Hy vọng và dấn thân để tin tưởng nhau hơn

Thế gian này với bao nhiêu chuyện: chuyện trên trời, chuyện dưới đất; chuyện đời, chuyện người. Kẻ khóc người cười, sinh ra chết đi… thật kể chẳng hết!

 

 self-belief.jpg 

 

 

Nghĩ tới mình, thân phận cũng chỉ là hạt cát li ti giữa biển đời có khi chìm ngập trong mặn chát và lạnh lẽo, hoặc có khi may mắn ra thì được sóng đánh dạt vô bờ để thưởng thức sự ngọt ngào của gió, ấm áp của ánh dương. Cả đời, bị sóng biển đời đẩy lên xô xuống khiến tôi càng ngày càng nhỏ đi và mòn dần nhưng tôi cũng thấy mình có vẻ ngày càng được thanh thoát và nhẵn nhụi hơn. Kể cũng đáng cho kiếp người!

 

Nhưng kiếp người ấy sẽ thú vị hơn nếu như ta được liên kết với những ai khác trong sợi dây tuy mảnh mai nhưng vô cùng quý giá, đó là niềm tin tưởng. Ai sẽ cho tôi niềm tin ấy nếu tôi không biết khởi đi bằng việc mình tin tưởng vào chính mình và tin tưởng người khác?!

 

Khi được sinh ra, tôi sống trong một gia đình nhỏ bé giữa một cộng đồng rộng lớn. Niềm tin cũng khởi đi từ việc tin tưởng nơi các thành viên trong gia đình. Nhờ đó, tôi vươn tới việc đặt để niềm tin tưởng nơi những người hàng xóm láng giềng. Xa hơn nữa, khi đi tới những môi trường sống mới như nhà trường, cơ quan, xí nghiệp…các tương quan của tôi trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Khi đó, niềm tin là một trong yếu tố cần (mặc dù chưa đủ) để duy trì các tương quan ấy bởi ai ai cũng thừa nhận: để có thể sống và xây dựng tương quan với nhau, để đạt được lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần thì con người cần tin tưởng nhau. Tương quan bạn bè thầy cô có thực sự trở nên động lực cho sự phát triển nhân cách của từng thành viên trong lớp, trong nhóm hay không; sự phát triển của các doanh nghiệp có bền vững hay không thì niềm tin tưởng nơi các thành viên dành cho nhau chiếm một vị trí vô cùng quan trọng và nó lệ thuộc vào mức độ tin tưởng họ dành cho nhau.

 

Nói về mức độ của niềm tin trong các tương quan trên cũng có nhiều dạng: cảm tính, lý tính và đặc biệt hơn cả là đức tin. Đó cũng là cách mà triết gia hiện sinh Soren Kierkegaard ông sử dụng để mô tả chuyển động của bản ngã con người từ một bình diện tồn tại sang một bình diện tồn tại khác bằng một hành vi của ý chí, một hành vi chọn lựa[1] gồm các giai đoạn: thẩm mỹ, đạo đức và tôn giáo. Tuy nhiên, do giới hạn của thời gian và kiến thức, bài viết này chỉ bàn tới hai cấp độ mà thôi: cảm tính và lý tính.

 

Trước hết, nói về việc tin theo cảm tính có nghĩa là tin và hành động theo cảm xúc. Lúc này, ta bị cho phối bởi các giác quan, động lực cho họ tin là lợi ích thoả mãn hưởng thụ khoái lạc cảm giác[2]. Chẳng hạn như chuyện một cô gái sau khi nghe những lời đường mật, hứa hẹn đầy quyến rũ của một anh chàng đẹp trai thì tin rằng anh chàng mà cô thích có tình cảm với cô[3], cô tin tưởng anh và có thể sẵn sàng làm tất cả cho người mình yêu. Nhưng tình yêu ấy không bền vững bởi nó mới chỉ dừng lại ở mức độ cảm xúc thấy thích thì yêu chứ chưa thực sự đi vào tình yêu sâu xa. Sáng yêu chiều ghét là vậy! Đó là kiểu niềm tin theo cảm tính, nó thiếu đi sự suy xét và cân nhắc bởi lý trí của chủ thể với đối tượng mà mình đặt để niềm tin. Nhiều người coi đó là niềm tin mù quáng bởi lý trí đã bị đánh gục bởi sức mạnh của các giác quan và cảm xúc. Đó là một trong những lý do khiến cho niềm tin kiểu này có giá trị thấp, yếu và dễ vỡ vì sự bất thường của cảm xúc vẫn diễn ra theo kiểu nắng mưa. Nó khác với cấp độ niềm tin theo dạng lý trí dưới đây cái mà Kierkegaard coi nó tương ứng với giai đoạn thứ hai: giai đoạn đạo đức.

