Mt 4,1-11 không?
- Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu bị cám dỗ mấy lần? Các cơn cám dỗ của quỷ dữ có gì giống nhau?
- Cách chống trả các cơn cám dỗ của Đức Giêsu có gì giống nhau? Ngài dùng những câu Kinh Thánh trích trong sách nào của Cựu Ước?
- Đọc cơn cám dỗ 1 ở Mt 4,3. Bạn thấy quỷ khéo léo và ranh ma ở những điểm nào?
- Đọc cơn cám dỗ 2 ở Mt 4,6. Thế nào làthử thách Thiên Chúa? (Đnl 6,16). Tại sao Đức Giêsu không nhảy xuống để chứng minh mình là Con Thiên Chúa?
- Đọc Mt 4,8-10. Quỷ cám dỗ lần thứ ba có gì khác với hai cơn cám dỗ trước? Đức Giêsu chống lại lần thứ ba này có gì khác với hai lần trước?
- Đọc Mt 4,11 b. Bạn thấy câu này có gì liên quan đến cơn cám dỗ 1, 2 và 3 không?
- Đọc cả bài Tin Mừng này, bạn có học được cách chiến thắng cơn cám dỗ của Đức Giêsu không?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Hãy nghĩ đến một cơn cám dỗ mà bạn quen gặp trong cuộc sống? Bạn có khi nào thắng được nó không? Thắng bằng cách nào? Bạn có dám chia sẻ cho người khác về cơn cám dỗ của bạn không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Đức Giêsu bị cám dỗ (Mt 4,1-11) sau khi Ngài được Gioan làm phép rửa ở sông Giođan (Mt 3,13-17). Từ chỗ Ngài chịu phép rửa đến chỗ chịu quỷ dữ cám dỗ không quá xa. Hoang địa ở đây có thể là hoang địa vùng Giuđê nằm ở phía tây Biển Chết. Khi chịu phép rửa, Đức Giêsu đã được Chúa Cha đã giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Khi vào hoang địa, quỷ dữ muốn cám dỗ Đức Giêsu trong chính tư cách là Con Thiên Chúa. Nó luôn thách Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì…” (Mt 4,3.6). Đức Giêsu đã thắng các cơn cám dỗ, và cho thấy Ngài thật là Con luôn làm hài lòng Cha.
- Trong trình thuật của Mátthêu, Đức Giêsu bị cám dỗ bởi tên cám dỗ (Mt 4,3), còn gọi là quỷ dữ (diabolos, Mt 4,5.8) hay Xatan (Mt 4,10). Ba cơn cám dỗ có những điểm giống nhau. Đó là một cuộc trò chuyện qua lại giữa quỷ và Đức Giêsu. Nó mời Đức Giêsu làm một điều gì đó mà Ngài thấy là ngược với ý Thiên Chúa (biến đá thành bánh, nhảy xuống từ nóc Đền Thờ, sấp mình bái lạy nó). Có khi nó trích cả Kinh Thánh để dụ Đức Giêsu (Mt 4,6) hay nó cho Ngài thấy những vinh quang trần thế (Mt 4,8). Hai lần nó dụ Đức Giêsu lấy quyền là Con Thiên Chúa mà làm điều chẳng nên (Mt 4,3.6). Hai lần nó đưa Ngài lên nơi cao: trên nóc Đền Thờ hay trên một ngọn núi rất cao (Mt 4,5.8).
- Đức Giêsu chống trả ba cơn cám dỗ bằng cách ba lần trích dẫn Lời Chúa (Mt 4,4 trích trong Đnl 8,3; Mt 4,7 trong Đnl 6,16; Mt 4,10 trong Xh 23,24-25). Như thế Lời Chúa là vũ khí chiến đấu của Đức Giêsu. Với thứ vũ khí mạnh mẽ này, Ngài đã làm cho tên cám dỗ phải câm miệng. Đức Giêsu hẳn phải là người có hiểu biết về Kinh Thánh, để có thể dùng những câu Lời Chúa phù hợp để thắng từng cơn cám dỗ của quỷ dữ. Ngài biết dùng Lời Chúa để thắng việc quỷ bóp méo Lời Chúa (Mt 4,6-7).
