Ngọc Yến
Vatican News (15.2.2021) – Kỷ niệm cuộc gặp lịch sử ở Cuba giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill cách đây năm năm, Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu đã tổ chức một hội nghị trực tuyến. Hội nghị tập trung về những vấn đề của đại dịch cũng như hướng mọi người đến một cái nhìn tích cực trong thời gian thử thách này.
Cách đây 5 năm, 12/02/2016, một cuộc gặp gỡ lịch sử đã diễn ra tại Cuba giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill. Cuộc gặp gỡ đại kết ở một vùng đất cách xa Roma và Moscow, không phải trong nhà thờ hay đại sảnh của một tòa nhà, mà tại sân bay quốc tế Jose Marti ở Havana. Đây là khung cảnh cho cuộc gặp gỡ giữa hai người anh em cùng nhau tiến bước trong bối cảnh đối thoại đại kết, một trang lịch sử không thể xóa nhòa được viết lên, được phóng chiếu vào tương lai.
Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill của Moscow và toàn nước Nga đã ghi dấu ngày hôm đó, ngày gặp gỡ huynh đệ bằng một cái ôm, và nhấn mạnh trong một tuyên bố chung rằng “cần phải vượt qua những khác biệt lịch sử, cùng nhau nỗ lực làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô và di sản chung của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhất”. Cả hai viết trong tuyên bố: “Với niềm vui, chúng tôi cảm nhận chúng tôi là anh em trong đức tin Kitô”. Hai vị lãnh đạo hai Giáo hội khẳng định cả hai nói với nhau bằng con tim, thảo luận về tương quan hỗ tương giữa các Giáo hội, những vấn đề thiết yếu của các Kitô hữu và viễn cảnh phát triển của nền văn minh nhân loại.
Giáo hội và đại dịch: những thách đố và viễn cảnh
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm cuộc gặp lịch sử đó tại Cuba, hôm 12/02/2021, một hội nghị trực tuyến với chủ đề “Giáo hội và đại dịch: thách đố và viễn cảnh” đã được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu cùng với Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Moscow, trong đó cuộc khủng hoảng hiện tại liên quan đến đại dịch được xem xét. Trong số các tham dự viên có Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Tổng Giám mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và Đức Tổng Giám mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Moscow.
Biến việc cách ly thành thời gian ân sủng và cầu nguyện
Phát biểu tại hội nghị, Đức Hồng y Kurt Koch nhắc lại rằng, sau ngày gặp gỡ tại Havana, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill đã quyết định, hàng năm sẽ kỷ niệm sự kiện này để ghi nhớ tầm quan trọng lịch sử của nó. Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu cũng nhấn mạnh rằng, theo thời gian một điểm cụ thể của tuyên bố chung được đặt vào trung tâm của suy tư. Đối với hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm này, chủ đề được quan tâm là cuộc khủng hoảng virus corona.
Đức Hồng y khẳng định, lần kỷ niệm 5 năm này phải cử hành dưới dạng trực tuyến, điều trong tuyên bố chung tại Havana không ai có thể lường trước được sẽ có một thách đố toàn cầu như vậy xảy ra. Tuy nhiên, liên quan đến đại dịch có nhiều vấn đề cũng đã được tuyên bố chung đề cập.
Trước tiên, các vấn đề liên quan đến sự gắn kết xã hội xuất hiện. Đại dịch đã làm chúng ta phải đưa ra bàn thảo nhiều yếu tố được coi là đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày, trong sự chung sống xã hội của nhân loại, như được chỉ ra cụ thể bằng thuật ngữ “giãn cách xã hội”. Trong khi từ “xã hội” gợi lên sự gần gũi và ở bên nhau, từ “giãn cách” chỉ ra sự tách rời và rời xa. Chúng ta đang đứng trước một thách đố nghịch lý: đúng vào lúc chúng ta buộc phải giữ khoảng cách với nhau, chúng ta càng cảm thấy mình được liên kết với nhau nhiều hơn và chúng ta hiểu rằng chúng ta được kêu gọi sống tình liên đới hơn.
Đức Hồng y cũng dừng lại về sự giống nhau về mặt ngôn ngữ giữa thuật ngữ được sử dụng ở cấp độ của lệnh công cộng về phòng chống virus corona, hay còn gọi là “cách ly”, và thời gian bốn mươi ngày chay tịnh, trong ngôn ngữ phụng vụ của Giáo hội gọi là “Mùa Chay”. Ngài nói: “Theo tôi, thời gian bốn mươi năm trong sa mạc mà dân Israel đã trải qua, và Mùa Chay, cũng có thể được so sánh với việc kéo dài Mùa Chay do đại dịch gây ra. Đại dịch đã khiến tất cả chúng ta, theo một cách mới, quay trở lại thời kỳ sa mạc, thời điểm mà chúng ta đang có những phản ứng giống như dân Israel. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng sau này, khi nhìn lại, dân Israel hiểu bốn mươi năm lưu lạc trong sa mạc là thời gian của tình yêu đầu tiên của Thiên Chúa dành cho Israel và tình yêu của Israel dành cho Thiên Chúa. Tương tự như vậy, chúng ta có thể hy vọng và cầu nguyện rằng thời gian khủng hoảng đại dịch cũng sẽ trở thành thời gian hoán cải cho tất cả chúng ta, trong đó chúng ta một lần nữa hướng về Thiên Chúa như một người yêu sự sống. Đại dịch đã biến Bốn mươi ngày chay tịnh phụng vụ thành khu cách ly do nhà nước quy định. Giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là biến khu vực cách ly thành một Mùa Chay thực sự, tức là thời gian ăn chay và bác ái, thời gian của ân sủng và cầu nguyện”.