 

Niềm tin theo lý tính: tin tưởng theo kiểu này thường đòi hỏi có những lý chứng thuyết phục của người tin. Họ nhận ra và chấp nhận những quy tắc hạnh kiểm mà lý trí đưa ra. Họ có lập trường vững chắc về các vấn đề đạo đức và tin rằng biết cái tốt là làm cái tốt[4].Đơn cử như khi ta giao một việc cho một anh công nhân, nếu như anh ấy hoàn thiện rất tốt công việc thì khi ấy, niềm tin bắt đầu khởi phát nơi ta dành cho anh ở một mức độ nào đó. Và nếu như những công việc về sau ta giao cho anh đều được thực hiện một cách tốt đẹp thì niềm tin của ta dành cho anh ngày càng nên lớn mạnh. Từ đó, ta có cơ sở để tiếp tục giao cho anh những trách vụ quan trọng hơn. Nếu ta so sánh với niềm tin cấp một ở trên thì niềm tin cấp hai này có đặc tính bền vững hơn vì sự tri nhận và xác định của lý trí. Trong khi niềm tin ở cấp độ cảm tính hay thay đổi thì niềm tin ở cấp độ này đòi hỏi một sự trung tín[5]. Tuy nhiên, nếu một khi cấp độ niềm tin này bị đổ vỡ hay bị phản bội thì sẽ khó biết bao ta mới có thể lấy lại niềm tin ấy. Quả thực, sự tin tưởng, một khi đã mất đi thì không hề dễ dàng để lấy lại, có thể cần đến một năm nhưng cũng có thể cần cả cuộc đời! – (J.E.B. Spredemann).

 

Với tôi, khi người ta tin ai, họ cũng luôn gửi gắm một tình cảm nào đó. Kể như chuyện khi tôi tin vào một người bạn thì khi đó, tôi dành cho người bạn ấy một chỗ trong trái tim tôi. Càng tin nhiều tình cảm của tôi dành cho người ấy ngày càng lớn. Nhưng một khi tôi không tin người bạn đó nữa thì anh ta chẳng có vị trí nào trong tim tôi nữa. Có chăng là hình ảnh về một người phản bội. Đấy là chuyện của tôi, còn chuyện đời thì sao? Tôi sẽ nói về những nguyên nhân khiến niềm tin đang dần bị tẩy xoá trong xã hội ngày nay.

 

Nguyên nhân chính yếu đánh mất niềm tin nơi nhau đó là sự đổ vỡ về giá trị và ích lợi của cá nhân và tập thể về phương diện vật chất và tinh thần trong các tương quan. Cụ thể hơn, sự bất công trong phân phối, trong hoán đổi giá trị và trong sửa phạt[6] đều là những nguyên nhân phát sinh sự bất mãn của các cá nhân trong gia đình và trong xã hội. Chính việc bất mãn mà không có lối thoát và sự bất lực trong việc tranh đấu dành lại lợi ích cho cá nhân và cho cộng đồng đều là những tác nhân huỷ diệt niềm tin nơi con người. Ví như chuyện người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm y dược, nếu bệnh của họ được chữa lành thì không sao nhưng nếu tiền vừa mất, tật vừa mang vào người thì thử hỏi làm sao người bán thuốc, nhãn hiệu thuốc còn chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng?! Hay những chuyện bất công nhan nhản trong xã hội như việc những COCC[7] được ưu tiên này nọ, thuận lợi trong mọi chuyện, chẳng ông nào dám đụng tới họ; trong khi ấy, những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất suốt tháng bán lưng cho trời nếu có chuyện gì đến các cơ quan chính quyền thì họ bị hạch sách, hạnh hoẹ “tới nơi tới chốn” khiến họ chạy lên chạy xuống mà chẳng được việc. Uất ức, bực mình mà chẳng làm gì được vì phận thấp cổ bé miệng. Thử hỏi như vậy thì làm sao họ còn có thể tin vào cái chế độ thối nát này nữa khi cái thứ văn hoá “phong bì”, văn hoá “anh – chị, một người làm quan cả họ hưởng nhờ” thống giữ. Dân họ biết hết, họ bất mãn lắm nhưng họ bất lực. Đau lắm! mà chẳng làm gì được bởi họ đã mất niềm tin vào cái xã hội kiểu này. Là người mà không sống cho ra người khi để cho lạc thú, tiền bạc, danh vọng quyền lực dẫn lối để rồi đi bắt nạt ức hiếp những phận cò, thân sếu mỏng manh trong xã hội. Rồi một cái thứ văn hoá nữa nó nảy sinh từ đây: văn hoá “giả”. Người giả, việc giả và đủ thứ giả khác, “ngôn” nổ thì to mà “hành” thì chẳng đi tới đâu, nói một đằng làm một nẻo bất nhất trong lời nói và hành động. Rồi cả cái thói chặn đầu, chặt đuôi ngay cả với những quỹ tình thương để giúp những người tàn tật, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào lũ lụt – những kẻ vẫn ăn thịt uống máu ngậm mồ hôi người khác mà mặt cứ tỉnh bơ, lạnh như tiền – thật đáng thương thay!? Tôi thương cho cả “người bị đấm và kẻ được ăn xôi”.