- Trong cơn cám dỗ đầu (Mt 4,3), quỷ ranh ma đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giêsu trong thời gian này: Ngài đang bị đói sau 40 ngày đêm ăn chay. Cơn cám dỗ này thoạt nhìn có vẻ vô hại, vì biến một viên đá ở hoang địa thành tấm bánh ăn cho đỡ đói, điều này hẳn không phải là một trọng tội. Nhưng Đức Giêsu lại thấy ở đây một vấn đề lớn. Đó là dùng quyền năng Cha ban cho mình trong tư cách là Con, để phục vụ cho nhu cầu của cá nhân mình. Điều này Đức Giêsu không bao giờ làm trong suốt đời mình. Khi đói cồn cào, người ta dễ làm mọi sự cho đỡ đói. Đức Giêsu đã thắng được sự thèm muốn tự nhiên của thân xác. Bánh là điều quan trọng cho sự sống thân xác, nhưng con người còn cần Lời Chúa cho sự sống tâm linh.
- Trong cơn cám dỗ thứ hai (Mt 4,6), hành vi gieo mình xuống từ nóc Đền Thờ có thể được coi là hành động của người có lòng tín thác vào Thiên Chúa, tin chắc Ngài sẽ cứu mình. Nhưng thật ra hành vi ấy lại là dấu hiệu của sự không tin vào Thiên Chúa, tự đưa mình vào chỗ nguy hiểm và ép Ngài phải bảo vệ mình. Thánh vịnh 91,11-12 (được quỷ sử dụng) chỉ nói lên việc Thiên Chúa bảo vệ người tốt khỏi tai họa, chứ không khuyến khích con người tự gây ra tai họa cho mình, để rồi mong Chúa cứu. Đây là tội thử thách Thiên Chúa.
Đức Giêsu từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ, từ chối thử thách Thiên Chúa như dân Ítraen xưa đã làm trong hoang địa (Đnl 6,16). Ngài không muốn nhảy xuống một cách an toàn, để được mọi người tung hô và tin Ngài là Con Thiên Chúa. Sau này Ngài cũng không muốn xuống khỏi thập giá, nhưng muốn cứu chúng ta bằng cách ở lại trên thập giá như một người Con vâng phục.
- Trong cơn cám dỗ thứ ba (Mt 4,8-10), quỷ cám dỗ Đức Giêsu về thèm muốn vinh quang và quyền lực thế gian. Nó hứa cho Ngài tất cả nếu Ngài chịu sấp mình bái lạy nó. Đây là cơn cám dỗ lộ liễu và thô bạo nhất. Chính vì thế Đức Giêsu cũng phản ứng chống lại một cách hết sức quyết liệt: “Cút đi, Xatan.” Và Ngài nhắc lại điều răn quan trọng nhất là thờ phượng một mình Thiên Chúa thôi, vì không có thần nào khác ngoài Thiên Chúa (Đnl 6,14).
- Phản ứng mạnh mẽ của Đức Giêsu khiến Xatan phải rút lui thật sự, thất bại hoàn toàn. Khi Đức Giêsu không lo cho cơn đói của mình, không tìm vinh dự, quyền lực, giàu sang cho mình, nhưng chỉ muốn sống như con thảo của Cha, thì Thiên Chúa đã không bỏ Ngài và sai các thiên sứ đến để lo bữa ăn và mọi sự khác cho Ngài (Mt 4,11). Sự săn sóc ân cần của Thiên Chúa đem lại cho Đức Giêsu niềm vui và hạnh phúc sau cơn thử thách.
- Mùa Chay là thời gian chiến đấu với chính mình. Chiến thắng của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn. Ngài đã thắng nhờ nhiều yếu tố: Ngài đã được Thần khí dẫn vào hoang địa để tĩnh tâm trước khi thi hành sứ vụ, Ngài đã ăn chay 40 ngày đêm, Ngài đã ở đó một mình trong cầu nguyện với Cha của Ngài, Ngài đã học biết về Kinh Thánh và có thể áp dụng vào cuộc sống cụ thể, Ngài có lòng yêu mến Cha đến nỗi không thụ tạo nào có thể chiếm được trái tim Ngài. Chúng ta có thể vượt qua mọi cơn cám dỗ nếu biết sống như Ngài.
WHĐ (25.02.2023)