Đức Hồng y kết luận: “Chỉ khi với tư cách là một Giáo hội, bắt đầu từ đức tin, chúng ta tìm kiếm và tìm ra những câu trả lời hữu ích cho đại dịch, thì chúng ta mới có thể đóng góp vào việc vượt qua vô số thách đố xã hội, tâm lý, sức khỏe, kinh tế và chính trị do hậu quả của đại dịch”.
Trao một ý nghĩa cho những gì nhân loại đang trải qua
Những lời của Đức Hồng y Koch đã được Đức Tổng Giám mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng lặp lại. Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Tuyên bố chung giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill, tạo thành một cơ hội quan trọng để chúng ta nhận định xem chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành được bao lâu cho lợi ích của một dân duy nhất của Thiên Chúa, những người đã trải qua thảm kịch của đại dịch gần một năm nay”. Đức Tổng Giám mục Fisichella nhắc lại rằng trong tuyên bố chung, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh: “Người Công giáo và Chính thống giáo được mời gọi cộng tác huynh đệ trong việc loan báo Tin Mừng”.
Tuyên bố chung viết: “Thế giới này, nơi những trụ cột tinh thần cho sự hiện hữu của con người dần biến mất, đang mong đợi nơi chúng ta một chứng tá Kitô mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống cá nhân và xã hội. Tương lai của nhân loại phần lớn phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc cùng nhau làm chứng cho Thần Khí sự thật tại thời điểm khó khăn này”.
Đúng như vậy. Thực tế, tại thời điểm khó khăn này, điều cấp bách là phải phục hồi chiều kích thiêng liêng, cho phép chúng ta đưa ra một ý nghĩa cho những gì nhân loại đang trải qua, đồng thời trở thành mục tiêu hướng tới hành động mục vụ của chúng ta.
Trải nghiệm về đại dịch đã gây căng thẳng cho lối sống Kitô giáo truyền thống của chúng ta, và các tín hữu yêu cầu một phản ứng vừa thông minh vừa có khả năng ứng phó với những lo lắng và sợ hãi do đại dịch gây ra. Để điều này được thực hiện, trước hết chúng ta cần nhận thức rằng chúng ta là những người con của thời đại hôm nay. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hành động từ bên trong những vấn đề làm dấy lên sự lo lắng của việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta không ở trên hiện tượng, nhưng chúng ta sống cách mạnh mẽ để hiểu, vượt lên trên những giới hạn, cả những khía cạnh tích cực có thể mang lại.
Đức Tổng Giám mục Fisichella giải thích: “Trong đại dịch, Thánh giá đã rõ ràng, bây giờ là lúc để cho ánh sáng phục sinh chiếu tỏa. Chúng ta phải trở thành nhân chứng của hy vọng, ra đi gặp gỡ người nghèo đang gõ cửa các cộng đoàn của chúng ta để mong có thức ăn nuôi sống bản thân. Đây không phải là một điều gì đó cường điệu, nhưng là một yêu cầu mà chúng ta có thể thực hiện để trở thành một dấu hiệu cụ thể của sự gần gũi”. Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng kết luận: “Đó là một câu hỏi củng cố ý nghĩa hiệp thông và liên đới, như sách Công vụ đã nói với chúng ta: Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung”.
Được kêu gọi cùng nhau suy tư về những thách đố do đại dịch gây ra
Đức Tổng Giám mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Moscow, nhắc lại rằng, tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan đến đại dịch “đã làm nổi bật sự mất cân bằng những vấn đề quốc tế và xã hội, để khắc phục điều này, hơn bao giờ hết, cần các chứng tá và hành động của các Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta được kêu gọi suy tư về những thách đố mà chúng ta phải giải quyết, để bằng cách hợp lực, trong những tháng khó khăn sắp tới chúng ta có thể đóng góp vào việc khai triển các giải pháp phù hợp”.
“Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chung của chúng ta là tạo động lực mới cho sự hợp tác của các Giáo hội trong lĩnh vực phục vụ xã hội. Theo Thánh Tông đồ Phaolô, bác ái không bao giờ hết. Đối với chúng ta, những lời này phải trở thành mệnh lệnh; một mệnh lệnh giải thích tính khẩn cấp của sự phát triển hợp tác của chúng ta, bất chấp những điều kiện khó khăn bên trong cũng như bên ngoài. Tôi hy vọng hội nghị sẽ trở thành một bước tiến quan trọng nhằm hiểu được những thách đố mà chúng ta phải cùng nhau ứng phó trong tình hình hiện nay”.
Nguồn: vaticannews.va/vi