 

Từ đó, như một hệ luỵ tất yếu nảy sinh trong gia đình, trong xã hội đó là những thành kiến, những hoài nghi ngay giữa các thành viên với nhau, niềm tin cộng đồng bị phá vỡ. Trong các gia đình chuyện cha không tin con, cháu không kính bà, con dâu cãi mẹ chồng… là những chuyện quá phổ biến. Ngoài xã hội, người này gạt người kia, trò đánh lại thầy, cấp trên ức hiếp cấp dưới cũng nhan nhản chẳng kém…Vậy, xã hội tất loạn khi mà nó chạy theo một lối sống đề cao vật chất tiền tài danh vọng và hưởng thụ ; nó chẳng còn xét đến công bằng và tình thương trong xã hội. Con người ngày càng thờ ơ và dần mất cảm thức với các giá trị đạo đức luân lý truyền thống[8] để suy tôn chủ nghĩa cái tôi, đứa nào mạnh đứa đấy sống!? Đây là mối nguy hại nhất cho xã hội!

 

Như vậy, phải chăng là ta tuyệt vọng hoàn toàn trước cái cảnh giả tạo ấy? Tôi tin chắc một điều, thời gian có thể vẫn cứ trôi nhưng tình người sẽ còn mãi bởi không có ai xấu hoàn toàn; bởi Thượng đế vẫn tin tưởng nơi tôi và nơi bạn vì Ngài vẫn cho tôi và cho bạn thời gian. Thời gian để suy xét, để ngẫm nghĩ để có thể quay đầu là bờ. Thời gian để cho ta sống, tin tưởng và dấn thân cho những điều tốt đẹp, thánh thiện và rất con người. Tôi tin tưởng, tôi hi vọng và tôi hành động vì điều đó. Kể từ đây, tôi và bạn cũng hãy bắt chước Thượng đế, để biết tin tưởng vào mình và vào người khác. Hãy cho mình và cho người thời gian để thay đổi, để đổi mới, để sống cho những điều cao quý hơn. Khi ấy ta sẽ tìm thấy sự ngọt ngào của gió, ấm áp của ánh dương, ta sẽ tìm thấy bình an, hạnh phúc và thanh thản như hạt cát li ti kia đang trải mình hưởng nắng hưởng gió với những người bạn của nó trên dải cát mênh mông và vô tận, được liên kết với nhau trong niềm tin tưởng và bác ái. Đó là phần thưởng mà Thượng đế ban tặng cho nhân loại. Hãy tin tưởng tôi, bạn và mọi người có thể làm được điều đó. Đó là điều tôi tin và hi vọng cho mình và cho thế giới hôm nay.

 

Giuse Nguyễn Văn Lương, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

dongten.net 17.06.2015

 

 

[1] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy chuyển ngữ, NXB Lao Động, tr. 384.

[2] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy chuyển ngữ, NXB Lao Động,tr. 384.

[3] Kiểu tình yêu sét đánh.

[4] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy chuyển ngữ, NXB Lao Động, tr. 385

[5] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh, NXB Văn học, tr. 91

[6] Quan điểm của Plato về công bằng, nguồn tra cứu chưa rõ.

[7] Con ông cháu cha!

[8] Chữ Hiếu, chữ Lễ trong các tương quan của con người.