Các bí tích hoặc phép lành khi được ban cho người không còn ý thức liệu có hiệu lực không? Có thể xức dầu cho bệnh nhân trong tình trạng hôn mê không?
H: Các bí tích hay phép lành được ban cho một người không còn ý thức như vậy có giá trị không? Nếu một người đang hôn mê hoặc ở trong trạng ái an thần, linh mục có thể ban bí tích xức dầu cho bệnh nhân này không? Bệnh nhân có được tha mọi tội của mình, như thể đã được xưng tội, nếu gia đình xin điều đó khi biết rằng điều này đáp ứng ước muốn của bệnh nhân?
Cha Valerio Mauro, giáo sư thần học bí tích, trả lời.
Câu hỏi của độc giả có thể làm nảy sinh một số quan điểm khác nhau liên quan đến việc giải thích và trả lời. Chúng ta có thể phân biệt giữa tình trạng có thể và thời cơ ban các bí tích hoặc phép lành cho những người không có khả năng hiểu hoặc tham gia tích cực các nghi thức.
Điểm xuất phát có thể là những điểm nhấn khác nhau mà các thần học gia đương đại trình bày liên quan đến việc xức dầu cho bệnh nhân. Theo quan điểm bí tích xức dầu được ban cho một tín hữu đang lâm bệnh, nó làm nổi bật tình trạng hiện sinh của người đó. Tuy nhiên, quan điểm khác, việc xức dầu cho một bệnh nhân thuộc về Giáo hội, nó nhấn mạnh đến chiều kích Giáo hội. Rõ ràng cả hai quan điểm bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau, nhưng đồng thời cả hai quan điểm khác nhau về diễn giải.
Nếu chúng ta đặt tình trạng hiện sinh của con người lên hàng đầu, đang trong trạng thái hôn mê hoặc an thần, chúng ta sẽ phải đối mặt với việc không thể tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với nghi thức, thay vào đó chúng ta cần phải theo ý hướng [mens] của phụng vụ. Điều này không có nghĩa là nghi thức ban phép lành hay xức dầu tự nó mất giá trị. Đức tin công giáo được định rõ tại Công đồng Trentô, xác nhận rằng nghi thức bí tích có hiệu quả đối với những người “không bị ngăn trở”. Cụm từ đặc biệt này, trong tiếng latinh là “non ponentibus obicem”, đã được đưa vào trong quá trình thảo luận về văn bản để khẳng định tính hợp lệ, thậm chí cho cả việc rửa tội cho trẻ em. Nhưng ơn sủng thiêng liêng của bí tích đạt đến sự trọn vẹn của nó trong việc đáp trả đức tin của người tín hữu. Và chúng ta không thể biết đâu là nhận thức thực sự có được trong một vài tình huống của cuộc sống.
Chính ơn tha tội trong giờ lâm tử [in articulo mortis] được truyền thống dạy rằng nó giống như cử chỉ cuối cùng của lòng thương xót dành cho người hấp hối. Trong mầu nhiệm xoay quanh những giây phút cuối cùng của sự sống, không phải chỉ chắc chắn có thể, mà còn thích hợp theo luận lý của đức tin là để đồng hành với người tín hữu bằng những cử chỉ mà Giáo hội ban cho chúng ta.
Ở đây chúng ta chuyển sang quan điểm thứ hai, chiều kích Giáo hội, nghĩa là nói về mối dây liên hệ, đối với toàn bộ những gì có liên can đến bệnh nhân. Mỗi cử chỉ bí tích luôn là cử chỉ thuộc Giáo hội. Chúng ta phải xóa bỏ luận lý chủ nghĩa cá nhân và riêng tư đang được trình bày như một sự cám dỗ tinh vi của thời hiện đại.
Nghi thức bí tích đối với người tín hữu không còn ý thức, được cử hành trước mặt anh chị em tín hữu đang vây quanh người bệnh trong đau đớn có giá trị quan trọng đối với Giáo hội.
Đó cũng là dịp để truyền giáo, giúp cho những người tham dự hiểu rằng bí tích có thể được cử hành theo cách đầy đủ hơn, xứng đáng hơn và rút ra được nhiều lợi ích đối với trường hợp khác. Vì thế để trả lời cho câu hỏi của độc giả, ở đây cần phải được mở rộng hơn bằng một khẳng định đơn giản. Tùy thuộc vào khả năng của thừa tác viên chọn lựa nơi các trường hợp này cơ hội để vượt qua một cử hành thuần túy và thể hiện đầy đủ giá trị mà mọi phép lành hay bí tích có thể đạt được : đó là một cuộc gặp gỡ tự do giữa ơn sủng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa và sự tiếp nhận có ý thức của người tín hữu. Trong cuộc gặp gỡ này, ân sủng sung mãn của Chúa Thánh Thần đạt được hiệu quả tích cực.
Ricardo Bigi/tocscanaoggi.it
Võ Tá Hoàngchuyển ngữ
(gpquinhon.org 30.07.2020)