Trong khi Tông huấn Amoris Laetitia –sau gần một năm được ban hành– vẫn còn gây ra những tranh luận sôi nổi trong Giáo hội liên quan đến việc giải thích Tông huấn này, các giám mục Đức tái khẳng định trong một văn bản công bố hôm 01 tháng Hai vừa qua, việc các đôi vợ chồng đã ly dị và tái hôn có thể lãnh nhận bí tích trong một số trường hợp và sau một thời gian phân định.
Hàng giáo phẩm Đức, với chủ tịch là Đức hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục München và Freising, đồng thời là thành viên của Hội đồng Hồng y tư vấn, là một trong những Hội đồng Giám mục, cùng với các giám mục Argentina của vùng Buenos Aires và các giám mục Malta, cùng đưa ra ý kiến về Tông huấn Amoris Laetitia, kết quả của hai Thượng Hội đồng Giám mục.
Bản hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Đức được công bố cùng ngày với bài phỏng vấn Đức hồng y Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đăng trên nguyệt san “minh giáo” Il Timone của Italia. Trong bài phỏng vấn này, Đức hồng y Müller cảnh báo những “giải thích nhầm lẫn” của một số giám mục về Tông huấn Amoris Laetitia, đặc biệt trong những gì liên quan đến những người ly dị và tái hôn.
Không ngả theo bốn vị hồng y bất đồng đã nêu ra 5 “dubia” đối với Amoris Laetitia, và vẫn giữ khoảng cách với họ, nhưng vị Bộ trưởng bảo vệ đức tin cũng đi ra ngoài lối đọc Tông huấn vốn được chính Đức giáo hoàng và Toà Thánh ủng hộ.
Không có quy tắc chung cũng như tính máy móc
Trong một tài liệu nhan đề “Niềm vui của tình yêu trong gia đình cũng là niềm vui của Giáo hội: Dẫn vào một nền mục vụ đổi mới về hôn nhân và gia đình trong ánh sáng của Amoris Laetitia”, được Ban Thường vụ phê chuẩn ngày 23-01 và công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục Đức ngày 01-02, các giám mục Đức đưa ra những hướng dẫn về việc “chuẩn bị hôn nhân”, “đồng hành với các đôi vợ chồng” và “củng cố gia đình như một nơi rèn luyện đức tin”.
Các ngài cũng dành phần thứ tư và là phần cuối của Bản hướng dẫn để nói về việc “Đối phó với tính mong manh”.
“Mặc dù đôi vợ chồng rất có thiện chí, mặc dù đã chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng, đôi khi các mối quan hệ cũng bị đổ vỡ”, các ngài lưu ý, đồng thời nhấn mạnh đến nỗi đau khổ mà sự đổ vỡ ấy gây ra cho đôi vợ chồng và con cái của họ.
Trở lại vấn đề lãnh nhận bí tích đối với những người ly dị và tái hôn về mặt dân sự, một chủ đề đã được thảo luận nhiều lần và nhiều cách khác nhau trong hai khoá họp của Thượng Hội đồng về gia đình, Bản hướng dẫn viết: “Các giám mục thấy không có một quy tắc chung nào và không có sự máy móc nào. Theo các giám mục, phải có các giải pháp riêng biệt cho từng trường hợp”.
Các giám mục Đức nhấn mạnh: chú thích nổi tiếng ở cuối trang 336 của Chương 8 Tông huấn cho thấy rằng có thể có những hiệu quả bí tích “khác nhau” cho các hoàn cảnh khác nhau tuỳ theo “lỗi” trong việc đổ vỡ hôn nhân.
Đưa ra những tiêu chuẩn để phân định
Các ngài nhắc lại rằng có “những giải pháp khác biệt”, trong đó có việc công nhận tính vô hiệu của hôn nhân, và các ngài khuyến khích các tín hữu đang “hồ nghi về tính hợp lệ của hôn nhân của mình hãy đến với các thẩm phán của Toà án Giáo hội để xét xem cuộc hôn nhân mới ấy trong Giáo hội có được phép hay không”.
Nếu không, các giám mục cũng nêu rõ chú thích số 351 của Tông huấn về “tiến trình phân định được một mục tử đồng hành”.
“Khi kết thúc tiến trình thiêng liêng như vậy – vốn luôn dẫn đến việc hội nhập-, không phải đương nhiên sẽ lãnh nhận bí tích sám hối và bí tích Thánh Thể. Quyết định cá nhân về việc không hoặc chưa sẵn sàng nhận các bí tích ấy trong các trường hợp riêng biệt, phải được tôn trọng và quan tâm. Nhưng một quyết định lãnh nhận các bí tích ấy cũng phải được tôn trọng”, các giám mục Đức viết trong Bản hướng dẫn.
Trung thành với Tông huấn, Hội đồng Giám mục Đức mong muốn vừa tránh được “thái độ quá dễ dãi, không xem xét kỹ lưỡng việc đồng hành, phân định và hội nhập” vừa tránh được “thái độ nghiêm khắc, quyết định phán xét vội vàng những con người ở trong những hoàn cảnh bất thường”.
Bản hướng dẫn xác định: “Thay vì những thái độ cực đoan này, việc phân định (tiếng Latinh: discretio) phải thông qua một cuộc đối thoại cá nhân”. Và “nhiệm vụ của chúng ta là huấn luyện lương tâm các tín hữu cách chu đáo. Để được như vậy, điều cần thiết là phải đưa ra các tiêu chuẩn cho các vị mục tử của chúng ta. Các tiêu chuẩn huấn luyện lương tâm này đã được Đức giáo hoàng đề ra toàn bộ trong Amoris Laetitia một cách tuyệt vời”, các giám mục quả quyết bằng cách trích dẫn các số từ 298 đến 300 của Tông huấn.
(Marie Malzac, La Croix)